Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019

Những lá thư tay

🌿Những lá thư tay - chứng nhân tình yêu của một thời quá khứ

#chiechopthoigian
#baiviethocsinh_blogchuyenvan

🌿🌿🌿

Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, con người ta đang mải miết kiếm tìm những giá trị vật chất cho tương lai. Thế giới ngày càng hiện đại và được phủ lấp dần bởi các thiết bị công nghệ. Chính vì thế thứ tôi lựa chọn cho vào trong “Chiếc hộp thời gian” là một món đồ từng rất thông dụng trong quá khứ. Không phải một cánh diều hay một chiếc radio cũ kĩ, thứ tôi chọn là một lá thư tay bởi những giá trị tinh thần mà nó mang đến- hoài niệm và tình yêu.

 Thư- một phương tiện truyền thông đang được đa dạng và hiện đại hóa thành những lá thư điện tử. Nhưng một bức thư tay được trau chuốt từng con chữ mới là điều đáng trân quý. Chính sự cũ kĩ của trang thư úa vàng mới làm ta hồi tưởng khôn nguôi về quá khứ; mới khiến ta cảm nhận được nhịp đập nóng hổi của trái tim người viết. Và thứ tình yêu tôi muốn nhắc đến không chỉ dừng lại ở hạnh phúc lứa đôi mà còn là tình cảm căng tràn với cuộc sống, quê hương. Kết lại, điều mà tôi muốn thế hệ mai sau nhắc đến là lá thư tay- cái phương tiện truyền thông mang hơi thở của quá khứ và chất chứa những tình yêu nồng nàn. Đó cũng là lí do tôi chọn lá thư là vật đặc trưng cho thế hệ của chúng tôi và cả những thế hệ xưa cũ hơn nữa.

 Thư- có khi chỉ là một tờ giấy chiếc, đôi lúc lại được gấp kĩ lưỡng trong một phong bì đẹp đẽ. Nhưng dù ở trong dạng hình thức nào thì những lời thăm hỏi thân thương và tình cảm được cất vào lá thư vẫn vẹn nguyên giá trị ban đầu của nó. Có người viết thư thật ngắn, chỉ đôi ba dòng. Lại có người viết thật dài như có điều gì mãi chưa nói hết. Song, thư vẫn là thư, là nét bút tỉ mỉ của người gửi.

 Thư và tình yêu chất chứa- nguyên do đầu tiên và cũng là điều mà tôi muốn nhắc mãi. Sở dĩ tôi nói về tình yêu chính vì những lá thư của thế hệ đi trước đã và đang đem đến cho tôi những xúc cảm mà chính tôi cũng không ngờ đến. Trở về cái thời mà khoa học còn chưa phát triển, khoảng vài chục năm trước thôi, thư tay là cách duy nhất để những người con xa xứ liên lạc với quê hương; để những con người ở xa trao cho nhau thứ tình yêu ấm nóng. Tình yêu ấy là giá trị tinh thần bất biến, không thể tìm thấy ở bất kì ứng dụng tin nhắn hiện đại nào. Các tác động mà giá trị kia đem lại gây cho ta niềm tin về tình yêu thật sự, khiến cuộc sống được phủ đầy bởi hơi thở của trái tim. Thứ tình cảm nồng nàn, mới mẻ được thể hiện trong cái phương tiện truyền thông cũ kĩ-lá thư tay. Thế giới đã tạm biệt thế kỉ XX nhưng tình yêu tươi đẹp của nhà biên kịch, nhà thơ, nhà văn tài hoa Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh vẫn khiến người ta xao xuyến. Chỉ quẩn quanh về các vấn đề thường ngày, lá thư tay của họ lại khiến người ta ao ước về tình yêu bình dị ấy.  “Về với phố Huế chật hẹp, với nhà trẻ nơi ta đón Mí, với quán cà phê Nguyễn Công Trứ, nơi ta uống cà phê 2 hào buổi sáng với những gã giáo viên còm, những người công nhân lam lũ và những tay thợ làm đạo cụ sân khấu, về với những con đường chúng ta vẫn đi, những công việc, với cái thành phố nghèo, nơi người ta sống rất khổ mà vẫn luôn tìm cách để sống cho thanh thản trong nỗi khổ ấy, sống thanh thản và yên tĩnh.” Mật ngọt được rót đầy qua từng câu chữ. Vị ngọt không gắt, không ngấy mà là ngọt thanh. Tất cả điều ấy được ẩn sâu trong căn nhà nhỏ chật hẹp ở Hà Nội. Không phải một cuộc sống xa hoa, sung sướng, điều mà Lưu Quang Vũ mong cầu chỉ là tình yêu giản dị bên người vợ thân yêu và đứa con nhỏ. Hay lời cuối thư: “Hôn em rất lâu”, “Hôn em nhiều nhiều” của ông lại khiến tim ta khẽ rung động bởi sự chân thành và nồng nàn ấy. Ta như được nhớ, được thương và được yêu, cùng trải qua những cung bậc cảm xúc trong bức thư tay của Lưu Quang Vũ gửi cho vợ mình, khi ấy, ta mang khao khát được yêu; cuộc sống được tình yêu bao phủ. Và chỉ khi con người được lớn lên trong môi trường thấm đẫm yêu thương như thế thì mới có thể phát triển tốt cả về tình cảm lẫn năng lực bản thân. Lúc này đây, thế giới mới ngập tràn sự hòa ái, gắn kết giữa con người với con người. Tất cả những điều trên đã làm nên giá trị của thư tay- sự đẹp đẽ vĩnh hằng của tình cảm.

 Thư và giá trị bất biến không thể thay thế. Thư tay tuy đã nhuốm màu của thời gian nhưng lại mang giá trị nhân văn của quá khứ, ta hiểu được giá trị của thư thì mới biết về nét đẹp của những điều giản đơn thời công nghệ còn chưa phát triển. Duy trì vẻ đẹp ấy đã tạo nên nét đẹp cộng đồng- nghĩa và tình. Đồng thời cũng là nhắc nhớ các thế hệ tương lai về quá khứ đã qua. Chính vì vậy, dù vô số các ứng dụng nhắn tin nhanh, hiện đại như Messenger, Zalo, Viber,… ra đời vẫn không thể xóa nhòa dấu vết của những cánh thư tay. Ý thức được điều ấy, cuộc thi “Viết thư  UPU” đã được tổ chức vào năm 1972. Đây là cơ hội để những bạn trẻ được trải nghiệm cảm giác tuyệt vời và mãnh liệt khi viết thư tay. Minh chứng cho sự thu hút của việc làm này với các bạn trẻ là cuộc thi đã được tổ chức bốn mươi tám lần với số lượng người dự thi đông đảo. Phải chăng nét đẹp văn hóa xưa cũ đã được đề cao trong cuộc thi này? Và tôi nghĩ đây cũng là một lí do đáng nhắc đến khiến ta tiếp tục duy trì việc viết những lá thư tay.

Đối với bản thân, việc thi thoảng viết một lá thư tay cũng là cách mài dũa văn chương của chính mình. Nhưng đề cao giá trị thư tay không đồng nghĩa với việc bài trừ các thiết bị hiện đại mà chỉ là đôi lúc nhớ về những cánh thư kia. Thư tay hay thư điện tử đều có giá trị và vè đẹp riêng đáng được trân trọng.

 Tuy nhiên, có những bạn trẻ cứ mãi hướng về những điều hiện đại, mới mẻ mà bỏ quên lá thư tay vào một góc của kí ức. Thứ họ để quên không chỉ là một mảnh giấy mà còn là cả một bầu trời giá trị của quá khứ. Thay đổi cách nhìn nhận, dung hòa cả ngày xưa và hôm nay là một việc mà không chỉ tôi hay bạn mà tất cả chúng ta cần làm. Nếu không, chúng ta sẽ bỏ lỡ những kỉ niệm vô cùng ý nghĩa mà trước kia ông bà ta từng trải qua.

 Thư- điều mà tôi luôn trân quý. Đôi lúc tôi dành thời gian viết một lá thư cho chính mình hay cho mọi người để tỏ lòng mình. Tôi nghĩ giá trị của thư không chỉ dừng lại ở phạm vi người nhận và người gửi mà còn rộng hơn thế nữa.

 Cuộc sống vẫn đang vận động và đổi mới không ngừng. Dẫu tương lai có hiện đại và tiện lợi đến đâu thì những điều thuộc về quá khứ vẫn đáng được nhắc đến- đặc biệt là thư. Thư tay dù đã phủ bụi của thời gian nhưng ánh sáng nhân văn đẹp đẽ kia vẫn không thể lu mờ. Thư không chỉ là những trang giấy, nét mực mà còn là những tình cảm quý giá, những trải nghiệm mang hơi thở của quá khứ. Không chỉ hôm nay mà còn là ngày mai, lá thư tay đã “úa vàng” vẫn nên cần được hiện hữu và trân trọng!

Nguyễn Ngọc Linh Chi, 10.4, trường Trung học Thực hành ĐHSP( 2019-2020)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ĐỀ: “Một vầng trăng in trong gương Vẫn là một vầng trăng. Vầng trăng qua lòng mắt người nghệ sĩ Có thể thành vô vàn nét đẹp.” (Theo Phạm T...