Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

KHUYNH HƯỚNG SỬ THI VÀ CẢM HỨNG LÃNG MẠN TRONG VĂN HỌC VIỆT NĂM GIAI ĐOẠN 1945-1975


KHUYNH HƯỚNG SỬ THI VÀ CẢM HỨNG LÃNG MẠN TRONG VĂN HỌC VIỆT NĂM GIAI ĐOẠN 1945-1975
MỤC LỤC
I.. GIỚI THIỆU VẤN ĐỀ
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
2.1. Khái niệm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn
2.1.1. Khuynh hướng sử thi.
2.1.2. Cảm hứng lãng mạn.
2.2. Biểu hiện củakhuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong văn học VN giai đoạn 1945-1975
2.2.1. Khuynh hướng sử thi trong văn học VN giai đoạn 1945-1975
a. Về đề tài, chủ đề
b. Về hình tượng nghệ thuật.
c. Về ngôn ngữ, giọng điệu.
2.2.2. Cảm hứng lãng mạn trong văn học VN giai đoạn 1945-1975
a. Thi vị hóa hiện thực cuộc sống và chiến đấu
b. Lí tưởng hóa tương lai
c. Tuyệt đối hóa giữa thiện và ác, ta và địch.
2.3. Mối quan hệ của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong văn học VN giai đoạn 1945-1975
2.4. Đề luyện tập về khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong văn học VN giai đoạn 1945-1975
III. KẾT LUẬN


NỘI DUNG
I.. GIỚI THIỆU VẤN ĐỀ
II. GIẢI QUYẾT VẦN ĐỀ
2.1. Khái niệm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
2.1.1. Khuynh hướng sử thi
* Sử thi
“Sử thi là tác phẩm tự sự dài xuất hiện rất sớm trong lịch sử văn học của các dân tộc nhằm ca ngợi những sự nghiệp anh hùng có tính toàn dân và có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc trong buổi bình minh của lịch sử” (Từ điển thuật ngữ văn học – Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi). Sử thi gắn với những sự kiện lịch sử nhất định và thường là những cuộc chiến tranh có ý nghĩa toàn dân, đánh dấu sự hưng thịnh hay suy vong của một bộ tộc, một quốc gia. Sử thi miêu tả bức tranh cuộc sống rộng lớn của một dân tộc, một thời đại với tất cả sự đa dạng và phong phú của nó. Nhân vật chính trong sử thi là những anh hùng, tráng sĩ tiêu biểu cho sức mạnh và lí tưởng của cộng đồng. VD: Đăm Săn, Khinh Dú, Xinh Nhã.
*. Khuynh hướng sử thi
- Theo sự phát triển của lịch sử xã hội và lịch sử văn học, thể loại sử thi không còn nhưng chất sử thi vẫn tồn tại và được dấy lên mạnh mẽ mỗi khi vận mệnh dân tộc bị đe dọa, tạo thành khuynh hướng sử thi.
- Khuynh hướng sử thi là xu hướng thiên về những tình cảm, cảm xúc ngợi ca, tự hào khi viết về những vấn đề lớn lao, quyết định vận mệnh chung của cộng đồng.
- Vì thế, những tác phẩm văn học mang khuynh hướng sử thi là những tác phẩm:
+ Tập trung vào các đề tài – chủ đề có ý nghĩa toàn dân tộc, phản ánh những vấn đề cơ bản nhất, có ý nghĩa sống còn của đất nước: tổ quốc còn hay mất, độc lập tự do hay nô lệ.
+ Hình tượng nghệ thuật mang tính sử thi, tiêu biểu cho lý tưởng chung của dân tộc, gắn số phận mình với số phận đất nước, thể hiện và kết tinh những phẩm chất cao đẹp của cả cộng đồng.
+ Giọng điệu, ngôn ngữ đậm chất sử thi. Đó là giọng điệu trang trọng, ngợi ca hào sảng, đẹp một cách tráng lệ, hào hùng.
-. Chất sử thi không phải đến giai đoạn này mới xuất hiện mà nó đã từng xuất hiện trong những giai đoạn văn học trước đó. Nhưng, chỉ đến giai đoạn này, chất sử thi mới phát triển mạnh mẽ, trở thành một khuynh hướng nổi bật trong văn học, tác động mạnh mẽ đến tình cảm và hành động của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
2.1.2. Cảm hứng lãng mạn.
* Lãng mạn
- Lãng mạn hiểu theo nghĩa chiết tự là “sóng tràn bờ, chỉ một sự phóng túng, tự do, vượt lên trên mọi ràng buộc” (Giáo trình lí luận văn học – Nguyễn Thị Hồng Hạnh).Như vậy, có thể hiểu lãng mạn là vươn lên trên hiện tại, là “sự phấn chấn tinh thần hướng tới lí tưởng cao cả” (Mấy vấn đề lí luận văn học – Viện văn học). Lãng mạn chỉ khát vọng vươn tới sự tốt đẹp và cao cả, có cái nhìn đẹp hơn về thực tại, hướng tới tương lai tươi sáng và biến mơ ước ở tương lai thành hiện thực bằng chính những hành động của mình.
- Nói đến lãng mạn trong văn học giai đoạn 1945-1975 là nói đến lãng mạn cách mạng, tràn đầy niềm tin vào thực tại và tương lai, mô tả cuộc sống trong quá trình phát triển cách mạng, “hướng về cuộc sống chưa đến nhưng nhất đính sẽ đến hoặc có thể đến” (Phương Lựu).Theo Goocki, lãng mạn cách mạng chính là “chủ nghĩa lãng mạn tích cực, nó nhằm tăng cường cái ý chí sống của con người, thức tỉnh trong tâm hồn con người quyết tâm phản kháng với hiện thực, với mọi áp bức của hiện thực”. Theo Goocki, lãng mạn cách mạng bồi dưỡng trong lòng ta chí căm hờn đối với thực tại xấu xa, hé mở một chân trời lý tưởng và củng cố cái nhiệt tình cải tạo thế giới, xây dựng cho nhân dân một cuộc sống mới đầy đủ, đẹp đẽ và sung sướng. Lãng mạn cách mạng vượt lên trên thực tại nhưng không phải là thoát ly, trốn tránh mà là hướng vào hành động và đi đôi với hành động, vỗ cánh bay bổng cũng là để bay nhanh tới tương lai tươi sáng. Lãng mạn cách mạng mang đến niềm vui, niềm tin yêu đời và khát vọng vươn tới tương lai tốt đẹp.
* Cảm hứng lãng mạn
- Cảm hứng lãng mạn là cảm hứng chủ đạo, nổi bật của văn học Việt Nam 1945-1975. Văn học thể hiện cái nhìn đẹp hơn về thực tại, khẳng định phương diện lí tưởng của cuộc sống mới và vẻ đẹp của con người mới; ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
2.2. Biểu hiện của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong VHVN giai đoạn 1945-1975.
2.2.1. Khuynh hướng sử thi trong VHVN giai đoạn 1945-1975
a. Về đề tài, chủ đề
* Các tác phẩm văn học trong giai đoạn 1945-1975 thường hướng tới những vấn đề trọng đại, có ý nghĩa lịch sử, liên quan đến vận mệnh của dân tộc, của cộng đồng.  Hiện thực mà văn học phản ánh là hiện thực cách mạng của dân tộc, là đời sống của dân tộc. Cái riêng tư, đời thường dường như bị lãng quên, ít được đề cập đến, nếu được nói đến thì chủ yếu cũng là để nhấn mạnh thêm trách nhiệm và tình cảm của cá nhân đối với cộng đồng.
- Đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội
+ Văn học ngợi ca vẻ đẹp của đất nước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đất nước như được thay da đổi thịt. Tổ quốc hiện ra trong vẻ lộng lẫy của địa hình sông núi, của đất nước rừng vàng, biển bạc,trăm sắc, trăm màu.
+ Văn học hướng về thể hiện nhịp sống lao động chủ nghĩa xã hội. Cuộc sống xây dựng khẩn trương sôi nổi trong nhịp điệu mới đang diễn ra trên khắp mọi miền đất nước, từ rừng sâu núi cao đến vùng trung du, đồng bằng duyên hải và các hải đảo xa xôi.
+ Văn học thể hiện niềm tự hào, niềm vui lớn của nhân dân khi được sống trong hòa bình, tự do, làm chủ cuộc đời, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội.
VD: Bài Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận:
Đề tài: Cuộc sống lao động của người dân miền biển trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chủ đề: Bài thơ viết về niềm vui và khí thế lao động hăm hở, hăng say của những ngư dân miền biển khi được làm chủ cuộc đời, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội.
VD: Bài “Mùa lạc” – Nguyễn Khải
Đề tài: Cuộc sống lao động ở nông trường Điện Biên trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chủ đề: Tác phẩm ngợi ca những đổi thay của đất nước, con người, thể hiện niềm vui sướng, hạnh phúc của con người khi đất nước bước vào thời kì mới xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó, tác phẩm đưa ra những triết lí về cuộc sống.
VD: “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long
Đề tài: Cuộc sống lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chủ đề: Ngợi ca những con người tình nguyện làm việc ở những nơi xa xôi, những điều kiện khắc nghiệt để xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc.
-         Đề tài đấu tranh đánh giặc, thống nhất đất nước.
+ Trong suốt 30 năm ròng, dân tộc ta phải liên tục kháng chiến chống lại hai đế quốc sừng sỏ là Pháp, Mỹ. Bởi vậy, đề tài đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước là một đề tài nổi bật, thu hút nhiều tài năng văn học như Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, Lê Minh Khuê, Tố Hữu, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu…
+ Văn học thể hiện những đau thương mất mát của nhân dân khi đất nước bị giặc ngoại xâm giày xéo.
+ Văn học thể hiện khí thế ra trận hăm hở, hào hùng, mãnh liệt của những con người khát khao độc lập, tự do. Ra trận chiến đấu với kẻ thù là nhiệm vụ của toàn dân tộc, là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, là sự kiện lịch sử lớn, gắn bó chặt chẽ với vận mệnh, số phận của nhân dân. Ra trận không có gì đáng sợ mà được ra trận là niềm vui, là hạnh phúc.
+ Văn học thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, không ngại gian khổ, hi sinh của những người lính trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Ra trận, đối diện với kẻ thù, sự sống và cái chết gần nhau trong tấc gang nhưng họ không lùi bước, dẫu bị thương vẫn sẵn sàng xung phong đánh giặc.
VD: Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành
Đề tài: Cuộc nổi dậy của nhân dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ
Chủ đề: Tác phẩm ngợi ca sức sống mãnh liệt, lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường và ý chí một lòng hướng về Đảng, về Cách mạng của đồng bào Tây Nguyên trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt.
VD: Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi
Đề tài: Nhân dân Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ
Chủ đề: Tác phẩm ngợi ca lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường của nhân dân Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
VD: Tây Tiến – Quang Dũng
Đề tài: Hình tượng người lính trong kháng chiến chống Pháp
Chủ đề: Ngợi ca vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến, những con người vừa hào hùng lại rất hào hoa, sẵn sàng hiến dâng tuổi xuân cho đất nước.
-         Đề tài Tổ quốc
Đây là một đề tài lớn, bao quát thơ ca kháng chiến. Khuynh hướng sử thi đòi hỏi các tác giả nhìn con người và cuộc đời không chỉ bằng con mắt cá nhân mình mà chủ yếu là con mắt có tầm bao quát lịch sử, dân tộc và thời đại. Tố Hữu gọi đó là con mắt « nhìn bốn hướng – trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau – Trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu », còn Chế Lan Viên gọi là « Con mắt Bạch Đằng – con mắt Đống Đa ». Với cái nhìn sử thi, các tác giả đã tập trung khám phá, thể hiện hình tượng Tổ quốc Việt Nam trong chiều sâu văn hóa suy tưởng và hình tượng Tổ quốc hào hùng trong chiến tranh.
+ Kế thừa những quan niệm về Tổ quốc của ông cha ta, những nhà thơ thời kháng chiến đã có cái nhìn mới mẻ về Tổ quốc trong chiều sâu văn hóa, lịch sử.
VD. Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm
Nguyễn Khoa Điềm đã có những cảm nhận mới mẻ về Đất Nước từ chiều sâu văn hóa, lịch sử. Đất Nước là của Nhân Dân, chính nhân dân là người hóa thân làm nên sông núi, chính những con người bình dị, vô danh ấy đã làm nên Đất Nước.
+ Hình tượng Tổ quốc hào hùng trong chiến tranh.
VD : Đất nước – Nguyễn Đình Thi
Nguyễn Đình Thi đã ghi lại một cách sâu sắc hình ảnh Đất Nước từ những năm tháng đau thương đến khi vùng dậy đấu tranh với khí thế hào hùng mãnh liệt, rung trời chuyển đất, quét sạch lũ giặc cướp nước :
« Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều »
« Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa »
 b. Về hình tượng nghệ thuật
Hình tượng được khắc họa trong những tác phẩm văn học giai đoạn 1945-1975 là những con người đại diện cho tinh hoa và khí phách, phẩm chất và ý chí của toàn dân tộc. Đó là những con người có khả năng đáp ứng được những đòi hỏi của dân tộc và thời đại, nhân danh cộng đồng mà chiến đấu vì sự sống còn của Tổ quốc. Họ là những con người mang tầm vóc đất nước, dân tộc, mang chiều sâu lịch sử, tiêu biểu cho sức sống bất diệt, hào hùng của dân tộc ta, nhân dân ta, tiêu biểu cho tư tưởng, lẽ sống và tình cảm lớn của thời đại. Họ luôn sống với các sự kiện lớn lao của đất nước. Họ được cảm nhận và miêu tả không phải như vị anh hùng cá nhân thuở nào, cũng không phải là cá nhân mang nội dung khái quát thông thường bằng nghệ thuật điển hình hóa mà đó là những hình tượng nhân vật được xây dựng như một tấm gương sáng chói về đạo lý của cộng đồng.
b1. Hình tượng mang tính sử thi đại diện cho vẻ đẹp, ý chí, sức mạnh của cả dân tộc, đất nước Việt Nam s
*. Hình ảnh anh chiến sĩ giải phóng quân.
Hình ảnh anh chiến sỹ giải phóng quân là nhân vật trung tâm  của cuộc kháng chiến . Họ hiện lên với vẻ đẹp sáng ngời, đại diện cho tinh hoa, sức mạnh của dân tộc, nhân danh cộng đồng mà chiến đấu vì sự sống còn của Tổ quốc Việt Nam. Các anh chiến sĩ giải phóng quân là những con người giàu nghị lực, giàu ý chí, có tình cảm đẹp, chiến đấu anh dũng kiên cường,lạc quan tin tưởng và là những con người chiến thắng.Hình tượng người lính giải phóng quân đã trở thành bức tượng đài kì vĩ về những người chiến sĩ anh hùng vô danh đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại
VD: Tây Tiến
Bài thơ Tây Tiến xây dựng một hình ảnh đẹp về những người lính của đoàn quân Tây Tiến trong kháng chiến chống Pháp. Họ phần đông là những thanh niên, học sinh đất Hà thành, sẵn sàng “xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu”, hướng về miền Tây rừng thiêng nước độc mà lòng chẳng gợn chút sầu lo. Ở những chàng trai trẻ tuổi ấy có một ý chí, sức mạnh vô song, đối diện với gian khổ mà vẫn oai hùng, lẫm liệt “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc / Quân xanh màu lá dữ hoai hùm”, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh / Áo bào thay chiếu anh về đất”. Họ là đại diện cho ý chí, sức mạnh của cả dân tộc trong những năm tháng đầy máu lửa ác nghiệt.
VD : Việt trong « Những đứa con trong gia đình »
Việt là một cậu lính trẻ, tiêu biểu cho ý chí và sức mạnh của nhân dân Nam Bộ trong những ngày chống Mỹ ác liệt. Anh đến chiến trường từ những đau thương và căm hận, xung phong đi bộ đội khi còn chưa đủ tuổi, xông pha giữa mưa bom bão đạn với tinh thần “coi giặc cũng như không”, “liều mình như chẳng có” và lập được những chiến công oanh liệt. Những vết thương trên thịt da chẳng làm vơi đi tinh thần chiến đấu. Dẫu mắt không nhìn thấy rõ, dẫu toàn thân đau nhức, dẫu lạc mất đồng đội, bơ vơ giữa chiến trường, Việt vẫn luôn sẵn sàng nổ súng, đạn đã lên nòng, chỉ chờ giặc tới. Ý chí và sức mạnh phi thường của một cậu lính trẻ khiến người đọc phải khâm phục, ngưỡng mộ. Đó cũng là sức mạnh và ý chí của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến. Ta hiểu vì sao một đế quốc hùng mạnh phải thất bại trước một dân tộc từng một thời chưa có tên trên bản đồ thế giới.
Tnu trong “Rừng xà nu”
Phương Định trong “Những ngôi sao xa xôi”
VD : Lê Anh Xuân đã ghi lại tư thế hiên ngang của anh chiến sĩ giải phóng quân trong lúc hi sinh. Dáng đứng của anh không còn là dáng đứng của một cá nhân cụ thể nào mà trở thành dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ :
« Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ
- Người lính dù đối mặt với muôn vàn thử thách, gian khổ, hi sinh nhưng trong các anh vẫn biểu hiện niềm lạc quan chiến thắng.
VD : Bài thơ về tiểu đội xe không kính
Giữa tuyến đường Trường Sơn khốc liệt, giữa mưa bom, lửa đạn, cái chết cận kề, những người lính lái xe vẫn luôn nở nụ cười lạc quan, nụ cười của một dân tộc đang chiến đấu và nắm chắc chiến thắng. Họ coi thường mọi khó khăn, vẫn hóm hỉnh, vui đùa dẫu cuộc sống chiến đấu có  nhiều gian khổ
« Không có kính ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha ».
*. Hình ảnh thanh niên xung phong, cô gái mở đường, cô du kích, giao liên…
Họ được gọi là những « nàng tiên dũng sĩ », đã in bóng vào văn học với vẻ đẹp dịu dàng mà vẫn kiên cường, dũng cảm, mang đậm chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Các chị cũng chính là kết tinh của sức mạnh Việt Nam, đại diện cho tinh hoa, khí phách của con người Việt Nam trong những năm tháng không thể nào quên.
« Ai bảo tre xanh không thành vũ khí
Ai bảo dịu dàng em không là chiến sĩ » (Thu Bồn)
VD : Những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn trong « Những ngôi sao xa xôi » của Lê Minh Khuê
VD : Khoảng trời hố bom – Lâm Thị Mỹ Dạ
« Chuyện kể rằng : em cô gái mở đường
Để cứu con đường ấy khỏi bị thương
Để đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom »
VD : Bài « Tấm ảnh » của Tố Hữu
O du kích nhỏ giương cao súng
Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu
Ra thế ! To gan hơn béo bụng
Anh hùng đâu cứ phải mày râu.
VD. Bài “Người con gái Việt Nam” – Tố Hữu
Em là ai cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây hay là mây là suối
Ánh mắt em cười hay chớp lửa đêm đông
Thịt da em hay là sắt là đồng?
Bằng cái nhìn sử thi, Tố Hữu nhìn chị Trần Thị Lý không phải là một cá nhân mà là một con người của dân tộc, của đất nước. Vì thế nhà thơ không gọi nhân vật của mình là chị Lý mà gọi là “Người con gái Việt Nam”, người con gái anh hùng với “trái tim vĩ đại”, không phải “đập cho em” mà đập cho “lẽ phải trên đời, cho quê hương em, cho Tổ quốc loài người”. Vẻ đẹp của chị Trần Thị Lý lấp lánh vẻ đẹp sử thi. Chị là hình ảnh đại diện tiêu biểu cho tinh hoa, khí phách của toàn dân tộc Việt Nam.
*. Hình ảnh các em nhỏ chiến sĩ.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng nên không chỉ có “những chàng trai, những cô gái yêu” xung phong ra mặt trận diệt thù mà “mỗi em bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng”. Bởi vậy, không chỉ có những anh chiến sĩ giải phóng quân để lại “dáng đứng Việt Nam”, những nàng tiên dũng sĩ được gọi là “Người con gái Việt Nam” mà thậm chí “những em thơ cũng hóa anh hùng”.Dẫu tuổi nhỏ nhưng các em đã chiến đấu kiên cường và hi sinh anh dũng tuyệt vời. Các em cũng là tiêu biểu cho vẻ đẹp phẩm chất của cả dân tộc.
VD: Lượm – Tố Hữu
Tinh thần dũng cảm
“Vụt qua mặt trận
Đạn bay vèo vèo
Thư đề thượng khẩn
Sợ chi hiểm nghèo”
Cái chết thật nhẹ nhàng. Em hòa mình vào thiên nhiên, quê hương, đất nước.
“Cháu nằm trên lúa
Tay nắm chặt bông
Lúa thơm mùi sữa
Hồn bay giữa đồng”
Những người em chiến sĩ vô danh góp sức mình làm nên lịch sử:
“Con nhớ em con thằng em liên lạc
Rừng thưa em băng rừng rậm em chờ
Sáng bản Na chiều em qua bản Bắc
Mười năm tròn chưa mất một phong thư” (Chế Lan Viên)
VD: Cậu bé Tnu trong “Rừng xà nu”
*. Hình ảnh người mẹ.
Hình ảnh người mẹ là kết tinh của đức hi sinh, lòng nhân hậu, bao dung, hành động vì lí tưởng, vì đất nước, quê hương. Đó là những mẹ Suốt, mẹ Tơm trong thơ Tố Hữu, người mẹ tham gia đồng khởi, làm giao liên, đào hầm, giấu bộ đội, sản xuất chi viện chiến trường trong thơ Lê Anh Xuân, Bằng Việt, Hữu Thỉnh…
“Thương người cộng sản căm Tây, Nhật
Buồng Mẹ, buồng tim giấu chúng con
Đêm đêm chó sủa…làng bên động
Bóng mẹ ngồi canh lẫn bóng cồn…” (Mẹ Tơm)
“Con nhớ mế lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau mế thức một mùa dài
Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi” (Tiếng hát con tàu)
“Một tay lái chiếc đò ngang
Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày” (Mẹ Suốt)
VD: Người mẹ trong “Những đứa con trong gia đình” là tiêu biểu cho những người mẹ Nam Bộ anh dũng, kiên cường trong đấu tranh.
*. Hình tượng Hồ Chí Minh
Trong muôn vàn những người Việt Nam anh hùng cao đẹp, Hồ Chí Minh là “Người Việt Nam đẹp nhất”. Bác là tinh hoa của dân tộc, là hội tụ những vẻ đẹp cao quý của con người Việt Nam. Vẻ đẹp của Bác trong thơ trở thành vẻ đẹp mang tính sử thi trong văn học.
- Bác đã không quản ngại gian khổ, hi sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Người không yên lòng khi đất nước bị giày xéo, nhân dân cực khổ, Người trăn trở tìm đường cứu nước
“Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa”
(Người đi tìm hình của nước)
- Bác là người đưa đường chỉ lối cho nhân dân, cho dân tộc. Hình ảnh Bác được miêu tả với chiều sâu lịch sử:
“Bác Hồ đưa ta tới trời xa
Ba mươi năm bước đường qua
Đời ta có Bác xông pha dẫn đường
Người đi trước, nghìn sương muôn tuyết
Dắt dìu dân, nước Việt Nam ta”
- Bác còn là một người cha, người bác, người anh hiền từ, giản dị, gần gũi:
Người là cha, là bác, là anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ.
- Trái tim Bác chan chứa tình yêu thương vô hạn đối với con người, từ đồng chí, đồng bào đến muôn kiếp người đau khổ khắp năm châu, bốn biển :
« Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta
Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Như dòng sông chảy nặng phù sa » (Theo chân Bác)
b2. Vẻ đẹp của hình tượng sử thi là tiêu biểu cho lẽ sống lớn, tình cảm lớn của thời đại, của cộng đồng.
*. Tình yêu đất nước
VD : Cuộc đời Tnu đi từ đau thương đến hành động. Anh trở thành anh chiến sĩ giải phóng, trực tiếp giết giặc trả thù cho gia đình, cho bản làng. Trong anh cháy bỏng một tình yêu bản làng mà sâu thẳm là lòng yêu nước.
*. Hình tượng mang tính sử thi còn mang trong mình tình đồng đội, tình quân dân ấm áp.
VD : Đồng chí – Chĩnh Hữu
« Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh…..nắm lấy bàn tay »
Tây Tiến – Quang Dũng
« Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi »
*. Hình tượng mang tính sử thi luôn có tình cảm dành cho Đảng, Bác Hồ kính yêu.
VD : Rừng xà nu
- Cây xà nu ham ánh sáng mặt trời hay chính là con người Tây Nguyên luôn hướng về Đảng, về Cách mạng. Mỗi người dân làng Xô Man đều khắc sâu một câu nói của cụ Mết. Câu nói ấy đã trở thành phương châm sống của dân làng.
« Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn »
*. Thế giới tình cảm của hình tượng mang tính sử thi cũng có tình yêu đôi lứa nhưng tình yêu ấy hài hòa trong tình yêu đất nước.
VD : Tình yêu của Nguyệt và Lãm trong « Mảnh trăng cuối rừng »
VD : Tiếng hát con tàu
« Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét »
« Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch
Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng ».
b3. Hình tượng thiên nhiên
Hình tượng thiên nhiên xuất hiện nhiều trong các tác phẩm văn học lãng mạn vì các nhà văn lãng mạn luôn muốn phát huy trí tưởng tượng cao độ, khả năng liên tưởng phong phú để vẽ lên những bức tranh thiên nhiên lí tưởng theo mong muốn của mình. Và khi miêu tả thiên nhiên, các tác giả của văn học lãng mạn thường sử dụng triệt để nghệ thuật tương phản.
Trong văn học giai đoạn 1945-1975, hình tượng thiên nhiên cũng được miêu tả đậm nét và mang đậm tính sử thi. Thiên nhiên được miêu tả như một phông nền hoành tráng, kì vĩ để tôn lên vẻ đẹp của con người.
VD : Hình tượng rừng xà nu trong tác phẩm « Rừng xà nu »
+Rừng xà nu được miêu tả xuyên xuốt chiều dài tác phẩm, gắn với cuộc đời, số phận của mỗi người dân làng Xô Man nhưng đậm nét nhất ở đoạn mở đầu và đoạn cuối của tác phẩm.
+ Rừng xà nu chịu nhiều đau thương, mang trong mình những nỗi đau lớn.
+ Mặc dù vậy, xà nu vẫn vượt lên đạn bom với một sức sống mãnh liệt, phi thường, vẫn ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho dân làng. Đặc biệt, xà nu là một loài cây ham ánh sáng mặt trời, luôn vươn lên để đón ánh nắng.
+ Để toát lên vẻ đẹp của xà nu, tác giả luôn đặt hình tượng xà nu trong thế tương phản với đại bác của giặc. VD : Chúng nó bắn đã thành lệ…Cả rừng xà nu hàng vạn cây k có cây nào k bị thương…Hiếm có loài cây nào lại sinh sôi nảy nở khỏe đến vậy…
àHình tượng xà nu vừa như một bức phông nền hoành tráng, kì vĩ, tôn lên vẻ đẹp con người, vừa là tượng trưng cho những phẩm chất anh hùng của con người Tây Nguyên.
VD : Tây Tiến. Bức tranh thiên nhiên miền Tây vừa hùng vĩ, hiểm trở, lại vừa thơ mộng, trữ tình, góp phần tôn lên vẻ đẹp hào hùng mà rất hào hoa của những người lính Tây Tiến.
3. Về ngôn ngữ giọng điệu
Những tác phẩm văn học giai đoạn 1945-1975 có giọng điệu mang tính sử thi. Đó là giọng anh hùng ca, hào sảng, đẹp một cách tráng lệ, hào hùng. Nếu đề cập đến cái bi, mất mát, hi sinh thì đó là giọng bi tráng, bi hùng chứ không hề bi lụy.
*. Giọng ngợi ca, hào hùng, mang sắc thái khẳng định, đậm chất anh hùng ca
VD : « Những đường Việt Bắc của ta
…….Vui lên Việt Bắc đèo De, núi Hồng »
Đoạn thơ viết về Việt Bắc trong những đêm ra quân với khí thế hào hùng, mãnh liệt. Nhịp thơ nhanh, giọng thơ mạnh mẽ, hào sảng thể hiện sức mạnh và niềm tin chiến thắng của dân tộc.
« Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc…..dữ oai hùm »
VD: Những đứa con trong gia đình
Đoạn văn miêu tả tinh thần chiến đấu của Việt là đoạn văn đầy hào sảng, mang âm hưởng anh hùng ca:
“Một loạt đạn súng lớn văng vẳng…. Lựu đạn ta đang nở rộ”
*. Khi viết về Hồ Chí Minh, giọng thơ chủ yếu là giọng ngợi ca, khẳng định trong sự kính phục và yêu thương vô hạn.
“Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa
Tự do cho mỗi đời no lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già” (Bác ơi – Tố Hữu)
*. Giọng bi hùng, bi tráng khi nói về những mất mát, hi sinh.
Cuộc kháng chiến trường kì chống lại những tên đế quốc sừng sỏ không thể tránh khỏi những mất mát, hi sinh. Văn học thời kì này không né tránh mà đã tái hiện chân thực những đau thương của dân tộc. Tuy nhiên, giọng điệu không hề bi lụy mà bi hùng, bi tráng, tác động mạnh mẽ đến tâm can người đọc, khiến ta cảm nhận được chiều sâu và vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam trong những năm tháng không thể nào quên. Giọng điệu bi hùng còn có ý nghĩa thúc đẩy tinh thần đấu tranh của toàn dân tộc.
VD: Tây Tiến – Quang Dũng
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
……Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
VD: Rừng xà nu
“Tnu nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, trừng trừng…..từ đỉnh núi Ngọc linh về”
*. Các thủ pháp nghệ thuật.
Khuynh hướng sử thi thường sử dụng thủ pháp nghệ thuật phóng đại, cường điệu và trùng điệp để nhấn mạnh cái phi thường.
-         Phép cường điệu:
VD: Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm….đất rung
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bàn chân nát đá muôn tàn lửa bay.
VD: Dốc lên khúc khuỷu……ngàn thước xuống
-         Phép trùng điệp
VD: Hình ảnh rừng xà nu được nhắc đến nhiều lần trong tác phẩm, đậm nét ở đoạn mở đầu và đoạn cuối tác phẩm.
*. So sánh thể loại sử thi dân gian và khuynh hướng sử thi trong văn học 1945-1975.
- NHững điểm giống nhau:
+ Đề tài, chủ đề: Viết về những vấn đề lớn lao, mang tầm lịch sử, liên quan đến vận mệnh của cộng đồng.
+ Hình tượng nghệ thuật
Đều xây dựng những hình tượng tiêu biểu, đại diện cho vẻ đẹp, sức mạnh, lí tưởng của cộng đồng.
+ Ngôn ngữ, giọng điệu
-         Đều có giọng ngợi ca, khẳng định mạnh mẽ, hào sảng.
-         Đều sử dụng bút pháp phóng đại, cường điệu.
-. Những điểm khác nhau
+ Về hình tượng nghệ thuật
. Nhân vật của sử thi là người anh hùng được thần thánh hóa, được thần linh phù trợ. VD: Đăm Săn được ông Trời mách nước để giết được MtaoMxay. Uylitxo được ví như một vị thần.
. Nhân vật sử thi của văn học VN giai đoạn 45-75 tuy được lí tưởng hóa nhưng đó là những con người của cuộc sống đời thường. Họ được miêu tả một cách lí tưởng theo ước mơ, khát vọng của con người thời đại cách mạng. Vẻ đẹp của họ là điều mà con người thời đại này mong muốn, cố gắng hướng đến và có thể hướng đến chứ không phải siêu nhiên, thần thánh như ở các tác phẩm sử thi dân gian. Điều này xuất phát từ một nguyên nhân quan trọng: trình độ nhận thức, trình độ khoa học của con người thời đại này đã tiến bộ nhiều so với thời xa xưa.
+ Về nghệ thuật
. Sử thi thường sử dụng lối trùng điệp ngôn ngữ và những định ngữ đi kèm.
VD: Đăm săn là một tù trưởng đầu đội khăn nhiễu,, vai mang nải hoa.
Đăm Săn là một tù trưởng “danh vang đến thần, tiếng lừng khắp núi”
Penelop thận trọng. Uylitxo muôn vàn trí xảo…
Sử thi thường nhắc lại nguyên vẹn hoặc chỉ thay đổi một chút để nhấn mạnh một ý nào đó.
VD: Đoạn miêu tả tiếng chiêng
Câu của Đăm Săn: Ơ ngàn chim sẻ, ơ vạn chim ngói, ơ tất cả tôi tớ bằng này..
. Những tác phẩm văn học giai đoạn 45-75 không sử dụng định ngữ đi kèm để miêu tả nhân vật. Lối trùng điệp cũng được sử dụng nhưng không giống ở thể loại sử thi dân gian, không lặp lại nhiều lần một câu nói trong tác phẩm mà có sự thay đổi, chuyển biến, tạo nên sự đa dạng, tạo nên những ý nghĩa sâu sắc. VD: Hình tượng rừng xà nu có khi xuất hiện trong văn bản là rừng xà nu, có khi là cây xà nu, nhựa xà nu,…
Tiểu kết
Văn học VN giai đoạn 1945-1975 mang đậm khuynh hướng sử thi. Khuynh hướng sử thi biểu hiện qua đề tài – chủ đề, hình tượng và giọng điệu trong tác phẩm văn học. Chất sử thi bao trùm đã làm nên vẻ đẹp rất riêng của một giai đoạn văn học, một vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Với đặc điểm nổi bật này, văn học VN giai đoạn 45-75 trở thành “tiếng nói, tâm hồn, nguyện vọng, ý chí của một dân tộc, một cộng đồng của nhiều con người cùng hợp lại, cùng hành động, cùng đứng lên chiến đấu giành lại quyền sống, quyền làm người, quyền độc lập, tự do… không phải cho riêng cá nhân mà là cho cả cộng đồng, ca dân tộc” (Hữu Thỉnh, Việt Nam – nửa thế kỉ văn học 1945-1995 )
2.2.2. Cảm hứng lãng mạn trong văn học giai đoạn 1945-1975
a. Thi vị hóa hiện thực cuộc sống và chiến đấu.
* Hiện thực cuộc sống xây dựng chủ nghĩa xã hội còn nhiều khó khăn nhưng bằng cảm hứng lãng mạn, các tác giả đã thổi vào cuộc sống một niềm vui, niềm tin yêu khiến cuộc sống đẹp tươi hơn.Huy Cận trong bài Đoàn thuyền đánh cá đã miêu tả khung cảnh lao động với cái nhìn khỏe khoắn, lạc quan và chan chứa cảm hứng lãng mạn. Giữa con người và thiên nhiên có sự giao hòa. Sức lao động đã làm nên bao điều kì diệu, nâng cánh tâm hồn ta thêm bay bổng, đôi mắt ta thêm giàu có, tin yêu. (Thuyền ta lái gió…..vây giăng). NHững vần thơ được viết theo cảm hứng lãng mạn tuy có chỗ chưa sát với thực tế nhưng vẫn rất đáng quí, giúp ta có thêm niềm tin, nghị lực vươn tới tương lai, trong đau khổ đã nghĩ tới ngày mai hạnh phúc.
*. Cảm hứng lãng mạn đã thi vị hóa hiện thực chiến tranh, giúp con người quên đi những đau thương mất mát, hướng tới một cuộc sống chiến đấu tươi đẹp hơn, rộn ràng những tiếng cười trẻ trung, lạc quan, yêu đời. Ra trận, đi vào mưa bom  bão đạn mà lòng vui như trẩy hội:
“Xẻ dọc…tương lai”
“Đường ra trận mùa này đẹp lắm”
Là những người lính, trực tiếp đối diện với bom rơi, đạn nổ, họ hiểu thấu những mất mát, đau thương. Nhưng, họ giấu đi những tổn thất để yên lòng người ra trận, họ vượt lên bom đạn, hi sinh bằng tiếng cười, tiếng hát của một dân tộc nhiệt tình chiến đấu và nắm chắc chiến thắng. Tiếng cười như một biểu hiện của sức sống mãnh liệt, sức chống chọi dẻo dai của dân tộc trước mọi thử thách.
“Không có kính ừ thì có bụi….cười ha ha”
*. Bằng cảm hứng lãng mạn, thi vị hóa, các tác giả đã nhìn nhận cái chết bằng cái nhìn bình thản. Đối với người lính, cái chết thật nhẹ nhàng, thanh thản.
“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh….độc hành”
Nỗi đau tử biệt không làm cho người còn lại yếu đuối, bi lụy mà trái lại, sự hi sinh ấy làm cho ta trở nên mạnh mẽ hơn, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù
VD: Tnu trước cái chết của những người trong làng và người thân trong gia đình (Mai và con).
“Cây sắt thứ hai đập vào trước ngực Mai…..Ông cụ buông Tnu ra”
VD: Việt và Chiến trước cái chết của ba má. Hai chị em tranh nhau tòng quân để trả thù cho ba má.
b. Lý tưởng hóa tương lai
*. Với cái nhìn lãng mạn, đất nước Việt Nam trong những năm tháng xã hội chủ nghĩa hiện lên thật đẹp. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nhất định thắng lợi. Trong văn học ta thấy sáng lên một niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp ở ngày mai.
VD: Đã nghe nước chảy lên non
Đã nghe đất chuyển thành con sông dài
Đã nghe gió ngày mai thổi lại
Đã nghe hồn thời đại bay cao (Ba mươi năm đời ta có Đảng)
VD: “Ôi tương lai như hải cảng lắm tàu
Những con tàu chở đầy hạnh phúc
Ôi! tương lai như mùa chiêm lắm thóc
Lắm tiếng cười, lắm cánh bồ câu ”
(Chim lượn trăm vòng – Chế Lan Viên)
VD: Mùa lạc.
*. Bằng cái nhìn lãng mạn, những tác phẩm văn học giai đoạn 1945-1975 còn thể hiện cái nhìn lý tưởng về cuộc sống ra trận, tin rằng thắng lợi ắt về ta và sự thất bại của địch là tất yếu. Chính điều đó góp phần quan trọng làm nên sức mạnh tinh thần to lớn để vượt qua mọi thiếu thốn gian khổ, mọi thử thách nặng nề của chiến tranh.
“Chiến thắng về ta rất dĩ nhiên
Như nhân tâm phải thắng bạo quyền
Như B52 rơi trên Hà Nội
Cho mặt hồ Gươm ngát bóng sen”
(Giọt lệ mừng – Đông Trình)
“Nghìn đêm thăm thăm sương dày…..mai lên….núi Hồng”
“Ngày mai, ngày mai ta hoàn toàn chiến thắng
Anh dắt tay em, trời chi chít sao giăng”
(Lửa đèn – Phạm Tiến Duật)
VD. Mảnh trăng cuối rừng
c. Tuyệt đối hóa giữa thiện và ác, giữa ta và địch
Một trong những thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của cảm hứng lãng mạn là xây dựng sự đối lập, tương phản. Văn học VN giai đoạn 1945-1975 đã xây dựng sự đối lập một cách tuyệt đối giữa thiện và ác, ta và địch. Sự đối lập thiện và ác vốn có trong văn học từ xưa đến nay, nhất là trong văn học dân gian. Tuy nhiên, sự đối lập môt cách tuyệt đối hóa giữa thiện và ác, ta và địch trong văn học VN giai đoạn này mang đậm hơi thở thời đại, mang đậm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện sự căm phẫn trước những hành động tội ác, phi nghĩa của giặc và niềm tin vào chiến thắng tất yếu của chính nghĩa.
*. Giặc Pháp, Mỹ xâm lược đất nước ta và gây ra biết bao tội ác « trời không dung, đất không tha ». Hành động của chúng dã man như những tên ác thú.
VD : Rừng xà nu
Đoạn văn miêu tả cảnh bọn thằng Dục tra tấn mẹ con Mai đến chết và đốt mười đầu ngón tay Tnu.
VD : Những đứa con trong gia đình
Bọn giặc Mỹ giết hại những người thân trong gia đình Việt.
VD : Đất nước – Nguyễn Đình Thi
“Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da”
“Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều”
à. Các tác giả có xu hướng tuyệt đối hóa tội ác của kẻ thù, thể hiện thái độ căm phẫn tột độ. Đó là động lực thôi thúc ta chiến đấu
“Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn” (N.Đ.T)
VD: Rừng xà nu : Sự căm giận sôi trào ở Tnu
« Ở chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn »
VD : Những đứa con trong gia đình.
Chị chiến quyết không đội trời chung với giặc: “Nếu giặc còn thì tao mất”
*. Nếu kẻ thù là đại diện cho cái ác, chúng sang xâm lược nước ta, gieo bao tội lỗi thì nhân dân Việt Nam là đại diện cho chính nghĩa. Chúng ta chiến đấu không chỉ vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất chính đáng của Tổ quốc mà còn để bảo vệ chân lý và vẻ đẹp của nhân loại trên thế giới.à Vì thế, những đoạn văn, đoạn thơ miêu tả cuộc chiến đấu vì chính nghĩa của ta mang đậm cảm hứng lãng mạn, anh hùng ca.
VD: Cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man là cuộc đấu tranh vì chính nghĩa, tiêu diệt những kẻ xâm lược tàn ác và giành lại sự bình yên, hạnh phúc cho bản làng.
Phương châm : Chúng nó đã cầm súng thì mình phải cầm giáo.
« Tnu thét lên một tiếng…..núi Ngọc Linh về ».
VD: Những đứa con trong gia đình
“Một loạt đạn súng lớn văng vẳng……Lựu đạn ta đang nổ rộ”
VD: Chúng muốn đốt ta thành tro bụi
Ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm
Chúng muốn ta bán mình ô nhục
Ta làm sen thơm ngát giữa đầm
(Việt Nam, máu và hoa – Tố Hữu)
Khi thể hiện sự đối  lập, tuyệt đối hóa giữa ta và địch, các tác giả đã vạch một ranh giới rõ ràng: Ta nhất định thắng, địch nhất định sẽ chuốc lấy thất bại thảm hại.
Ta sẽ đánh, đánh những đòn sét đánh
Lũ diều hâu phải rã cánh tan đầu
(Bài ca xuân 71 – Tố Hữu)
“O du kích nhỏ……mày râu”
VD: Rừng xà nu
Tiểu kết:
VHVN giai đoạn 1945-1975 tràn đầy cảm hứng lãng mạn. Cảm hứng lãng mạn như một chất men say nồng đến kì lạ, xông hương và lan tỏa khắp các tác phẩm văn học cách mạng. Cảm hứng lãng mạn mang đến cho văn chương một cái nhìn thi vị cuộc sống hiện tại, lý tưởng cuộc sống tương lai, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh, ý chí và nghị lực để con người vượt qua mọi gian khổ, khó khăn, hi sinh, mất mát, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược.
2.3. Mối quan hệ giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong Văn học VN giai đoạn 1945-1975.
Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn là hai đặc điểm, hai tính chất gắn bó, đi liền, không thể tách rời của VHVN giai đoạn 1945-1975. Những tác phẩm văn học mang khuynh hướng sử thi thì mang cảm hứng lãng mạn và ngược lại. Sự kết hợp của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn đã tạo nên một đặc điểm của các tác phẩm văn học thời kì này: Hướng vận động của cốt truyện, số phận nhân vật, dòng cảm nghĩ của tác giả, của nhân vật trữ tình hầu như đều đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ gian khổ đến niềm vui, từ hiện tại đế tương lai đầy hứa hẹn. Chính sự kết hợp của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn đã làm cho văn xuôi tự sự gần với thơ ca và thơ ca giàu yếu tố tự sự, làm cho văn học bám sát vào cuộc sống hiện thực hơn.
·        Hạn chế:
Ta khẳng định những giá trị, ý nghĩa của khuynh hướng sử thi và cảm hững lãng mạn không có nghĩa là phủ nhận những hạn chế của nó. Trên thực tế, những tác phẩm có khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn cúng có những điểm hạn chế: thi vị hóa, đôi chỗ sa vào ảo tưởng, khó thực hiện, công thức. Dẫu sao, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, những hạn chế rất nhỏ ấy có thể được thông cảm. Một thời kì lịch sử đầy những đau thương, chiến tranh ác liệt thì cần có những đôi cánh nâng đỡ con người vượt qua hiện thực như thế.
2.4. Đề luyện tập
Đề 1: So sánh chất sử thi trong Rừng xà nu và NHững đứa con trong gia đình.
GỢI Ý
1.     Mở bài
2.     Thân bài
a. Khái quát về “Rừng xà nu” và “Những đứa con trong gia đình”
b. Chất sử thi là gì? Những biểu hiện cụ thể ?
c. Những điểm tương đồng và khác biệt về chất sử thi trong hai tác phẩm
*. Đề tài, chủ đề mang tính sử thi
- Rừng xà nu.
+ Tác phẩm RXN phản ánh cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Đồng bào Tây Nguyên có một sức sống kiên cường, mãnh liệt, thế hệ nối tiếp thế hệ vùng lên đấu tranh đánh giặc. Đây là một vấn đề của thời đại, của lịch sử.
+ Tác phẩm đồng thời nêu lên một chân lí của thời đại đánh Mỹ: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo.
-         Những đứa con trong gia đình.
+ Tác phẩm phản ánh cuộc đấu tranh anh dũng của người dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thế hệ nối tiếp thế hệ đứng lên chiến đấu.
*. Hình tượng nghệ thuật mang tính sử thi.
- Cả hai tác phẩm đều xây dựng được những hình tượng nhân vật mang tính sử thi, những con người đại diện cho những thế hệ, những lớp người đứng lên đánh giặc.Cuộc đời họ đi từ đau thương đến vùng dậy đấu tranh, chiến đấu kiên cường với lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc.
+ Tnu là đại diện vẻ đẹp, sức mạnh, tinh thần chiến đấu của dân làng Xô Man, con người Tây Nguyên trong những năm đánh Mỹ. Tnu mang những tố chất của người anh hùng cách mạng chân chính.
. Cuộc đời Tnu chịu nhiều đau thương
. Tnu thông minh, bản lĩnh và chiến đấu kiên cường, một lòng trung thành với Đảng.
+ Việt và Chiến là đại diện cho vẻ đẹp, sức mạnh và tinh thần chiến đấu của nhân dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
. Cuộc đời nhiều đau thương, mất mát.
. Căm thù giặc, quyết tâm tòng quân giết giặc, chiến đấu dũng cảm, kiên cường.
- Bên cạnh việc xây dựng hình tượng nhân vật chính, hai tác phẩm còn chú trọng xây dựng mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, quần chúng.Tnú, Việt và Chiến là những đại diện tiêu biểu cho anh hùng Cách mạng, nhưng để có được thành công, họ đều cần tới sự hợp tác giúp đỡ của người thân, dân làng và đồng đội.
+ Mối gắn kết bền chặt giữa Tnú và người dân làng Xô man đã tạo ra một làn sóng sức mạnh to lớn, tiêu diệt mọi kẻ thù. Tnú chỉ thực sự mang sức mạnh từ tình đoàn kết với dân làng. Cả cộng đồng người làng Xô man ai cũng gan dạ, bản lĩnh. Các thế hệ ngườidanlàng Xô man lần lượt tiếp nối truyền thống yêu nước danh giac của dân tộc.
+ Tương tự như Tnú, Việt và Chiến cũng là một thành phần tiêu biểu trong đơn vị của mình. Cả hai lớn lên dưới sự dìu đắt từ người chú ruột để có được một lòng căm thù giặc sâu sắc. Tiếp theo đó là sự bao bọc, giúp đỡ từ đoàn thể, đồng đội.Cuốn sổ của chú Năm– ấy là lịch sử một gia đình, nó cho thấy truyền thống và sự tiếp nối. Nó là một hình thức giáo dục lòng tự hào về truyền thống mà chú Năm rất có ý thức xây dựng cho thế hệ con cháu.
*. Ngôn ngữ, giọng điệu đậm chất sử thi
- Rừng xà nu
+ Giọng hào sảng, mạnh mẽ, đầy đau thương và căm hờn.
+ Ngôn ngữ đậm màu sắc Tây Nguyên.
+ Biện pháp nghệ thuật phóng đại, tương phản.
-. Những đứa con trong gia đình.
+ Giọng hào hùng mạnh mẽ nhưng có pha chút hóm hỉnh.
+ Ngôn ngữ đậm màu sắc Nam Bộ.
+ Biện pháp tương phản, đối lập.
c. Nguyen nhan khac biet
3. Kết bài
Đề 2: Chất sử thi trong “Đất nước” của NĐT, “Đất nước” của NKĐ và “Việt Bắc” của TH.
GỢI Ý
1.     Mở bài
2.     Thân bài
a.      Khái quát về 3 tác phẩm
b.     Chất sử thi trong 3 tác phẩm
b1. Đề tài, chủ đề.
b2. Hình tượng nghệ thuật
b3. Ngôn ngữ, giọng điệu
c.      Đánh giá chung
d.     3. Kết bài.
Đề 3. So sánh cảm hứng lãng mạn trong Thơ mới 1930-1945 và thơ cách mạng 1945-75.
GỢI Ý
1.     Mở bài
2.     Thân bài
a.     Khái quát về phong trào Thơ mới và thơ cách mạng 45-75
b.     So sánh cảm hứng lãng mạn trong phong trào Thơ mới và thơ cách mạng 45-75
*. Cảm hứng lãng mạn là gì?
*. Những điểm chung về cảm hứng lãng mạn trong phong trào Thơ mới và thơ cách mạng 45-75.
- Thi vị hóa hiện thực.
+ Thơ mới:Hiện thực xã hội có nhiều trái ngang, bất công nhưng bằng cái nhìn lãng mạn, các tác giả của phong trào Thơ mới đã thi vị hóa hiện thực, miêu tả hiện thực không phải như nó vốn có mà như mình mong ước, tưởng tượng.
VD: Xuân Diệu
“Của ong bướm……………ngon như một cặp môi gần”
VD: Lưu Trọng Lư: Em có nghe mùa thu……..vàng khô
VD: Hàn Mặc Tử: Sao anh không về chơi thôn Vĩ……….mặt chữ điền.
+ Thơ cách mạng 45-75: Thi vị hóa hiện thực đấu tranh, có cái nhìn đẹp hơn về hiện thực đầy gian khổ, vượt lên trên những khó khăn, mất mát, hi sinh.
. Đường ra trận mùa này đẹp lắm.
. Không có kính ừ thì có bụi.
- Đi sâu khai thác thế giới cảm xúc của cái tôi, phát huy trí tưởng tượng, liên tưởng phong phú.
- Chú trọng diễn tả những cảm xúc mạnh mẽ, những tương phản gay gắt, những biến thái tinh vi trong tâm hồn con người.
+ Thơ mới:
* NHững điểm riêng
- Thơ mới
Thơ mới đề cao cái Tôi cá nhân, một cái tôikhông tìm được sự đồng điệu với thực tại. Thơ mới thi vị hóa hiện thực nhưng theo hướng tiêu cực, là thoát ly hiện thực, tìm đến một thế giới khác. Vì là cái Tôi cá nhân nên rất đa dạng, mỗi tác giả lại thể hiện một cái tôi riêng, một cách thoát ly riêng.
. Thế Lữ: Thoát ly vào cõi tiên
. CLV thoát ly vào cõi chết, cõi hư vô
. NB thoát ly vào thế giới của những giấc mộng
.LTL thoát ly vào thế giới của tình yêu
. Hàn Mặc Tử tìm về một thế giới mang màu sắc tôn giáo.
. Vũ Đình Liên tìm về với quá khứ
“Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. NHưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ….Huy Cận” (Thi nhân Việt Nam)
+ Thơ mới chú trọng thể hiện tiếng nói cá nhân đầy cảm xúc. Đó là nỗi buồn lãng mạn, là sự chán chường, là sự lo âu, hoài nghi, băn khoăn,
VD: Trần thế em nay chán nửa rồi
“Trời hỡi hôm nay tôi chán hết….nhân gian”
“Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa….hoài xuân”
“Sao bông phượng…….giọt châu”
àChủ nghĩa lãng mạn trong văn học VN giai đoạn 30-45 nói chung, trong Thơ mới nói riêng là chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực, “tô vẽ hiện thực, hòng làm cho con người thỏa hiệp với hiện thực, chạy trốn vào cõi sâu xa vô ích của thế giới nội tâm bản thân, chạy trốn vào cõi mê muội của số kiếp con người với những tư tưởng về tình yêu và cái chết” (Gorki).
-         Thơ cách mạng 45-75
Cái tôi trữ tình trong thơ cách mạng 1945-1975 là cái tôi gắn bó với cộng đồng, gắn liền với nhân dân, tìm được tiếng nói chung, đi theo một đường hướng chung. Mỗi bài thơ thể hiện một cái tôi trữ tình khác nhau nhưng đều mang một điểm chung là gắn bó với nhân dân, với hiện thực cách mạng.
Thơ cách mạng thi vị hóa hiện thực nhưng theo hướng tích cực, có cái nhìn đẹp hơn về thực tại, vượt lên trên thực tại gian khổ, hi sinh. Vì thế, cái tôi không thoát ly thực tại mà hướng về thực tại, hướng về cuộc sống xây dựng và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Các nhân vật lí tưởng của thơ cách mạng 45-75 không chán ghét thực tại, bất hòa với thực tại mà gắn cuộc đời riêng của mình với cuộc đời chung của dân tộc.
VD: “Tây Tiến”
Đoàn thuyền đánh cá àNiềm vui lao động trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
+ Hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.
“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày…..như ngày mai lên”
+ Thơ cách mạng cũng chú trọng diễn tả tiếng nói cá nhân tràn đầy cảm xúc, phát huy cao độ trí tưởng tượng nhưng đó là những niềm vui lớn, tình cảm lớn, lẽ sống lớn, gắn liền với vận mệnh của dân tộc.
VD. Xuân ơi xuân em mới đến dăm năm….ngày hội
Vui bất tuyệt
Niềm vui ra trận
VD: Đất nước (NĐT)
“TRời thu nay khác rồi……….đỏ nặng phù sa”
VD: “Tây Tiến”
Tây Tiến đoàn binh….oai hùm”
c.      Nguyên nhân của sự khác biệt….
Do sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử và quan niệm nghệ thuật.
-         Phong trào Thơ mới
+Ra đời, phát triển trong giai đoạn 1930-1945. Đây là thời kì khó khăn của lịch sử dân tộc. Đất nước bị xâm chiếm, rất nhiều cuộc khởi, nghĩa, đấu tranh giành độc lập đã diễn ra nhưng chưa có kết quả cuối cùng. Một bộ phận tầng lớp trí thức, thanh niên rơi vào tâm trạng bế tắc, hoang mang. Lại thêm ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933, một cuộc khủng hoảng thừa, đời sống càng thêm khó khăn, nạn cờ bạc, đĩ điếm, trộm cướp, thuốc phiện tràn lan. Tầng lớp trí thức càng thêm chán ghét thực tại, bất hòa với thực tại nhưng cũng bất lực, chưa biết làm gì. Họ tìm cách thoát ly, lẩn tránh thực tại chính trị xã hội của đất nước.
+ Quan niệm nghệ thuật: Ý thức cá nhân phát triển, văn học phát triển theo nhiều xu hướng. Các tác giả đều tìm cho mình một cách thể hiện cái Tôi riêng.
-         Thơ cách mạng 1945-1975
+ Ra đời trong một bối cảnh thời đại có nhiều khó khăn nhưng hết sức oai hùng. Đất nước chưa hoàn toàn thống nhất, chưa sạch bóng quân thù nhưng thắng lợi của Khởi nghĩa tháng Tám đã tạo niềm tin tưởng của người dân ở sự lãnh đạo của Đảng. Cuộc kháng chiến trường kì của ta cũng liên tiếp giành thắng lợi. Con người không hoang mang, bơ vơ, lạc lõng giữa thời đại mà tràn đầy khí thế, sức mạnh đánh giặc, chan chưa niềm tin vào tương lai tất thắng. Mỗi người dân đều hăng hái xung phong ra trận, cho rằng, cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù, nên ra trận đầy niềm vui và chiến đấu đầy hào khí, sức mạnh.
+ Văn học phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn học phục vụ sự nghiệp cách mạng nên đi theo một đường lối chung.
3.     Kết bài
Đề 4.
 “Cái bình thường là cái chết của nghệ thuật” (V. Huygo)
Anh/chị hãy giải thích nhận định trên và làm sáng tỏ qua bài thơ “Tây Tiến”của Quang Dũng.
GỢI Ý
1.     Mở bài
2.     Thân bài
a.      Giải thích
-         Cái bình thường: những cái đơn giản, một chiều, không có nhiều đặc sắc, không có nhiều góc cạnh, không để lại ấn tượng đặc biệt đối với người đọc, người nghe.
-         Cái chết của nghệ thuật: Tác phẩm nghệ thuật không có sức sống, không sống được trong lòng độc giả, không được độc giả đón nhận.
è Câu nói của Huygo đã khái quát một nguyên tắc sáng tác, một quan niệm thẩm mỹ của chủ nghĩa lãng mạn: không chấp nhận cái bình thường, cái đẹp là cái phi thường. Một tác phẩm nghệ thuật viết về những cái bình thường, hời hợt, dễ dãi, đơn giản, xuôi chiều thì không có giá trị, bị khai tử ngay khi mới chào đời.
b.     Chứng minh qua bài thơ “Tây Tiến”.
*. Quang Dũng đã phát hiện cái bất thường trong những hình tượng bình thường và thường đẩy lên mức độ tuyệt đối.
- Hình tượng thiên nhiên và con người miền Tây.
+ Đã có nhiều tác phẩm văn chương viết về thiên nhiên Tây Bắc. VD: Tiếng hát con tàu, Người lái đò sông Đà. Trong Tiếng hát con tàu, hình tượng thiên nhiên Tây Bắc xuất hiện còn mờ nhạt, chưa rõ nét. Trong Người lái đò sông Đà, thiên nhiên Tây Bắc hiện lên qua một hình tượng cụ thể: hình tượng con sông Đà, qua cái nhìn của một người nghệ sĩ đang khát khao tìm kiếm chất vàng thiên nhiên TB
+ Tây Tiến: tác giả miêu tả thiên nhiên Tây Bắc qua cái nhìn của những người lính đang trên đường hành quân. Vì thế, thiên nhiên và con người miền Tây hiện lên qua các hình ảnh như dốc, đèo, núi, cồn, bản làng. Các hình ảnh sự vật đều được miêu tả đến độ tột cùng, trong thế đối lập, tương phản.
. Thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội, hiểm trở, là vẻ đẹp thiên nhiên nhưng cũng là khó khăn đối với người lính.
Dốc lên……ngàn thước xuống
Chiều chiều…..cọp trêu người
. Thiên nhiên Tây Bắc thơ mộng, trữ tình, làm say lòng người.
“Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
“Ai đi Châu Mộc……………..đong đưa”
- Hình tượng người lính Tây Tiến.
+ Đã có nhiều tác phẩm viết về hình tượng người lính. VD: Đồng chí, Bài thơ về tiểu đội xa không kính….
+ Quang Dũng miêu tả những đặc điểm riêng có của hình tượng người lính Tây Tiến.
. Người lính Tây Tiến hào hùng mà rất hào hoa.
(So sánh với hình tượng người lính trong Đồng chí và Bài thơ về tiểu đội xe không kính, đặc biệt ở chất hào hoa, lãng mạn. Giải thích bằng hoàn cảnh xuất thân của những người lính Tây Tiến)
. Quang Dũng nhìn thẳng vào hiện thực đấu tranh nhiều mất mát, hi sinh.
* Quang Dũng thể hiện những cái bất thường, những đặc điểm riêng biệt của hình tượng bằng hình thức nghệ thuật có nhiều điểm mới, lạ:
- Sử dụng triệt để bút pháp tương phản, đối lập.
+ Đối lập giữa thiên nhiên hùng vĩ, hiểm trở và thơ mộng, lãng mạn
+ Đối lập giữa vẻ hào hùng và hào hoa của người lính.
àSự đối lập không bài trừ nhau mà kết hợp với nhau, tạo nên vẻ đẹp đa dạng của hình tượng.
- Những từ ngữ mới lạ: Quang Dũng đã dụng công sáng tạo những từ ngữ mới lạ tạo nên nét độc đáo cho bài thơ.
+ Nhớ chơi vơi.
+ Đêm hơi.
+ Súng ngửi trời.
+ Mưa xa khơi.
+ Mùa em
+ Mắt trừng
- Những hình ảnh mới lạ: Hoa đong đưa, Hình ảnh đoàn binh không mọc tóc, quân xanh màu lá, Áo bào thay chiếu, Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
* Đánh giá
- Bài thơ Tây Tiến viết về một đề tài quen mà nội dung và hình thức đều có nhiều cái lạ. Đó là những cái không bình thường của nghệ thuật. Điều đó khiến tác phẩm có số phận lênh đênh nhưng cũng vì thế mà tác phẩm còn sống mãi trong lòng độc giả đến tận ngày nay mà sẽ là mãi mãi về sau.
3. Kết bài
III. KẾT LUẬN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ĐỀ: “Một vầng trăng in trong gương Vẫn là một vầng trăng. Vầng trăng qua lòng mắt người nghệ sĩ Có thể thành vô vàn nét đẹp.” (Theo Phạm T...