Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2019

CHẤT THƠ TRONG TRUYỆN NGẮN "LẶNG LẼ SA PA"

Đề bài: Phân tích chất thơ (chất trữ tình) trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”


GỢI Ý THÂN BÀI

I.                   GIỚI THIỆU TÁC GIẢ, TÁC PHẨM, ĐOẠN TRÍCH (Học sinh tự làm)

II.                KHÁI NIỆM CHẤT THƠ 

-          Thơ là thể loại văn học thuộc phương thức trữ tình, bắt nguồn từ cảm xúc của con người. Đặc trưng ngôn từ của thơ: ngôn từ hàm súc, giàu nhạc tính, giàu chất hội họa.

-          Chất thơ (chất trữ tình) trong tác phẩm truyện ngắn là sự thể hiện những đặc trưng về nội dung và hình thức của thể loại thơ trong truyện ngắn.

-          Biểu hiện cụ thể của chất thơ (chất trữ tình) trong truyện ngắn:

o   Về mặt nội dung: Bức tranh thiên nhiên giàu chất hội họa; những vẻ đẹp lý tưởng của con người; những cảm xúc, tâm trạng của nhân vật.

o   Về hình thức: Những hình ảnh, biểu tượng, chi tiết giàu hàm nghĩa; những câu văn du dương giàu nhạc tính.

III.             CHẤT THƠ TRONG TRUYỆN NGẮN “LẶNG LẼ SA PA”

1.      Chất thơ trong nội dung

a.      Bức tranh thiên nhiên Sa Pa kì ảo, tráng lệ

“Nhà họa sĩ” Nguyễn Thành Long đã sử dụng chất liệu ngôn từ để tạo nên bức tranh thiên nhiên Sa Pa tuyệt đẹp.

-          Đó là bức tranh lung linh sắc nắng“nắng bây giờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây”, “nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn”, “nắng chiếu làm bó hoa thêm rực rỡ và làm cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo”.

-          Cảnh vật thiên nhiên nơi đây tươi tắn, quyến rũ: “Sa Pa bắt đầu với những rặng đào”“những đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng có hai bên đường”“những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng như những ngón tay bằng bạc”, “những cây tử kinh thỉnh thoảng lại nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng”, những bông hoa đủ loại đủ màu sắc “đứng trong mây mù ngang tầm với chiếc cầu vồng”

-          Những áng mây bảng lảng trên mặt đất chính là nét đẹp đặc trưng của Sa Pa. “Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại thành từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe”.

NHẬN XÉT

Ø  Bức tranh thiên nhiên khiến tâm hồn con người xao xuyến, khiến họ phải “nín bặt” chiêm ngưỡng, rung động.

Ø  Bức tranh thiên nhiên tạo không khí thi vị, nên thơ cho cuộc gặp gỡ, khiến các nhân vật như đẹp hơn, lung linh hơn.

b.      Vẻ đẹp lý tưởng của những người trẻ nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến

Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” đã tạo ra một thế giới lí tưởng của những nhà khoa học trẻ lao động nghiêm túc, thầm lặng cống hiến, lao động vì tổ quốc, vì cuộc sống của mọi người:

-          Đó là anh thanh niên sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lý địa cầu, nhân vật chính của truyện. Ở anh sáng lên vẻ đẹp của của tình yêu công việc, của lý tưởng sống, tình yêu cuộc sống và gắn bó với mọi người, đức tính khiêm tốn đáng quý, đáng trọng. (Học sinh phân tích cụ thể).

-          Đó là anh kĩ sư vườn rau, là anh kĩ sư nghiên cứu bản đồ sét. Tất cả họ đã vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp ca ngợi thế hệ trẻ thời kì kháng chiến chống Mỹ và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhiệt huyết sức trẻ, với lẽ sống đẹp đáng khâm phục. (Học sinh phân tích cụ thể).

è Tất cả các nhân vật đều không được đặt tên, tác giả muốn “bình thường hóa” nhân vật của mình, khiến họ trở nên gần gũi, thân thuộc với người đọc, trở thành những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

c.       Những cung bậc tâm trạng đa dạng của nhân vật

Vẻ đẹp nhân cách của anh thanh niên đã trở thành những âm vang trong âm thầm, tác động vào người họa sĩ già và cô kĩ sư, làm nảy lên trong họ những cung bậc cảm xúc đa dạng, sâu sắc:

-          Anh khơi dậy ở bác họa sĩ nguồn cảm hứng nghệ thuật, khiến bác vừa vui sướng, bối rối vừa trăn trở, suy tư. Để cuối cùng bác thấy thêm yêu cuộc đời, rút ra được những triết lý sâu sắc về cuộc sống. (HS phân tích cụ thể)

-          Anh khiến cô kĩ sư đi từ bất ngờ, bối rối, e thẹn đến “bàng hoàng”, để rồi tìm ra câu trả lời về con đường mình đã chọn, thêm tin tưởng và thêm quyết tâm thực hiện lý tưởng. Ở cô có một tình cảm hàm ơn quyến luyến với anh thanh niên. (HS phân tích cụ thể).

2.      Chất thơ trong hình thức nghệ thuật

a.      Những hình ảnh, biểu tượng, chi tiết giàu hàm nghĩa

-          Ý nghĩa nhan đề “Lặng lẽ Sa Pa” gợi tò mò, gợi ra những vẻ đẹp của Sa Pa và những con người thầm lặng, cao quý nơi đây.
-          Các hình ảnh gợi nhiều suy nghĩ:

o   Hình ảnh “một ngôi sao xa” tượng trưng cho anh thanh niên và những con người cống hiến thầm lặng, lẻ loi một mình nhưng góp cho đời những ánh sáng dịu dàng, ý nghĩa.

o   Hình ảnh “một bó hoa của những háo hức và mơ mộng” mà anh thanh niên trao cho cô kĩ sư: bó hoa của tấm lòng, của niềm tin, của sức trẻ, nảy nở trong tâm hồn cô những giá trị tốt đẹp.

-          Kết thúc mở gợi nhiều dư ba“Cô gái liếc nhìn bác già một cái rất nhanh, tự nhiên hồi hộp, nhưng vẫn im lặng”. Câu kết tác phẩm để lại trong lòng người đọc một ánh sáng ấm áp, đầy hứa hẹn, gợi ra hình ảnh một cuộc gặp lại trong tương lai.

b.      Những câu văn du dương, giàu nhạc tính

Cả tác phẩm có âm hưởng du dương, miên man nhờ những câu văn dài, bay bổng, giàu nhạc tính. Có thể kể đến như: “Nhà họa sĩ thì còn trở lại, nhưng cô, trong đất trời Tây Bắc bạt ngàn, trong cuộc đời mông mênh nói chung, chốc nữa, là cô sẽ đi luôn, biến mất, có cái gì tặng lại anh ta để, như anh ta nói, kỉ niệm lần gặp gỡ này” è Nhịp điệu du dương của câu văn gợi ra cái mênh mông diệu vợi của đất trời Sa Pa bảng lảng mây và lung linh nắng, cái rộng lớn của đời người, và cả cái bâng khuâng của biết bao cảm xúc không tên trong trái tim cô kĩ sư.

IV.             TỔNG KẾT

*      VỀ NỘI DUNG

-          Có thể nói, truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” mang dáng dấp như một bài thơ, chất thơ bàng bạc trong toàn truyện, từ phong cảnh đẹp hết sức thơ mộng của thiên nhiên vùng núi cao đến hình ảnh con người sống và làm việc trong cái lặng lẽ mà không hề cô độc bởi sự gắn bó với đất nước, với mọi người.

-          Tác giả đã tạo được không khí trữ tình cho tác phẩm, nâng cao ý nghĩa và vẻ đẹp của những sự việc, con người được miêu tả trong truyện, nhờ thế mà tư tưởng chủ đề của truyện được thể hiện sâu sắc.

*      VỀ NGHỆ THUẬT

-          Nghệ thuật sử dụng ngôn từ tinh tế, tạo nên những câu văn giàu hình ảnh, nhạc tính.

-          Cách kể chuyện tự nhiên, gần gũi, tạo ra những tình tiết giàu mang những chiều sâu chưa nói hết.

 THẦY TRẦN LÊ DUY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ĐỀ: “Một vầng trăng in trong gương Vẫn là một vầng trăng. Vầng trăng qua lòng mắt người nghệ sĩ Có thể thành vô vàn nét đẹp.” (Theo Phạm T...