Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2019

NHÀ VĂN LÀ NGƯỜI CHO BẠN SỐNG CUỘC SỐNG THỨ 2

HƯỚNG DẪN CHẤM THI MÔN NGỮ VĂN
Câu 1: (8.0 điểm)
A. Yêu cầu chung: Trên cơ sở lời phát biểu, thí sinh tự do trình bày suy nghĩ theo nhận thức, trải nghiệm, năng lực… bản thân nhưng tư tưởng phải tích cực, không trái pháp luật và đạo đức. Bố cục rõ, lập luận thuyết phục, văn mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
B. Yêu cầu cụ thể: Thí sinh có thể trình bày ý kiến theo nhiều hướng khác nhau, bằng nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý tham khảo cho nội dung bài viết:
- Giải thích:
+ “hạnh phúc”: là trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó thiên về tích cực; một cách sống giúp đem lại niềm vui, sự phấn khởi cho bản thân.
+ “cách sống”: hình thức mỗi người lựa chọn để thích ứng với môi trường, hoàn cảnh.
→ ý nghĩa khái quát của lời phát biểu: đề cao tính chất cá nhân trong việc lựa chọn cách sống và xem hạnh phúc do cách sống đó mang lại là tiêu chí để bản thân theo đuổi cách sống đó.
- Khẳng định và chứng minh ý nghĩa của quan niệm:
+ Mỗi người là một bản thể riêng biệt, độc đáo → có tính cách, tâm hồn, nhu cầu cá nhân riêng → cách sống không giống nhau → chỉ tìm thấy hạnh phúc khi được thỏa mãn những nhu cầu, tính cách riêng đó.
+ Hoàn cảnh mỗi người khác nhau → niềm vui trong cuộc sống không giống nhau → khó đem niềm vui của người này thay thế cho người khác...
+ Bị áp đặt vào mẫu số chung về cách sống → mọi người cảm thấy thiếu thoải mái, thiếu sự hòa hợp; thụ động, không bộc lộ hết năng lực, cá tính sáng tạo…

+ Tự do chọn lựa cách sống không đồng nghĩa là sống buông thả, vô chừng, trái với pháp luật và đạo đức, phi văn hóa…; trân trọng những góp ý, chịu học hỏi để hoàn thiện bản thân…
- Bài học cho bản thân; thông điệp cho mọi người…
C. Tiêu chuẩn cho điểm:
- Điểm 7.0 – 8.0: Bài viết ý sâu sắc, thể hiện rõ quan niệm của bản thân. Văn mạch lạc, linh hoạt, giàu cảm xúc, lập luận sắc bén, thuyết phục. Dẫn chứng gọn, rõ, vừa đủ, thuyết phục. Cách viết sinh động, có sáng tạo. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 5.0 – 6.0: Bài viết xác định được đối tượng bàn luận, ý khá sâu sắc, thể hiện được quan niệm bản thân. Văn khá trôi chảy, có cảm xúc, lập luận tương đối chặt chẽ. Dẫn chứng phù hợp nhưng còn dài dòng, còn mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 3.0 – 4.0: Bài viết trình bày được vấn đề nhưng chưa sâu, ý chung chung. Hạn chế về dẫn chứng (chưa tiêu biểu, dài dòng…), chưa nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ. Lập luận đôi chỗ lúng túng, mắc nhiều lỗi diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 1.0 – 2.0: Bài viết chưa bám sát vào đề. Văn yếu, ý quá sơ sài, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Câu 2: (12.0 điểm)
A. Yêu cầu chung: Trên cơ sở lời nhận định cùng kiến thức bản thân, thí sinh bày tỏ ý kiến về vấn đề được nêu ra. Bố cục chặt chẽ, lập luận vững vàng. Dẫn chứng chọn lọc. Văn mạch lạc, giàu hình ảnh, cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
B. Yêu cầu cụ thể: Thí sinh có thể trình bày ý kiến theo nhiều hướng khác nhau, bằng nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý cho bài viết:
1. Giải thích ý nghĩa nhận định
- “nhà văn”: nghệ sĩ sáng tác văn chương; “bạn đọc”: người tiếp nhận tác phẩm văn học.
- “cuộc sống thứ hai”: không phải là hiện thực mà người đọc đang tồn tại.
→ nhận định là cách nói ẩn dụ → đề cao ý nghĩa quan trọng của người nghệ sĩ văn chương/ văn học: mang lại cho độc giả những “chân trời mới” trong tư tưởng, nhận thức, tình cảm...
2. Suy nghĩ về ý nghĩa lời nhận định
(Thí sinh kết hợp lí luận và phân tích dẫn chứng để làm rõ vấn đề, trong đó, cần biết chọn lọc những dẫn chứng tiêu biểu, phân tích sâu sắc, bám sát vào tư tưởng lời nhận định).
- Văn học là tấm gương phản chiếu cuộc sống, hiện thực là chất liệu của nhà văn → cung cấp cho con người những hiểu biết về xã hội, cuộc sống → chức năng cơ bản, quan trọng, bất biến của văn chương.
- Ở góc độ tiếp nhận, qua tác phẩm văn học, người đọc sẽ được sống “cuộc sống thứ hai”. Đó có thể là:
+ Hiện thực cuộc sống đã diễn ra trong quá khứ hoặc thế giới tương lai qua tưởng tượng, khát khao của người đọc.
+ “Thế giới đặc biệt” – nội tâm đầy phức tạp trong bản thân mỗi người đọc được khơi gợi khi tiếp xúc với tác phẩm → xung đột thiện – ác, cao cả - thấp hèn, trăn trở về thực tại xã hội…
+ Kết quả quá trình đối thoại hoặc “đồng sáng tạo” giữa độc giả với tác giả.

- Để tác phẩm văn học giúp người đọc “sống cuộc sống thứ hai”:
+ Người sáng tác, bên cạnh việc chọn lọc nội dung phản ánh còn phải “gia công” về hình thức thể hiện, trải qua quá trình lao tâm khổ trí → tạo được sức hút, tác động đến tư tưởng, đánh thức rung cảm của người đọc.
+ Người tiếp nhận cần có sự trải nghiệm, sự nhạy bén, tinh tế…
3. Đánh giá chung
- Nhận định đề cao thiên chức của nhà văn, ý nghĩa lớn lao của văn học.
- Văn học mãi là một người bạn không thể thiếu của con người.
C. Tiêu chuẩn cho điểm:
- Điểm 11.0 – 12.0: Bài làm thể hiện tư duy sắc sảo; bố cục chặt chẽ; dẫn chứng chọn lọc, ý sâu sắc; có nét riêng hoặc sáng tạo; văn mạch lạc, giàu cảm xúc; mắc một vài lỗi rất nhỏ.
- Điểm 9.0 – 10.0: Bài làm thể hiện tư duy khá sâu sắc; bố cục rõ; chọn và phân tích dẫn chứng khá tốt; văn trôi chảy, cảm xúc; có thể mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 7.0 – 8.0: Bài làm làm rõ được khoảng hai ý trong nội dung biểu hiện của “cuộc sống thứ hai”; dẫn chứng phù hợp; văn khá mạch lạc, có cảm xúc, còn mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 5.0 – 6.0: Bài làm tỏ ra hiểu đề; biết chọn nhưng còn lúng túng trong khai thác dẫn chứng, chỉ phân tích sâu được một ý trong nội dung biểu hiện của “cuộc sống thứ hai”; mắc một số lỗi về diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 3.0 – 4.0: Bài làm chưa rõ yêu cầu đề; dẫn chứng đôi khi chưa phù hợp; ý chung chung hoặc nặng về phân tích tác phẩm; còn mắc nhiều lỗi diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 1.0 – 2.0: Bài làm bàn về nội dung hoàn toàn xa đề và không phù hợp; văn yếu, ý quá sơ sài, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Lưu ý chung:
- Giám khảo căn cứ vào hướng dẫn chấm và vận dụng linh hoạt vào thực tế bài làm của thí sinh để cân nhắc khi cho điểm.
- Giám khảo cần chú ý khuyến khích những bài làm có nét riêng trong cảm thụ, suy nghĩ, nhận thức nhưng vẫn hợp lí và có sự sáng tạo trong cách trình bày, diễn đạt…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ĐỀ: “Một vầng trăng in trong gương Vẫn là một vầng trăng. Vầng trăng qua lòng mắt người nghệ sĩ Có thể thành vô vàn nét đẹp.” (Theo Phạm T...