Bằng hiểu biết về văn học, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.
JUL
6
[NLVH] NỘI DUNG CỦA TÁC PHẨM KHÔNG BAO GIỜ LÀ SỰ LÝ GIẢI DỬNG DƯNG LẠNH LÙNG MÀ NÓ GẮN LIỀN VỚI CẢM XÚC MÃNH LIỆT
Đề : “Nội dung của tác phẩm không bao giờ chỉ là sự lý giải dửng dưng lạnh lùng mà nó gắn liền với cảm xúc mãnh liệt.” (Lê Ngọc Trà)
Bằng hiểu biết về văn học, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.
BÀI LÀM
“Ai bảo dính vào duyên bút mực
Suốt đời mang lấy số long đong
Nguyễn Bính đã thở than như thế . Phải chăng vì những quy luật đào thải khắc nghiệt của văn chương đã góp phần tạo nên những phận đời long đong của nghiệp cầm bút ? Nó đòi hỏi nghệ sĩ phải luôn nỗ lực để trải lòng mình ra trang giấy để tạo nên những tác phẩm đong đầy cảm xúc và tư tưởng. Vì “ Nội dung của tác phẩm không bao giờ chỉ là sự lý giải dửng dưng lạnh lùng mà nó gắn liền với cảm xúc mãnh liệt.” (Lê Ngọc Trà)
Đã có thời ai cũng nghĩ thi nhân là người suốt ngày “nâng khăn lau mắt lệ” , cứ mộng mơ theo ánh trăng dưới nước hình hoa trong kính mà quên đi thực tại. Và cũng đã có lúc người ta nghĩ những nhà văn tựa những nhà giáo huấn mang con chữ đi để truyền đạt những giáo điều tách rời của hiện thực cuộc sống con người. Không. Những cảm xúc nồng nàn của thơ ca âu cũng là cầu nối để thơ ca truyền đạt tư tưởng . Và những triết lý nhân sinh mà nhà văn gửi gắm trong văn chương của mình trước tiên bao giờ cũng là lời cất lên từ những tiếng thét khổ đau, lời ca tụng hân hoan. Bởi lẽ “ Nội dung của tác phẩm không bao giờ chỉ là sự lý giải dửng dưng lạnh lùng mà nó gắn liền với cảm xúc mãnh liệt.” Tư tưởng và tình cảm luôn có một vai trò quan trọng trong việc hình thành một tác phẩm. Thiếu một trong hai tác phẩm sẽ không thể trọn vẹn được . Cho nên để có được một tác phẩm bất tử với thời gian thì nhà văn,nhà thơ cần nỗ lực kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư tưởng và tình cảm.
Văn học trước khi là nỗi thương nhớ vương vấn trong lời ca dao, là nỗi buồn trong kẽ thơ , là nỗi trăn trở về chuyện đời, chuyện người trong các tác phẩm truyện ngắn thì bản thân nó là một ngành khoa học nghiên cứu về tâm hồn con người. Bởi vậy văn học tồn tại trên đời như một công cụ “khám phá” để con người hiểu mình hơn . Mỗi ngày cuộc sống con người hiện hình trong mắt ta là một vạn thế giới đầy chênh chao. Ta bị xô đẩy trong những ảo ảnh này đến ảo ảnh khác mà không nhận ra : “Mình là ai?” ;”Mình tồn tại trên thế giới để nhằm mục đích gì? “ “Đâu là những giá trị thực của mình.” Những câu hỏi vang vọng. Những cảm xúc chợt đến chợt đi đầy mơ hồ. Có phải mọi sự đang diễn ra xung quanh ta đều là cuộc sống thực như thế và nên là như thế? Hay tất cả đều nằm trong tưởng tượng của ta về nó? Và đâu là con đường dẫn về nỗi đau chân thực và hạnh phúc chân thực? Trong sự ngụp lặn giữa biển khơi của cuộc đời , kì lạ thay con người lại tìm đến văn học. Và kì lạ thay chính tư tưởng trong văn học khi đối diện với con người lại trở thành một tấm gương soi . Để rồi từng lớp mặt nạ của những cái tôi độc đoán , cố hữu về hiện tại nứt rạn và vỡ tan. Ta lại mở lòng để tìm hiểu những cách sống . Ta lại có những điểm nhìn mới về những hiện tượng chung quanh ta Ta lại thấu rõ tường tận những sai lầm của bản thân. Ta lại hiểu được đâu là vẻ đẹp thực sự trong mình cần phát huy. Như vậy bằng những nhận thức tường tận , độc giả bằng những câu trả lời có được từ chính những câu hỏi trong tác phẩm, những bài học rút ra từ tưởng của tác phẩm, họ lại quay trở về chấn chỉnh chính mình , cải tạo cuộc sống của chính mình . Cho nên hơn bất kì nơi đâu , “nội dung của tác phẩm” luôn tồn tại” sự lý giải” về cuộc sống
Tuy nhiên, nếu văn chương chỉ là lời lý giải cuộc sống thì “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả , nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan”(Belinxky) . Phải chăng văn học với điểm tựa là cuộc sống phải thoát thai ra bên ngoài để cất lên tiếng nói cảm xúc của mình? Thật vậy bởi lẽ văn học vận hành theo quy luật tình cảm . Văn học là sự lên tiếng thôi thúc của trái tim. Nhà văn chỉ viết được khi “trong tim cuộc sống đã tràn đầy”(Tố Hữu) Nếu như các ngành khoa học khác loại bỏ cái tôi trong nghiên cứu thì các ngành nghệ thuật, trong đó có văn học lại lấy cái tôi làm điểm tựa sáng tạo. Cái tôi của người nghệ sĩ bao giờ cũng là sự liên kết của các sợi dây tình cảm. Cái tôi ấy tạo cho Thạch Lam một mối cảm thông sâu sắc trước cái chết của người mẹ, đứng trước nỗi khổ đau của đàn con trẻ dại “ đứa lớn nhất mới mười bảy tuổi còn đứa bé nhất thì còn đang phải bế trên tay” (Nhà mẹ Lê – Thạch Lam) . Cái tôi ấy lại truyền cho thơ ca Xuân Diệu một luồng cảm xúc vui tươi để ca vang cùng đất trời khúc hát say mê cảnh sắc trần gian : “Này đây hoa của đồng nội xanh rì/ Này đây lá của cành tơ phơ phất / Của yến anh này đây khúc tình si/ Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.” (Vội Vàng- Xuân Diệu). Cái tôi của nghệ sĩ cần là một cái tôi nhạy cảm với mọi biến thiên cuộc sống . Cái tôi riêng biệt của thi nhân, văn sĩ sẽ tạo nên cuộc đời của tác phẩm. Ai cũng hiểu rằng “Cuộc đời là điểm bắt đầu cũng là điểm kết thúc của tác phẩm”(Tố Hữu ). Nhưng trên mảnh đất hiện thực cuộc sống với nhiều đề tài phong phú kì diệu hay ngay cả trên những mảnh đất tưởng chừng đã trăm dấu chân qua thì điều làm nên dấu ấn riêng cho tác phẩm chính là những cảm xúc riêng biệt của tác giả. Nếu thiếu đi những cảm xúc mãnh liệt thì những hình ảnh trong thơ,văn anh chỉ là những hình ảnh lay lắt , không có sức sống . “Đừng cậy thời đại anh hùng nếu tâm hồn anh cứ bé” . Đừng mong đợi sự tồn tại lâu bền của tác phẩm nếu anh không “còn một trái tim , một dòng máu nóng để yêu thương, cảm thông và chia sẻ.” (Dostevsky) . Vì vậy văn học tồn tại như một bầu cảm xúc mãnh liệt từ nhân gian đã trở thành bản chất.
Tình cảm không chỉ là “khâu đầu tiên” mà còn là “khâu cuối cùng” trong quá trình hình thành một tác phẩm văn học . Văn học chỉ sống trong lòng đồng cảm của người đọc. Và văn học chỉ hoàn thành sứ mệnh của mình khi nó “trở thành thứ vũ khí thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cao vừa thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho người đọc thêm trong sách và phong phú hơn.” (Thạch Lam) . Nhưng tâm hồn lại như một khối pha lê lấp lánh như lại rắn chắc. Làm thế nào để văn học có thể “nâng giấc mơ cho những kẻ khốn cùng “ hay “truyền thổi giữa tâm hồn người đọc một niềm tin vào cuộc sống , một tình yêu bát ngát với cuộc đời” nếu nó không mang tiếng thét khổ đau hay những lời ca tụng hân hoan của mình phá vỡ khối pha lê ấy ? “Bởi lẽ “thơ muốn làm cho người ta khóc, trước tiên mình cũng phải khóc , muốn làm cho người ta cười trước hết mình cũng phải cười . “ . Cảm xúc trơ lì, sáo mòn chỉ là những xúc cảm hời hợt , rồi sẽ nhạt phai theo thời gian. Chỉ những gì xuất phát từ trái tim mới đi đến những trái tim . Văn học vì thế trở thành một bầu cảm xúc mãnh liệt để con người trong đời này biết yêu thương và san sẻ với nhau nhiều hơn.
Ai đã từng mang cõi lòng say mê bước vào địa hạt văn chương chẳng mong để lại một tác phẩm hay? Nhưng thế nào là hay? Hẳn nhiên có rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan để làm nên một tác phẩm hay. Nhưng rõ ràng chúng ta không thể phủ nhận được rằng một trong những yếu tố tiên quyết đó chính là nội dung của tác phẩm ấy sẽ có một sự hòa hợp giữa tư tưởng và tình cảm. Bởi lẽ nếu các ngành khoa học khác đã chọn lựa nội dung từ các định lý, định luật. Văn học lại là ngành nghiên cứu về con người. Con người chính là “một tiểu vũ trụ” (theo triết học Phương Đông) . Vũ trụ ấy không chỉ tồn tại những bầu cảm xúc mãnh liệt : yêu , buồn , hờn , giận, lòng căm thù hay lòng ngưỡng mộ. Nó bao la hơn , sâu sắc hơn bởi những cảm nghĩ của con người và triết lý của con người về cuộc đời. Vì vậy khi văn học đã khẳng định mình “và cuộc sống là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người” (Nguyễn Minh Châu) thì cũng đồng nghĩa là những điều mà văn học nhớ nhung , day dứt, ca ngợi đều được đong đầy , trải ra trên bề mặt tư tưởng và tình cảm. Bởi lẽ nếu thiếu tình cảm thì văn học cũng chỉ là sự thuyết giảng đạo đức. Rồi người đọc sẽ nhàm chán với những triết lý khô cứng ấy mà lãng quên đi tác phẩm đó. Nếu văn chương chỉ trọng tình mà không thổi được vào những dòng chữ của mình những dòng tư tưởng sâu lắng thì tác phẩm ấy cũng không thể đáp ứng được nhu cầu thực sự của người đọc. Bởi lẽ “Người đọc tìm đến nhà thơ , là để đòi hỏi một cách sống , không phải chỉ hỏi một lý tưởng như một nhà triết học mà hỏi cách cảm xúc, cách thương, cách nhớ, cách giận, cách ghét như một người yêu.” (Chế Lan Viên). Như một ngọn gió bất thần làm rung động những cánh hoa, cuộc sống là nguồn mang đến cảm hứng dồi dào cho người nghệ sĩ. Và tác phẩm lại rung động người bằng nội dung có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư tưởng và tình cảm .
Trong thơ có một ngưỡng cửa mà bất kì ai cũng phải vượt qua nếu muốn trở thành thi nhân chân chính : sự thành thật. Nhiều người mới bước vào thi đàn thơ ca lại cứ quen lối chau chuốt ngôn từ hay cường điệu tình cảm . Chau chuốt quá hóa sáo mòn , cường điệu lắm thành ra giả tạo. Xuận Quỳnh không thế. Chị xem mình là người phụ nữ bình thường và chị cho phép mình nương vào lời của” Sóng” để lý giải về tình yêu. Tuy nhiên việc sử dụng hình tượng “Sóng” lại không mới.Nhưng, “Sóng” của Xuân Quỳnh vẫn giữ được một góc riêng vì lời của Sóng là lời tâm sự đầy tha thiết , đầy suy tư về những triết lý tình yêu nhưng từ ngữ lại hết sức giản dị. Xuân Quỳnh đã phát hiện những quy luật của Sóng ở đại dương và đồng nhất chúng với quy luật tình yêu. Chị vừa thổ lộ trực tiếp những suy nghĩ vừa mượn hình tượng Sóng để thể hiện quy luật rằng : Tựa như sóng vẫn cứ vỗ bờ mãi ngàn năm không biết mệt mỏi thì tình yêu sẽ vĩnh cửu khi con người chân thành và hết mình vì nó. Xuân Quỳnh đã từ bỏ cái tôi chật hẹp đầy riêng tư để tìm đến một tình yêu bao la rộng lớn muôn đời. Có thể nói, “Sóng” chính là sự kết đọng của một trái tim yêu đầy xúc cảm, của một tâm hồn đầy trăn trở, triết lý trước tình yêu, trước cuộc đời.
Thơ ca đo ni đóng từng tấc từ tâm hồn con người ,muôn đời là tiếng nói cảm xúc của con người. Cất hộ tiếng lòng của con người, thơ ca làm sao có thể khước từ tinh yêu nơi trái tim. Có lẽ thế nên trong những lời lý giải của Sóng, người ta thấy thấp thoáng đâu đó chút nhớ nhung:
“Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được.”
Ngày đêm không ngủ được.”
Từ “Ôi” vang lên như một nốt thăng của nỗi nhớ. Nỗi nhớ mở ra chiều thứ tư của không gian – thời gian . Mà bản chất nó cũng là thời gian , là khoảng trời yêu thương , là những nhịp sống rất thường nhật của tình yêu. Bởi lẽ chỉ có thời gian mới bất tử với thời gian . Và cũng chỉ có tình yêu cùng nỗi nhớ mới đong đầy được thời gian. Xuân Quỳnh đã tìm thấy ở Sóng một sự giao hòa như thế. Nó vẫn vỗ mạnh vào bờ thời đại. Bản chất của Sóng là thế , có bao giờ đứng yên ? Như một tâm hồn ngừng nhớ là một tâm hồn ngừng yêu . Những con sóng vì thế vẫn triền miên vỗ bờ như em nhớ anh nên thao thức không yên.
Trong nỗi nhớ nhung, thoáng chốc thơ Xuân Quỳnh lại đầy những nỗi lo âu về sự phai nhạt của tình yêu:
“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.”
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa.”
Đứng trước biển , đứng trước sự vô hồn, vô tận của biển cả, sự vô thủy, vô chung của thời gian, con người lại rợn ngợp và đầy nỗi lo âu. Xuân Quỳnh trước biển lớn lại như Sóng chơi vơi đầy nỗi niềm. Có lẽ thế nên giọng thơ của chị quãng này chùng xuống , lắng đọng đầy chiêm nghiệm. “Cuộc đời” vì vậy cất lên ngay đầu câu như một tiếng thở dài . Bởi bản thân nó đang gánh trên vai tình yêu , sự sống và niềm tin. Xuân Quỳnh giữa thời gian lại như cánh chuồn chuồn bơ vơi tìm cho tình yêu chỗ nương thân trong nắng nôi dông bão của cuộc đời. Phải chăng thời gian đã thực sự đã bào mòn cái mầm sống le lói của tình yêu để nó trở nên hữu hạn ? Bởi lẽ bi kịch của tình yêu không phải là cái chết hay sự chia ly mà là sự lãnh đạm đi qua đời nhau ? Cặp quan hệ từ chỉ y nhượng bộ “tuy…vẫn”, “dẫu…vẫn…” tiếp nối sau đó đã thể hiện sự trăn trở của con người trước sự hữu hạn ấy của cuộc đời. Vì đời người tuy dài đến cả trăm năm thì theo năm tháng , tất cả rồi sẽ đi qua. Biển kia cũng vậy. Nó tuy rộng nhưng không phải vô tận nên chẳng thể giữ mây ở lại vĩnh viễn. Vũ trụ thì bao la nhưng con người lại nhỏ bé quá. Đời người thì ngắn ngủi nhưng khát vọng tình yêu của con người lại quá to lớn. Con người trước những nghịch lý ấy lại chỉ là một thân phận phù du ôm mộng tình yêu vĩnh hằng, hạnh phúc muôn đời. Và vì vậy con người luôn lo lắng, sợ hãi trước sự phôi phai của tình yêu . Mang trong mình những sự sợ sệt cố hữu nên con người càng gan dạ để sẵn sàng vượt qua mọi thử thách của thời gian để vì nhau và cùng nhau tìm kiếm hạnh phúc chân thực. Không gian và thời gian tuy từng trở đi trở lại trong thơ Xuân Quỳnh như một nỗi ám ảnh về tình yêu phai nhạt lại trở về trong “Sóng” như một động lực, một nguồn sức mạnh để hun đúc cho người sự mạnh mẽ để hành động và sống vì tình yêu của mình. Chính “Sóng” đã đưa tình yêu “Trở về đúng nghĩa trái tim em/ Biết khát khao những điều mơ ước. Biết xúc động qua nhiều nhận thức/ Biết yêu anh và biết được anh yêu.” (Tự Hát). Và cũng để chén rượu thơ của Xuân Quỳnh rót ra trên bề mặt chữ sớm gặp những nỗi lòng tri âm của thế hệ - những người vẫn mang khát vọng yêu thương và sẻ chia.
Khát vọng được vươn mình ra sự vĩnh hằng của tình yêu trong khổ thơ cuối chính là đoạn kết cho đoạn hành trình dài “Sóng” chìm trong những cảm xúc mãnh liệt của người con gái khi yêu:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.”
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.”
Vẫn là một Xuân Quỳnh “Bao ngày tháng đi về trên mái tóc/ Chỉ có em là đã khác em thôi.”, hay lo sợ về cái mong manh , ngắn ngủi của đời người. Câu hỏi “làm sao” cùng kết cấu “làm sao…được thành…” đã bộc lộ khát vọng đau đáu đến khắc khoải của nhà thơ. Làm sao để tình yêu như cánh phượng tồn tại mãi trong lưu bút tâm hồn? Làm sao được hòa mình vào tình yêu? Làm sao để tìm kiếm tình yêu đích thực giữa muôn ngàn khuôn mặt từa tựa nhau?.. Tất cả những câu hỏi đó vẫn thường trực, trăn trở trong nỗi lòng của Xuân Quỳnh. Chị nghĩ mình là con sóng trong lòng biển, lại thấy lo âu về sự tàn phai của tình yêu . Kì thực trong nỗi lo đầy nhân tính ấy, chị càng tin vào tình yêu , cháy bỏng để hòa mình vào Sóng. “Được tan ra” chính là sự từ bỏ của chính chị- một cái tôi vị kỷ để hoàn toàn hòa nhập vào đại dương tình yêu, đại dương cuộc đời. Và khi tâm hồn chị tan trong khát vọng, mọi suy nghĩ và tình cảm đều tan thành “trăm con sóng nhỏ” để hướng đến bờ yêu . “Tan” ở đây là sự dâng hiến hòa mình. Đó không phải là một tham vọng chiếm hữu. Bởi chị không có ý muốn vươn đến cái cực hạn. Mà điều chị mong là sự vô hạn giữa biển lớn . Để từ đó , từ một thân phận bé nhỏ của một con Sóng vẫn ráo riết rong ruổi “tìm ra tận bể” , nhìn về biển lớn với vẻ ngây ngô “Từ nơi nào sóng lên?”, vẫn chực chờ bao nỗi ám ảnh trước thời gian chảy trôi, sóng cuối cùng vẫn có thể tự nở thành những đóa hoa tình yêu bất tử giữa biển khơi.
Chúng ta vẫn thường hay lo sợ về tình yêu. Chúng ta luôn đòi hỏi tình yêu sự hồi đáp. Nhưng có lẽ chúng ta chưa bao giờ tự hỏi và tự nhắc nhở bản thân về trách nhiệm của mình với tình yêu , về hành động của mình với tình yêu. Vì vậy Xuân Quỳnh đã thay lời Sóng để giúp con người nhận ra rằng chỉ có sống và yêu hết mình thì tình yêu mới đủ sức mạnh để vượt qua sự băng hoại của thời gian để chạm khắc vào thành trì thời gian những nét bút rực lửa của một tình yêu đẹp và vĩnh cửu. Chính phút giây ấy, giây phút mà Sóng tìm được cho mình một lối sống phù hợp trước thời gian ây thì Sóng không còn là những con sóng xa tít biển khơi mà nó đã trở thành em, trở thành lời lý giải của tình yêu , trở thành nỗi lòng chung muôn thế hệ
Văn chương chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là đại hồng thủy để xóa sổ mọi lầm lạc của con người. Văn chương là dòng sông nhỏ góp nhặt phù sa,bồi đắp và nâng giấc tâm hồn con người. Và chính con người bằng hai bàn tay mình mang tin yêu về với tin yêu , đem sự sống trở về sự sống , mang nỗi đau buồn san sẻ với những tâm hồn đồng điệu. Phải chăng vì vậy mà mỗi lần trở về làng quê Vũ Đại, khi bắt gặp Chí Phèo ngật ngưỡng tỉnh say, nỗi niềm thương xót thương lặng thầm, nhói buốt khôn nguôi trong người đọc: “Hắn vừa đi vừa chửi . Bao giờ cũng thế cứ rượu say là hắn chửi…” . Nam Cao đã đảo lộn thời gian tuyến tính ,không đi từ quá khứ đến hiện tại. Ông đẩy ngay Chí Phèo ra giữa sân khấu cuộc đời bằng những tiếng chửi sặc mùi rượu . Bên này là một thằng say rượu ồn ào cô độc ; bên kia là cả dân làng .Tiếng chửi chính là khát khao được giao tiếp với đời. Chí Phèo thật sự đang say hay đang tỉnh ? Rõ ràng ông đã khẳng định “cứ rượu say là hắn chửi.” Nhưng nếu đó là tiếng chửi của một kẻ say và mất hết ý thức thì tại sao lại lớp lang rành mạch giữa các đối tượng như vậy ? Tại sao hắn vẫn nhận ra “thân hắn khổ đến nông nỗi này?”. Say mà tỉnh , tỉnh mà say. Đó là trạng thái lưỡng phân của hình tượng Chí Phèo. Qua đó, Nam Cao hé lộ cho người đọc thấy được ý thức tỉnh táo của Chí Phèo sau cái vô thức của kẻ say, nỗi đau con người sau hình thù quỷ dữ. Hắn khát khao được giao tiếp biết bao. Nếu Chí hát được thì tốt biết bao. Nhưng trời không phú cho Chí khả năng thanh nhạc. Như vậy bài chửi kia cũng chính là tiếng hát lộn ngược của một tâm hồn méo mó và đau khổ. Hay giả sử rằng nếu như lúc ấy có anh nông dân nào vì tức mà chửi lại hắn thì hắn còn thấy mình là một con người. Hoặc nếu ông trời có tức hắn vì những lời chửi trời mà cho hắn một cơn sấm thì hắn biết hắn chửi còn có trời đáp lại. Vì vậy có thể nói tiếng chửi là một tiếng kêu thảm thiết của một con người đáng thương đang bị què quặt cả thể xác lẫn tâm hồn , đang cố giữ lấy chiếc phao đời để tồn tại. Ta đã từng đau khổ cho chị Dậu vì bán con bán chó mà bần quẫn. Còn Chí Phèo hắn đã bán cả linh hồn cho quỷ dữ với cái giá rẻ mạt để rồi bị cô đơn ghẻ lạnh trong chính xã hội loài người. Lắng nghe tiếng chửi của Chí Phèo , ta chợt lặng buồn trước khoảng trống yêu thương đồng cảm . Ai đã một lần lạc lối vào đoạn văn không trạng ngữ chỉ không gian và thời gian ấy chợt thấy những tháng ngày sao mà dài đằng đẵng đến thế ,con đường cuộc đời Chí Phèo sao mà thăm thẳm đến vậy. Nó gợi một điều gì đó xót xa lắm , lặng lẽ lắm. Vì vậy tiếng chửi chính là bầu cảm xúc khổ đau mãnh liệt mang theo phẫn uất tan vỡ trong lòng người đọc.
Nhà văn đã lặng lẽ theo gót Chí Phèo trên bước đường say –tỉnh , trầm mình trong bầu cảm xúc khổ đau của một nhân cách đang quằn quại sống dậy nhưng bị cuộc đời lìa bỏ. Và rồi từ những trang văn ấy , nhà văn lại dội ngược lại trong lòng người đọc những câu hỏi. : Làm thế nào để cứu vớt những con người đang đứng trên bờ vực của sự tha hóa nhân tính lẫn nhân hình ? Làm sao để xã hội không còn những Chí Phèo? Nó hiện hình trong cuộc nổi loạn liều lĩnh và bế tắc của Chí ở cuối truyện. Trong câu hỏi cũng là lời lên án cho những thế lực phi nhân: “Ai cho tao lương thiện? “ Nhưng hơn ai hết, Chí là người hiểu rõ nhất cái neo trên bờ lương thiện đã chết rồi. Chí không thể quay lại làm người lương thiện được nữa. Câu hỏi của Chí Phèo ngoài sự chất vấn còn là một lời sám hối đầy cay đắng nhưng buộc phải chấp nhận , để trả nợ máu, và để chết như một con người. Đứng trên lập trường của chủ nghĩa hiện thực phê phán, Nam Cao đã chọn cái chết cho Chí Phèo để đưa ra một lời lý giải hợp lí cho tất cả những bi kịch mà Chí Phèo đã trót mang theo và trót tạo ra cho cuộc đời mình.Cái chết của Chí Phèo vì vậy là cái chết mở ra ý nghĩa sống. Nó khẳng định một chân lý : Dù ở trong hoàn cảnh nào thì bản chất lương thiện của con người luôn tồn tại. Hướng thiện và tìm đến những điều tốt đẹp là bản chất vĩnh hằng của con người. Vì thế hãy tin vào con người và thức dậy thiên sứ của cái thiện đang ngủ yên trong mỗi người . Nhưng thời đại hiện nay , thời đại của đất nước tự do – nơi con người có thể mạnh mẽ hơn đấu tranh cho quyền lợi và hạnh phúc chính đáng của mình thì khi đóng trang sách lại, người đã có một câu trả lời khác : phải thủ tiêu xã hội vạn ác , đại ác ấy đi ; phải tiêu diệt những kẻ vô nhân tính như Bá Kiến để trong đời không một Chí Phèo nào tồn tại nữa. Và hơn hết để cứu rỗi những số phận khốn cùng như Chí , nhân loại cần một lòng tốt bình thường như tình thương Thị Nở dành cho Chí. Đây chính là lời lý giải cuối cùng cho chuỗi câu hỏi bi kịch của tác phẩm và cũng là triết lý nhân sinh sâu sắc mà Nam Cao thực sự muốn gửi gắm lại cho đời sau rằng : Chỉ có tình người mới cứu được tính người. Chỉ có sự nỗ lực sống đúng, sống ý nghĩa thì mới cứu được những bi kịch đời mình. Như vậy tác phẩm Chí Phèo không chỉ là bầu cảm xúc mãnh liệt mà còn là những lời lý giải về số phận con người.
Tư tưởng và tình cảm không chỉ là những vấn đề trở đi trở lại từng quặng chữ thơ ca. Tuy nhiên nội dung với sự kết hợp nhuần nhuyễn của tư tưởng và tình cảm sẽ không thể làm rung động đến người đọc nếu chúng không đi trên con đường của hình thức. Bởi lẽ như Leonit Leonop đã từng nói : “Tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh chính là sự sáng tạo về hình thức và khám phá về nội dung.” Vì vậy bên cạnh việc tạo cho tác phẩm một nội dung thật sâu sắc thì nhà văn, nhà thơ còn phải nỗ lực để tìm kiếm một hình thức phù hợp. Chỉ có như thế tác phẩm của anh mới neo đậu mãi trên bến bờ tâm hồn người đọc.
Nếu cần ghi lại một lời nào đó trên bia mộ của các nhà văn,nhà thơ lớn, người sống trọn đời cho các tác phẩm của mình thì có lẽ chúng ta nên viết như sau :
Họ đã xúc động mãnh liệt
Họ đã trăn trở, nghĩ suy
Họ đã viết
Họ đã thoát khỏi cái tầm thường cố hữu
Và họ đã gieo niềm kiêu hãnh lớn lao nơi trái tim của tất cả mọi người từ tư tưởng và tình cảm trong tác phẩm họ.
Bởi lẽ muôn đời : “Nội dung của tác phẩm không bao giờ chỉ là sự lý giải dửng dưng lạnh lùng mà nó gắn liền với cảm xúc mãnh liệt.”
HUỲNH LÊ QUÝ KHOA – THTH ĐHSP 12.3
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét