Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

CHUYÊN ĐỀ: ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ “Khúc tráng ca của người dân lao động”

CHUYÊN ĐỀ: ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ “Khúc tráng ca của người dân lao động”
CHUYÊN ĐỀ: ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ
“Khúc tráng ca của người dân lao động”
- Huy Cận -
Vài nét về nhà thơ Huy Cận
Tiểu sử
Nhà thơ Huy Cận (1919-2005) quê tại Hà Tĩnh. Hồn thơ Huy Cận được hình thành và vun đắp bởi truyền thống văn học của gia đình và quê hương.
Ông được biết đến nổi tiếng nhất trong phong trào thơ mới với tập thơ “Lửa thiêng”. Ông đã từng tham gia cách mạng trước 1945, sau cách mạng ông từng giữ nhiều trọng trách quan trọng trong chính quyền cách mạng.
Huy Cận còn là một nhà thơ tiêu biểu trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam.
Quá trình sáng tác
Thơ Huy Cận trước Cách mạng tháng 8:
Tập thơ “Lửa thiêng” gồm 50 bài được độc giả nhiệt liệt đón nhận. “Lửa thiêng” thắm đượm tình người, tình đời, giúp Huy Cận có được vị trí tiêu biểu trong làng thơ mới ở giai đoạn cực thịnh của nó.
Nội dung: “ Lửa thiêng” là tiếng lòng của một thanh niên mới lớn với những niềm vui nỗi buồn của chính mình, tập thơ lấy tuổi trẻ và tình yêu làm đề tài chủ yếu. Giữa lúc độc giả quá quen với giọng nỉ non, sầu não trong thơ mới thì những cung bậc tình yêu dễ thương ở lứa tuổi học trò lại có sức hấp dẫn mới lạ.
+ Nhưng tình yêu ấy nhanh chóng rơi vào vô vọng bởi một nỗi buồn u hoài, thường trực bắt nguồn sâu xa từ bi kịch, bế tắc, vỡ mộng. Buồn thương, sầu não chính là âm hưởng chính khiến “Lửa thiêng” như bản nhạc ngậm ngùi.
Nghệ thuật: Tác phẩm được viết bằng một nghệ thuật vững vàng, độc đáo, âm hưởng nhẹ nhàng, thâm trầm, hướng vào nội tâm, lời thơ tự nhiên, đường nét giản dị, thanh thoát, hình ảnh mới mẻ.
+ Một số bài thơ tiêu biểu: Tràng Giang, Chiều Xưa, Vạn lí tình, đi giữa đường thơm,...
Từ sau “Lửa thiêng”, bối cảnh xã hội ngày càng đen tối, thơ mới dần đi vào ngõ cụt, mỗi nhà thơ đang loay hoay tìm lối thoát cho riêng mình. Huy Cận thoát li vào thiên thiên, vũ trụ. Nhà thơ kêu gọi mọi người trở về hòa nhập vào tạo vật, tìm niềm vui từ thiên nhiên, vũ trụ.
Triết lí đó được thể hiện đầy đủ trong Vũ trụ ca (1942). Tập thơ viết năm 1942, thoát vào vũ trụ, hồn thơ Huy Cận trở nên khoáng đạt. mạnh mẽ, say sưa với cái vô cùng của trời đất, trăng, sao,…Huy Cận như gặp lại niềm vui thuở trước, lại hân hoan, hồ hởi, lại rạo rực, khát khao. Nhưng cái vui trong Vũ trụ ca là vui gượng, cố vui nên không trọn vẹn, vẫn mang vẻ chông chênh, vô vọng. Chính cái tôi giàu cảm xúc, nặng tình với đất nước, dân tộc đã không để yên cho nhà thơ trong sự huyễn hoặc.
Như vậy, trước CMT8, Huy Cận là một trong số những nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ mới, ông là tiếng lòng thiết tha, gắn bó với quê hương đất nước, khát khao được dâng hiến tuổi trẻ và tài năng, nhưng khi vấp phải thực trạng xã hội, những kì vọng ấy đã tan vỡ hoàn toàn như nhiều nhà thơ lãng mạn khác. Hồn thơ Huy Cận luôn có một nỗi sầu thường trực.
Thơ Huy Cận sau CMT8:
Năm 1941, Huy Cận tìm đến với cách mạng, hoạt động trong mặt trận Việt- Minh. Như vậy, ánh sáng của lí tưởng cách mạng đã manh nha trong hồn thơ thiên cổ sầu. CMT8 thành công với Huy Cận có ý nghĩa như một bước ngoặt lịch sử đưa trang thơ Huy Cận vượt khỏi những ám ảnh, những giới hạn chật hẹp do mặc cảm nặng nề với thân phận nô lệ tạo nên như bao nhà thơ mới khác để trở về hòa nhập với cuộc sống.
Thơ Huy Cận từ 1945- 1954
Nhà thơ có 4 tập thơ tiêu biểu ghi nhận quá trình chuyển biến và sự hồi sinh mãnh liệt của nhà thơ Huy Cận: Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa, bài ca cuộc đời, Hai bàn tay em.
Thế giới thơ Huy Cận trước đây dường như thiếu hơi người, vắng những sắc màu âm thanh cuộc sống, chỉ có một mình nhà thơ giữa không gian cô tịch, chìm khuất trong nỗi sầu thiên cổ thì giờ đây, nhà thơ mở rộng tâm hồn cho cuộc sống ùa vào, lắng nghe những âm thanh của cuộc đời. Con người và thiên nhiên trong thơ Huy Cận có mối giao hòa kì diệu, những biểu hiện bình dị nhất của cuộc sống cũng nên nhạc, nên thơ. Con người lao động trong thơ Huy Cận được khắc họa thật khỏe khoắn, lạc quan, hòa nhập với thiên nhiên, tạo vật và con người tạo nên một bức tranh tráng lệ, rực rỡ.
Thơ Huy Cận trong kháng chiến chống Mĩ
Huy Cận đã đóng góp tiếng thơ của mình vào việc phản ánh những sự kiện, những vấn đề trọng đại của chiến tranh. Bằng nhiều chuyến đi thực tế vào tuyến lửa, nhà thơ đã kịp thời chuyển biến cách nhìn, cách nghĩ phù hợp với giai đoạn cách mạng mới và liên tiếp nhiều tập thơ được ra đời: Những năm 60 (1968), chiến trường gần đến chiến trường xa (1973), những người mẹ, những người vợ (1974) , ngày hằng sống ngày hằng thơ (1975)
Thơ ông tăng cường tính thời sự và tập trung vào việc khẳng định ngợi ca chủ nghĩa anh hung cách mạng. Từ thế đứng hung vĩ và tầm vóc lớn lao của dân tộc, nhà thơ càng có điều kiện để suy ngẫm về quá khứ, hướng về tương lai.
Tính chính luận, suy tưởng thể hiện rõ trong nhiều bài thơ từ những sự kiện chính trị xã hội, những chi tiết cụ thể của đời sống, nhà thơ mở rộng liên tưởng để khám phá bề sâu triết lí của vấn đề.
Quê hương, đất nước, nông thôn Việt Nam luôn là đề tài quen thuộc trong thơ Huy Cận. Đó là những làng quê yên ả với nhịp sống tưởng như bình lặng nhưng luôn có nhiều xao động tinh thần.
Nhà thơ đã dành hẳn một tập thơ viết cho thiếu nhi “Hai bàn tay em”, lấy đề tài từ những sự vật, khung cảnh gần gũi với cuộc sống trẻ thơ, những khía cạnh tình cảm gia đình, những câu chuyện lịch sử, những tấm gương thiếu niên anh hùng. Tập thơ như những bài học giáo dục các em lòng yêu quê hương đất nước, yêu con người, yêu lao động.
Thơ Huy Cận từ năm 1975:
Gác lại chuyện chiến tranh, tâm hồn nhà thơ trở về với mạch cảm xúc quen thuộc của cuộc sống hang ngày. Ông lại càng say mê thiên nhiên, vũ trụ, nghiền ngẫm, suy tư về con người.
Các tác phẩm tiêu biểu: Ngôi nhà giữa nắng (1978), Hạt lại gieo (1984), Chim làng ra gió (1989), Lời tâm nguyện cùng hai thế kỉ,….
Phong cách thơ Huy Cận
Huy Cận có năng lực cảm nhận cuộc sống đặc biệt, có thể nghe được những biểu hiện tinh tế của tạo vật, những biến đổi lớn lao trong vũ trụ vô cùng, vô tận.
Hồn thơ luôn vận động giữa nhiều đối cực, vũ trụ, cuộc đời, sự sống, cái chết, nỗi buồn, niềm vui, hiện thực, lãng mạn,…
Hồn thơ đậm đà bản sắc dân tộc, vừa mộc mạc, trữ tình lại vừa lắng đọng, hàm xúc. Hình ảnh trong thơ thâm trầm, khơi gợi như len nhẹ, thấm sâu vào tâm hồn, trí tuệ người đọc.
Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá
Có 2 nguồn cảm hứng bao trùm bài thơ, đó là cảm hứng lãng mạn về cuộc sống mới trong thời kì miền Bắc bước vào xây dựng Chủ nghĩa xã hội và cảm hứng về thiên nhiên, vũ trụ vốn là nét nổi bật của hồn thơ Huy Cận, sự thống nhất của 2 nguồn cảm hứng ấy đã tạo ra những hình ảnh rộng lớn, tráng lệ, lung linh như những bức tranh sơn mài sống động
Hai khổ thơ đầu: Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi
Thiên nhiên, vũ trụ
Hiện lên rực rỡ, kì vĩ như một bức tranh sơn mài tráng lệ. Qua hình ảnh so sánh “Mặt trời xuống biển như hòn lửa”, mọi thứ bỗng trở nên gần gũi, vũ trụ như một ngôi nhà lớn, sóng là then cài, màn đêm là cánh cửa.
Khí thế của đoàn thuyền
Hăm hở, hào hùng
Niềm vui phơi phới trong hai khổ thơ đầu đã bộc lộ tình yêu lao động, tình yêu cuộc sống tự do, yêu quê hương đất nước.
Bốn khổ thơ tiếp: Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển
Cảnh thiên nhiên, biển cả
Đẹp lung linh, sống động : vẻ đẹp của trăng, sao, sóng, nước, khung cảnh biển đêm lấp lánh ánh sáng, rực rỡ sắc màu. Nhà thơ đã có sự tưởng tượng kì thú: bóng sao lùa nước Hạ Long làm nên tiếng thở của màn đêm. Đây là một sự sáng tạo nghệ thuật đặc sắc, vẻ đẹp của biển cả tạo nên vẻ đẹp kì ảo, lãng mạn của biển khơi.
Cảnh những con người lao động
Với khí thế sôi nổi, hào hứng, khẩn trương, tinh thần sảng khoái, ung dung họ chủ động chinh phục thiên nhiên.
Họ hăng say lao động, chạy đua cùng vũ trụ Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng/ Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng. Từ xoăn gợi tả hình ảnh những con người lao động khỏe khoắn, cường tráng, làm chủ hoàn cảnh, làm chủ cuộc đời.
Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá là tiếng ca lãng mạn yêu đời, yêu cuộc sống, bài thơ đánh dấu sự chuyển biến của hồn thơ Huy Cận. Từ vũ trụ sầu đến vũ trụ ca, từ hồn thơ buồn vạn thuở đến niềm vui vô bờ của một hồn thơ giàu cảm hứng lãng mạn.
Cảm quan vũ trụ mới:
+ Trời, biển, trăng, sao qua cái nhìn của tác giả như được thổi hồn, trở nên rất đỗi gần gũi, thân quen. Thiên nhiên không xa vời cách trở mà bầu bạn với con người, đây là điểm khác biệt với thiên nhiên trong thơ Huy Cận thời thơ mới lãng mạn.
+ Con người trong thơ không nhỏ bé, tư thế không khuất phục mà là làm chủ cuộc đời, phơi phới niềm tin thời đại đã tạo cho người tư thế ấy. Và con người cũng quyết tâm xứng đáng với tư thế ấy ở tinh thần chủ động, tích cực lao động, đó là chất lãng mạn của thời đại mới.
+ Cảm hứng vũ trụ khiến nhà thơ nhìn vạn vật theo chiều hướng lớn lao.
+ Tất cả sự vật đều trong một ngôi nhà chung, luôn tác động nhau làm nên sự hòa quyện giữa các hình ảnh thơ, ý thơ sâu sắc tạo nhiều liên tưởng bất ngờ, mặt trời, trăng, sao, thuyền, câu hát,...đều rất thân thiện như bầu bạn với nhau.
Chất lãng mạn mới:
+ Thể hiện ở cái nhìn hướng đến ánh sáng, hướng đến tương lai.
+ Đoàn thuyền ra khơi vào buổi đêm, trở về khi bình minh lên. Bài thơ nói về việc đánh cá trên biển đêm nhưng đầy ánh sáng, màu sắc,...
+ Cảm xúc phơi phới, tươi vui: Bài thơ tràn đầy cảm xúc tươi vui, phơi phới, trước tinh thần lao động của con người, công việc ấy trở nên nhỏ bé. Bài thơ là môt khúc hát, ở đây không chỉ có tiếng hát của con người mà tất cả vạn vật đều hòa điệu trong một khúc tráng ca tha thiết. Người hát, gió hát, sao lùa nước làm nên âm thanh. Cá dệt biển, quẫy đuôi để làm nên sao động, sóng hòa nhịp trầm, trăng gõ nhịp cao, tất cả làm nên một bản hợp xướng rộn ràng, náo nức mà Huy Cận là một nhạc sĩ hòa âm phối khí tài hoa. Tiếng hát bộc lộ sự hồn nhiên, chân thật nhất của tâm hồn, qua tiếng hát, ta thấy được người lao động trong bài thơ rất gắn bó với biển cả, thiên nhiên, công việc, đó là tiếng hát ân tình.
+ Cảm xúc thơ dạt dào trước hiện thực: Trước cuộc sống mới, nhà thơ có cảm hứng dồi dào, thể hiện ở sự tinh tế, phong phú trong liên tưởng và tưởng tượng. Bài thơ có nhiều câu thơ rất đẹp, hiện thực và tưởng tượng hài hòa vào nhau đem đến cho bạn đọc những vần thơ tươi xanh, lung linh, rạng ngời.
Tóm lại: Cảnh đoàn thuyền đánh cá được diễn tả với nhịp điệu hùng tráng, khỏe khoắn. Với bút pháp lãng mạn, bay bổng, âm hưởng ngợi ca, đoạn thơ đã thể hiện tiếng hát say mê, yêu cuộc sống, yêu quê hương, yêu lao động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ĐỀ: “Một vầng trăng in trong gương Vẫn là một vầng trăng. Vầng trăng qua lòng mắt người nghệ sĩ Có thể thành vô vàn nét đẹp.” (Theo Phạm T...