Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

Mỗi sáng tạo nghệ thuật chân chính tuyệt nhiên không phải là sự minh họa đơn giản cho tư tưởng này hoặc tư tưởng khác, cho dù ấy là tư tưởng rất hay.

Đề số 3. Mỗi sáng tạo nghệ thuật chân chính tuyệt nhiên không phải là sự minh họa đơn giản cho tư tưởng này hoặc tư tưởng khác, cho dù ấy là tư tưởng rất hay. (Khrapchenkô – Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học). Hãy trình bày ý kiến của anh (chị) về vấn đề trên.

BÀI LÀM
Huygô đã từng nói: “Cái tầm thường là cái chết của văn chương nghệ thuật”. Thật vậy, thiên chức của mỗi người nghệ sĩ là sáng tác, và sứ mệnh cao cả của họ là sáng tạo. Sáng tạo không ngừng, ấy chính là bổn phận của mỗi nhà văn, nhà thơ trong quá trình làm nên tác phẩm. Mỗi người nghệ sĩ lớn luôn là một nhà tư tưởng lớn, ai đó đã từng nói như vậy. Đề cao cá tính sáng tạo trong mỗi người nghệ sĩ, đồng thời cũng là đề cập đến vấn đề tư tưởng trong văn chương nghệ thuật, Khrapchenkô khẳng định: Mỗi sáng tạo nghệ thuật chân chính tuyệt nhiên không phải là sự minh họa đơn giản cho tư tưởng này hoặc tư tưởng khác, cho dù ấy là tư tưởng rất hay.
     Văn chương đồng nghĩa với sự sáng tạo. Mỗi “sáng tạo nghệ thuật chân chính” luôn phải toát ra ở nội dung tư tưởng, một thái độ suy nghĩ của người viết ẩn sâu trong đó, và một tình cảm, tấm lòng mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm đến bạn đọc. “Mỗi sáng tạo nghệ thuật chân chính tuyệt nhiên không phải là sự minh họa đơn giản cho tư tưởng này hoặc tư tưởng khác, cho dù ấy là tư tưởng rất hay”. Bởi mỗi tác phẩm được xem là thành công, có chỗ đứng trong lòng bạn đọc cũng như trụ vững với thời gian không bao giờ đồ chiếu y nguyên hiện thực cuộc sống, cũng không bao giờ là lời lên gân cho những tư tưởng trong tác phẩm. Rõ ràng, để thể hiện suy nghĩ, thái độ, cũng như tư tưởng trong sáng tác của mình, người nghệ sĩ phải sáng tạo ra những hình tượng độc đáo, và qua hình tượng ấy để nói lên quan niệm suy nghĩ, thái độ bản thân. Mỗi một “sự minh hoạ giản đơn” sẽ không bao giờ làm nên sức sống của tác phẩm, sẽ bị đào thải cùng với thời gian, đúng như nhà văn Nam Cao đã từng nói: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm nên một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Người nghệ sĩ trong quá trình lao động nghệ thuật luôn luôn phải tìm tòi sáng tạo, có khi là dùng nhân vật hình tượng để gửi gắm tâm tư tình cảm của mình, có khi phát biểu tư tưởng ấy bằng một hình thức nghệ thuật độc đáo, riêng biệt, chính điều đó sẽ góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm. (Các bạn đang đọc Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn – bài số 3) 
     Mỗi nhà văn lớn luôn là một nhà tư tưởng lớn, và Nam Cao là một trong số những nhà văn đấy. Suốt cuộc đời cầm bút của mình, nhà văn bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam đã gửi gắm biết bao suy nghĩ, tư tưởng của mình vào trang viết thông qua rất nhiều hình tượng nghệ thuật. Đó chính là một Chí Phèo đau đớn, phẫn uất “Ai cho tao lương thiện”, đó là một Lang Rận đã phải tìm đến cái chết, chết trong tủi hổ, nhục nhã, đó là hình ảnh bà cụ trong Một bữa no đang cạo sột soạt những thìa cơm cuối cùng để rồi chết sau một bữa được ăn no bụng. Và còn rất nhiều, rất nhiều hình tượng khác nữa.(Các bạn đang đọc Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn – bài số 3) 
     Ngần ấy nhân vật với biết bao cảnh đời, số phận đã nói lên suy nghĩ, tư tưởng của nhà văn thời ấy. Đó là niềm tin về dòng máu người chưa thể cạn trong huyết quản của người nông dân, đó là sự bênh vực cho những kẻ thấp cổ bé họng đang phải tồn tại giữa mảnh đất “quần ngư tranh thực”, và đó là một tiếng thở dài xót xa vì những cảnh đời bất hạnh, về những con người đã đánh đổi cả nhân hình lẫn nhân tính chỉ vì miếng cơm manh áo. Tình thương yêu và thông cảm, xót xa đã bao trùm lên hầu như các sáng tác của Nam Cao và Đôi mắt chính là một tác phẩm tiêu biểu. Tư tưởng, vấn đề, cách nhìn, cách đánh giá và chỗ dừng của nhà văn trong cuộc đời đã được nhà văn thể hiện một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt thông qua hai hình tượng, hai văn sĩ của hai nhân vật Hoàng và Độ. Một  truyện ngắn mang đầy yếu tố tư tưởng, được Nam Cao xây dựng không hề khô khan và cứng nhắc. Làm sao có thể nói tác phẩm chỉ là “một sự minh hoạ giản đơn” cho vấn đề mà người viết muốn nói tới. Hoàng là một nhân vật độc đáo, cá tính trong truyện ngắn của Nam Cao. Từ những câu chuyện, lời nói, hành động, nhà văn thông qua đó đã thể hiện được những tư tưởng và quan điểm sâu sắc, độc đáo. Hoàng thấy người nông dân gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, Hoàng nhận ra sự nhiêu khê, nhặng xị trong họ, Hoàng nói về anh thanh niên vác bó tre đọc thuộc lòng bài “ba giai đoạn” với tất cả sự nhạo báng, hả hê. Hoàng xa lánh tất cả. Anh thu mình vào ốc đảo cá nhân và nhìn người nông dân bằng cái nhìn một phía. Thế nhưng, đằng sau mỗi câu chuyện, mỗi lời nói, Nam Cao lại bộc lộ một tư tưởng, quan niệm riêng. Thấp thoáng nhà văn qua hình ảnh nhân vật Độ – “anh tuyên truyền viên nhãi nhép”. Nam Cao qua tác phẩm đã nói lên quan điểm lập trường của mình nói riêng, của lớp văn nghệ sĩ nói chung trong thời đại mới, Nam Cao khẳng định người nghệ sĩ phải biết hoà mình vào cuộc sống chung và có lòng tin ở những phẩm chất cao đẹp của con người. Đôi mắt đã thể hiện tư tưởng của nhà văn một cách sâu sắc nhất, bằng một lối viết riêng, rất sáng tạo, và Đôi mắt có thể xem là một trong những sáng tạo nghệ thuật chân chính của Nam Cao.
     Mỗi người nghệ sĩ luôn là một cá thể với những suy nghĩ, cách nhìn tâm hồn khác nhau. Mỗi người nghệ sĩ luôn tìm đến cho mình một phong cách riêng biệt, những tư tưởng mới mẻ, và từ đó chuyển tải vào trang viết một cách linh hoạt nhất, ấn tượng nhất. Đề cao cá tính sáng tạo của mỗi người nghệ sĩ, câu nói của Khrachenkô một lần nữa khẳng định vai trò của quá trình lao động nghệ thuật không ngừng: “Mỗi sáng tạo nghệ thuật chân chính tuyệt nhiên không phải là sự minh họa đơn giản cho tư tưởng này hoặc tư tưởng khác, cho dù ấy là tư tưởng rất hay”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ĐỀ: “Một vầng trăng in trong gương Vẫn là một vầng trăng. Vầng trăng qua lòng mắt người nghệ sĩ Có thể thành vô vàn nét đẹp.” (Theo Phạm T...