Đề bài: “Làm thơ là cân một phần nghìn 0milligram quặng chữ” (Mai-a-cop-ki). Anh chị hiểu ý kiến trên như thế nào. Chứng minh qua một số bài thơ anh chị đã học hoặc đọc thêm.
Bài làm
Thơ ca chính là sự kết tinh giữa chữ tình và cái tài của thi nhân. Tình chính là tâm sơ còn cái tài lại là cái cách biểu đạt qua từng con chữ. Để có thể chạm vào vào trái tim người đọc thì mỗi tác phẩm không chỉ mang theo tâm tình, nỗi lòng, tình yêu của tác giả mà nó còn là sự chắt lọc, trau chuốt trên từng vần thơ, câu chữ. Nhà thơ vỹ đại của văn học Xô Viết Mai-a-cop-ki từng cho rằng “Làm thơ là cân một phần nghìn milligram quặng chữ”. Câu nói ấy là bàn về trách nhiệm của người làm thơ và đặc điểm của ngôn từ, bởi thơ ca cũng như văn chương nói chung đều bắt nguồn từ cuộc sống hiện thực và được xây dựng bằng vật liệu ngôn từ. Người nghệ sĩ luôn phải dùng tài nghệ của chính mình để biến ngôn ngữ đời thường thành ngôn ngữ văn học, để có thể tạo nên những câu thơ không chỉ đẹp riêng về ngôn ngữ mà còn đẹp về cả ý tứ câu thơ.
Trong văn học, ngôn ngữ luôn là yếu tố đầu tiên, nó giống như màu sắc trong hội họa, âm thanh trong âm nhạc. Để tạo nên một tác phẩm độc đáo cần các nhà thơ cần trải qua quá trình lao động nhọc nhằn, như người đào vàng, tìm ngọc, đãi từ kho quặng chữ thô ráp mơi có thể lấy ra một viên ngọc chữ nghĩa tinh khôi. Nhiều khi khát cháy trên sa mạc ngôn từ vẫn chưa tìm được thứ báu vật thiêng liêng ấy. Bởi thơ không chỉ có nghĩa mà chủ yếu là tình, là hồn, là những khái niệm ai cũng biết nhưng để lý giải, khai thác một cách triệt để là vô cùng khó. Trong thơ có hơi thở, có hồn, có trái tim, có sự chiêm nhiệm, từng trải mà thấm nhuần. Sẽ rất khó để có thể đạt tới sự thấu tỏ tuyệt đối về cảm xúc và ý tứ, về những lung linh của con chữ, về tiết tấu nhịp điệu mang dấu ấn văn hóa, lịch sử, phong tục, thói quen. Trong sự lao động của nhà thơ luôn có sự lao động về ngôn ngữ, trong sự giày vò của sáng tạo nghệ thuật luôn có sự giày vò về ngôn từ. Thành công của một tác phẩm phần lớn là nhờ khả năng ngôn ngữ, sự trau chuốt tỉ mỉ về câu từ của tác giả; viết sao cho hay, viết sao cho đúng mà vẫn giữ được nét đẹp ngôn từ luôn là phương châm sáng tạo của người viết.Trách nhiệm của các văn nghệ sỹ trước thời đại và cuộc sống là phải thấu hiểu con người.
Tài năng của người nghệ sỹ trước hết là cách sử dụng ngôn từ. Mà ngôn ngữ thơ chính là ngôn từ, câu chữ được người nghệ sĩ mã hóa, chắt lọc từ đời sống, tạo nên tinh hoa nghệ thuật đặc sắc. Việc lựa chọn từ ngữ đòi hỏi người nghệ sĩ tốn rất nhiều công sức để tìm cho ra được những từ ngữ có khả năng biểu đạt cao nhất ý muốn diễn tả. Ngôn ngữ văn học phải chính xác và tinh luyện, tạo nên hình tượng trong tác phẩm. Chính vì thế, nó không trừu tượng mà có tính chất cảm tính cụ thể, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc thông qua việc biểu đạt suy nghĩ tính cách nhân vật hay thái độ và quan niệm của tác giả. Ngôn từ không phải chỉ để diễn đạt một hành động, sự việc đang được nói đến, mà còn nói thêm nhiều điều sắp xảy ra. Có khi, ngôn từ là một lá thư, một lời nhắn nhủ, một lời tâm sự của tác giả về đời, về người, về thời đại. Mặt khác, ngôn từ còn thể hiện phong cách hành văn, phong cách nghệ thuật của người viết, hay còn thể hiện khả năng sáng tạo của người cầm bút. Chính vì vậy, vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ luôn giữ vai trò quyết định nên vẻ đẹp cho tác phẩm. Với “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu mỗi từ ngữ, chất liệu làm nên hình thức, vỏ bọc bên ngoài luôn được ông trau chuốt, mài giũa; đồng thời tình cảm, tư tưởng về con người, thiên nhiên cũng được ông bộc lộ đầy đủ, chân thực và sâu sắc qua tác phẩm của mình. Trong kiệt tác Vội vàng, từng câu, từng chữ đều chở nặng ý vị tuyên ngôn, mang đậm tư tưởng mới mẻ và tràn đầy chất Xuân Diệu. Mở đầu bài thơ, thể ngũ ngôn truyền thống đã làm bật lên cái khát khao sống mãnh liệt, điên cuồng của thi sĩ:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Thật kì lạ, thi vị biết bao! Cái ước muốn, khát khao của Xuân Diệu là những ước muốn hết sức phi lý, ngông cuồng: tước đoạt quyền của tạo hóa, cưỡng lại quy luật tự nhiên. Không phải vì ghét mùa xuân, cũng chẳng bởi ghét “màu nắng” hay “hương gió” mà là nhà thơ muốn “tắt, buộc” tất cả. Đơn giản chỉ vì ông khát khao giữ cho vẻ đẹp mãi mãi lên hương, tỏa sắc giữa cuộc đời, bất tử hóa cái đẹp của vạn vật thiên nhiên. Mong muốn ấy càng trở nên tha thiết hơn bao giờ hết bởi nhà thơ sử dụng liên tiếp hai chữ ‘đừng” chứa đựng một nguyện vọng sâu sắc. Có lẽ vì quá đỗi say mê, ham sống đến tột cùng, đến vô biên mà thi nhân trở nên tham lam, ích kỷ, muốn giữ lại vẻ dẹp, sự sống của tạo vật cho riêng mình. Thế nên mới có cảm giác âu lo, sợ hãi, nuối tiếc thể hiện trong từng câu chữ. Với cách sử dụng từ có chọn lựa tỉ mỉ, đọc lên câu thơ của Xuân Diệu ta không hề nhìn thấy sự thô kệch của lòng tham mà dường như ta nhận ra được ước muốn táo bạo của tác giả dù nó đi ngược với quy luật đất trời.
Nhắc tới ngôn từ, phải kể đến Nguyễn Du “Bậc thầy về ngôn từ”, đến với đoạn “Chị em Thúy Kiều”, người đọc không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của chủ thể trữ tình mà còn thấy được cách sử dụng ngôn từ tài tình của tác giả:
“Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn:
Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một tài đành họa hai.”
Ví như hai từ “đầy đặn, nở nang” trong câu thơ “Khuôn trăng đầy đặn/ Nét ngài nở nang” khi tác giả dùng để miêu tả Thuý Vân, hai từ đó không chỉ đơn thuần là miêu tả khuôn mặt tròn trịa, đầy đặn phúc hậu như vầng trăng cũng như cả nét ngài uốn cong thanh tú của nàng Vân mà đó còn là sự đầy đặn, mỹ mãn của số phận, của cuộc đời nàng. Với miệng cười tươi thắm như hoa, giọng nói trong trẻo thốt ra từ hàm răng ngà ngọc và mái tóc của nàng bồng bềnh hơn mây, làn da của nàng trắng hơn tuyết, sắc đẹp của Vân sánh với những nét kiều diễm, sáng trong của những báu vật tinh khôi của đất trời. Tất cả toát lên vẻ đẹp trung hậu, êm dịu, đoan trang, quý phái.Vân đẹp hơn những gì mĩ lệ của thiên nhiên nhưng lại tạo nên sự hoà hợp, êm dịu: “ mây thua, tuyết nhường”. Với vẻ đẹp như thế, Vân sẽ có một cuộc đời bình lặng, suôn sẻ và một tính cách điềm đạm. Còn với Kiều, Nguyễn Du đã dùng vẻ đẹp của Thúy Vân để bẫy vẻ đẹp của Kiều. Tài liệu của thầy Phan Danh Hiếu. Nhiều thi liệu cổ đã được huy động để khắc họa chân dung tuyệt mỹ của giai nhân:” Làn thu thủy, nét xuân sơn,hoa ghen,liễu hờn…” Với bút pháp ước lệ ,lí tường hóa,Kiều hiện ra trong mắt người đọc bằng hình ảnh của một thiếu nữ có đôi mắt long lanh,bình lặng; nét mày thanh tú như dáng núi mùa xuân.Thật là một dung nhan sắc sảo mặn mà,vừa có duyên lại vừa có hồn. Nhưng vẻ đẹp ấy lại đẹp đến độ sắc nước hương trời, chim sa cá lặn, nghiêng nước nghiêng thành khiến cho hoa ghen liễu hờn… Qua bức chân dung này, Nguyễn Du đã gửi tới những thông điệp về tương lai, cuộc đời chính bởi vậy mà bức chân dung Thúy Kiều là chân dung mang tính cách số phận, cuộc đời nàng sẽ có nhiều khổ đau, trắc trở. Là một nghệ sĩ về ngôn từ, Nguyễn Du không sử dụng thi liệu cổ một cách máy móc, rập khuôn mà sự sáng tạo của nhà thơ là rất lớn. Nhà thơ đã tạo nên những từ ngữ rất riêng, rất Nguyễn Du nhưng vẫn là ngôn ngữ dân tộc, đi vào hàng triệu trái tim.
Với con người, ánh sáng là những gì tốt đẹp nhất, soi rọi tâm hồn con người và thay đổi nó. Còn với Tố Hữu, ánh sáng chính là lí tưởng cách mạng – “ánh sáng” đã giúp ông tìm ra lối đi cho mình:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim.”
Khổ đầu tiên ca ngợi lí tưởng và nói lên tình yêu với lí tưởng cách mạng. Tác giả khẳng định lí tưởng cộng sản như một nguồn sáng mới làm bừng tỉnh, bừng sáng tâm hồn và trí tuệ nhà thơ. “Bừng” – ánh sáng phát ra đột ngột, ánh sáng của ngày hè đầy nồng nàn và rạng rỡ. Hình ảnh “mặt trời chân lí chói qua tim” là một hình ảnh độc đáo, bất ngờ, táo bạo, giàu ý nghĩa thẩm mĩ mà rất chính xác, gợi cảm. Mặt trời là nguồn sáng rực rỡ, chói chang và duy nhất đem lại sự sống cho muôn loài. Hình ảnh “mặt trời chân lí” đi liền với nhóm từ “chói qua tim” đã diễn rả được niềm vui rất đỗi thiêng liêng và sức xuyên thấu kì diệu, mạnh mẽ của lí tưởng Đảng đối với tình cảm, nhận thức của người chiến sĩ. Hai động từ mạnh “bừng” và “chói” gây ấn tượng đến thị giác độc giả. Nghe có gì đó đến rất đột ngột, nhưng cũng đến rất phô trương, rất mãnh liệt khiến người ta không thể kháng cự. Như một sức mạnh vô hình đang lao đến, Tố Hữu khiến lí tưởng cách mạng trở nên to lớn, mang tầm vóc vĩ đại, bừng sáng chói chang.
Trong khi đó, Nguyễn Duy lại xem ánh sáng của vầng trăng – tức ánh trăng, là người bạn tri kỉ, nghĩa tình, cũng vừa là một quan tòa phê phán, lên án sự bội bạc của nhân vật trữ tình:
“ Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”
Ánh trăng trước sau vẫn vậy, dân dã, mộc mạc, bình dị và thủy chung. Trăng lặng lẽ tròn một cách trong sáng vô tư, mặc cho thời gian trôi, không gian biến đổi, mặc cho bạn bè xưa ai đó quay lưng. Nhưng đó là chất thử, chất xúc tác, khơi gọi niềm xúc động, tạo sự sám hối, đánh thức lương tâm ở con người. Cái giật mình được diễn tả trong đoạn thơ thể hiện sự bừng tỉnh đáng quý, cần có để làm người, lại vừa là từ rất đắc, cô đọng suốt cả bài thơ. Giật mình vì nhận ra trước đây mình đã quá vô tình, giật mình vì nhận ra trăng vẫn im lặng và bao dung như thế, giật mình vì ăn năn hối hận đã quên nghĩa thủy chung, Giờ đây, con người đã tìm được con đường trở về với chính con người mình trước đây, đã tìm lại được những tháng ngày tình nghĩa đã vô tình quên lãng.
Xem thêm: Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi văn
Qua bốn bài thơ “Vội vàng”, “Truyện Kiều”, “Từ ấy” và “Ánh trăng”, ta thấy được giá trị ngôn ngữ của bài thơ, đồng thời cảm nhận được sức lay động và rung động mãnh liệt, quảng đại của ngôn từ. “Làm thơ là cân một phần nghìn milligram quặng chữ.”(Mayakovsky) Ngôn ngữ thơ ca phải tinh luyện nhưng cần sáng tạo đẻ có thể tạo dấu ấn riêng. Ngôn ngữ ấy cũng phải hàm súc, căn cứ vào chủ thể trữ tình để miêu tả nhưng cũng không thể khô khan.Công việc sáng tác là một quá trình gian khổ, vất vả nhưng cũng rất đáng quý. Tài liệu của thầy Phan Danh Hiếu. Từ xa xưa, những lời hát trong bài ca lao động của người nguyên thuỷ, những lời cầu nguyện, mong ước điều tốt lành cho mùa màng đến những lời niệm chú có thể coi như hình thức đầu tiên của thơ.
Trải qua thời gian, vẻ đẹp ngôn ngữ thơ ca ngày càng phát triển và hoàn thiện tựa như những nguồn nước mát trong nảy sinh từ cội nguồn sáng tạo sâu thẳm vô tận. Chính vì vậy, ngôn ngữ thơ ca không phải là vẻ đẹp của đồ trang sức hay trò chơi phù phiếm, mà là vẻ đẹp tỏa ra từ tâm hồn và ánh lên từ cuộc sống, thông qua sự mài dũa và tinh luyện của nhà thơ. Nhà thơ không ngừng sáng tạo, gọt giũa, nhào luyện để tạo nên giá trị về nghệ thuật ngôn từ tạo nên ngôn ngữ để sáng tạo thơ ca. Ngôn ngữ thơ ca phải tinh luyện, mới mang được dấu ấn sáng tạo riêng của người nghệ sĩ.
Bài của học sinh Nguyễn Thị Huyền Trang, THPT Trấn Biên, Biên Hòa, Đồng Nai. Năm 2018- 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét