Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó là nghệ thuật"

Đề bài: Bàn về thơ, nhà phê bình văn học Bi-ê-lin-xki( 1811- 1848) cho rằng: "Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó là nghệ thuật". Em hãy nêu suy nghĩ về câu nói trên.
Bài làm
Nghệ thuật là một mảnh đất màu mỡ, phong phú nhưng mỗi tác giả phải lao động, đào xới thì mới mong thu được thành quả. Thơ là nghệ thuật, thơ nằm trong mạch nghệ thuật, khiến nghệ thuật chẳng thể đẹp đẽ, tròn trịa nếu thiếu thơ. Nếu như nhà thơ không thực sự sống, cống hiến thì văn thơ chỉ là những nét chữ thẳng băng trên trang giấy. Bàn về thơ, nhà phê bình văn học người Nga Bielinxki cho rằng:”Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”.
Thơ là thành quả của sáng tác văn học phản ánh cuộc sống. Thơ là tiếng nói tâm hồn, thuộc phương diện trữ tình. Thơ lấy điểm tựa là thế giới nội tâm của nhà thơ, những rung động mãnh liệt của trái tim người nghệ sĩ trước cuộc đời, cảm xúc đóng vai trò quyết định làm nguồn cội của mọi sự sáng tạo nghệ thuật. Nhà thơ Đuy Blây cho rằng: “Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim”. Cũng như văn học, thơ phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nhưng không phải xây dựng từ óc quan sát, tư duy logic, thơ gắn liền với cảm xúc và tâm hồn. Thơ luôn tìm về với cuộc sống, thơ ở trong cuộc sống nên “ nhà thơ tuy chẳng muốn, cũng thấy mình bị ràng buộc vào cuộc biến chuyển của lịch sử” – Saint John Perse đã viết. Như vậy cho dù ý thức hay vô thức, thơ vẫn chảy trong biển lớn cuộc đời và nhà thơ không thể đứng ngoài dòng chảy ấy. Hơn ai hết, họ phải là người cảm nhận cuộc sống mãnh liệt nhất, sâu sắc nhất. Thơ bắt nguồn từ cuộc sống, mang bóng hình cuộc đời, con người, chứa đựng tâm tư, tình cảm, ước mơ, khát vọng, ưu tư, phiền muộn… Thơ không thể tách rời cuộc đời mà cuộc đời truyền nhựa sống mãnh liệt cho thơ, thơ nở hoa làm đẹp cuộc đời. Thơ ca là cuộc đời nhưng thơ ca không phải là những trang giấy in nguyên vẹn cuộc đời mà nhà thơ như con ong hút tinh túy của cuộc đời. Nghệ sĩ tìm đến cuộc đời, chắt lọc tinh túy nhất để làm nên những vần thơ có giá trị, làm rung động lòng người. Thơ ca trước hết là cuộc đời nhưng chưa phải tất cả, bởi nhờ cuộc đời, ta sẽ bước vào lãnh địa của nghệ thuật. Như Sóng Hồng đã nhận định: “Thơ là viên kim cương lấp lánh dưới ánh mặt trời”. Thiếu nghệ thuật, bài thơ như một viên ngọc thô chưa được mài dũa, không thể khơi gợi trái tim con người những rung động sâu sắc. Thơ khi ấy chỉ như một khối chữ trên trang giấy. Thơ như một cánh diều, muốn cánh diều bay cao, bay xa thì cảm xúc của người nghệ sĩ phải được đẩy lên tột cùng của sự thăng hoa, khi ấy người nghệ sĩ phải thực sự sáng tạo. Sáng tạo thi ca là một quá trình phức tạp. Như một ngọn nến, thi nhân tự đốt cháy tâm hồn mới mong thơ tỏa sáng giữa cuộc đời. Vì “ thơ là kết tinh, thơ là ngọc đọng, thơ là phiến kỳ nam trong rừng trầm hương, thơ là hạt minh châu trong biển hạt trai, thơ là tinh hoa trong vườn phương thảo”. Để làm được điều đó, người nghệ sĩ trong hành trình sáng tạo phải nhạy bén để nhận mọi tín hiệu, mọi làn sóng để phát đi tiếng nói duy nhất đúng đắn, sâu sắc. Người nghệ sĩ cũng phải biết rung cảm trước cuộc đời. Nhà thơ Lê Quý Đôn khẳng định: “ Thơ khởi phát từ trong lòng người”. Gốc của văn chương nói chung, thơ ca nói riêng là tình cảm, nghĩa là người nghệ sĩ phải rung cảm trước hiện thực đời sống thì mới sáng tạo nên nghệ thuật. Một đòi hỏi không thể thiếu đối với người nghệ sĩ chính là phong cách nghệ thuật độc đáo. Bởi đặc trưng của văn học là sự sáng tạo và có tính chất cá thể. Nếu cá tính nhà văn mờ nhạt không tạo ra tiếng nói và giọng điệu riêng thì đó là sự tự sát trong văn học. Nhà văn Ivan Sergeyevich Turgenev khẳng định: “ Cái quan trọng trong tài năng văn học là giọng điệu riêng biệt của chính mình, không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì người nào khác”. Phong cách nghệ thuật có cội nguồn từ cá tính sáng tạo của nhà văn, là sự hợp thành của thế giới quan, tâm lí, khí chất và cá tính sinh hoạt, đôi khi phong cách nghệ thuật cũng mang dấu ấn dân tộc, phong cách thời đại. Đối với độc giả, để đánh giá một tác phẩm, ta không chỉ chú ý đến ngôn từ mà còn khám phá ra chiều sâu tư tưởng, tình cảm mà nhà thơ gửi gắm để cảm nhận, rung cảm trước cuộc đời, trước vẻ đẹp của thơ ca người nghệ sĩ. Nếu tác phẩm hội tụ đầy đủ các yếu tố giá trị của văn chương đối với cuộc đời ấy là vẻ đẹp chân- thiện- mỹ và giá trị nhân bản, thì tác phẩm đã trở thành một tác phẩm chân chính. Nhà văn là người cho máu. Văn chương phải xuất phát từ sự yêu thương, đồng cảm giữa con người với con người, tình cảm càng sâu sắc, tác phẩm càng có giá trị.


Nhắc tới thơ với cuộc đời và nghệ thuật, nếu không kể tới “ Truyện Kiều” của Nguyễn Du quả là một thiếu sót lớn. Truyện Kiều đặc biệt ở chỗ không kể riêng lẻ cuộc đời của một người nào đó mà kể về cả một xã hội loài người. Xã hội trong “ truyện Kiều” là xã hội hiện thân thu nhỏ của xã hội đương thời- xã hội của đồng tiền. Nguyễn Du đã đề cập đến hai mặt tốt – xấu của đồng tiền. Đại thi hào không có thái độ một chiều hoặc cực đoan khi nói đến đồng tiền, ông đã sáng suốt phát hiện ra tác dụng tích cực của đồng tiền cũng như tác hại ghê gớm của nó thông qua hai tuyến nhân vật chính diện và phản diện. Nguyễn Du đã thẳng tay vạch mặt bọn mặt người dạ thú, vì đồng tiền mà bán rẻ nhân cách, bán rẻ lương tâm. Đó là kẻ bán tơ đã vu oan cho gia đình nhà Kiều để Vương Ông và Vương Quan bị bắt; là lũ sai nha tàn bạo đánh đập cha con Vương Ông. Ta thấy trong Truyện Kiều quyền lực lớn nhất tập trung vào bọn quan lại trong xã hội phong kiến, Nguyễn Du cũng cho thấy cái xấu xa của bọn quan lại không phải là hiện tượng mà là bản chất. Việc vu oan của tên bán tơ chỉ là cái cớ cho bọn sai nha có dịp đi cướp bóc, hành hạ người khác. Khi kéo về cửa quan thì quan cũng chẳng hơn gì bọn sai nha. Viên quan ở đây đúng là một thứ “cướp ngày”, xử kiện chẳng cần biết phải trái, thực hư, chỉ cần khảo tra cho ra tiền: “Có ba trăm lạng việc này mới xong.” Đó là tên buôn người Mã Giám Sinh lừa gạt, đểu cáng, mượn danh nghĩa đi cưới vợ; là mụ Tú Bà chủ lầu xanh, chuyên kiếm chác tiền bạc trên thân thể, nhân phẩm của người phụ nữ; là tên ma cô Sở Khanh tráo trở, nhâng nháo, vô liêm sỉ, chỉ vì tham tiền mà sẵn sàng làm tay sai cho Tú Bà để lừa gạt Thúy Kiều, buộc nàng phải tiếp khách làng chơi. Đó còn là lũ côn đồ Ưng, Khuyển chuyên sống bằng nghề đâm thuê chém mướn, bắt cóc, đốt nhà… không ghê tay. Nguyễn Du đã lớn tiếng tố cáo chế độ xã hội lúc bấy giờ trong truyện Kiều với đồng tiền như một con quỷ dữ khiến cho con người ta quên đi bản thân, quên đi cái lương tâm, nhân cách của con người. Đồng tiền và xã hội ấy đẩy gia đình Thúy Kiều vào cảnh cùng đường, khiến nàng Kiều phải bán mình chuộc cha. Chính vì thế nàng càng trân trọng đồng tiền hơn. Nhưng ở đâu đó trong xã hội đồng tiền ấy vẫn còn ẩn hiện tình người. Đó là tình yêu đôi lứa thủy chung, son sắt của Kim Trọng và Thúy Kiều. Đó cũng là chữ “ hiếu” mà Kiều đã bán mình để trả. Là tình cảm giữa Từ Hải và nàng Kiều như tri âm, tri kỉ; là tình người với sư Giác Duyên, sư Tam Hợp,… Có thể thấy, truyện Kiều là bức tranh xã hội thu nhỏ mà đầy đủ của mọi loại người lúc bấy giờ, bức tranh ấy với những sắc màu khác nhau tô đậm nét vào văn thơ và phong cách của Nguyễn Du. Đặc biệt ở chỗ với 3254 câu, tác giả đã khéo léo sử dụng thể thơ lục bát đậm đà sắc thái dân tộc, gieo vần độc đáo cùng những nhân vật điển hình của mọi tầng lớp lớn nhỏ trong xã hội. Từ tầng đáy của xã hội là Sở Khanh chuyên lừa lọc với “ nghề làm chồng gái lầu xanh” cho tới những viên quan, những người có chức có quyền trong xã hội đương thời. Nguyễn Du như lay động, chạm khẽ mà sâu sắc tới những trái tim biết rung động, khiến cho độc giả cứ ngỡ mình sống trong truyện Kiều và chứng kiến toàn bộ cuộc đời của nàng Kiều vậy. Chẳng vậy mà Nguyễn Du xứng đáng là đại thi hào của dân tộc, là danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại.
Quả thực thi nhân là người nhạy cảm hơn ai hết trước mọi sự biến chuyển của cuộc sống, của thời đại. Thi nhân là người truyền đi mọi làn sóng nghệ thuật mãnh liệt nhất làm cho người ta biết yêu từ những điều nhỏ bé nhất tới những thứ lớn lao, cao cả. Tác phẩm thể hiện đầy đủ tâm hồn nhạy cảm, tinh tế ấy không thể không kể tới “ Vội vàng” in trong tập Thơ thơ của nhà thơ Xuân Diệu. Với “ vội vàng” nhà thơ Xuân Diệu như cho ta sống, sống một cuộc sống thực sự: sống vội vàng. Sống “ vội vàng” không phải là sống nhanh cho qua ngày tháng, mà theo quan điểm của tác giả: Sống “ vội vàng” là cuộc sống của một tấm lòng tha thiết với cuộc sống, muốn sống vội để hưởng thụ mọi sắc hương của đất trời, muốn sống để yêu đời, yêu người, sống để cống hiến cho đời những mật ngọt tinh túy nhất. Chỉ khi sống như vậy mới thực sự là sống vì “ tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”. Con người vẫn luôn khát khao sống, khát khao yêu nồng cháy nhưng thời gian có hạn. Vạn vật chuyển biến, tuổi trẻ cứ vơi cạn đi theo năm tháng. Tác giả nuối tiếc, tiếc vì không được sống thêm không được nhiệt huyết hơn nữa. Có lẽ Xuân Diệu là một nhà thơ có cái nhìn chân thực và đầy mới mẻ về tuổi trẻ của con người. Có thể thấy, thơ Xuân Diệu đã thể hiện đầy đủ cái tôi của thời đại mới. Dường như cái tôi ấy là ý thức về giá trị nhân bản, nhân văn, quan niệm táo bạo đầy tính cách mạng trước những quan niệm cũ kĩ vốn cản trở việc giải phóng con người trước khao khát tự do. Đó cũng là sự tha thiết với cuộc sống, niềm vui trần thế, khao khát sống tự do mãnh liệt và tâm hồn cuồng nhiệt, rực lửa. Phong cách nghệ thuật ấy được thể hiện sâu sắc trong bài thơ như mở ra một thiên đường ngay trên mặt đất với cách so sánh liên tưởng độc đáo, mới mẻ: “ Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!” …, lối đảo ngữ tinh tế tới lạ, phép điệp và phép đối được phát huy triệt để trong cấu trúc câu thơ, các giác quan được huy động tối đa đưa tới những cảm nhận độc đáo, đặc biệt mà chỉ mình thơ Xuân Diệu mới có. Ông luôn tìm tòi, cảm nhận tỉ mỉ từng chút một trong cuộc biến chuyển của thời gian ấy làm cho độc giả như muốn sống cùng, hòa vào cùng nhịp sống “ vội vàng” ấy mà say, mà vui theo hương hoa của đất trời cũng bởi giọng thơ sôi nổi, rạo rực, đầy nhiệt huyết của nhà thơ.
Ý kiến của Bielinxki rất đáng để mỗi nhà thơ, độc giả thưởng thức thơ học tập và suy ngẫm. Thơ chẳng thể ở đâu xa, chẳng thể tìm kiếm đâu đó nơi mảnh đất mới mẻ nào đó, mà thơ chính là cuộc đời mà ta đang sống, đang đặt trọn tình yêu vào từng hơi thở. Thơ kì diệu và đáng quý vô cùng, khi nhà thơ cầm bút, không được phân biệt mình với cuộc đời, có như vậy thơ ca mới sống mãi với cuộc đời. Để làm nên những tác phẩm thơ chân chính, sống mãi với nghệ thuật, với cuộc đời thì tài năng và phong cách của nhà thơ luôn luôn trở thành cốt lõi. Thi nhân phải hòa vào cuộc đời, phải yêu cuộc đời, trân trọng nghệ thuật thì mới mong tồn tại và tỏa hương vào vườn hoa nghệ thuật. Độc giả cũng chẳng thể đứng ngoài cuộc đời ấy, họ phải là những người bạn tâm tình, thấu hiểu nhà văn, nhà thơ, phải sống trong cuộc đời và cảm nhận cùng tác giả những vẻ đẹp ấy.
Ý kiến của nhà phê bình văn học Bielinxki như mở ra một góc mới cho nghệ thuật, cho thi nhân và độc giả: cần phải sống trước đã rồi mới làm nghệ thuật. Khi ấy nhà thơ chính là con ong hút mật, chắt lọc tinh túy của cuộc đời, là đóa hoa hồng ngát hương trong vườn phương thảo làm đẹp cho cuộc đời. Nhà thơ – tác phẩm – độc giả có một sợi dây liên kết, làm lay động biết bao trái tim còn ngủ yên trước vẻ đẹp cuộc đời. Họ cảm nhận lẫn nhau, đồng hành và là người bạn tri âm, tri kỉ trên con đường xây dựng nghệ thuật. Chỉ khi tác giả và độc giả cùng cảm nhận, tác phẩm mới sống và làm đẹp hơn, tô điểm cho nền nghệ thuật độc đáo, phong phú mà mỗi tác giả chính là đóa hồng rực rỡ dưới nắng mai.
Nguyễn Khánh Linh
Lớp 11A1 – Trường THPT Hoàng Văn Thụ, Lục Yên. Yên Bá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ĐỀ: “Một vầng trăng in trong gương Vẫn là một vầng trăng. Vầng trăng qua lòng mắt người nghệ sĩ Có thể thành vô vàn nét đẹp.” (Theo Phạm T...