Phân tích bài Tràng giang và Đây thôn Vĩ Dạ để Chứng minh ý kiến :Điều còn lại đối với mỗi nhà văn chính là cái giọng nói của riêng mình
Bài làm
Mỗi loài chim có một tiếng hót riêng, mỗi loài hoa có một mùi hương riêng, đó là những đặc điểm nổi bật để người ta phân biệt, đánh giá và để những loài chim, loài hoa ấy tạo dấu ấn trong lòng người. Nhà văn, nhà thơ cũng vậy, điều tạo dấu ấn trong lòng người đọc, khiến người đọc có thể nhận ra và nhớ đến đó chính là phong cách nghệ thuật riêng hay chính là “giọng nói riêng của mình”. Bàn về điều này, đã có ý kiến cho rằng: “Điều còn lại đối với mỗi nhà văn chính là cái giọng nói của riêng mình”. Ý kiến này được thể hiện rõ thông qua “giọng nói riêng” của hai nhà thơ Huy Cận và Hàn Mặc Tử trong hai tác phẩm “Tràng giang” và “Đây thôn Vĩ Dạ”.
Khi chúng ta gặp gỡ một người, cái để chúng ta đánh giá, ấn tượng đó là tính cách của người ấy. Khi ta đọc một tác phẩm cũng vậy, cái để lại cho ta ấn tượng cũng là cái giúp ta đánh giá về sự khác biệt giữa tác phẩm của người này với tác phẩm của người khác đó chính là phong cách nghệ thuật. “Điều còn lại đối với mỗi nhà văn” là điều ấn tượng với người đọc, điều khiến cho người ta nhớ đến và cũng là điều mỗi người nghệ sĩ để lại cho văn học sau mỗi tác phẩm của mình đó là “giọng nói của riêng mình”. “Giọng nói của riêng mình” ở đây chính là phong cách nghệ thuật, phong cách sáng tác của mỗi nhà văn, nhà thơ. Mỗi người có một giọng nói riêng để khi nghe giọng, ta có thể đoán được đó là ai. Người nghệ sĩ cũng vậy, nghệ sĩ chân chính phải có một phong cách nghệ thuật riêng để người đọc ấn tượng và nhớ đến tên tuổi của mình. Ý kiến đã khẳng định vai trò của phong cách nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ trong sáng tác và đưa ra yêu cầu nhà văn, nhà thơ muốn sống mãi trong lòng người đọc phải có một phong cách riêng, lối viết riêng.
Khi nói đến tiếng hót trong veo, cao vút, người ta nghĩ đến chim họa mi, nói đến hương thơm ngọt ngào, dễ chịu, ta nghĩ ngay đến hoa ngọc lan. Đặc điểm riêng của những loài ấy đã khiến ta nhớ đến và phân biệt với các loài khác. Cũng như khi nhắc đến một phong cách sáng tác nào đó, ta nghĩ ngay đến một người nghệ sĩ có phong cách ấy. “Mỗi người nghệ sĩ đến với văn chương bằng những con đường khác nhau”, con đường ấy chính là phong cách nghệ thuật. Phong cách hình thành nên từ tính cách, quan điểm và lối sống của người nghệ sĩ. Nếu anh là một người rất yêu đất nước, tự hào về đất nước, anh sẽ viết nhiều về đất nước, nếu anh là người say đắm với cuộc đời, thơ anh sẽ luôn rạo rực, viết về những điều đẹp đẽ trong cuộc sống. Nếu anh là người luôn buồn, hay đa sầu, đa cảm, thơ anh cũng sẽ khiến người khác buồn và sầu theo. Nhưng chính cái đặc điểm của con người nghệ sĩ, tạo nên phong cách cho người nghệ sĩ là cái để người đọc có những sự thấu hiểu và đồng cảm. Trong một nền văn học với rất nhiều gương mặt nhà văn, nhà thơ này, nếu bản thân người nghệ sĩ không có phong cách riêng hoặc dẫm lên dấu chân của người khác, người đó sẽ bị lu mờ và không được xem là một nghệ sĩ thực thụ.
Huy Cận và Hàn Mặc Tử là những nhà thơ nổi tiếng có phong cách nghệ thuật độc đáo và riêng biệt. Cả hai đều là những nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới, đều có những đóng góp to lớn vào nền thơ ca hiện đại của dân tộc. Huy Cận trước Cách mạng được đánh giá là một người rất yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, ông có một tâm hồn đa sầu đa cảm, nhìn nhận cuộc sống bằng trái tim dễ rung động và đôi mắt “sầu vạn kỉ”. Huy Cận là nhà thơ luôn bị nỗi ám ảnh về không gian, cảm thấy cô độc, lẻ loi giữa trời đất bao la mà con người lại quá đỗi nhỏ bé, mờ nhạt. Khác với Huy Cận, Hàn Mặc Tử là một nhà thơ luôn mang những tâm sự khó giãi bày của một đời người, là người luôn mặc cảm về bệnh tật của bản thân. Hàn Mặc Tử là người yêu thiên nhiên, trong thơ ông luôn có trăng, có cây, có gió và nỗi ám ảnh về số phận ngắn ngủi của đời người. Thơ Hàn Mặc Tử theo khuynh hướng thơ siêu thực, có phần điên loạn, hư ảo nhưng luôn khiến người đọc dậy lên sự khắc khoải, suy tư. Nhờ phong cách nghệ thuật mà hai nhà thơ đã viết lên hai tác phẩm đặc sắc, mang đậm dấu ấn của tác giả đó là “Tràng giang” (Huy Cận) và “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử). Cả hai đều là thi phẩm đặc sắc và nổi tiếng trong các tác phẩm của phong trào Thơ Mới giai đoạn 1932-1945.
Có ai đó từng nhận xét rằng tâm hồn Huy Cận nhạy cảm nên thơ ông cũng luôn mang những nét sầu. “Tràng giang” là bức tranh thiên nhiên cảnh vật đẫm sầu và qua mỗi khổ, nỗi sầu đó càng lớn, càng sâu, càng khắc khoải. Là một người có con mắt, có cái nhìn “sầu vạn kỉ” nên thơ Huy Cận dù tả về điều gì cũng thấm buồn, nỗi buồn từ cachr vật đến lòng người, và từ lòng người lan ra cảnh vật:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Cảnh vật buồn và như chẳng có gì liên quan với nhau. Thuyền “về” còn nước “lại”, cành củi thì lạc lõng, bơ vơ tạo cho lòng người nỗi sầu chia phôi, cô đơn. Cảnh vật buồn nhưng có lẽ do lòng thi nhân đượm buồn mới trông thấy cảnh vật đìu hiu như vậy:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”
Âm thanh vọng lại mập mờ của tiếng chợ làng nhưng đãvãn, hình ảnh hiện lên “lơ thơ” không gợi sự đông đúc, tấp nập, ấm cúng trái lại rất “đìu hiu”, cô quạnh. Huy Cận chọn tả cảnh thiên nhiên để giãi bày tâm tư. Ta có thể thấy được một tâm hồn rất yêu thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, thiên nhiên tạo cảm xúc cho thi nhân và cảm xúc của thi nhân lan tỏa ra cảnh vật xung quanh. Đó cũng chính là một nét trong phong cách của Huy Cận.
Huy Cận là một nhà thơ bị ám ảnh bởi không gian, không gian càng lớn, càng rợn ngợp, con người càng nhỏ bé, lòng thi nhân càng cô đơn:
“Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng bến cô liêu”
Câu thơ mở ra trước mắt người đọc một không gian đa chiều: chiều cao của trời, chiều sâu của lòng sông, chiều rộng của không gian, và chiều dài của mặt đất. Nhưng không gian càng rợn ngợp, lòng thi nhân càng cô đơn, hiu quạnh.
Thơ Huy Cận luôn buồn sầu, luôn tạo cảm giác cô đơn khi “mênh mông không một chuyến đò ngang”, một sự vắng vẻ, thiếu hình bóng con người. Nỗi buồn ấy bao trùm lên cảnh vật khiến cảnh vật trở nên đìu hiu, trống vắng:
“Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”
Và nỗi buồn ấy tạo nên nỗi nhớ nhà của những đứa con xa quê, nỗi nhớ đất nước ngày còn thanh bình, tự do. Tất cả tạo nên nỗi “dờn dợn” khó tả. Nỗi “nhớ nhà” và tạo nên chất thơ buồn của riêng Huy Cận.
Khác với Huy Cận, Hàn Mặc Tử mặc dù cũng là nhà thơ lãng mạn nhưng theo khuynh hướng điên loạn. Thơ Hàn Mặc Tử luôn có cây, có trăng, có gió, thể hiện lòng yêu thiên nhiên, quê hương sâu sắc:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cao nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Mở đầu bài thơ “Đay thôn Vĩ Dạ” là bức tranh thôn Vĩ vào buổi bình minh. Câu hỏi tu từ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” đã nói lên nỗi nhớ quê hương của nhà thơ khi lâu rồi không về thăm quê. Trong tâm trí nhà thơ hiện lên hàng cau xanh lấp lánh trong ánh mặt trời, một khu vườn xanh mướt như ngọc, tràn đầy sức sống và hình ảnh một người Huế đang lấp ló sau lá trúc xanh. Một bức tranh tràn ngập màu xanh tươi nõn nà, qua đó ta thấy được tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu quê hương của tác giả.
Hàn Mặc Tử là người luôn mặc cảm về bệnh tật và số phận bi đát của mình. Vì vậy, thơ ông luôn ám ảnh bởi những hình ảnh chia phôi, cô đơn, hiu quạnh:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”
Cảnh vật như chia lìa, như chẳng liên quan đến nhau, sựu vật diễn ra rất khẽ, rất nhẹ nhưng lại tạo cho thi nhân sự ám ảnh ghê gớm. Thi nhân luôn lo sợ về thời gian trôi nhanh nhưng số phận mình sẽ không còn được bao lâu nữa, có gì đó vội vàng, gấp gáp:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Dường như “tối nay” là một cái hạn rất quan trọng để thuyền đưa trăng về. Nhà thơ khiến người đọc băn khoăn rằng “sông trăng đó” là sông trăng nào, “tối nay” là tối nào? Phải chăng nếu tối nay thuyền chở trăng về không kịp thì sẽ lỡ mất môt điều gì đó? Theo trường phái siêu thực, vì vậy Hàn Mặc Tử khiến người đọc rơi vào trạng thái mơ hồ, kho hiểu và cảm nhận được nỗi ám ảnh và mặc cảm về bệnh tật của bản thân. Cảm xúc bâng khuâng ấy tạo nên một cái gì đó mơ hồ, điên loạn đậm chất Hàn Mặc Tử:
“Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
“Khách đường xa” là ai và “tình ai” là tình ai? Chẳng rõ nữa. Nhà thơ cứ đưa người đọc vào một chuỗi hồ nghi, băn khoăn như thế chẳng tìm được lời giải đáp. Thơ ông luôn thể hiện nỗi ám ảnh về số phận của mình vì thế ông luôn thể hiện sự hồ nghi của mình khi “Ai biết tình ai có đậm đà?” Tình anh hay tình em, tình yêu hay tình người? Cũng chẳng rõ nữa! Và có lẽ chỉ Hàn Mặc Tử với phong cách như thế mới khiến người đọc có cảm xúc khó hiểu đến vậy.
Hai nhà thơ, hai phong cách riêng nhưng đều đem lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Quả thật “Điều còn lại đối với mỗi nhà văn chính là cái giọng nói của riêng mình”. Phong cách nghệ thuật giúp nghệ sĩ thể hiện được cá tính phong cách riêng của mình. Phong cách nghệ thuật tạo nên dấu ấn và điểm khác biệt của mỗi người nghệ sĩ giúp người đọc có những ấn tượng khó phai. Phong cách nghệ thuật là thứ không bao giờ thay đổi và thống nhất trong mọi sáng tác của người nghệ sĩ, giúp người nghệ sĩ có một chỗ đứng trong nền văn học dân tộc và hơn cả, người đọc thêm hiểu và cảm thông về con người thi sĩ, về quan điểm sống của thi sĩ từ đó tìm ra sự đồng cảm và quan hệ giữa nhà thơ và bạn đọc rút ngắn hơn, tác phẩm nghệ thuật mang ý nghĩa vị nhân sinh hơn. Nhờ những tác dụng của phong cách nghệ thuật ấy mà hai tác giả đã tạo nên những dấu ấn tốt đẹp trong lòng người đọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét