Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2019

Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”


  Marcell Proust quan niệm: “Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”. Còn Tô Hoài cho  rằng: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”.
           Bằng hiểu biết của anh/ chị về văn học, hãy bình luận hai ý kiến trên
BÀI LÀM THAM KHẢO
          “Mỗi một con người, trong nội tâm chỉ là một nhà thơ, chỉ khi nào người cuối cùng chết đi, thì mới là mất đi nhà thơ cuối cùng” (Si-mon Phrớt). Mỗi người nghệ sĩ là một thế giới riêng biệt, bí ẩn và đầỵ khám phá. Mỗi tác phẩm nghệ thuật ra đời là sản phẩm của những quá trình chung đúc khác nhau mà ở đó người nghệ sĩ là chủ thể sáng tạo. Bàn về vai trò của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo, Mác-xen Prút từng nói: “Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”. Còn Tô Hoài cho rằng: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”.
Nhận định của hai tác giả trên dù được trình bàỵ bằng hai cách diễn đạt khác nhau nhưng đều đề cao vai trò của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Hiện thực đời sống được phản ánh trong văn chương ở nhiều chiều, nhiều phương diện khác nhau. Mỗi nghệ sĩ nhìn nhận hiện thực và xây dựng trong tác phẩm của mình những địa hạt riêng biệt và độc đáo. Điều nàỵ phụ thuộc vào cách nhìn, vào quan điểm, vào tư tưởng, vào nhân sinh quan của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ đến với cuộc đời, mang lại cho văn chương một phần: Mặt riêng với những sáng tạo riêng của mình là khi ấy một lần thế giới được tạo lập. Bởi văn học là nghệ thuật ngôn từ phản ánh thế giới bằng hình tượng nghệ thuật. Con người không chỉ là tâm điểm của cuộc sống mà còn là đối tượng phản ánh trung tâm của văn học, mỗi giai đoạn được khám phá ở những bình diện khác nhau, trong những mối quan hệ khác nhau. Cuộc sống và văn học là một đường tròn đồng tâm mà tâm điểm chính là con người” (Nguyễn Minh Châu). Chính vì thế mà con người là đối tượng trung tâm của văn học.
Thế giới được tạo lập không phải một lần“, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”. Cảm quan của người nghệ sĩ; đôi mắt của người nghệ sĩ, tài năng của người nghệ sĩ đã tạo lập trong tác phẩm của mình một thế giới quan khác nhau. “Thế giới được tạo lập không phải một lần“. Hiện thực cuộc sống ở tác phẩm này không bao giờ là hiện thực cuộc sống ở tác phẩm khác. Hai tác giả sẽ có hai cách tái hiện cuộc sống khác nhau. Văn chương chân chính không có những lối mòn và người nghệ sĩ chân chính không bao giờ đi theo con đường của người khác. “Nghệ thuật là tự khơi lấy một dòng sông” (chữ dùng của Nam Cao). Bản chất của nghệ thuật là sự sáng tạo. Bởi vậỵ, “mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”. Mỗi người nghệ sĩ là thế giới khác nhau và không thể thay thế nhà văn này bằng một nhà văn khác, nhà thơ này bằng một nhà thơ khác. Qua các tác phẩm, bức tranh hiện thực xã hội không chỉ được tái tạo mà còn được phản ánh sinh động, thể hiện tư tưởng, tình cảm; tài năng của người nghệ sĩ. Cái “độc đáo” của người nghệ sĩ là sự sáng tạo, là sự riêng biệt trong cách khám phá hiện thực và đưa hiện thực vào trang viết. Người nghệ sĩ “độc đáo” là người nghệ sĩ có tài năng lớn. “Thế giới được tạo lập” chính là kết quả sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ càng lớn thì “thế giới được tạo lập” trong tác phẩm của họ càng trở nên sâu sắc và thực sự trở thành bước ngoặt vĩ đại. Như tác phẩm của Ăng-ghen về bộ tiểu thuyết Tấn trò đời của Banzắc: Qụa ánh sáng của Banzắc, tôi hiểu được xã hội Pháp nhiều hơn qua tác phẩm của các sử gia, các nhà kinh tế, chính trị; các nhà thống kê thời bấy giờ gộp lại. Văn học là một cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống mà mỗi chương của nó là một tác phẩm nghệ thuật thực sự, không có chương nào giống chương nào. Cùng viết về đề tài người nông dân, trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan viết về sự đói nghèo, sự bần cùng; trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố đi sâu vào nỗi khốn cùng vì nạn sưu cao thuế nặng thì Chí Phèo của Nam Cao lại khám phá hiện thực ở bi kịch con người bị cự tuyệt quyền làm người, phải tìm tới cái chết để đòi sự sống. Người ta cũng nhận ra sự khác nhau của chế độ phong kiến hà khắc, giữa làng Mùi trong A.Q chính truyện của Lỗ Tấn với làng Vũ Đại trong tác phẩm của Nam Cao. Đó là sự khác nhau trong quá trình đày đọa con người. Qua cách khám phá hiện thực, người ta nhận ra tư tưởng của nhà văn, nhận ra phong cách riêng biệt, độc đáo của người nghệ sĩ. Càng nhiều sự độc đáo thì nền văn học càng trở nên đa dạng. Văn học thế giới vẫn ca tụng một tình ỵêu bất tử giữa chàng Rô-mê-ô và nàng Giu-li-ét của đại thi hào Sếch-xpia nhưng cũng không thể không rung động trước tình yêu thầm lặng, cao cả trong thơ Puskin:
“Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm
                                           Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”                                                                                  (Tôi yêu em)
          Hẳn ta vẫn còn nhớ mãi một mối tình rụt rè, e ấp của chàng trai thôn Đoài với cô gái thôn Đông trong thơ Nguyễn Bính:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Nắng mưa là vịệc của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
(Tương tư)
       Thế giới thiên nhiên muôn đời vẫn tuần hoàn theo bốn mùa. Nhưng các nhà thơ lại nhìn thiên nhiên trong quan hệ bên trong với đời sống tinh thần con người – có đôi mắt xanh non, Xuân Diệu phát hiện ra thiên nhiên mang vẻ đẹp của tình yêu, tuổi trẻ, là thiên đường trên mặt đất. Nhưng cũng cảnh mùa xuân, Chế Lan Viên lại thấy là vô nghĩa, chán chường, tuyệt vọng:
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu ?
Với tôi, tất cả nhừ vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.
(Chiều xuân)
          Mỗi nghệ sĩ có lí lẽ của riêng mình, không thể nói ai sai ai đúng, ai tầm thường ai cao quý mà mỗi người cho ta một cách cảm nhận thế giới mới, đem đến cho người đọc một liều thuốc giảm đau, xoa dịu con người trước hiện thực tù đọng, đều là cách phủ định hiện thực vô nghĩa. Điều quan trọng qua những ảo ảnh đó, ta có những cách cảm nhận về mùa xuân, thấy yêu cuộc sống.
Văn học khám phá con người một cách đa chiều, toàn diện. Tác phẩm văn học là một chỉnh thể thẩm mĩ. Nó không chỉ phản ánh hiện thực cuộc đời, mà hơn thế; nó phản ánh cả hiện thực lòng ngựời. Mác-xen Prút từng đề cập trong nhận định của mình. “Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới đựợc tạo lập”. Trong quá trình sáng tạo, người nghệ sĩ nhìn hiện thực cuộc sống qua lăng kính của mình. Hiện thực của cuộc sống là yếu tố đầu tiên, yếu tố quyết định của một tác phẩm. “Mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”, hiện thực thế giới đa dạng và phong phú, bao nhiêu hiện tượng cuộc sống nhưng người nghệ sĩ phải chưng cất hiện tượng điển hình mang tấm phổ quát để đưa vào tác phẩm của mình.
Xét trên cơ sở này) lời nhận định của Mác-xen Prút cũng đồng quan điểm với phát biểu của Tô Hoài. Tô Hoài cho rằng: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời. Cái nhìn của người nghệ sĩ không đơn thuần chỉ là quan sát đời sống, phát hiện khám phá con người. Ẩn sâu trong cái nhìn ấy chứa đựng hiện thực cuộc sống ở chiều đa diện. Văn học vì con người mà có; do con người sáng tạo nên. Điều đó tưởng chừng như là một quy luật bất biến. Nhưng, còn đó những quy luật khắc nghiệt hơn nữa. Câu chuyện văn chương là câu chuyện “thiên cổ sự” như người xưa nói chăng? Thành ra, bàn mãi về văn chương vẫn khôn cùng, mặc dù vẫn phải bàn mãi về văn chương!
Qua các tác phẩm của các nghệ sĩ lớn, người đọc nhận ra những vấn đề lớn lao của thời đại mình, nhận ra những quan điểm nhân sinh sâu sắc về cuộc sống con người. Sáng tạo nghệ thuật là một sáng tạo tinh thần phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người nghệ sĩ. Trong văn học người ta phân biệt tác giả này là lãng mạn, tác giả kia là hiện thực đều phụ thuộc vào thiên hướng của nhà văn, phụ thuộc vào sự lựa chọn của họ. Như vậy, trong nghệ thuật và lựa chọn khuynh hướng, thể loại; thi pháp; cảm hứng bao giờ cũng do chủ quan người nghệ sĩ quyết định. Người nghệ sĩ luôn là chủ thể sáng tạo và hiện thực cuộc sống là yếu tố đầu tiên thể hiện phẩm chất của chủ thể ấy. Vũ Trọng Phụng trong bài phản hồi bài báo Dâm hay không dâm đã phát biểu: “Các ông quen nhìn một cô gái nhảy là một phụ nữ tân thời, vui vẻ trung, hi sinh cho ái tình hoặc cách mạng lại gia đình. Riêng tôi, tôi chỉ thấy đó là một người đàn bà vô học, chẳng có gì thi vị, lại hư hỏng, lại bất hiếu bất mục nữa, lại có nhiều vi trùng trong người nữa… Các ông có thể coi phong trào khiêu vũ là dấu hiệu tiến hóa mà các ông chủ trương. Riêng tôi; tôi chỉ thấy đó là một cách dâm bôn cho tăng số gái giang hồ, một tai họa cho nước nhà”. Chính xuất phát từ cách nhìn về hiện thực cuộc sống khác nhau mà cùng viết về đề tài người phụ nữ, trong khi Nhất Linh của Tự lực văn đoàn xây dựng trong Đoạn tuyệt một cô Linh can đảm chống lại sự hà khắc của chế độ phong kiến tồn tại ở gia đình nhà chồng thì Vũ Trọng Phụng lại miêu tả trong Số đỏ một thằng Xuân Tóc Đỏ ma lanh, lố bịch, dốt nát và kệch cỡm. Hiện thực cuộc sống cùng với con mắt khác nhau đã hình thành nên những người nghệ sĩ khác nhau hướng ngòi bút của họ tới những đối tượng, những đề tài khác nhau nhưng trên “mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”. Như vậy, cái quan trọng không phải là anh viết về cái gì mà quan trọng hơn là anh viết như thế nào, anh viết để làm gì. Bởi cách anh sáng tạo nghệ thuật mới thể hiện tư tưởng của anh hướng tới hiện thực và hướng vào người đọc một tư tưởng nhân văn. Có người nghệ sĩ viết về cái tốt để ca ngợi cái tốt nhưng cũng có người nghệ sĩ muốn ca ngợi cái tốt lại viết về cái xấu, nói cái xấu để phê phán, để căm ghét và khơi gợi trong lòng người sự hướng tới cái tốt đẹp hơn. Tất cả đều phụ thuộc vào đối mắt của người nghệ sĩ. Nếu nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn con người thì đôi mắt của người nghệ sĩ là cửa sổ tâm hồn của tác phẩm. Tư tưởng của họ, nhân sinh quan của họ được soi chiếu trong đó. Bởi, qua “mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”.
Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện cổ tích do chính cuộc sống viết ra” (An-đéc-xen). Không có tác phẩm văn học nào lại không là sản phẩm của cuộc sống hiện thực và đẹp hơn nhờ cuộc sống hiện thực. Và cũng không có gì thay thế được văn học khi phản ánh những giá trị cao cả của con người và cuộc đời. Một tác phẩm văn học có đứng vững trong lòng người hay không chính là nhờ tài năng và phẩm chất của người nghệ sĩ. Phải qua bàn tay nhào nặn của nhà văn, mỗi tác phẩm mới thực sự “soi bóng thời đại”. Viết vể hình ảnh người nông dân Kim Lân tìm đến với những người nông dân nơi xóm ngụ cư nghèo khổ – nạn nhân của nạn đói năm 1945. Câu chuyện mở ra tình huống có phần kì lạ: Anh Tràng nhặt được vợ. Dân gian xưa và nay vẫn quan niệm chuyện cưới xin là câu chuyện trăm năm, trang trọng thiêng liêng, nhưng ở đâỵ không có một đám rước dâu nào, không sính lễ, tặng vật, con người đã đến với nhau giữa cái khốc liệt của những ngày dài đói kém. Song điều đặc biệt ở chỗ Kim Lân đã không khai thác hiện thực thê thảm của nạn đói, nghịch cảnh mà rất dễ dẫn con người ta đến sự tha hóa về nhân phẩm vì miếng ăn. Ông đã khai thác chủ đề này ở phương diện tình thương, từ nghèo khổ, ánh sáng của tình người đã được thắp sáng. Khác với những lời lo âu bàn tán giữa cảnh này mà lại còn đèo bòng, giữa cái nhìn lo lắng; băn khoăn của bà cụ Tứ, anh Tràng thấy “phớn phở” lạ thường. Hắn đi cạnh người phụ nữ kế bên trong niềm sung sướng, hãnh diện. Tâm trạng của Tràng có sự chuyển biến đặc sắc từ hình ảnh một anh cu Tràng xấu xí dở hơi thành một người đàn ông có vợ, nói năng như tình tứ hơn, dí dỏm hơn. “Có một cái gì lạ lắm như chưa bao giờ có ở người đàn ông nghèo khổ ấy, một cái gì ôm ấp mơn man khắp da thịt Tràng tựa hồ như có một bàn tay vuốt nhẹ lên sống lưng”. Mọi sự như đều đổi thay trước mắt Tràng, tình yêu thương khiến anh quên đi mọi khổ đau, hiện thực cám cảnh đẩy ra trước mắt, anh như sống trong một thế giới khác, thế giới êm ái lạ lùng; mênh manh như lơ lửng ở một tầng không nào đó. Từ một tình huống độc đáo hứa hẹn những chi tiết thú vị hấp dẫn, song câu chuỵện Ịại lắng trong lòng ta hơi ấm của cuộc sống, sức mạnh của tình yêu thương làm cuộc sống hồi sinh. Vậy là đâu cần những trang tiểu thuyết dày dặn bề bộn, đâu cần những vần thơ ngân nga sâu lắng; triết lí nhân sinh trong từng trang truyện ngắn vẫn dần thấm sâu vào tâm hồn ta như thứ thuốc bắc càng ngấm càng ngọt.
Mỗi người nghệ sĩ xây dựng trong tâm hồn của mình, trong tác phẩm của mình một thế giới tình ái riêng biệt; không thể so sánh. “Thơ mở ra một cái gì đó mà trước nhà thơ đó, trước câu thơ đó còn bị phong kín” (Nguyễn Tuân). Sức sáng tạo của con người là vô hạn. Bởi vậy, “thế giới được tạo lập không phải một lần” mà rất nhiều lần. Mỗi lần “thế giới được tạo lập” là một lần ta phát hiện thêm những điều mới mẻ về hiện thực cuộc sống. Cái thần của sáng tạo chính là cũng ở người ấy, việc ấỵ, cảnh ấy, ngòi bút người nghệ sĩ đã tìm ra những dáng vẻ riêng biệt trong khi ta trễ nải nhác qua, chẳng thấy khơi gợi được điều gì. Nhận định của Mác-xen Prút đã đề cao vai trò sáng tạo của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tác. Cùng với nhận định của Tô Hoài, nó đặt ra yêu cầu về thiên chức của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo. Người nghệ sĩ phải có khả năng quan sát tinh tường, phải dấn thân nhập cuộc và cố tìm hiểu để khám phá hiện thực và phản ánh một cách chân thực/khách quan vào trong tác phẩm để qua “mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”. Nhưng sự phản ánh đó không bao giờ được bắt chước, được lặp lại. “Văn chương không cần đến người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có” (Nam Cao). Nghệ thuật phải góp phần cải tạo xã hội. Sáng tạo theo nghĩa đẹp nhất của nó là khám phá ra cái mới, cái lớn, cái đẹp của chính cuộc sống, thời đại, của thế giới tình cảm con người. Người nghệ sĩ chân chính phải sáng tạo nên được thế giới mới và “Mỗi tác phẩm là một phát minh về hình thức và một khám phá mới về nội dung” (Lêônit Lêônôp). Nghệ thuật chân chính không phải là sự hời hợt, giản đơn với đời sống. Nó phải là sự gắn kết chặt chẽ với cuộc đời, Nó đòi hỏi người cầm bút phải có một sự trải nghiệm, thấm thía sâu sắc về cuộc sống và con người. Người cầm bút phải biết lấy chữ của đời, cần cù sáng tạo tích cóp làm nên văn chương nghệ thuật soi bóng thời đại:
Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết bạc vàng mà đời rơi vãi
Hãy nhặt những chữ của đời mà góp nên trang.
(Chế Lan Viên)
         Muốn thế, bàn viết của người cầm bút phải đặt giữa cuộc đời. Người nghệ sĩ phải trải lòng ra với cuộc đời“sống rồi hãy viết” biết chắt lọc, tích lũy vốn sống từ hiện thực để viết nên trang.
“Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại” không chỉ cần đôi mắt hiện thực mà còn cần có đôi mắt tình thương. Mỗi tác phẩm viết ra phải là một bài ca về lòng thương, lòng nhân đạo, phải có “khả năng cải tạo con người, thanh lọc tình cảm” (chữ dùng của Ari-xtốt) và hướng con người tới những gì là cao đẹp. Tiếng gọi của lương tâm và lòng tin ở tương lai không cho phép những nhà văn chân chính sống trên trái đất như một bông hoa điếc và không truyền đạt cho người khác một cách hào phóng nhất tất cả cái phong phú của tư tưởng và tình cảm tràn ngập trong chính tâm hồn nhà văn. Vấn đề “tạo lập thế giới độc đáo” của Mác-xen Prút và yêu cầu “soi bóng thời đại” của Tô Hoài đã trở thành những yêu cầu của văn học muôn đời.
Văn chương chân chính phải khiến cho người ta thấy những gì cao đẹp trong cái vi mô nhỏ bé, người ta phải ngưỡng mộ thán phục những gì bắt nguồn từ ngay chính bên ta. Cuộc sống vẫn tiếp nối, ngày nối ngày và thời gian chảy trôi như một dòng sông không bao giờ quay lại song văn học lưu giữ được những gì đẹp nhất trên mỗi dòng nước tưởng chừng vô hạn ấy. Cuộc sống đã trôi chảy vào con tim của người nghệ sĩ trở thành những vết khắc trong tim để trên mỗi trang văn là những khám phá độc đáo để soi bóng thời đại.
Trong văn học không thể có những nông trang tập thể. Mỗi nghệ sĩ cần có riêng cánh đồng và có riêng thửa ruộng của mình. Cánh đồng đó, thửa ruộng đó là thế giới riêng của mỗi người nghệ sĩ. Những thửa ruộng đó tạo nên bộ mặt của cánh đồng văn học nhân loại và đòi hỏi những thế hệ mai sau phải cày xới và chăm bón.
Triệu Cẩm Quyên
THPT Việt Đức – Hà Nội, Bài đoạt giải Nhất -18/20 điểm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ĐỀ: “Một vầng trăng in trong gương Vẫn là một vầng trăng. Vầng trăng qua lòng mắt người nghệ sĩ Có thể thành vô vàn nét đẹp.” (Theo Phạm T...