Thứ Năm, 14 tháng 11, 2019

Tác Phẩm Văn Học Chân Chính Bao Giờ Cũng Là Sự Tôn Vinh Con Người Qua Những Hình Thức Nghệ Thuật Độc Đá


Tác Phẩm Văn Học Chân Chính Bao Giờ Cũng Là Sự Tôn Vinh Con Người Qua Những Hình Thức Nghệ Thuật Độc Đáo
 “Tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo”.
Bằng việc phân tích một tác phẩm đã học, anh (chị) hãy bình luận nhận định trên.
(Đề thi chọn học sinh giỏi Văn toàn quốc năm học 2009 – 2010)
BÀI LÀM THAM KHẢO
      Cuộc sống mở ra với muôn vàn vị ngọt của âm thanh, hình ảnh và thu lắng mình vào tráng văn của bao nghệ sĩ. Văn học ưu ái một chú chim hót vang mừng sáng; thiết tha một cánh hồng phả vào buổi sớm; nhưng bao giờ cũng thế; văn học luôn lấy con người làm tâm điểm phản ánh và vẻ đẹp con người kết tinh nên tác phẩm hay. Có phải thế chăng mà có ý kiến cho rằng: “Tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo”.
Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi đến của văn học (Tố Hữu). Văn học từ cuộc sống mà ra và làm cho cuộc sống thêm phần đẹp tươi. Đích đến của cuộc hành trình văn chương muôn đời chính là cuộc sống của con người. “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm, trong đó tâm điểm chính là con người (Nguyễn Minh Châu). Thoát thai từ đời sống, văn chương chân chính mang thiên chức lớn lao cao cả – đó là trở về bồi đắp thêm phần phù sa màu mỡ cho cuộc đời; làm đẹp thêm con người. Văn học bồi đắp cho cuộc sống hay văn học phải tìm ra nhân tố quan trọng nhất là con người để bằng văn chương làm đẹp con người. Ta hiểu vì sao “tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo”. Đòi hỏi hay yêu cầu cho ra đời một tác phẩm phải đi từ huyết quản của cuộc đời, mang trong dòng chữ của mình một hình ảnh con người. Nguyễn Trung Thành đã nhận xét thấu đáo: Văn học là phương thức tồn tại của con người, giữ cho con người mãi mãi là con người, không sa xuống thành con vật, hay thành ông Thánh vô duyên, vô bổ. Văn học là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người. Cái cốt lõi của văn học là tính nhân đạo”. Chúng ta cũng sẽ chỉ lưu giữ trong ngăn kéo của nhân loại những tác phẩm nâng đỡ con người lên bằng tình yêu thương và niềm tin tưởng của người viết. Một tác phẩm văn học có thể nói về núi sông cây cỏ, ca ngợi vẻ đẹp của những đám mây hay bầu trời nhưng một tác phẩm chỉ được coi là tác phẩm chân chính khi người nghệ sĩ biết lấy núi sông cây cỏ kia làm đẹp cho không gian sống của con người, biết lấy trái tim yêu thương của mình nâng đỡ lên bao số phận cuộc sống. Ta thấy An-na Ka-rê-ni-na còn sống mãi bởi vẻ đẹp của con người, dù bi kịch nhưng sáng mãi. Ta thấy Những người khốn khổ của V. Huy-gô vượt qua che phủ của thời gian vẫn đẩy giá trị vì thiên tác phẩm vĩ đại ấy đã cho người đọc biết rằng: Bao nhiêu con người khốn khổ kia đang kêu đòi một cuộc sống tốt đẹp hơn, dù khốn khổ nhưng họ vẫn khát khao được sống lương thiện, được cứu giúp người khác. Chẳng phải V. Huỵ-gô đã nâng con người lên khỏi những nghèo đói tăm tối để thắp sáng cho họ tình yêu thương cao cả sao? Đến với văn học phương Đông, ta đau cùng thánh thơ Đỗ Phủ nỗi đau cao cả trong Bài ca nhà tranh bị gió thu phá. Tuy có nỗi đau cho riêng mình vì nhà mình bị gió thu tốc mái, mình cùng vợ con phải chịu cảnh mưa lạnh suốt đêm trường nhưng trên tất cả là nỗi đau vì người khác. Nhà thơ dân đen ấy từ nỗi đau riêng đau niềm đau chung; quên đi nỗi đau riêng mình để sẻ chia với nỗi đau của muôn người thời đói khổ. Và chính trái tim đồng cảm vĩ đại này đã làm nên một ao ước vĩ đại mà ngàn đời trân trọng: Ước có ngôi nhà chắc chắn ngàn vạn gian để không chỉ cho riêng ta mà cho tất cả người dân đều không phải chịu cảnh đói rét. Mang hình thức tự sự của một câu chữ nhưng quả là một sáng tạo độc đáo trong sự tôn vinh đến tột bậc vẻ đẹp của lòng vị tha, của tinh thần nhân đạo trong trái tim người viết, trong cuộc sống con người. Trở về Việt Nam, ta thêm một lần kính yêu Nguyễn Du, người đã bằng kiệt tác Truyện Kiều nâng con người khỏi những ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến, khỏi những dây trói vô hình đang ngăn cản con người đến với tình yêu, đặc biệt, đưa con người vượt qua bao đau khổ để làm chói ngời trên trang văn vẻ đẹp của chữ tình, chữ nghĩa, chữ hiếu, chữ nhân, vẻ đẹp của một trái tim nhân đạo lớn, của một nghệ sĩ lớn. Mộng Liên Đường chủ nhân đã nhận xét: “Nếu không có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời thì tài nào có được bút lực ấy”. Tài năng của Nguyễn Du không phải chỉ là miêu tả tuyệt đẹp cảnh gió trăng mây nước, cũng không chỉ ở chỗ phản ánh chân thực những nỗi đau đứt ruột của con người trong cõi trần ai gió bụi mà là yêu thương, sẻ chia, đồng cảm, đồng tình, trân trọng, nâng đỡ, làm đẹp thêm cho tấm lòng Kiều, cho Kim Trọng, cho Từ Hải… cho con người nói chung. Giá trị vĩnh hằng của tác phẩm nghệ thuật chân chính này là có cội nguồn từ những hình tượng được xây nên từ bàn tay nghệ sĩ bậc thầy và tấm lòng nhân đạo lớn của Nguyễn Du. Đó chính là cốt cách, phẩm chất, hương vị tỏa ngát để Truyện Kiều còn nghìn thu vọng mãi, để tiếng thơ của Nguyễn Du mãi là tiếng thương mãi còn động đất trời.
Chí Phèo là một tác phẩm văn học chân chính mà qua đó Nam Cao đã tôn vinh con người qua hình thức nghệ thuật độc đáo. Chí Phèo là một điển hình cho những người nông dân đau khổ sau lũy tre làng Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Trước Nam Cao, Ngô Tất Tố đã có một chị Dậu khổ vì bán con bán chó, Nguyễn Công Hoan có một anh Pha bị bao tầng lớp dồn ép đến bước đường cùng. Chí Phèo của Nam Cao không chỉ bị dồn vào “bước đường cùng”, mà buộc phải bán cả linh hồn và thể xác của mình để trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, bị cướp cả nhân tính, nhân cách, bị đẩỵ ra ngoài cộng đồng người; đến tận bờ vực của phi nhân loại. Mở đầu tác phẩm, Nam Cao đã đảo lộn thời gian tuyến tính, không đi từ quá khứ mà xuất phát từ tương lai, đẩy ngay Chí Phèo ra giữa sân khấu cuộc đời bằng những tiếng chửi sặc mùi rượu. Hắn giao tiếp với cuộc đời không bằng thanh âm của tiếng người bình thường mà bằng tiếng chửi. Nếu như lúc ấy có anh nông dân nào vì tức mà chửi lại hắn thì hắn còn thấy mình được tính là một con người. Mà giả sử rằng nếu ông trời có tức hắn vì những lời hắn chửi trời mà cho cơn dông sấm sét thì hắn biết hắn nói còn có trời đáp lại. Nhưng đáp lại hắn chỉ là tiếng chó sủa mà thôi, ai cũng lờ hắn đi, coi hắn như chẳng có. Với những dòng kể xen lẫn lời tác giả: “Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không?”, với biện pháp thay đổi điểm nhìn trần thuật liên tục, tác giả kiến tạo được đoạn văn mở đầu vô cùng gây ấn tượng, vừa khiến độc giả bất ngờ, vừa diễn tả được đầy đủ nỗi đau của Chí Phèo.
Nam Cao bắt đầu thuật lại cuộc đời Chí Phèo. Từ một đứa bé trần truồng xám ngắt đến một tuổi thơ đi bán lại cho nhiều người. Từ một anh canh điền hiền lành chất phác đến một thằng săng đá, một con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chí Phèo là linh hồn đau khổ của làng Vũ Đại. Đến Chí Phèo người ta nhận ra hình ảnh đau khổ nhất, bi kịch lớn nhất của đời người.
Chí Phèo sau khi bị đẩỵ vào tù vì một lí do không ai hay rồi ra tù, trở về làng với nhân dạng méo mó. Nam Cao cứ miêu tả một cách lạnh lùng nhưng đọc kĩ ta thấy: Nam Cao không nói gì đến nguyên nhân Chí Phèo vào tù – cuộc đời người nông dân bị coi rẻ đến mức bị cướp mất quyền tự do mà không biết vì lẽ gì. Con quỷ dữ Chí Phèo ăn vạ, cướp bóc, rạch lên mặt mình vô số những vết mảnh chai, những vết cào đau đớn. Còn gì đau hơn khi chính Chí Phèo đã tự hủy hoại phần nhân hình của mình? Còn gì đau hơn khi bên trong con người kia phần thú đã chiếm lĩnh, phần người bị đẩy ra, phải “khăn gói ra đi”?
Nhưng, một tác phẩm miêu tả cái buồn, cái khổ mà không có một nhiệm vụ nào khác ngoài việc làm lây sang cho chúng ta nỗi buồn thì đó là điều đáng buồn hơn. Nam Cao còn nói với ta về tình người rất sâu nặng. Nam Cao dãn tác phẩm của mình ra và miêu tả vào trong đó một “cuộc tình” Thị Nở – Chí Phèo. Có ai từng nói: Chỉ với năm ngày thôi nhưng Chí Phèo đã sống rồi chết như một con người. Thị Nở xấu ma chê quỷ hờn lại mang trong mình một tình yêu lạ lùng dành cho Chí Phèo – con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Người ta cứ cho rằng tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét mới là tình yêu. Nhưng sẽ vẫn là tình yêu dẫu cho người đàn ông có là Chí Phèo – từng chỉ biết uống rượu cho say và đập đầu, rạch mặt ăn vạ và dẫu cho người đàn bà có là Thị Nở – vừa xấu ma chê quỷ hờn, vừa xác xơ nghèo lại vốn có dòng mả hủi. Gió trăng vô tình trong đêm hè nơi vườn chuối ven sông kia vẫn đẹp biết bao nhiêu khi đã cùng che chở, đồng tình và trăng làm sáng, gió làm mát cho hai nhân hình đau khổ vừa tìm thấy được nhau.
Chí Phèo dù được sống năm ngày yêu thương nhưng vẫn phải đối mặt với bi kịch của mình. Năm ngày yêu đương kia là một thứ thuốc thử của nhân tính để nhận ra trong Chí Phèo vẫn còn khát khao làm người lương thiện, vẫn ước mơ: “Chồng cuốc mướn càỵ thuê, vợ dệt vải, sống một cuộc đời bình yên”. Nhưng rồi Thị Nở cũng nhớ ra mình còn một bà cô trên đời và dừng yêu. Bi kịch tình yêu tan vỡ là chưa đủ, mà đó còn là bi kịch cự tuyệt quyền làm người, bị hất ra khỏi cộng đồng. Chí Phèo không được chấp nhận trở về cuộc sống lương thiện. Quy luật “bước chân đi cấm kì trở lại” của các trò chơi dân gian giờ đối với Chí Phèo lại xót xa biết bao nhiêu. Chí Phèo lại uống rượu nhưng rượu uống mãi khống say, chỉ thấy thoang thoảng hơi cháo hành. Hương cháo hành do Thị Nở tự tay nấu và bón cho Chí trong buổi sáng đầu của chuỗi ngày quấn quyện bên Chí Phèo lúc bấy giờ là minh chứng cho sự trở lại làm người. Nhưng Chí Phèo lại bước chân đi và theo thói quen đến nhà Bá Kiến. Một lưỡi dao vung lên, một vũng máu, một cuộc đời đi vào ngõ cụt. Chí Phèo chết trên ngưỡng cửa của sự hoàn lương; xã hội làng Vũ Đại đang đóng chặt lại cánh cửa cuộc đời, không cho Chí Phèo trở lại.
Nguyên Hồng đã viết về Nam Cao: Anh đã vắt từ những xót xa, quằn quại của mình ra thành những dòng ánh sáng yêu thương và tin tưởng để chứng minh cho sự sống nỗ lực của con người. Nam Cao không chỉ yêu người nông dân mà còn tin. Với ông lòng nhân đạo không chỉ thể hiện ở tình thương mà còn ở niềm tin. Ông tin người nông dân dù có xuống bùn, thậm chí xuống tới đáy bùn, nhưng từ đáy bùn lầy nước đọng vẫn cháy lên những khát vọng làm người lương thiện. Qua cách xây dựng truyện khá đặc sắc, dù bên ngoài lạnh lùng nhưng bên trong sục sôi tình yêu thương, Nam Cao đã viết nên những trang văn, như người ta đã nói không chỉ được viết bằng mực mà bằng máu của trái tim. Nam Cao đã nâng Chí Phèo lên, tôn vinh sự nỗ lực sống của con người.
Tác phẩm văn học chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo. Lấy con người làm trung tâm hay là mang vào, gây dựng lên bên trong tác phẩm văn học của mình một tinh thần nhân đạo sáng ngời. “Văn học là nhân học” (M. Gorki) hay “Tác phẩm văn học sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả… nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan; nếu nó không đặt ra những câu hỏi và không trả lời những câu hỏi đó” (Biêlinxki). Ý kiến đặt ra yêu cầu của văn học phải khơi sâu vào cuộc sống, rằng nhà văn phải để cuộc đời phả gió vào trái tim mình, đi tìm kiếm những hạt bụi vàng lấp lánh trên cuộc đời này để đúc thành những bông hồng vàng sáng chói. Con người cần được tôn vinh như một thực thể đẹp tuyệt diệu. Tuy nhiên không phải chỉ tôn vinh con người, có những tác phẩm văn học trào phúng, nói đến những điều xấu xa của con người, vạch trần bộ mặt giả dối của một lớp người nhưng đó vẫn là những tác phẩm chân chính của bao đời qua vì đi đến tận cùng, những tác phẩm ấy vẫn hướng cho con người đến cái đẹp, đến chân – thiện – mĩ.
Văn học bao đời ví như người hát rong trên suốt chiều dài cuộc sống. Văn học sẽ vì con người mà cất lên tiếng hát yêu thương, cất lên tiếng hát tôn vinh cho cuộc sống đầy hương hoa của con người.
Nguyễn Ngọc Thạch Thảo
Trường THPT Quốc Học Huế – Huế
Bài đạt giải Nhất -18, 5/20 điểm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ĐỀ: “Một vầng trăng in trong gương Vẫn là một vầng trăng. Vầng trăng qua lòng mắt người nghệ sĩ Có thể thành vô vàn nét đẹp.” (Theo Phạm T...