(Đề thi chọn HSG Văn toàn quốc năm học 1997 – 1998, Bảng B, Đề 1).
BÀI LÀM 1
Viết văn giống như công việc của một người thợ đấu. Người viết văn tựa như một tướng cầm quân. Đó là một quá trình “cắt xé tư tưởng và vật lộn với dòng tư tưởng”, đầy đau đớn và trăn trở. Cái đẹp được cô, được đúc từ những giọt đau giọt xót, để rồi cái đẹp lại “cứu rỗi thế giới” – một đầu là nỗi đau, một đầu là hạnh phúc. Đó là nhiệm vụ cũng là ý nghĩa cao cả của một nhà văn chân chính. “Nhà văn tồn tại ớ trên đời trước hết để làm công việc như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác và số phận đen đủi đồn đến chân tường (…) để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực ” (Nguyễn Minh Châu).
Một tác phẩm văn chương chân chính trước hết phải là sự thực ở đời, thậm chí hiện thực trong sáng tác văn chương còn cao hơn, thật hơn sự thật ngoài đời. Bởi hình tượng nghệ thuật phải là hình tượng điển hình, khái quát, khách quan của những cá thể, nhân vật của cuộc sống. Con người đọc những trang văn mà cũng như bắt gặp chính mình ở trong đó. Nhiệm vụ của người nghệ sĩ không phải là sao chép tự nhiên mà phải là biểu hiện sự tự nhiên. Thực tế cuộc sống phải là một cái gì đó lớn lao bén nhọn “phải được nén chặt, gọn mà nặng” (Nguyễn Quang Sáng), nhà văn phải có khả năng nắm bắt bản chất cuộc sống ở độ sâu tế vi nhất. Qua các tác phẩm văn chương, người đọc không chỉ nắm bắt được vấn đề xã hội, mà còn nhận ra tư tưởng, quan điểm, lập trường sáng tác của nhà văn. Còn gì đẹp hơn khi nhà văn viết về cuộc sống để ngợi ca con người? Văn chương thật lớn lao và đầy ý nghĩa khi đi sâu và khám phá từng cảm giác và suy nghĩ, thiên về chiều sâu của nội tâm. Để ta ỵêu quý và trân trọng những con người bình dị nhất. Để ta phải giật mình sửng sốt khi nhận ra vẻ đẹp lấp lánh ẩn chứa bên trong những hình hài tưởng như gàn dở, xấu xí. Đó là lúc nhà văn lí giải cuộc sống theo cách riêng của mình và được mọi người chấp nhận. Mỗi trang văn có sức khuấy động lòng người, khơi gợi những tình cảm thẩm mĩ tốt đẹp trong lòng ta. Viết về cái ác không phải để học tập mà giúp con người nhận ra bản chất, căm ghét, tránh xa, để hướng tới cái đẹp, cái cao cả. Nhà văn viết về cái ác không phải để con người xa lánh mà là thương xót, đồng cảm. Văn chương lúc đó gợi dậy khát khao cứu rỗi linh hồn, cảm hóa con người trong lòng độc giả. Đó chính là lúc độc giả trở thành người đồng sáng tác. Những dằn vặt, trăn trở, thậm chí là cả máu và nước mắt cho những thân phận xót xa, đầy đau khổ. Văn chương không đơn thuần là văn chương mà phải là những trang đời chứa đựng những triết lí nhân sinh cao cả. Nhà văn lúc đó trở thành nhà nhân đạo chủ nghĩa, luôn xót thương đồng cảm, thậm chí hướng tới khát khao, mơ cho con người một cuộc sống đẹp đẽ hơn, công bình hơn, bác ái hơn, Để những thân phận bi kịch nhất cũng được ấm lòng bởi tình thương sâu sắc. Để những con người “cùng đường tuyệt lộ” nhất cũng khao khát ước ao một giấc mơ hạnh phúc. Văn chương chân chính không chỉ chứa đẩy tình thương mà phải gợi lòng tin, bản lĩnh sống cho con người. Nó không chỉ đưa con người hướng tới cái đẹp mà còn tiếp thêm sức mạnh để con người hướng tới và hoàn thiện cái đẹp. Quan niệm của Nguyễn Minh Châu về nhiệm vụ của người nghệ sĩ đã đặt ra quan điểm về chức năng văn học một cách sâu sắc, đúng đắn với mọi thời đại và có xu hướng “vị nhân sinh” cao cả.
Trong trào lưu văn học hiện thực 1930 – 1945 không hiểu sao, mỗi lần đọc Chí Phèo của Nam Cao, người đọc lại không thể không trăn trở, day dứt về vấn đề con người và ý nghĩa xã hội trong tác phẩm. Mỗi trang văn cứ trở đi trở lại, càng đọc càng thấm, càng ngẫm càng sâu. Đã bao năm trôi qua, đã bao đời phân tích, đánh giá bình luận về tác phẩm. Nhưng chí Phèo không bao giờ trở thành vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” mà lại như viên ngọc càng mài càng sáng, có sức vang động đến muôn đời. Tại sao lại thế? Có phải vì ý nghĩa hiện thực sâu sắc trong tác phẩm? Hay do ngòi bút lạnh lùng, khách quan, tỉnh táo cùng bút pháp tài hoa, uyên bác của Nam Cao? Có lẽ, cái lớn lao sâu sắc nhất, cái tác động đến trực quan cũng như tư duy thẩm mĩ mạnh mẽ chính là cái “tĩnh” trong tác phẩm. Ở đó, Nam Cao đã dùng phép biện chứng tâm hồn để mà cảm, để mà hiểu. Nhà văn đã dùng chính tấm lòng trong sáng, ngây thơ, đáng quý mà cũng đầy xúc cảm của người nghệ sĩ để trò chuyện với tấm lòng luôn rỉ máu và nước mắt của thân phận bi kịch. Chỉ tấm lòng mới trò chuyện được với tấm lòng. Chỉ có cái tình sâu sắc và cái tâm cao cả mới có thể nối liền trái tim người nghệ sĩ với tâm hồn muôn người, muôn đời.
Ngay đầu tác phẩm, người ta lí giải được tại sao Chí Phèo lại bắt đầu từ tiếng chửi. “Hắn vừa đi vừa chửi… Bắt đầu chửi trời… Rồi hắn chửi đời… Tức mình hắn chửi cả làng Vũ Đại… Hắn nghiến răng mà chửi cái đứa nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng chí Phèo”. Cuộc đời bi kịch thế là dần dần mở ra. Người đọc không chỉ thấy bản chất lưu manh của tên Chí, mà có cảm giác băn khoăn, trăn trở, thậm chí xót xa cho hắn. Cuộc đời con người phải đắm chìm vào tìm ra căn nguyên bi kịch, căn nguyên nỗi đau con người. Đó là hình ảnh con người không tự ý thức được bi kịch của mình, không nhận ra mình là công cụ mà còn đồng tình trước sự tăm tối của chính thân phận. Cái nhìn hiện thực của nhà văn mang giá trị tố cáo và nhân đạo sâu sắc. Ngòi bút Nam Cao tựa lưỡi dao của nhà phẫu thuật hiện thực lách sâu vào căn bệnh nô lệ mù quáng. Nam Cao thương xót, đồng cảm cho con người chính là lúc nhà văn nhận ra nỗi đau đớn nhất của họ. Nhà văn muốn “nâng giấc, thức tỉnh con người” trước hết phải thấu hiểu sâu sắc bi kịch và hướng con người tới những tình cảm thẩm mĩ tốt đẹp. Chí Phèo muốn thức tỉnh trước hết phải hiểu được nỗi đau của mình. Nam Cao đã xây dựng được tiền đề để đưa Chí Phèo đến sự thức tỉnh, giúp người đọc tự hiểu sâu hơn. Nhiệm vụ của nhà văn với con người là thức tỉnh. Nam Cao thức tỉnh Chí Phèo hay là thức tỉnh chút lương tri còn ngủ quên đâu đấy trong lòng người. Giá trị nhân văn cao cả và ngòi bút chiến đấu thể hiện một cách mạnh mẽ. Điều đó được chứng tỏ khi lần thứ ba, Chí đến nhà Bá Kiến để đòi lương thiện. Tiếng kêu đòi lương thiện của Chí Phèo vang lên trong không gian nhà Bá Kiến chứ không phải bất cứ mệt nơi nào khác. Đó chẳng phải là dụng ý của Nam Cao sao? Đâu phải là vô tình, ngẫu nhiên? Nam Cao phát hiện ra bản chất sâu xa về căn nguyên nỗi đau con người, nên muốn nhân vật của mình tìm đến, đối diện với nó, để thức tỉnh, để đòi lương thiện. Nếu xét theo về quan niệm chức năng văn học và nhiệm vụ người nghệ sĩ của Nguyễn Minh châu, thì có thể coi sự nâng giấc của Nam Cao với “người cùng tuyệt lộ bị cái ác và số phận đen đủi dồn đến chân tường” là sự “nâng giấc” cao quý và thiêng liêng nhất. Bởi có ai có bi kịch như Chí Phèo. Bi kịch của Chí Phèo còn vượt qua bi kịch của thể xác, về miếng ăn, về cái đói mà Nam Cao vẫn thường trăn trở. Có còn con người nào cùng đường như Chí Phèo? Bị cả xã hội ruồng rẫy, bị cả những người cưu mang bỏ rơi? Có lẽ trong văn học trước đó và sau này, sẽ mãi mãi chỉ có một Chí Phèo bị tha hóa đến tận cùng, biến chất đến đau đớn. Nhưng cao quý ở chỗ, Nam Cao đã để cho con người – con quỷ ấy – thức tỉnh, thức tỉnh một cách thực sự. Sự thức tỉnh của một con quỷ mới là sự thức tỉnh đáng quý nhất. Nam Cao đã làm được điều ấy. Vậy sao nhiều lúc còn trách nhà văn khô cứng, lạnh lùng? Chỉ có cái tâm thì nhà văn mới thức tỉnh, hướng thiện con quỷ ấy. Thế nên mới có ý kiến cho rằng: “Chí Phèo thức tỉnh không phải nhờ Thị Nở mà do chính Nam Cao, chính cái tình của một người nghệ sĩ đã nâng giấc cho nhân vật của mình đến con đường đẹp đẽ một cách thuyết phục nhất”. Trong khám phá của Nam Cao, không có sự song hành giữa hai bên thiện – ác. Còn Bá Kiến, Chí Phèo mãi chỉ là bi kịch, còn Bá Kiến thì không ai trong làng Vũ Đại như Binh Chức, Năm Thọ, Chí Phèo được lương thiện. Tác phẩm Nam Cao thức tỉnh con người, chừng nào cái ác còn tồn tại thì cái thiện bị lấn át. Con đường đến nhà Bá Kiến không đơn giản là con đường đấu tranh giữa cái thiện – cái ác mà là con đường đang đến dần sự ý thức con người của Chí. Bước chân đến nhà Bá Kiến, vì thế, không ngẫu nhiên, không còn là cảm tính mà là lí tính, tự giác chứ không phải là tự phát. Đó là bước chân của ý thức đang dần được giác ngộ mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ phong kiến. Có thể Chí Phèo chết là sự trả giá tất yếu nhưng xét đến cùng, đó mới thực sự là thức tỉnh số phận con người trong tinh thần mạnh mẽ quyết liệt. “Tao muốn làm người lương thiện”. Hai tiếng “lương thiện” mới cao quý làm sao, nhưng cũng có thể rất bình dị, giản đơn. Nhưng sao với Chí Phèo lại quá xa xôi, thậm chí là siêu tưởng. Anh Chí ấy đã từ tác phẩm bước ra sống ngật ngưỡng giữa cuộc đời. Bởi tuy chết, nhưng cái lương thiện tưởng như còn sót lại của Chí thì lại có sức sống đến ngàn đời. Câu hỏi của Chí như một tiếng kêu trăn trở muôn đời nhức nhối. “Yêu cho roi cho vọt”, để Chí chết cũng là khẳng định tình thương, sự đồng tình, bênh vực của Nam Cao đối với những con người đầy bi kịch. Cuộc đời đã và sẽ có rất nhiều số phận giống Chí, tác phẩm của Nam Cao thôi thúc con người vươn tới cái đẹp, giúp con người vươn tới cái đẹp và hành động vì nó. Tài năng sáng tạo cùng với bản tính thơ văn chân chính – tính thẩm mĩ đã biến Chí Phèo thành một sinh mệnh đặc biệt, tồn tại vô hạn vô cùng trong một vẻ đẹp luôn luôn tươi mới. Nam Cao còn khẳng định và nâng cao mơ ước của người dân, đứng bên cạnh bênh vực và cứu vớt họ bằng một tình thương cao quý.
Cao quý hơn, Nam Cao không chỉ thức tỉnh, bênh vực con người một cách đơn thuần mà còn cảm hóa họ thành một con người chân chính với một tình yêu cao đẹp nhất. Tại sao mối tình giữa một con quỷ và một kẻ “ma chê quỷ hờn” lại được ngợi ca như một tình yêu đẹp nhất, lấp lánh nhất? Bởi tình yêu cao quý khi nó cảm hóa con người. Câu chuyện tình yêu Chí Phèo – Thị Nở mang vấn đề xã hội. Ý nghĩ một xã hội mang tính nhân văn chứ không phải là biểu hiện của tự nhiên chủ nghĩa. Người ta nhìn tình yêu ấy không phải ở rung động, cảm xúc, cũng không quan tâm đến vấn đề bản năng con người, mà là ý nghĩa cao đẹp hướng tới con người và tính nhân văn. Nó thức tỉnh con người. Tình yêu bắt đầu từ cảm hóa con người bằng việc đặt vào miệng Chí những lời nó rất tự nhiên, bình thường và hoàn toàn đẹp: “Giá như cứ thế nãy mãi thì thích nhỉ, hay là đằng ấy qua ở cùng một nhà với tớ cho vui”. Làm sao để từ một con quỷ trở thành một con người rất hợp lí như thế? Tài năng thôi không đủ, Nam Cao còn phải dùng tấm lòng, trái tim cao cả để nâng giấc và thức tỉnh con người. Nghệ thuật đã đưa chân lí cuộc sống thành chân lí nghệ thuật. Mục đích miêu tả nghệ thuật cao cả không bởi biểu hiện nghệ thuật mà còn nâng cánh nghệ thuật bất hủ trong lòng người. Cái tình của Nam Cao thực sự trở thành một thứ nghệ thuật bất hủ, cao hơn cả “cứu rỗi thế giới”, cứu rỗi cả những gì ngoài phạm vi con người. Vì thế, “bát cháo hành” có lẽ chi tiết đặc sắc nhất, không chỉ thể hiện tình yêu Chí Phèo – Thị Nở mà còn là tình yêu của nhà văn với nhân vật chính của mình. Đó là động lực để thức tỉnh. Bởi đó là biểu hiện của sự quan tâm tình yêu mà Chí chưa bao giờ có. Để sau này, Chí cứ cảm thấy phảng phất hương cháo hành đâu đấy, đó là hương thơm của cuộc sống, quanh quẩn nhưng rất mỏng manh. Nhà văn tài năng khi dùng những chất liệu bình dị nhất để làm được những điều cao quý nhất. Nó không chỉ chói sáng một tình yêu bất diệt, một chân lí sống Nam Cao khám phá nên, mà cao cả hơn là tình thương, là tấm lòng. Tấm lòng ấy đã cứu Chí Phèo, thức tỉnh chí Phèo có một giấc mơ đẹp trong cuộc sống, hay ít nhất là nhớ lại giấc mơ đẹp trong quá khứ. Nam Cao đã dùng tình thương của mình để nâng đỡ nhân vật, đã để cho con quỷ biết mơ giấc mơ con người, để số phận bi kịch có tình yêu đẹp nhất. Để con người cùng đường nhất cũng biết đấu tranh để sống. Nam Cao khẳng định giá trị cao cả của tình thương. Nó có thể làm tha hóa nhưng cũng có thể cứu rỗi, thức tỉnh những tâm hồn quỷ dữ.
Nam Cao thực sự là một nhà văn “cố tìm mà hiểu”, luôn đi sâu khám phá, tìm tòi bản chất cuộc sống. Ông cảm thông không theo nghĩa đơn thuần của nó, mà là bóc trần vẻ bề ngoài để khám phá bản chất bên trong. Sức sống cho trang viết của Nam Cao không chỉ ở tình yêu mà là niềm tin mãnh liệt. Đó là nguyên nhân sâu sắc để nhà văn có thể đứng cạnh, cảm thông và nâng đỡ những thân phận bi kịch.
Nhà văn có những trang viết bất hủ không đơn thuần chỉ nhờ tài năng đích thực, đầu óc phân tích tư duy nhạy bén mà còn phải là sự tổng hòa với cái tâm cao cả. Cái tài và cái tình phải luôn hòa quyện, đan xen vào nhau để tạo nên giá trị trường tồn cho tác phẩm. Cái tâm phải là cao cả, không đơn thuần là những xúc cảm, mà phải có ý nghĩa lớn lao. Đó là lúc văn chương cứu rỗi linh hồn, nâng cánh con người tới ước mơ cao đẹp. Khi đó, nghệ thuật cải tạo cuộc sống bằng tình yêu sâu sắc, niềm tin mãnh liệt.
Người nghệ sĩ không phải là thợ lời bởi mỗi chữ đều phải chứa cái nhụy của cuộc sống. Nhiệm vụ của con người không chỉ hiểu mà còn phải biết rung động và phải có những tình cảm thẩm mĩ tốt đẹp. Để cái tình ấy giúp ta cải tạo xã hội và nhân đạo hóa con người.
Lý Thu Thủy Vân
Trường THPT Chuyên Lê Qụý Đôn – Vũng Tàu
Bài đoạt giải Nhất
===========================
BÀI LÀM 2
Sinh ra trong cuộc đời như đứa con của hiện thực và nghệ thuật, người nghệ sĩ luôn mang những thiên chức cao cả và không ít lần phải trả giá cho bao quy luật khắt khe của nghệ thuật. Để trưởng thành, mỗi nhà văn luôn cần thấm thía một bài học: Lao động nghệ thuật là hướng tới con người. Điều này được nhà văn Nguyễn Minh Châu phát biểu một cách sâu sắc: “Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác và số phận đen đủi dồn đến chân tường (…) để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực”.
Cuộc sống là khu vườn đầy hoa thơm và trái ngọt, nhà văn là người sinh ra để làm cho mảnh vườn ấy thêm màu mỡ và phì nhiêu. Nhưng nhà văn nếu cứ ngủ dài trong giấc mơ hiện thực thì họ chỉ là một người nông dân cặm cụi làm lụng mà chẳng biết làm gì. Một nền văn học sẽ đi về đâu nếu mỗi nhà văn chỉ phản ánh hiện thực mà không đặt con người làm nền tảng để tôn thờ và hướng đến. Câu nói của Nguyễn Minh Châu như những lời nhắc nhở và cảnh tỉnh cho mỗi người nghệ sĩ đang, đã và sẽ bước trên con đường của nghệ thuật. Ông đã khẳng định công việc của nhà văn là phải “nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường”. Đó là niềm xót xa, thương cảm của nhà văn, nói cách khác là tấm lòng, chức năng tình thương của con tim. Nhà văn phải luôn “nâng giấc” cho những số phận khổ đau, viết về họ trong sự nồng thở của tâm hồn trước một thực tại đau khổ đến tuyệt vọng. Hơn thế, nhà văn phải là người “bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực”. Nguyễn Minh Châu muốn truyền tải đến mỗi nhà văn một thông điệp, đó là sức mạnh của cây bút không chỉ thương xót con người mà còn phải bảo vệ con người trước khó khăn, trước sự tàn ác khi mà nhân vật bị đẩy đến “cùng đường, tuyệt lộ” và “không có ai để bênh vực“.
Lời nhận định tuy chỉ là lời nói khiêm tốn, giản dị “có lẽ trước hết là..” nhưng hàm ẩn ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Nhà văn của những trang tiểu luận Trang giấy trước đèn muốn dấy lên bài học cảnh tỉnh trong lòng người nghệ sĩ mà ở đây cụ thể là mỗi nhà văn. Đó là thông điệp về mục đích sáng tạo của nghệ thuật nói chung và nhà văn nói riêng, phải luôn phản ánh con người, thương xót cho những số phận trong xã hội, đồng thời câu nói cũng đặt ra cái tâm, tấm lòng nhân đạo cao cả của mỗi nhà văn.
Nói đến Nguyễn Minh Châu, người ta thường nói đến một nhà văn với những trang viết về con người với bao trăn trở suy tư thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Nhưng còn phải nói thêm, Nguyễn Minh Châu còn là một nhà phê bình văn học với những tư duy sắc sảo và tinh tế, với sự đánh giá đúng đắn và sáng tạo. Chính vì thế, lời nhận định không chỉ xuất phát từ những trải nghiệm, từ sự trả giá cho bao quy luật khắt khe của nghệ thuật mà còn ở trái tim của một nhà phê bình có những hiểu biết đúng đắn về nghệ thuật và con đường sáng tạo nghệ thuật. Những sáng tác như Mảnh trăng cuối rừng, Dấu chân người lính, Bức tranh, Bến quê, Phiên chợ, Giát, Miền cháy… đã nói thay điều đó.
Ý kiến là lời nhận định nói lên quan điểm của nhà văn về công việc lao động sáng tạo nghệ thuật và tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà văn. Xuất phát từ đặc trưng sáng tạo nghệ thuật, văn học luôn là bức tranh ghi lại chân thực bức tranh của cuộc sống mà mỗi nhà văn như “người thư kí trung thành của thời đại” (Banzắc). Nhưng một nền văn học sẽ đi về đâu nếu chỉ ghi lại cuộc sống một cách nhạt nhẽo? Bức tranh đấy chỉ thực sự sinh động khi nó lấy cuộc sống làm nền và tập trung khắc họa hình ảnh con người trong lòng của bức tranh ấy. Chính vì vậy, mỗi nhà văn không thể không miêu tả con người và đặt nó vào tâm điểm, là cốt lõi của tác phẩm văn học.
Hơn thế nữa, M. Gorki từng nói: “Văn học là nhân học”, vậy nếu chỉ phản ánh con người một cách vồ hồn thì có trở thành văn học được không? Thế giới nhân vật trong văn học phải được người nghệ sĩ tô điểm và cho người đọc thấy một đôi mắt và một trái tim. Đó là thái độ của nhà văn đối với từng con người ấy, phải yêu, phải ghét, khi xót xa, khi thì căm thù..; thì con người ấy mới thực sự sống động và độc giả mới có chỗ để đặt hồn mình vào trái tim đó được.
Nhưng con người trong tác phẩm văn học cần phải được nhà văn gửi gắm cái tâm của mình. Đó là nơi mỗi người nghệ sĩ “nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ” và đồng thời cũng để “bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực”. Nguyễn Du từng nói: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. (Truyện Kiều), quả thật không sai. Nhà văn đến với bạn đọc mục đích thông qua con người văn học và bày tỏ tấm lòng nhân đạo như một sự đồng cảm mạnh mẽ với độc giả.
Chúng ta vẫn không quên trong đêm đài của những năm ba mươi của thế kỉ trước, bao con người sống trong xã hội thực dân nửa phong kiến “đi ra từ bóng đêm và lặn vào trong bóng đêm” (Chu Văn Sơn). Nơi ấy bao nhà văn đã không nghỉ tay khi viết về những con người với bao số phận đau khổ và cay nghiệt. Một anh Pha trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan đang bị xô đẩy vào “cùng đường, tuyệt lộ” của số phận khi gia đình chịu bao tầng áp bức, chị Dậu của Ngô Tất Tố cũng chỉ bước ra trong tiếng sưu thúc giục và cuối cùng đã đi vào trong bóng đêm “đen kịt và tối đen như cái tiền đồ của chị”, một lão Hạc phải tự tử bằng bả chó đầy đau đớn, một bé Hồng phải chịu bao tủi cực đắng cay trong Những ngày thơ ấu. Và một Chí Phèo “ngật ngưỡng” bước ra từ những trang văn của Nam Cao với tận cùng của những nỗi khổ đau. ;
Chí Phèo là nhân vật điển hình của những người nông dân rơi vào tình cảnh bị tha hóa và bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Bọn tay sai địa chủ cùng với chính quyền thực dân đã cướp đi nhân hình, nhân tính của Chí Phèo, biến một anh canh điền “hiền như đất” thành lưu manh, tay sai và cuối cùng là một con quỷ dữ. Nhưng Nam Cao với chức vụ cao cả “nâng giấc” của mình đã không để Chí Phèo chìm đi trong nhũng cơn say, ngật ngưỡng trong tội ác, nhà văn đã hết lòng nâng niu, trân trọng tính người ẩn sâu trong cái lốt của một con quỷ dữ. Nam Cao đã để thị Nở xuất hiện trong cuộc đời Chí Phèo để thể hiện một ý nghĩa vô cùng nhân đạo: Tình người có thể cứu được tính người. Thị Nở với bát cháo hành đơn sơ và tình nghĩa đã làm thay đổi Chí Phèo. Chính tình thương của Thị Nở đã khiến Chí Phèo thức tỉnh và khao khát muốn trở về làm người lương thiện. Khát vọng của Chí Phèo thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nam Cao. Ông đã “nâng giấc” và bênh vực cho con người bị cự tuyệt quyền làm người như Chí Phèo. Không chỉ nhân vật Chí Phèo, chị Dậu hay lão Hạc mà ngay cả Mị và A Phủ trong Vợ chồng A Phủ cũng được Tô Hoài nâng giấc và bảo vệ trong con tim nhân đạo thấm đẫm tình thương của nhà văn. Mị như bông hoa ban thơm ngát giữa vùng núi khô cằn Tây Bắc, nhưng bóng hoa ban ấy lại bị bao con người chà đạp và trói buộc. Mị đã đi đến đường cùng “bị cái ác và số phận đen đủi dồn đến chân tường”. Đó là những ngày tháng đen tối ở Hồng Ngài. Mị là nhân vật thay thế cho món nợ truyền kiếp của gia đình, như một “nô lệ” trong nhà thống lí Pá Tra. Những lần bị “đạp vào mặt”, bị trói qua đêm, những ngày tháng làm việc quần quật, những đau khổ triền miên khiến Mị như không còn là một con người, “sống lâu trong cái khổ Mị quen khổ rồi”. Nhưng Tô Hoài bằng niềm tin của mình vào con người đã nhìn thấy sức sống tiềm tàng ở Mị ẩn trong khuôn mặt buồn rười rượi, trong những giọt nước mắt và đặc biệt là sự hồi sinh trong đêm tình mùa xuân. Đi xa hơn các nhà văn khác trước Cách mạng tháng Tám, Tô Hoài không chỉ yêu thương, trân trọng mà còn gửi gắm tình yêu thương với ý thức đấu tranh để giải phóng con người. Nhà văn đã để cho Mị chiến thắng nỗi sợ hãi và vượt qua hoàn cảnh để cắt dây cởi trói cho A Phủ và cũng là giải phóng cho chính mình.
Là lời nhận xét từ trải nghiệm của mình, những trang văn của Nguyễn Minh Châu cũng thấm nhuần tư tưởng nhân đạo và tấm lòng của tác giả trong sáng tạo nghệ thuật. Chính nhà văn đã có lần quan niệm: “Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm nhưng tâm điểm là con người”. Phải chăng vì thế mà những trang văn của Nguyễn Minh Châu luôn mang ý thức và trách nhiệm về nghề văn mà hơn thế những trang viết đó còn hướng đến con người với tình thương xuất phát từ tấm lòng dạt dào tinh thần nhân đạo Người đàn bà trong Chiếc thuyền ngoài xa được Nguyễn Minh Châu dồn nén bao cái tâm và cái tài của mình. Không đẹp như Vũ Nương, Thúy Kiều hay Mị… đó là người đàn bà thô kệch có một gia đình chẳng mấy yên ấm. Người ta ấn tượng đầu tiên ở người đàn bà vô danh này là sự chịu đựng: “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Nguyễn Minh Châu để chính con người vô danh này chịu bao nhiêu vết thương từ chiếc thắt lưng của người chồng nằm ngổn ngang trên những trang văn của mình. Sống với một người chồng bạo lực, một cuộc sống bao khó khăn với những bữa xương rồng luộc chấm muối nhưng con người ấy vẫn sáng lên những vẻ đẹp “thiên tính nữ”. Nguyễn Minh Châu đã để nhân vật của mình trên một con thuyền lênh đênh trên mặt biển vô định, số phận cũng chẳng khác gì mấy so với chị Dậu, anh Pha nhưng ở người đàn bà này có một thứ mà tạo hóa không thể gọt tỉa, đó là vẻ đẹp tâm hồn. Bằng trái tim nhân đạo của mình, nhà văn đã không chỉ xót thương cho số phận nghiệt ngã kia mà còn bảo vệ người đàn bà ấy trong bao giá rét cuộc đời. Hành trình sáng tạo của Nguyễn Minh Châu là đi tìm “hạt ngọc tiềm ẩn trong mỗi con người”; bởi thế nhà văn đã chắt chiu và khám phá. Ẩn sau vẻ ngoài ; ị thô kệch, xấu xí, sau cuộc đời cơ cực lầm than của người đàn bà hàng chài là tâm hồn người phụ nữ nhân hậu, giàu yêu thương mà trong đó ánh lên đẹp đẽ nhất là lòng yêu thương con đến quên mình. Vì tình yêu thương con, yêu gia đình, người đàn bà ấy không ngại khó, ngại khổ để sống và chịu đựng đòn roi của chồng cũng là vì con. Đó chẳng phải là một tâm hồn cao đẹp, một sự nâng giấc cao thượng của nhà văn hay sao?
Ta còn bắt gặp sự “nâng giấc” và “bảo vệ” ấy khi Sô-lô-khốp viết Số phận con người, khi V. Huy gô đồng cảm với Những người khốn khổ. Đó là hình ảnh của một Giăng Van-giăng sống mãi trong lòng người đọc về một nhân cách đẹp, một tình thương bao la. Hay Banzắc – “bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực” đã không ngừng xót xa cho số phận con người qua hình ảnh lão Gô-ri-ô.
Có thể nói: Lời nhận xét của Nguyễn Minh Châu thật đúng đắn khi nói về công việc và chức vụ cao cả của nhà văn và luôn viết về con người trên phông nền hiện thực. Hơn thế, nhà văn còn đề cao cái “tâm” trong sáng tạo nghệ thuật để vừa “nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác và số phận đen đủi dồn đến chân tường (…) để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực”. Điều này cũng đặt ra những bài học sáng tạo cho mỗi người nghệ sĩ trên mỗi bước đường đang, đã và sẽ sáng tạo nghệ thuật. Cuộc sống luôn là một vườn hoa đầy hương sắc nhưng văn học chỉ kết tinh khi nào nó đặt con người vào trung tâm bức tranh hiện thực đầy sinh động ấy. Đặc biệt nhà văn phải luôn có cái “tâm” để thổi hồn cho nhân vật, để xót thương cho mỗi con người.
Đó là bài học đồng thời cũng là lời khẳng định của Nguyễn Minh Châu về chức năng cao cả của văn học. Một nền văn học sẽ đi về đâu nếu không “để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác và số phận đen đủi dồn đến chân tường (…) để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực”? Đó là điều mà Nguyễn Minh Châu luôn trăn trở và cũng là bài học khắc ghi cho mỗi nhà văn chân chính.
Nguyễn Thanh Hà
Lớp 12B3 – THPT Chuyên Vĩnh Phúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét