Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2019

“Đã là văn chương thì phải đẹp”


Đề bài: Nhà văn Nguyên Ngọc quan niệm: “Đã là văn chương thì phải đẹp”. Tiến sĩ Đoàn Cẩm Thi cho rằng: “Cái đẹp của văn chương chính là cái mang nhiều dấu ấn của chủ thể sáng tạo, là cái riêng, cái độc đáo”.
Bằng trải nghiệm văn học của bản thân, anh chị hãy bình luận những ý kiến trên.
Ta say đắm trước áng mây hồng của sớm mai bình minh hơn ráng mây buồn khi chiều tàn khuất lối? Ta rung động trước đóa hoa đẹp lung linh dưới ánh mặt trời hơn những cánh hồng đã úa tàn không còn sinh khí? Cuộc đời con người là hành trình đi tìm cái đẹp và luôn vì cái đẹp mà tồn tại. Văn chương cũng không ngoại lệ ;Nhà văn Nguyên Ngọc quan niệm: “Đã là văn chương thì phải đẹp”. Nhưng cái đẹp của văn chương cũng như cái đẹp trong cuộc sống hằng ngày phong phú và đa dạng nên Tiến sĩ Đoàn Cẩm Thi cho rằng: “ Cái đẹp của văn chương chính là cái mang nhiều dấu ấn của chủ thể sáng tạo, là cái riêng, cái độc đáo”
Khi người lãng khách phong tình sau bao tháng ngày phiêu bạc giữa miền gió bụi, chàng đã dừng chân lại quán trọ văn chương ; nếm thử vị ngọt của từ ngữ, hương thơm của ngôn từ và đã đem lòng say mê. Bước chân vào thế giới văn chương cũng chính là lúc đặt chân vào thế giới của những kì quan đồ sộ bằng ngôn từ. Lúc ấy, họ sẽ mang những “hạt bụi vàng mà đời rơi vãi” (Chế Lan Viên) như những câu chuyện của Pâutópxki, những câu chuyện ngân vang trên ngọn đồi tuyết phủ trắng trời, thấp thoáng những đóa sơn trà e ấp trong làn sương giăng mờ ảo đã gieo vào tâm hồn Ximonốp nguồn cảm xúc dạt dào:
“Đôi trung du phất phơ bóng thông gìa
Rừng thông đứng hồn trong chiều gió lặng
Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
Như đám mây ngũ sắc ngủ trên đầu”
Những trang sách của Pâutópxki lấp lánh giữa cuộc đời tựa như sự kết tinh, chắt chiu của muôn triệu hạt bụi quý, đẹp đẽ và tinh khôi rãi rác của cuộc đời.Nói cách khác, “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc bài học trong nhìn và thưởng thức”. Do đó, từ cổ chí kim, đi tìm và khám phá tận cùng chiều sâu của cái đẹp vẫn luôn là “cuộc hành trình đầy lao lực”, “vừa là chỗ dừng chân vừa là cuộc hành trình” (Thơ ca).
Thiên chức của nhà văn là khơi nguồn cho cái đẹp tràn vào trang viết. Bởi lẽ, từ cuộc sống đến văn học, cái đẹp vẫn luôn giữ một vai trò quan trọng, chia phối cảm quan con người. Cái đẹp từ ngoài thực tại bước vào trang văn nó đã nâng tầm lên thành giá trị thẩm mỹ và khi ấy nó đã mang hình hài cần có của bản thân và đi “cứu rỗi cả thế giới”. Trong nghệ thuật,lí tưởng thẩm mỹ góp phần định hướng tư duy theo tiêu chí chân-thiện-mỹ. Những nghệ sĩ chân chính qua hoạt động nghệ thuật của mình đã khẳng định những tư tưởng tiến bộ, nhắm phục vụ điều thiện và chính nghĩa. Thiếu khát khao vươn tới cái đẹp, nghệ thuật sẽ mất đi sức mạnh cơ bản của nó, nó sẽ không thể thanh lọc tâm hồn con người và cải tạo xã hội. Vì vậy, nghệ thuật không phản ánh quy luật của đời sống mà còn phán ánh cách đánh giá thẩm mỹ về đời sống. Nếu không có khát khao tìm đến cái đẹp thì làm sao có “vang bóng một thời”? Nếu không có lòng tôn thờ cái đẹp thì ắt gì đã có cảnh cho chữ lung linh giữa cái ngục tù tăm tối? Do đó, xuất phát từ đặc trưng của văn học: phản ánh hiện thực theo quy luật của cái đẹp nên: “đã là văn chương thì phải đẹp, đẹp là chức năng hàng đầu, là đạo đức của văn chương”. Mặt khác, vẽ được bức tranh đẹp nhưng không có người thưởng thức thì cũng không có ý nghĩa gì, tức quá trình sáng tác thì phải đi đôi với quá trình tiếp nhận. Cuộc sống con người không bao giờ là trọn vẹn, đủ đầy, có những tâm hồn nhuốm đầy mùi chia ly, màu tan thương, vị tiếc nuối nên họ rất cần, rất cần cái đẹp chạm khẽ trái tim mình, làm xóa nhòa những vết thương còn hằn sâu trong ấy và để làm phong phú hơn cho đời sống tinh thần. Khi cuộc sống không cho ta thứ ta cần, ta lại tìm về với văn chương, nhìn vào nàng Tấm ta lại thấy mạnh mẽ hơn nhiều, chiêm ngưỡng “cảnh ngày hè”lại trân quý biết bao cuộc sống này và khi nhìn vào “Hai đứa trẻ” ta lại nhận ra bản thân mình đã quá may mắn rồi!. Chính vì lẽ đó, văn chương viết về cái đẹp là để thỏa mãn nhu cầu cảm thụ và thưởng thức cái đẹp của con người. Tuy nhiên, cái đẹp ở đây không hiểu đơn thuần chỉ là những điều tốt đẹp lớn lao mà thay vào đó, nó là một trường đa dạng với những cung bậc khác nhau, cái bi, cái hài, cái xấu, cái ác, đôi khi cũng là những nốt nhạc đẹp ngân lên trên cung đàn ấy. Tác phẩm văn học mọc lên từ cuộc sống xô bồ, nó dứt khoát phải chào đời trên thân thể của cái đẹp. Vì vậy, cái đẹp không chỉ đơn thuần là phép cộng của những điều tươi sáng mà nó là tổ hợp thống nhất của cái chân và cái thiện, đúng như Nguyên Ngọc đã nói: “Đã là văn chương thì phải đẹp”
Lecmontop đã từng tâm sự rằng: “ Nếu những nỗi đau khổ kia bị kiềm chế, nay sôi sục dâng lên trong lòng vì có những đêm không ngủ, mắt rực cháy và thôi thúc lòng ngập tràn nhớ nhung, khi ấy tôi viết”, thật vậy, tác phẩm văn học chính là đứa con tinh thần của nhà văn, là quá trình thai nghén lâu ngày, là kết tinh từ những giọt nước mắt đau đời và những dòng máu ấm nồng từ trái tim vĩ đại trong người thi sĩ. Thế nên, tác phẩm văn học dù muốn hay không đều phải mang dấu ấn của người đã tạo ra chúng. Một Chế Lan Viên cô đơn, ta lại thấy:
“Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa
Để nơi ấy tháng ngày tôi lẫn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo”
Hay một hồn thơ yêu đời:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng ha
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
Mặt khác, văn học là lĩnh vực của cái độc đáo, mỗi tác phẩm đích thực phải là những tác phẩm được xây dựng từ ngòi bút chân chính, mới lạ và sáng tạo, nó nhất thiết phải là: “Một phát minh về hình thức, một khám phá về nội dung”. Lao động của nhà văn là lao động sáng tạo nên khi đã chấp nhận nối nghiệp văn chương thì mỗi nhà văn phải có một giọng điệu riêng biệt vì: “điều còn lại của mỗi nhà văn là cái giọng nói của riêng mình”. Chính vì thế, do yêu cầu sáng tạo của văn học, đòi hỏi người cầm bút phải có nét bút mới mẻ, ngòi bút sáng tạo và phải duy trì, có tính chất ổn định, phải có giá trị thẩm mỹ để tạo nên phong cách một nhà văn. Từ cái tôi phong cách độc đáo, người nghệ sĩ mới từng bước khám phá chiều sâu đầy bí ẩn của tâm hồn con người và cuộc sống theo quy luật của cái đẹp. Từ đó, mỗi nhà văn khác nhau, thế giới quan khác nhau, dẫn đến vũ trụ quan cũng khác nhau, cái đẹp ra đời cũng mang những dáng hình không giống nhau. Nhưng chung quy lại, đó đều là vẻ đẹp được tạo ra từ phong cách nhà văn gây cho người đọc những khoái cảm thẩm mỹ nhất định. Quả thật, “ Cái đẹp của văn chương chính là cái mang nhiều dấu ấn của chủ thể sáng tạo, là cái riêng, cái độc đáo”
Cả hai nhận định đều đang ngầm đánh giá, phẩm bình về bình diện cái đẹp trong văn học hay nói cách khác là chức năng, giá trị thẩm mỹ trong hệ thống nhất định của nó. Hai lời đánh giá không phải là hai đường thẳng song song, mà đó là những đường tiệm cận có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Ý kiến của Đoàn Cẩm Thi là một lí giải có cơ sở cho nhận định của Nguyên Ngọc. Đó như thể hiện một trong những bình diện của cái đẹp: phong cách nhà văn. Chính những dấu ấn sáng tạo độc đáo làm nên cái đẹp cho văn chương và văn chương thì luôn cần phải có cái đẹp. Trong lịch sử văn học dân tộc, đã ghi lại nhiều dấu chân của những con người mang trong mình phong cách mới lạ, đặc biệt. Theo Tô Hoài: “Mỗi chữ phải là hạt ngọc buông xuống trang bản thảo do phong cách riêng của mình mà có”, mỗi trang văn còn vương lại trên trần thế là mỗi phong cách ghi tạc tram năm.

Khi cùng viết về đề tài người nông dân, nhưng ở hai nhà văn khác nhau, hai góc độ khác nhau lại sinh ra những nhân vật và giá trị thẩm mỹ khác nhau. ĐọcTắt đèncủa Ngô Tất Tố người đọc tiếp cận với một không gian ngột ngạt oi bức, nỗi khổ đè nặng trên đôi vai gầy yếu, nỗi đau xé lòng chị Dậu dường như đã thành nỗi đau tột cùng. Nhưng khi nghe tiếng chửi tục tĩu, khuôn mặt đầy vết sẹo bước chân chuyệnh choạng ngật ngưỡng của Chí Phèo bước đi trên những dòng văn của Nam Cao ta mới thấy rằng đó mới là kẻ khốn cùng ở nông dân Việt Nam ngày trước. Tình cảnh của Chí Phèo khác hẳn với các nhân vật trước đó, cũng là người nông dân canh điền khoẻ mạnh và trung thực nhưng bị vu oan biến Chí Phèo thành một tên lưu manh mất hết nhân hình lẫn nhân tính. Cảnh ngộ ấy, các tác phảm hiện thực phê phán chưa đề cập khai thác được. Với nó, Nam Cao không chỉ lột trần sự thật đau khổ của người nông dân vừa nêu được một quy luật xuất hiện trong làng xã Việt Nam trước cách mạng: hiện tượng người nông dân bị đẩy vào con đường lưu manh hoá. Tình cảnh ấy của Chí Phèo đã làm cho số phận người nông dân trung thực rơi xuống vực thẳm của bi kịch. Trước kia là nỗi khổ chị Dậu phải bán con hay bán chó để cứu chồng, tồn tại; Xem thế cũng là trắng tay tưởng như không thể còn bòn kiếm gì hơn; nhưng Chí Phèo còn tìm thêm thứ tài sản quý giá nhất của mình là nhân tính, là linh hồn. Chị Dậu dù xác xơ nghèo nhưng vẫn còn là một con người, còn Chí khi bán linh hồn của mình thì thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, bị tước đoạt quyền làm người và chết vật vưởng trên ngưỡng cửa trở về làm người lương thiện.
Bắt đầu từ đây, những bi kịch đau đớn nhất như những cơn dông bão ập xuống quật vào số phận của Chí. Chí Phèo khi đã mất cả nhân hình và nhân tính thì mất hết tất cả. Chí không chấp nhận trở lại làm người với lý lịch đầy bất hảo bộ mặt sứt sẹo, hành động côn đồ, Chí Phèo đã làm cho cả làng Vũ Đại ngoài thị Nở không một ai tôn trọng. Không còn một chút lương tâm nào hết, vì vậy Chí Phèo bị cả làng Vũ Đại chối bỏ và sa vào tấn bi kịch đau đớn nhất cuộc đời.
Phát hiện ra nỗi khổ tột cùng của người nông dân trong xã hội thực dân phong kiến và thể hiện nó trên trang viết qua khám phá bi kịch nội tâm Chí Phèo, Nam Cao đã khẳng định được tuyên ngôn của mình, tìm được chỗ đứng cho tác phẩm đó là sự khám phá sáng tạo và có cái riêng của tác phẩm với phong cách đặc sắc mang tên Nam Cao và nhân vật Chí Phèo tạo ra sức ám ảnh không kém hiện tượng nhân vật chị Dậu trong Tắt Đèn được coi là kinh điển của văn học hiện thực phê phán đương thời. Đồng thời, với ngòi bút sắc lạnh nhưng ấm nóng tình người, Nam Cao đã thổi hồn cho nhân vật bước ra khỏi trang văn, đến với thực tại, trở thành một điển hình nghệ thuật. Viết về cái bi nhưng Nam Cao cũng muốn tô sáng cái đẹp. Sau những cơn say chếnh choáng, Chí vẫn trở lại với con người đích thực của chính mình, Chí lại đòi lương thiện và tự ý thức được tình trạng thực tại của bản thân. Rõ ràng, Nam Cao muốn hướng người đọc đến cái thiện và tin tưởng rằng dù trong bất cứ giai đoạn, số phận nào của cuộc đời con người, họ vẫn luôn huớng thiện, vốn dĩ nhân chi sơ, tánh bổn thiện. Với Ngô Tất Tố, cái đẹp mà tác giả muốn đề cập ấy lại là phẩm chất của người phụ nữ và ý thức tự chủ của người đàn bà lực điền. Đề cao những phẩm giá tốt đẹp của con người, dù sống trong bùn đen của số phận vẫn như bông sen không bị vấy bẩn, ngày càng thanh cao và rực rỡ. Chí Phèo, Chị Dậu nghìn năm không ngủ, và Nam Cao, Ngô Tất Tố trăm năm vẫn còn thức!!!!
Từ đó, ta có thể thấy: “Nếu tác giả không có lối đi riêng thì không bao giờ là nhà văn cả, nếu anh không có giọng riêng thì anh khó trở thành nhà văn thực thụ được” (Sêkhốp). Những cái tôi phong cách độc đáo sẽ tạo nên cái đẹp trong thi ca. Góp phần làm phong phú thêm cho thi đàn văn học: viết về mùa thu, ta có những gam màu tuyệt mỹ trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến, lại có cái thu của lá vàng, nai tơ của Lưu Trọng Lư, còn cảm nhận đâu đây vẻ đẹp của:
“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”
Viết về đề tài mùa xuân, hàng trăm cảnh sắc đẹp như tiên cảnh sau mỗi vần thơ của mỗi ngòi bút đa tài.
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Mỗi nhà văn như một loài hoa đơn sắc, chỉ khi kết hợp lại với nhau mới tạo thành một vườn hoa ngát hương“ Cái đẹp của văn chương chính là cái mang nhiều dấu ấn của chủ thể sáng tạo, là cái riêng, cái độc đáo”. Hơn hết, mỗi nhà văn viết về cái đẹp theo một nét riêng thì đó là phương thức tuyên bố khám phá cái đẹp đến mọi hang cùng ngõ hẹp,cho ta có một cái nhìn toàn diện, đa chiều về cái đẹp, làm đời sống của mỗi con người thêm phong phú và đầy đủ hơn. Tóm lại, với phong cách độc đáo đã tạo nên dấu ấn riêng cho chức năng thẩm mỹ của văn học, giúp tăng thêm kinh nghiệm cảm thụ thẩm mỹ của người đọc, thúc đẩy khả năng sáng tạo cái đẹp trong họ. Chức năng thẩm mỹ của văn học giúp thanh lọc tâm hồn con người. Thế giới nghệ thuật vừa là hình ảnh của bản thân hiện thực vừa là thế giới của ước mơ, của cái đẹp, của khát vọng. Văn học nghệ thuật mang đến cho người đọc sự đền bù về mặt thẩm mỹ khi cho họ được sống trong thế giới nghệ thuật, nơi mà cái ác, cái bất công sẽ bị trừng trị, cái tốt, cái thiện sẽ được tưởng thưởng, được hạnh phúc. Cái đẹp của văn học không thể bị sở hữu bởi riêng cá nhân nào, cho nên việc cảm thụ cái đẹp là hoàn toàn vô vụ lợi, nó giúp tâm hồn con người được thanh lọc, tránh xa những điều tầm thường trong cuộc sống thường nhật. Cái đẹp của văn học vô tư nhưng không vô tâm, mà luôn hướng người đọc đến những suy tư, trăn trở, trách nhiệm về các vấn đề của cuộc sống, của thời đại.
Cái đẹp quả thật là yếu tố tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến đời sống con người. Tuy nhiên, trên thực tế, sự tác động của tác phẩm văn học tới người đọc là sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố chức năng, là một quá trình chuyển hóa phức tạp, biện chứng, ở đó các yếu tố chức năng xuyên thấm vào nhau. Có thể khái quát rằng, cái đẹp của văn chương nghệ thuật có ý nghĩa khi nó gắn liền với cái chân, cái thiện thì mới thật sự đẹp theo đúng nghĩa của nó. Trong văn chương không có cái đẹp thuần túy về hình thức, không thể có cái đẹp trừu tượng xa lạ với lí trí và tình cảm đạo đức của con người. Tác phẩm văn học chỉ thật sự chinh phục được trái tim khi chạm khẽ được tâm hồn họ, một cách chân thành nhất. Cho dù khoái cảm thẩm mỹ mà tác phẩm đem lại bao giờ cũng từ hình thức nghệ thuật, từ sự làm chủ khéo léo của người nghệ sĩ nhưng một khi nhà văn bàng quang trước những vấn đề trọng yếu của con người chỉ theo đuổi cái đẹp của ngôn từ hay những cách tân của hình thức thì chính nó đang tự hủy diệt giá trị đích thực của chính mình. Bên cạnh đó, Bertold Brecht cũng có đề cập thêm một khía cạnh nữa của vấn đề: “Cái đẹp không nên chỉ tạo từ ánh sáng kì bí của ma trơi, hay ánh sáng nhân tạo rực rỡ của pháo hoa, đèn màu cầu kì nhuộm hàng trăm sắc. Đẹp nhất là khi anh tạo nên ánh sáng ban ngày, thứ ánh sáng tưởng như không màu, không sắc nhưng đó là thứ ánh sáng mạnh mẽ và hữu ích cho con người”
Nhà thơ lúc nào cũng kín đáo, tinh tế, không ồn ào mà sâu sắc thâm trầm và cái đẹp được thực hiện không bốc lên ở bề mặt, mà có sức lắng đọng ở chiều sâu. Nhưng dù thể hiện ở bình diện nào thì muôn đời văn chương đều phải đẹp, cái đẹp đọng ở ngòi bút của tác giả được kết tinh những tài năng cá biệt và tấm lòng luôn trăn trở về cuộc sống. Cả hai nhận định đã nâng tầm cái đẹp lên đến đỉnh cao. Đặt ra yêu cầu cho cả người sang tác: phải tự tạo ra cho bản thân một dấu ấn riêng để góp vào cái mỹ muôn đời của thi ca, đồng thời độc giả cũng phải có năng lực cảm nhận những bức thông điệp đẹp mà nhà văn đã gửi gắm! Có thể hiểu, nhà văn là kẻ kí mã, thông qua bộ mã (tác phẩm) người đọc phải giải mã nó, khi đó, hành trình của cái đẹp mới thật sự trọn vẹn.
Trần Công Tâm Anh
Lớp 11V – Bạc Liêu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ĐỀ: “Một vầng trăng in trong gương Vẫn là một vầng trăng. Vầng trăng qua lòng mắt người nghệ sĩ Có thể thành vô vàn nét đẹp.” (Theo Phạm T...