Đề bài: “Phải biến mình thành một ngọn lửa, ta mới có thể làm bừng lên ánh sáng của thành công”. (Reggie Leach)
Viết một bài văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói trên.
Viết một bài văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói trên.
***
Hướng dẫn lập dàn ý
I. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Câu nói của Reggie Leach “Phải biến mình thành một ngọn lửa, ta mới có thể làm bừng lên ánh sáng của thành công”.
II. Thân bài:
1. Giải thích câu nói
- Ngọn lửa, ánh sáng là cách nói bóng bẩy, hình ảnh để diễn tả ý thức tự vận động, ý thức phấn đấu vươn lên, tính kiên trì, lòng đam mê, khát vọng cháy bỏng của bản thân trong công việc, trong cuộc đời mới đạt được những thành công rực rỡ.
- Bản chất của thành công trước hết phải do sự cố gắng vươn lên của chính bản thân chứ không phải do người khác đem lại cho mình.
2. Bình luận
– Câu nói xác đáng cũng có thể xem như một chân lí cuộc sống. Thành công của mỗi người là kết quả của quá trình, công sức, thời gian, bản lĩnh, trí tuệ, gian nan, vất vả, thậm chí phải nếm trải nhiều thất bại mới có được.
– Song chỉ chăm chỉ, cần cù thôi chưa đủ, ta phải biến mình thành ngọn lửa – ngọn lửa của sức mạnh, niềm tin, tình yêu, sự đam mê cháy bỏng, nhiệt huyết của tuổi trẻ mới có thể làm bừng sáng lên ánh sáng của thành công.
– Người khác có công chỉ bảo, dẫn dắt ta trên con đường đến với thành công, song điều quan trọng, căn bản phải ở chính ta. Ta tự đốt cháy ta, nhóm lên lửa trong ta mới tỏa sáng được chính ta.
– Ai đó cho rằng thành công là do sự may mắn hay phần lớn do người khác giúp đỡ, đem lại là chưa hoàn toàn đúng. Cái chính phải dựa vào sức của mình. Những người lười biếng, ăn bám, ỷ lại thì trên con đường thành công chẳng có bước chân của họ.
3. Chứng minh
– Lấy dẫn chứng trong thực tế cuộc sống để chứng minh (những người nông dân từ trong vất vả, khó khăn đã sáng tạo, tìm tòi, sáng chế ra các loại máy móc tăng năng suất, giảm khó nhọc cho người; một nhà khoa học, một bác sĩ giỏi, một nhà văn nổi tiếng, một ca sĩ, một học sinh giỏi…đều phải lao động miệt mài, đam mê, tâm huyết, ý chí phấn đấu mới có được).
III. Kết bài: Bài học nhận thức và hành động
- Ánh sáng của thành công không phải do người khác tỏa sáng, soi chiếu mà nó được chiếu sáng từ chính ngọn lửa nhiệt huyết, say mê, ý thức trách nhiệm ở trong ta.
- Lười biếng chẳng những không có thành công nào mà còn là nguyên nhân của đói nghèo, buồn chán và mọi thói xấu khác.
» Xem thêm:
Bài văn mẫu: Phải biến mình thành một ngọn lửa, ta mới có thể làm bừng lên ánh sáng của thành công
Niềm đam mê là một thứ bên trong bạn, mang đến cho bạn nhiệt huyết, tập trung và năng lượng bạn cần cho thành công. Nhưng không giống như niềm cảm hứng lấy từ bên ngoài, đam mê là một bản năng của tâm hồn. Nó ở ngay trong con người bạn và nó có thể được biến thành một động lực đáng kinh ngạc giúp bạn tới thành công. Reggie Leach từng nói: “Phải biến mình thành một ngọn lửa, ta mới có thể làm bừng lên ánh sáng của thành công”, câu nói trên thật ngắn gọn và xúc tích làm sao, tuy vậy nó lại khiến chúng ta phải thừa nhận một chân lí: thành công sẽ gõ cửa nhà bạn khi bạn có sức mạnh và niềm tin, cộng hưởng với đam mê cháy bỏng của bản thân, hòa cùng chút lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ. Vậy ngọn lửa là gì? Ánh sáng là gì? Và thành công là gì?
Ngọn lửa là ngọn lửa từ cuộc sống, ngọn lửa thể hiện bước tiến văn minh của xã hội loài người. Đó là sự cháy, là lửa tự nhiên, là ngọn lửa ấm áp toả sáng từ bếp lửa, từ mái ấm gia đình, ngọn lửa sưởi ấm cơ thể con người, góp phần làm cho cuộc sống của con người tồn tại và phát triển. Mặt khác, đôi khi cũng là ngọn lửa của nỗi kinh hoàng, của sự tàn phá khốc liệt: lửa hỏa hoạn, lửa chiến tranh… Ánh sáng là từ phổ thông dùng để chỉ các bức xạ điện từ có bước sóng nằm trong vùng quang phổ nhìn thấy được bằng mắt thường của con người. Tuy nhiên, ngọn lửa ở đây không chỉ đơn giản là sự cháy, lửa tự nhiên, mà đó là ngọn lửa khát vọng, ngọn lửa của niềm tin, của đam mê, của lòng kiên trì và của sự nỗ lực không ngừng, còn ánh sáng không còn là bức xạ điện từ nữa mà đó là ánh hào quang rực rỡ sắc màu của sự thành công. Câu nói trên thật khôn khéo làm sao, chỉ với hai hình ảnh ngọn lửa và ánh sáng, tưởng chừng như chẳng có mối liên quan gì với nhau, vậy mà lại là hai hình ảnh ẩn dụ, được bóng bẩy lên để diễn tả ý thức tự cố gắng phấn đấu vươn lên, tính kiên trì, lòng đam mê, nhiệt huyết, khát vọng chiến thắng trong công việc, trong cuộc sống của con người, giúp chính họ tạo nên được những thành công rực rỡ, những bước ngoặt mới trong cuộc đời của mình.
Trong cuộc sống, ai cũng muốn mình thành công. Tuy nhiên, con đường đi đến thành công không phải là dễ dàng gì. Cuộc sống không phải là con đường bằng phẳng, không phải lúc nào cũng như ta mong đợi. Cuộc sống luôn có những gập ghềnh, gấp khúc, đó là một hành trình đầy chông gai, thử thách… Cuộc sống là vô vàn những điều biến động, đôi lúc gặp những trở ngại khiến ta buồn chán, tuyệt vọng, rơi vào trạng thái bế tắc, có lúc tưởng không còn tìm ra được cách giải quyết, muốn buông xuôi tất cả… Khi gặp bế tắc, bạn hãy học cách vượt qua vì không ai sống thay cho cuộc đời của chính bạn cả mà bạn phải thực sự sống cuộc đời của mình. Vượt qua được bế tắc, thử thách đồng nghĩa với việc bạn chiến thắng chính bản thân mình, thấy mình trưởng thành hơn. Bạn sẽ thấy những bế tắc chẳng có gì đáng sợ chỉ cần bạn biết cách vượt qua. Đó cũng chính là bản chất thực sự của thành công. Đứng lên bằng chính đôi chân của mình, đặt chân lên đài vinh quang không phải là việc làm đáng xấu hổ, cái đáng hổ thẹn nhất ở đây là việc bạn thành công nhờ sự giúp đỡ, sự nỗ lực của mọi người, điều đó chính là chà đạp lên thành quả của người khác. Nếu muốn thành công và ngẩng cao đầu trước con mắt của công chúng thì đừng ngại ngùng gì mà hãy mạnh mẽ đứng lên vẽ bức tranh cuộc đời bạn bằng sắc màu tươi sáng thay cho bức tranh ảm đạm, u tối mà bạn đang gặp phải, đang gánh chịu vì thế giới này vẫn luôn thật đẹp, nỗi buồn phiền rồi sẽ tan đi thôi. “Phải biến mình thành một ngọn lửa, ta mới có thể làm bừng lên ánh sáng của thành công”, ngắn gọn, xúc tích, nhưng rất thâm thúy trong ý tứ, câu nói trên thực sự là một chân lí cuộc sống. Thành công của mỗi người là kết quả của quá trình lao động, là công sức, thời gian, là bản lĩnh, trí tuệ, là những gian nan, vất vả, là những thất bại liên tiếp mới có được, đó là một cuộc hành trình dài có mồ hôi, cả nước mắt và máu.
Hành trình tới thành công chỉ chăm chỉ thôi chưa đủ, bạn phải tự biến mình thành ngọn lửa bùng cháy, ngọn lửa của sức mạnh, của tình yêu, của đam mê cháy bỏng, nhiệt huyết của tuổi trẻ, như vậy mới có thể thắp lên ánh sáng của thành công. Bạn nhớ Bill Gates chứ, một tỷ phú “lắm tiền nhiều của”, một doanh nhân thành đạt, nhưng ít ai biết rằng để có thành công ngày hôm nay, ông đã đấu tranh quyết liệt như thế nào để tự khẳng định cái “tôi” của chính mình, Gates hiểu rằng, đam mê và thành công luôn đi cùng nhau, miễn sao chúng ta biết nắm bắt thời cơ và dũng cảm đặt chân trên con đường mới. Trong suốt sự nghiệp, ông đã rất thành công khi theo đuổi những niềm đam mê của mình, từ sở thích lập trình cơ bản đến trở thành một nhà từ thiện. Các bạn thấy đấy, thành công sẽ chỉ là làm những việc mà mình tin tưởng sẽ thành công, là hiểu rõ bản thân mình muốn gì và phải làm gì. Thời gian giúp bạn thực hiện những điều mình muốn. Nguyên tắc giúp cho cuộc sống và công việc của bạn được thực hiện một cách có khoa học. Còn lòng đam mê sẽ thôi thúc bạn đi đến hành động và giúp bạn kiên trì hơn để đạt được những gì mình muốn. Sự kiên trì giúp cho ý chí và quyết tâm trong bạn càng được nâng cao và vững chắc hơn. Trong cuộc sống chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn rào cản và có thể sẽ có cả những thất bại. Nhưng nếu bạn thật sự là một người kiên trì theo đuổi đam mê thì thành công sẽ theo đuổi bạn.
Trên đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng. Thành công luôn đòi hỏi con người ta nhiều sự cố gắng nỗ lực hết mình. Do đó, không thể có thành công nếu cứ mãi sống một cách buông thả, lười biếng được. Những kẻ lười biếng chỉ có thể bước vào con đường của thất bại, hoặc may mắn là con đường tầm thường thôi. Hơn nữa, những kẻ lười biếng thường bị xã hội chê ghét, xem thường, khinh bỉ, như ca dao có câu: “giàu chi những kẻ ngủ trưa, sang chi những kẻ say sưa tối ngày”. Ai cũng cần chăm chỉ để có thành công. Người ca sĩ muốn nổi tiếng thì phải siêng năng luyện hát. Người vũ công muốn có màn vũ đạo đẹp mắt thì phải cần cù tập luyện trong phòng tập.. Mỗi một ngành nghề mỗi một kĩ thuật, một cách làm khác nhau,nhưng nếu để làm ra được thành quả tốt đẹp thì đều cần sự kiên trì và nỗ lực không ngừng của bản thân mỗi người. Bạn có biết Nguyễn Công Phượng không? Anh là một thành viên, một viên ngọc quý của đội tuyển Quốc gia Việt Nam, anh bạn cầu thủ ấy đã từng bị đánh trượt tại vòng tuyển chọn của lò đào tạo CLB Sông Lam Nghệ An chỉ vì thiếu sức khỏe và không đủ kĩ thuật, để có được sự quan tâm của đông đảo giới hâm mộ bóng đá hiện tại, anh đã khổ công luyện tập. Thử hỏi nếu như Công Phượng không dày công rèn luyện cả về thể chất và kỹ thuật, thì liệu bóng đá Việt Nam có khởi sắc? Liệu cầu thủ số 10 này có thể trở thành một trong những cái tên được trông chờ nhất mỗi lần ra sân hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Bởi ánh sáng của thành công không phải là ánh sáng do người khác thắp lên hay soi chiếu mà thứ ánh sáng ấy chính là ánh sáng của ngọn lửa đam mê, ngọn lửa nhiệt huyết, và là ý thức trách nhiệm ở trong trái tim mỗi người. Nếu chăm chỉ, kiên trì với đam mê thì thành công sẽ theo đuổi bạn, ngược lại, nếu lười biếng thì sẽ chẳng có thành công nào là dành cho bạn, bạn lười nhác sẽ chỉ nhận lại sự đói nghèo, tuyệt vọng, những buồn phiền, chán trường trong cuộc sống của mình mà thôi.
Trên con đường đi đến thành công, có thể bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ từ người khác, điều đó không phải lúc nào cũng xấu, bởi người giúp đỡ mình có vai trò rất quan trọng, họ là người truyền lửa, ngọn lửa của hi vọng, của niềm tin yêu, và ngọn lửa nhiệt huyết. Nhiều người cho rằng thành công có được là do sự may mắn, hay nhờ sự giúp đỡ của người khác đem lại là không hoàn toàn đúng. Bởi căn bản thành công có được là dựa vào chính bạn, thành công có được hay không đều do mình tự quyết định. Mỗi một thành công của một người đều là thành quả của sự cố gắng của họ, không có ai vừa sinh ra đã là người thành công cả, tâm thái hiện tại của bạn sẽ quyết định tương lai của chính bạn!
Khi còn nhỏ, tôi thường sống rất vô tư và chẳng bao giờ nghĩ rằng thành công có ý nghĩa gì với bản thân con người. Ở cái tuổi có những suy nghĩ chín chắn hơn một chút, tôi dần hiểu ra giá trị của thành công to lớn biết nhường nào. Cuộc sống của mỗi người được ví như một bản nhạc có nốt trầm và cũng có những nốt bổng. Thành công là đại diện của các nốt bổng trong bản nhạc ấy. Còn thất bại chắc chắn là các nốt trầm rồi. Tại sao vậy? Bởi thành công sẽ quyết định bạn sẽ giàu hay nghèo, có thành công là có địa vị, có thành công là có cuộc sống sung sướng, ấm no hơn, có thành công con người ta cũng nhận được sự tôn trọng hơn đến từ mọi người. Còn thất bại thì sao? Thất bại chỉ khiến ta thêm những buồn rầu, u sầu, đôi khi phải nhận sự khinh bỉ từ người khác, cảm giác ấy thật khó chịu. Có lẽ cuộc sống hiện tại của một học sinh như tôi không quá phức tạp và rắc rối như trên, tôi cảm thấy khá thỏa mãn về điều đó. Thành công của tôi lúc này cũng chỉ đơn giản là việc đạt được điểm 10 hàng ngày, duy trì thành tích học tập không quá tồi. Và để có được thành công ấy, là những ngày tháng chăm chỉ rèn luyện, trau dồi tri thức đạo đức, không ngừng nỗ lực vươn lên. Còn với bạn thì sao?
Mỗi chúng ta luôn mong muốn mình có được thành công, vậy hãy coi câu nói của Reggie Leach là một bài học, hãy xắn tay áo lên và hành động ngay từ hôm nay, bắt đầu từ những việc nhỏ bé nhất mà chúng ta có thể. Tôi tin rằng điều đó không phụ thuộc vào tuổi tác, mạnh yếu hay giàu nghèo, mà bất kì ai cũng làm được. Đừng bao giờ chán nản và bỏ cuộc khi gặp khó khăn nhé, hãy ghi nhớ rằng khi bạn phải chiến đấu với khó khăn không có nghĩa là bạn đang thất bại. Những thành công vĩ đại thường đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự kiên định vững vàng và thời gian. Hãy kiên nhẫn và lạc quan, trái ngọt nhất định sẽ đến với bạn, dù có thể không phải ngay lập tức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét