Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

Vịn câu thơ mà đứng dậy

#Hoàng_Khánh_Duy
ĐỀ BÀI:
Sinh thời, nhà thơ Phùng Quán từng tâm sự:
“Những phút giây ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”
Bằng trải nghiệm văn học của anh (chị), hãy bình luận và làm sáng tỏ ý thơ trên.
BÀI VĂN MẪU
Nàng thơ Xuân Quỳnh đã từng tâm sự rằng:
“Nếu ngày mai em không làm thơ nữa
Cuộc sống sẽ trở về bình yên
Ngày nối nhau trên đường phố êm đềm
Không nỗi khổ, không niềm vui kinh ngạc”
Liệu rằng một “ngày mai” thức giấc trên cõi đời này không còn một bài thơ, cũng chẳng ai còn thiết tha làm thơ cho ta đọc, thì cuộc sống sẽ ra sao? Vâng, bình yên! Nhưng sống trong những chuỗi ngày “không nỗi khổ, không niềm vui kinh ngạc”, “không xôn xao khi nắng hè đến sớm”, “sóng xô bờ chẳng rộn đến tâm tư” thì cuộc sống chẳng còn thú vị, cháy nồng xúc cảm nữa. Người nghệ sĩ từ đó cũng trở thành những cỗ máy hết nhiên liệu, trơ cảm xúc, hoặc dẫu còn cũng chẳng viết nỗi một câu thơ. Cuộc đời sẽ tẻ nhạt biết bao. Thế mới hay thơ ca như nguồn sống, nguồn sinh khí tươi mới thổi vào tâm hồn của con người. Con người không thể sống thiếu thơ ca, thiếu văn chương nghệ thuật. Sinh thời, nhà thơ Phùng Quán có viết đôi dòng để khẳng định dù ở thời đại nào thơ ca cũng là cứu cánh:
“Những phút giây ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”.
Trong những loại hình văn học, thơ ca ra đời sớm nhất. Đó là dạng thức ban đầu của văn học - dạng thức của ngôn từ có nhịp điệu. Thơ ca phát triển qua quá trình lịch sử lâu dài, hình thành được những hình thức cực kì đa dạng. Trong thời kì hiện đại, thơ ca bao gồm những loại hình sáng tác cụ thể như thơ trữ tình, thơ tự sự, thơ văn xuôi, trường ca… khác hẳn với cách định danh thơ ca bao hàm sử thi, bi kịch, hài kịch như trong sách “Thi pháp học” của Aristote nghiên cứu.
Vì đối tượng mà thơ ca biểu hiện là “hứng thú tinh thần” (Hegel) nên người nghệ sĩ thường chọn thơ làm phương tiện để thổ lộ tình cảm mãnh liệt trong sâu thẳm tâm hồn mình. Tình cảm trong thơ chính là chiếc cầu nối giữa nhà thơ với người đọc, giữa những tâm hồn dễ đồng cảm, thấu hiểu với nhau. Với Phùng Quán, thơ ca chính là thứ mà nhà thơ “vịn” (bám víu) mỗi khi gặp phải “những phút giây ngã lòng” (khoảnh khắc sa ngã, mất niềm tin vào cuộc sống). Thơ ca giúp nhà thơ mạnh mẽ “đứng dậy”, sẵn sàng đối mặt với cuộc sống tăm tối, với niềm tin với dần. Thơ ca tiếp thêm sức mạnh cho con người, khiến con người trở nên tình cảm hơn, ngọt ngào hơn, chở che con người đi qua bão giông, qua những “tham, sân, si” trong cuộc đời trần tục.
Ý thơ của Phùng Quán chính là cách nhìn nhận ý nghĩa của thơ ca đối với một người nghệ sĩ. Nhưng không phải vì thế mà ai cũng có thể “vịn câu thơ mà đứng dậy”, mượn thơ ca để giãi bày tâm sự của riêng mình được. Bởi muốn làm thơ thì người cầm bút “phải có tình cảm mãnh liệt” (Pablo Neruda), “phải xúc động hồn thơ” (Pla tone) viết ra những điều chân thật nhất, không gượng ép, không giả tạo. Một khi thiếu đi cảm xúc thực sự thì những câu thơ viết ra chỉ là chữ nghĩa sáo rỗng, vô hồn, nói như nhà thơ Cuba Jose Marti thì người nghệ sĩ chỉ là “người thợ làm những câu có vần, chứ không làm được thơ”, nói chi đến chuyện dựa vào câu thơ mà “đứng dậy”. Từ đó ta thấy rằng, tính trữ tình, sự thổ lộ cảm xúc mạnh mẽ chính là đặc trưng của thơ ca.
Không dừng lại ở chuyện khẳng định thơ ca là cứu cánh của người nghệ sĩ, hiểu một cách rộng lớn hơn, ý thơ Phùng Quán còn đề cập đến ý nghĩa của thơ ca đối với cuộc đời, với tất cả mọi người. Người ta thường tìm đến thơ ca trong những phút giây vui sướng nhất hoặc buồn bã đến nát ruột tan lòng. Ngôn ngữ thơ ca là thứ ngôn ngữ đầy cảm xúc, có tính kết nối cao, nó xuyên qua không gian đi vào trong lòng người, khiến tim người rung động. Đọc thơ, người đọc sẽ cảm thấy tâm hồn mình như được thanh lọc, cứu rỗi, được tắm tưới bằng nguồn cảm xúc tươi mới, mát lành, được bón bởi những triết lí nhân sinh tốt đẹp. Những phút giây yếu lòng, thơ ca giúp người ta tự nhìn nhận bản thân mình, tiếp thêm sức mạnh, hi vọng để con người lê chân qua khỏi vùng tối tăm mù mịt, bước tiếp về phía trước - phía có ánh sáng, niềm vui.
Đối với mỗi nhà thơ, thơ ca là phương tiện giãy bày tâm trạng, bộc lộ cảm xúc, kí thác tâm tình trước cuộc sống trần thế. Khi mà cuộc sống đang bế tắc, nhà thơ đang cảm thấy mất niềm tin, u uất, xót xa cho những điều màu xám thì họ thường làm thơ. “Tôi yêu em” của nhà thơ kinh điển Nga Puskin là minh chứng cho điều đó. “Tôi yêu em” được khởi nguồn cảm hứng từ mối tình của chính nhà thơ với Olenina - cô gái mà mùa hè năm 1892 Puskin đã cầu hôn nhưng không được chấp nhận. Nhà thơ đã ôm ấp mối tình đơn phương bằng những cung bậc cảm xúc đầy tính nhân văn, lòng vị tha sâu sắc:
“Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”
Yêu người ta nhưng người ta không chấp nhận, Puskin cũng không thể trực tiếp nói lên lòng dạ của mình, vì thế mà “Mặt trời thi ca Nga” đã gửi trao tâm tình vào thơ, nhờ thơ nói hộ tiếng lòng mình. Biết rằng “không hi vọng” nhưng anh vẫn cứ yêu, đôi khi “hậm hực lòng ghen” nhưng người anh yêu không hiểu thấu. Một nỗi buồn tình trong sáng, một tâm hồn yêu đương chân thành, mãnh liệt, nhân hậu. Không được đáp lại tình cảm, song người con trai vẫn “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. Những cảm xúc chân thành, đằm thắm trong bài thơ “Tôi yêu em” đã chạm đến trai tim của triệu triệu con người trên thế giới từ khi bài thơ ra đời cho đến ngày hôm nay. Nhờ đó mà ta hiểu phần nào về mối tình riêng của Puskin và tấm lòng sâu kín của thi nhân.
Thơ ca Việt Nam thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp mang cảm hứng yêu nước nồng nàn của các nhà thơ trước hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng. Tình cảm đó được thể hiện qua những bài thơ đỉnh cao mà hành trình thơ ca sau này khó lòng vượt qua được. Hoàng Cầm - một thanh niên yêu nước, một nhà thơ kháng chiến với những bài thơ được lòng công chúng. Cái hay trong thơ Hoàng Cầm là tình cảm lớn, tình cảm đẹp, tình cảm cao thượng, thấm nhuần bản chất nhân văn và chính nghĩa. Hơn hết, những bài thơ đều được thi sĩ Hoàng Cầm viết ra từ sự thôi thúc bên trong, từ cảm xúc dồn nén liên quan đến cuộc đời của mình. “Bên kia sông Đuống” ra đời năm 1948, khi nhà thơ đang đi công tác, một đêm nọ chợt nghe tin giặc đánh phá quê hương kinh Bắc thân yêu của mình, Hoàng Cầm đã xúc động và ngay đêm ấy trong ánh đèn dầu hắt hiu, trong nỗi đau dâng trào, nhà thơ đã vực dậy ngòi bút của mình:
“Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu”.
Một Kinh Bắc xinh đẹp - cái nôi của văn hóa truyền thống Việt Nam, quê hương của Hoàng Cầm - bấy giờ chìm trong biển lửa. Đau! Sao không đau cho được khi nơi chôn nhau cắt rốn của mình bị giày xéo bởi gót giày xâm lược của thằng Pháp? Trong lòng phẫn uất vô cùng, căm hận vô cùng, nhưng hiện tại nhà thơ đang ở “bên này” - vùng đất tự do, không ở “bên kia” - vùng giặc chiếm đóng và giày xéo, không thể trực tiếp nghiến ngấu quân thù. Vì vậy mà thi sĩ đã nén cảm xúc của mình vào trong thơ.
“Bên kia sông Đuống” trải cùng mọi cung bậc cảm xúc, cũng là để thỏa mãn lòng dạ của Hoàng Cầm. Bên cạnh nỗi đau tận cùng, Hoàng Cầm còn “vịn” vào những nét đẹp độc đáo mang tính bản sắc của quê hương mình để làm động lực mà tiếp tục chiến đấu. Một loạt hình ảnh đẹp về Kinh Bắc hiện lên trong tâm tưởng của thi nhân: “Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên”, “Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen/ Bãi Trầm Chỉ người dăng tơ nghẽn lối”… Bài thơ vừa gây xúc động cho bao người, vừa tiếp thêm cho con người Việt Nam mạch nguồn yêu quê hương, yêu Tổ quốc sâu nặng. Chính mạch nguồn tình cảm này đã giúp sức cho họ vững chắc tay súng, anh dũng, kiên cường chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.
Đối với người đọc, thơ ca giúp họ thanh lọc tâm hồn. Ngôn từ kì diệu ấy dễ dàng đi vào lòng người - những tâm hồn đồng điệu với thi nhân. Mỗi khi đọc thơ, người ta thấy vui, thấy buồn, đôi khi ứa nước mắt trước tình cảm trong thơ bởi nó chân thật quá, mãnh liệt quá. Người ta sẽ tìm thấy bóng dáng của chính mình trong từng câu thơ. Mỗi bài thơ mang đến một cảm xúc riêng mà khi đọc, người đọc khó mà ngồi yên một chỗ, khó mà bình lặng lòng mình được. Tắt lửa lạnh lòng đến độ nào đọc những vần thơ chứa chan tình cảm cũng dễ thấy lòng mình ấm áp lạ thường, yêu thương ngập tràn, rõ ràng thơ ca giúp chúng ta gần gũi nhau hơn.
Tuyệt vọng, âu sầu, buồn bã, mất niềm tin… tất cả sẽ lắng xuống trong khoảnh khắc khi ta đọc những dòng thơ rất “xuân”, rất nhiệt thành, rất tích cực trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu:
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây bay và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu cho một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
Đoạn thơ truyền cho người đọc nguồn năng lượng tích cực về lối sống “vội vàng”. Vội vàng chính là chạy đua với thời gian, sống cuồng nhiệt, sống cho xứng đáng với một lần được sống. Vội vàng còn là sự tận hưởng những vẻ đẹp mà cuộc đời ban tặng cho chúng ta: “sự sống mới bắt đầu mơn mởn”, “mây bay”, “gió lượn”, “cánh bướm với tình yêu”, “non nước”, “cây”, “cỏ rạng”… của một “thời tươi”. Sống không u buồn, tuyệt vọng, không để những điều tiêu cực ảnh hưởng đến bản thân mỗi người. Bên cạnh đó, sự tận hưởng phải luôn luôn đi liền với tận hiến. Đoạn thơ gợi cho ta nhớ đến hai câu thơ cùng tác giả Xuân Diệu đã và đang là châm ngôn sống của nhiều bạn trẻ trong thời đại mới:
 “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”.
Thơ ca còn làm mạnh mẽ hơn, nồng nhiệt hơn những tình cảm mà vốn dĩ chúng ta đã có, chẳng hạn như lòng yêu nước. Chắc hẳn ta phải thốt lên rằng đất nước mình đẹp quá khi đọc những dòng thơ trong bài thơ “Ta đi tới” của Tố Hữu:
 “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt
Nắng rọi sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca”…
Hiện ra trước mắt ta là núi, sông, đồng, bể của một Việt Nam thu nhỏ trong thơ Tố Hữu. Những hình ảnh “rừng cọ”, “đồi chè”, “đồng xanh”, “sông Lô”, “chuyến phà”, “bến nước” rất đỗi thân quen, nó xuất hiện đâu đó trên khắp đất nước Việt Nam và man mác hồn đất, hồn sông, hồn dân tộc Việt. Câu thơ cảm thán: “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!” vừa là sự thán phục trước cảnh đẹp của Tổ quốc, vừa là sự tự hào khi được sinh ra và lớn lên, chiến đấu hết mình, sống tích cực trên mảnh đất có phong cảnh tuyệt vời, con người trung dũng. Tình yêu quê hương đất nước càng nảy nở trong ta.
Đôi khi ta gặp “những phút giây ngã lòng”, nhịp sống guồng xoáy dồn ta vào chân tường, ngõ cụt. Mệt nhoài, ta tìm về những kí ức tuổi thơ để nạp thêm năng lượng và “đứng dậy” bước tiếp trên hành trình cuộc đời. Những vần thơ ngọt ngào, dịu êm của Nguyễn Duy đưa ta về miền ấu thơ cổ tích:
“Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
Níu váy bà đi chợ Bình Lâm
Bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
Và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
Chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
Mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắng
Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng”…
Những trò chơi ngày nhỏ chợt sống dậy vừa sinh động, hồn nhiên, vừa ẩn chứa sự ân hận, day dứt của nhân vật “tôi” trong quá trình nhận thức. Nguyễn Duy đã nhắc đến những địa danh cụ thể: “cống Na”, “chợ Bình Lâm”, “chùa Trần”, “đền Cây Thị”, “đền Sòng”, đó là những danh có thực ở miền quê Thanh Hóa mà thuở nhỏ nhà thơ đã gắn bó với bao kỉ niệm tươi đẹp, bấy giờ lung linh trong hồi ức. Cũng như bao đứa trẻ khác được sinh ra và lớn lên ở miền quê thôn dã yên bình, thuở còn thơ nhân vật “tôi” cũng đội nắng đi câu cá, mỗi khi thấy bà đi chợ lại nũng nịu “níu váy bà” để được đi theo, để được vòi vĩnh bà mua kẹo ngon bánh ngọt. Những kí ức ấy sao có thể mờ phai? Nhà thơ không nhắc nhiều, chỉ vài chi tiết đơn giản và bình dị thế thôi mà khơi dậy cái miền nhớ thân thương trong tâm khảm bao người con đất Việt.
 Nhưng kí ức tuổi thơ đâu phải lúc nào cũng ngọt ngào như vậy? Có khi lại là những kí ức dữ dội, táo bạo: “Bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật – Và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần”. Tượng Phật, chùa chiền là chốn linh thiêng, ấy vậy mà đứa trẻ năm xưa cũng không ngại ngần “bắt chim sẻ”, “ăn trộm nhãn”. Ai sống ở làng quê mà chẳng một lần bị quyến rũ bởi mùa trái cây chín thơm nức mũi nao lòng, chẳng một lần “ăn trộm”, may mắn thì trót lọt, xui rủi thì bị bắt để rồi ba mẹ phạt đòn roi đau điếng nhớ đời? Những kí ức dữ dội ấy cũng đáng nhớ lắm, phải vậy không? Đứa cháu trong hai khổ thơ đầu có những ngày tuổi nhỏ thật vô tư, hồn nhiên.
Đối với mỗi người, kí ức tuổi thơ là một điều vô cùng thiêng liêng. Khi người ta lớn lên, kí ức tưởng chừng như nhạt nhòa theo năm tháng. Nhưng không, kí ức tuổi thơ chỉ nằm đâu đó trong sâu thẳm tâm hồn chứ không phải mất đi vĩnh viễn. Một lúc nào đó kí ức chợt sống dậy, người ta lại lao đao đi tìm những dấu ấn xưa cũ năm nào. Nhưng tìm hoài không thấy bởi làm sao quay ngược thời gian, đâu có chiếc vé nào quay ngược về những ngày khó nghèo, dung dị mà thanh yên đến lạ. Chúng ta rồi cũng chấp nhận thực tại, bình tâm nhận ra kí ức chỉ còn tâm trí mà thôi.
Rõ ràng, thơ ca là cứu cánh chẳng những đối với người nghệ sĩ mà còn đối với “những tâm hồn đồng điệu”. Sức mạnh của thơ ca nằm ở cảm xúc mãnh liệt, trí tưởng tượng phong phú của thi sĩ, ngôn từ thơ ca diệu kì, đầy màu sắc, gợi hình, gợi cảm, giọng điệu ngọt ngào tác động sâu vào tâm hồn con người. Trên hết, ý thơ Phùng Quán chính là nỗi niềm tri ân của nhà thơ đối với thơ ca, đối với sự “xúc động hồn thơ”, đối với trái tim nhạy cảm, ấm áp và tinh tế mà nghệ thuật đã ưu ái ban tặng cho người nghệ sĩ.
Nếu “ngày mai” trên đời này chẳng còn thơ, và cũng chẳng còn ai làm thơ nữa, thì “Trời không xanh trong đáy mắt em xanh”, và “Màu phượng chẳng nồng nàn trên lối ta đi”. Hãy để cho những vần thơ mãi chảy tràn từ tâm hồn ra trang giấy, chảy xuyên qua thời gian, qua không gian, nối kết tâm hồn con người, tác động trực tiếp vào tình cảm, cảm xúc của con người. Để thấy rằng thơ ca là vầng dương chói lóa. Để nhận ra thơ ca là suối nguồn cảm xúc trong trẻo vô ngần. Để cuộc đời mãi đẹp tươi và tình người ấm nồng trên trang giấy…
HOÀNG KHÁNH DUY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ĐỀ: “Một vầng trăng in trong gương Vẫn là một vầng trăng. Vầng trăng qua lòng mắt người nghệ sĩ Có thể thành vô vàn nét đẹp.” (Theo Phạm T...