Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2019

TÁM TUYỆT CHIÊU TẠO ẤN TƯỢNG CHO BÀI VIẾT PHẦN 1 (Thầy Trần Lê Duy)

TÁM TUYỆT CHIÊU TẠO ẤN TƯỢNG CHO BÀI VIẾT PHẦN 1

(Thầy Trần Lê Duy)
Nếu bạn là một người viết quảng cáo, làm thế nào để bài viết len lỏi vào tâm trí khách hàng và thuyết phục họ mua sản phẩm?

Nếu bạn là một nhà diễn thuyết, làm sao để tiếng nói của bạn không lặn vào thinh không giữa biển thông tin hỗn độn với vô vàn thanh âm ồn ào làm sao nhãng tâm trí người nghe?

Nếu bạn là một học sinh đi thi, làm sao để người chấm chú ý đến bạn giữa một tỉ bài viết khác?

Thứ bạn cần, là những điểm lóe sáng trong bài viết của mình, những dấu ấn đầy mê hoặc khiến người đọc chấp nhận bỏ thời gian quý giá của họ để đọc hết những gì bạn viết.

Chỉ vài dòng nữa thôi, tôi sẽ hé lộ cho bạn 8 bí quyết cực đỉnh để tạo điểm nhấn cho bài viết…

Tuyệt chiêu 1: Trích dẫn danh ngôn

Danh ngôn luôn mê hoặc. Đó là điều các chuyên gia về kĩ năng viết và nghệ thuật hùng biện đều đồng ý.

Danh ngôn là tiếng nói của người nổi tiếng, của người có uy tín và không cần phải nói nhiều hơn về sức thuyết phục từ việc trích dẫn các câu nói của danh nhân.

Trong cuốn “Thôi miên bằng ngôn từ”, Joe Vitale đã chỉ ra một đặc điểm tâm lý thú vị: Người ta luôn bị cuốn hút bởi trích dẫn trực tiếp. Dấu ngoặc kép báo hiệu một tiếng nói riêng, một ý kiến, một câu chuyện -  một cái gì sống động hơn những câu chữ thẳng đơ trên trang giấy.

Bạn muốn thuyết phục? Hãy tập cách trích dẫn danh ngôn hiệu quả.

Nên chọn danh ngôn như thế nào? Trong cuốn “Nghệ thuật nói trước công chúng”, tác giả Nguyễn  Hiến Lê đã đề xuất những tiêu chí hữu ích:

Một là, dẫn cho đúng. Không chỉ là đúng về mặt câu từ mà còn phải đảm bảo được cách hiểu đúng trong ngữ cảnh của câu nói. Mọi sự cắt cúp để giành lợi thế cho lập luận của mình đều khó có thể chấp nhận được.

Hai là, lựa những danh nhân mà nhiều người biết – những người mà cuộc đời của họ, thành tựu của họ là một sự bảo chứng vững chắc cho những điều họ nói.

Khi trích danh ngôn cần chú ý:

Mức độ vừa phải và hợp lý. Xét đến cùng đó vẫn là bài viết của bạn, người đọc muốn nghe tiếng nói của bạn chứ không phải của ai khác.

Đừng biến danh ngôn thành món đồ trang trí rườm rà diêm dúa vô nghĩa. Danh ngôn luôn phải đặt trong tương quan với một luận điểm nào đó, luôn được sử dụng nhằm một mục đích nào đó. Hãy nghĩ về điều đó. Đừng trích dẫn như một cái máy.

Một số ví dụ về việc trích danh ngôn hiệu quả:

Ví dụ 1:

Trong bản “Tuyên ngôn độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776) và Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp (1971).

“Hỡi đồng bào cả nước,

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.”

Việc trích dẫn ở đây đã tạo ra cơ sở pháp lý để làm tiền đề vô cùng vững chắc cho bản tuyên ngôn.

Thứ nhất, từ hai văn bản có tính chấp pháp lý đã được quốc tế công nhận, Bác đã khẳng định rất rõ về “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” của con người, và hiểu rộng hơn là quyền của dân tộc. Đây là chân lý đã được công nhận và có giá trị pháp lý – tức có tính ràng buộc.

Thứ hai, trích lại hai văn bản trên có tính chất “gậy ông đập lưng ông”, tố cáo thực dân Pháp đang phản bội lại chính lý tưởng của cha ông, tổ tiên chúng.

Thứ ba, việc đặt ngang hàng ba bản tuyên ngôn khẳng định ý thức độc lập và tinh thần dân tộc sâu sắc.


Ví dụ 2:

Để chứng minh cho luận điểm “tác phẩm văn học phải bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống”, người viết đã khiến cho lập luận của mình thuyết phục hơn bằng trích dẫn:

Lục Du đã viết hàng trăm câu thơ, lúc sắp mất trối lại cho con, lời trăng trối mang sức nặng chiêm nghiệm của một hồn thơ tài năng, đi trọn cuộc đời mới thấu hiểu nổi cái lẽ: “Công phu của thơ là ở ngoài thơ”. Thì ra, sức nặng của trang thơ, của những con chữ lại chính ở cuộc đời đầy nắng gió ngoài kia. Nhà thơ phải đến đó, phải tìm đến đó, để ngòi bút viết lên từ thứ mực chưng cất từ chính cuộc đời đầy phức tạp, bộn bề bao thanh âm của mọi số phận. Văn học ra đời từ cuộc sống một cách tự nhiên như đã trở thành quy luật thông lệ, nó quay trở về để khám phá thể hiện lại cuộc sống. Đứa trẻ lớn lên ngày càng một cứng cáp, tự khẳng định mình. (Trần Văn Toàn)



NHỮNG VIỆC CẦN LÀM
-Sưu tầm các câu danh ngôn hay và phân loại chúng theo dạng bài (nghị luận xã hội, nghị luận văn học), theo chủ đề (tình yêu, lòng yêu nước, học tập…).
-Chú ý đến các danh ngôn có thể linh hoạt ứng dụng cho nhiều vấn đề. Thường đó sẽ là những câu bàn về quy luật của cuộc sống, bản chất của con người.
-Luyện tập viết và sử dụng danh ngôn trong bài viết. Bắt đầu từ việc viết lại những bài viết cũ.

Tuyệt chiêu 2:  Nối kết với người đọc bằng trải nghiệm cá nhân

Một bài viết không phải chỉ là chuyện sắp chữ đặt câu trên trang giấy, mà bao giờ nó cũng là một cuộc đối thoại. Bạn viết để được lắng nghe, người khác đọc để hiểu điều bạn truyền tải.

Lẽ đương nhiên, dấu ấn cá nhân – yếu tố con người trong bài viết của bạn sẽ thu hút người đọc. Hãy nhớ, bạn không đơn giản là viết, mà bạn đang trò chuyện với người đọc. Nói như nhà phê bình Hoài Thanh, đó là quá trình “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”.

Hãy cùng phân tích một số ví dụ để thấy rõ hơn điều này.

Ví dụ 1:

Với đề văn “Về một tác phẩm văn học đã gợi cho anh (chị) cảm nghĩ sâu sắc nhất trước những vấn đề tu dưỡng và rèn luyện của tuổi trẻ hiện nay”, người viết đã chọn phân tích bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ”. Phần sau đây là đoạn nêu cảm nghĩ:

“Tôi nhớ lại một câu thơ:

“Anh đã cùng em yêu “cuộc chia li màu đỏ” mà trong lòng trào lên một niềm xúc động, xen lẫn sự hổ thẹn. Có những người đã dám xa nhau và đã yêu “cuộc chia li màu đỏ”, có những người đã ngã xuống bảo vệ sự thiêng liêng của sắc đỏ ấy, họ biết yêu nhau và yêu đất nước; vậy mà tôi, tôi lại sợ cuộc chia li như thế hoặc tương tự như thế?

Tôi hiểu rằng cũng có bao người như tôi, cũng đã nghĩ và hiểu không đúng về những gì đang diễn ra xung quanh ta… và rồi một hôm nào đó, cũng sẽ được một bài thơ tuyệt diệu như vậy cảm hóa, tôi không còn cảm thấy sợ chia li nữa. Tiếng còi tàu vang lên trong đêm khuya tĩnh mịch không còn gợi cho tôi một nỗi sợ, một nỗi buồn, tôi nghe trong đó tiếng reo vui của những trái tim đang về với trái tim, sự sống đang được trả về với sự sống, và tôi hiểu rằng sự ra đi của cha và các anh tôi có ý nghĩa đặc biệt: nó làm nên con tàu trở về”
(Nguyễn Phương Lan)

Tạo sao đoạn phân tích trên lại thành công? – Bởi trước nhất nó xuất phát từ trải nghiệm, kí ức của người viết. Phần viết thuyết phục ta vì cái thật và cái cảm.

Trong tâm thế một người đọc, trải nghiệm cá nhân là thứ tôi mong chờ nhiều hơn ở người viết khi họ phân tích một tác phẩm. Tôi không chờ đợi những phần thuyết lý khô khan – những điều tôi đã biết rồi, tôi mong muốn một cái gì cảm xúc hơn, sâu lắng hơn, chân thật hơn.

Đề thi học sinh giỏi quốc gia những năm gần đây đều có câu mệnh lệnh “từ trải nghiệm văn học của anh chị”, “từ quá trình đọc văn và cảm văn của anh chị”. Tôi nghĩ người ra đề cũng mong chờ được nhìn thấy trải nghiệm cá nhân trong bài viết.

Cũng tương tự như vậy, hãy xem tiếp các ví dụ sau.

Ví dụ 2:

Tôi đã giao cho học sinh của mình bài tập viết về “tác phẩm nghệ thuật truyền cho em cảm hứng sống”. Sau đây là trích đoạn bài viết về truyện ngắn “Mẹ điên” của Huỳnh Bích Ngân, một học sinh chuyên Toán.

Câu chuyện kết thúc theo một cách bi ai cho cả nhân vật lẫn người đọc như tôi. Nhớ lại đã biết bao lần cái ngông cuồng của tuổi trẻ chúng tôi đánh thẳng vào tấm lòng người mẹ, ấy mẹ mà mẹ vẫn bỏ mặc, mẹ vẫn một lòng yêu thương những đứa con của mình. Cũng chẳng đếm nổi bao lần tôi gào lên với mẹ chỉ vì bà đòi hỏi ở tôi quá nhiều, bà bắt tôi phải học thế này, phải học thế kia, bà không cho tôi làm cái này, ép tôi làm cái nọ. Nhưng tôi đã hiểu, sau khi đọc “Mẹ điên” xong tôi đã thấm thía cái gọi là là sự chờ mong, người mẹ chờ mong ở con họ không phải là sự báo hiếu, là tiền bạc mà con cái chu cấp cho họ sau này mà cái họ mong muốn là con họ có thể thành công, cho dù có phải vào vai ác bao lần, để con có thể tự đứng vững trên chính đôi chân của chúng mà không cần sự thương hại của bất kì, tất cả cũng chỉ vì con họ được sống tốt. Cũng ở “Mẹ điên”, vào những trang cuối cùng của sách, trái tim của người đọc chúng tôi lại một lần nữa khóc òa bởi những dòng nhật kí của mẹ, dù gần gũi nhưng sao lại thấy như quá xa, có lẽ bởi vì con chưa hiểu hết được mẹ. 

Ví dụ 3:

Một mở bài thu hút nhờ trí tưởng tượng bay bổng.

Giấc mơ thường đem đến cho chúng ta những điều kì diệu. Đúng vậy. Có lần tôi đã mơ thấy mình lạc vào miền không gian thơ. Đong đầy trong nước mắt tôi là biếc của bầu trời xanh, ánh sáng của những vì sao đêm long lanh như chẳng bao giờ tắt. Lắng tai nghe tôi thấy du dương của những bản “Nguyệt cầm”, của những cơn sóng khát khao ngàn năm không thỏa. Thơ có họa, có chạm khắc, và có nhạc. Đó chỉ là một giấc mơ? Không! Bản chất thực của thơ ca là vậy. Nói như Sóng Hồng: “Thơ là thơ, đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”.
(Tạ Thanh Hương)
Như vậy, để cá thể hóa bài viết, việc bạn cần làm là bày tỏ những trải nghiệm cá nhân, kí ức cá nhân, cảm xúc cá nhân. Thực chất là kết hợp yếu tố tự sự và biểu cảm vào bài viết.

Tuy nhiên, cách viết này sẽ trở thành bẫy chết người nếu mắc lỗi sau:

1)   Chia sẻ một trải nghiệm không thật.

Sẽ thật giả tạo nếu bạn bịa tạc câu chuyện chỉ để thu hút sự chú ý của người khác. Người đọc sẽ ngay lập tức từ bỏ bạn nếu họ phát hiện bạn lừa dối. Tôi đã từng đọc được một bài viết của học sinh giỏi mượn gần như y nguyên đoạn cảm xúc phân tích “Cuộc chia li màu đỏ” đã dẫn ở trên – và đã bỏ ngay không đọc tiếp vì thấy quá phản cảm.

Trải nghiệm cá nhân là một điều vô giá của cuộc sống, hãy chia sẻ chứ đừng lợi dụng.

2)   Quá sa đà vào kể lể.

Đừng chia sẻ trải nghiệm để thỏa mãn cái tôi cá nhân. Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi đối diện với một người cứ mãi ba hoa về bản thân họ mà không quan tâm gì đến người nghe? Đừng trở thành một người nhiều lời, huyên thuyên và lạc lõng ngay trong chính bài viết của chính mình.

Từ khóa quan trọng là KẾT NỐI.

Hãy kết nối trải nghiệm với mục đích viết (bạn viết là để thuyết phục người đọc chứ không phải để thỏa mãn bản thân), hãy kết nối trải nghiệm với hệ thống nội dung (góp phần làm sáng rõ và tăng tính thuyết phục cho các luận điểm), hãy kết nối trải nghiệm với người đọc (Họ có cần biết điều này không? Những điều ta sẽ bày tỏ tác động đến họ thế nào?).

NHỮNG VIỆC CẦN LÀM
-Lắng nghe cảm xúc bản thân. Tác phẩm nghệ thuật nào truyền cho bạn cảm hứng sống? Những lần gần nhất bạn khóc vì một tác phẩm văn học là khi nào? Những nhân vật nào đã làm thay đổi suy nghĩ của bạn về cuộc sống? Những sự kiện nào khiến bạn chấn động, đau đớn, xúc động, lo âu…?
-Hãy luyện tập viết lại những trải nghiệm của mình trong những đoạn văn ngắn. Đây sẽ là vốn liếng sử dụng khi cần thiết.
-Hãy viết lại những bài văn đã viết và thử nối kết với người đọc bằng trải nghiệm cá nhân.

Tuyệt chiêu 3:  Diễn đạt giàu hình ảnh

Hình ảnh có ngôn ngữ riêng của nó. Ngôn ngữ cũng là hình ảnh theo một cách riêng. Ngôn từ không chỉ gợi trong tâm trí ta một khái niệm, mà còn lóe lên đầy mê hoặc thế giới của những hình ảnh.

Những gì trừu tượng sẽ nhanh chóng trôi qua trong tâm trí người đọc, nhưng những hình ảnh sống động và ấn tượng thì không. Chúng neo lại trong trí nhớ cùng với thông điệp và cảm xúc mà chúng truyền tải.

Có thể tạo ra những câu văn giàu hình ảnh bằng biện pháp so sánh. Có thể xem các ví dụ sau:

Ví dụ 1:
Cuộc sống xung quanh ta không bao giờ phẳng lặng mà luôn luôn sôi động. Cũng như mặt biển, nhiều lúc êm ả và thanh thản nhưng trong lòng nó luôn là những đợt sóng ngầm. Là một hình thái ý thức xã hội, văn nghệ lại trở về nơi sinh ra nó để góp phần khám phá, hiểu biết và sáng tạo đời sống. Nghĩ về văn học và hiện thực đời sống, trong truyện ngắn “Trăng sáng”, Nam Cao viết: “Chao ôi…”. Khi đáp lời báo Ngày nay của Tự lực văn đoàn, Vũ Trọng Phụng đã nói: “Các ông…sự thực ở đời”. Và ở tác phẩm Đời thừa, Nam Cao cho rằng, một tác phẩm có giá trị khi tác phẩm ấy “chứa đựng… gần người hơn”.

[…] Cuộc sống là một vườn hoa đầy hương sắcNhư những con ong cần mẫn đi làm mật cho đời, nhà văn không chỉ đem đến cho người đọc một nội dung có tính thông điệp mà còn mong muốn tác phẩm của mình có sức mạnh làm rung động hàng triệu tâm hồn. Muốn thế phải làm cho người ta tin, mà chỉ tin được nhờ ở sự chân thực. Đó là lí do đơn giản để Nam Cao cho rằng nghệ thuật cần và không nên là ánh trăng lừa dối. Ánh trăng cao xa, huyền ảo và thơ mộng thật nhưng làm sao nó có thể lại là sự phản quang của cuộc đời chủ yếu là đói rét, bệnh tật và bất công.
(Phạm Bích Thủy)

Biện pháp ẩn dụ khiến câu văn sống động và thu hút hơn.

Ví dụ 2:
Đã bao lần tôi băn khoăn tự hỏi: điều gì khiến mỗi tác phẩm văn học mang hình một chiếc lá thả mình vào dòng chảy miên viễn của thời gian? Một cốt truyện li kì, hấp dẫn? Một vần thơ sâu chảy tự tâm hồn? Để rồi một ngày kia khi tìm đến với những lời tri kỉ của Nguyễn Đình Thi tôi chợt hiểu rằng dáng lá chao mình ấy chính là những sáng tạo mới mẻ, độc đáo về cách nhìn, tình cảm của người nghệ sĩ trong tác phẩm. Tác phẩm văn học lớn hấp dẫn người đọc bởi cách nhìn nhận mới, tình cảm mới, về những điều, những việc ai cũng biết cả rồi.
(Hoàng Quỳnh Nga)
Ví dụ 3:
Cuộc sống mênh mông và kì diệu làm sao! Cuộc sống là nơi cung cấp chất liệu cho thơ. Thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống, nên thơ bao giờ cũng chứa đựng bóng hình cuộc sống, bóng hình con người. Thơ ca là nơi con người gửi gắm tâm tình, ước mơ, khát vọng, những băn khoăn, rạo rực, ưu tư. Thơ không thể tách khỏi cuộc đời. Cuộc đời ban truyền nguồn nhựa sống mãnh liệt cho thơ và thơ nở hoa làm đẹp cuộc đời, cống hiến cho con người những phút giây tuyệt vời lắng đọng nhiều nỗi suy tư. Đến với thơ, người đọc trước hết sẽ bắt gặp tâm tư, nỗi lòng của người cầm bút, sau đó sẽ gặp chính tâm tư của mình bởi thơ là “tiếng nói đồng ý, đồng tình, đồng chí”. Cùng với văn chương, thơ ca trở nên những nhịp cầu vô hình dẫn dắt những tâm hồn đến với tâm hồn, những trái tim đén với trái tim để con người cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, ước mơ, hy vọng.

Cần lưu ý gì khi viết những câu văn có hình ảnh?

Hình ảnh cần chính xác, phù hợp. Giữa hai đối tượng so sánh phải có mối liên hệ hợp lý. Tránh so sánh khập khiễng, gượng ép.

Hình ảnh cần đảm bảo tính thẩm mỹ, giàu ý nghĩa, tránh cảm giác phản cảm.

Hình cảnh cần sáng tạo và mới mẻ, tránh sáo mòn, công thức.

NHỮNG VIỆC CẦN LÀM
Viết văn có hình ảnh gần như là một loại năng khiếu, nhưng vẫn có thể luyện tập được.
-Hãy sưu tầm những câu văn có hình ảnh so sánh, ẩn dụ hay và vận dụng những hình ảnh, so sánh ấy.
-Luyện tập vận dụng các hình ảnh so sánh, ẩn dụ đã sưu tầm vào viết câu, viết đoạn.
-Tập sáng tạo ra những hình ảnh so sánh của riêng mình. Bằng quan sát thực tế và chú ý đến những điểm tương đồng, dị biệt, bạn sẽ có những ý tưởng thú vị.


Tuyệt chiêu 4: Vận dụng các biểu tượng

Hãy đọc thật chậm, và nghiền ngẫm đoạn trích sau:

Cũng như những người Do Thái phải lưu lạc muôn phương gặp nhau, lúc chia tay sẽ nói: “L’shanah haba’ah b’Yerushalayim!” (Sang năm gặp nhau ở Jerusalem), “Hẹn ngày mai gặp lại Hoàng Sa” sẽ thao thức trong mỗi buồng tim của mỗi con dân đất Việt như một vết thương nhắc nhớ!
Loài ngọc trai mỗi khi mang vết thương, từ vết thương ấy sẽ kết tinh thành viên ngọc quý. Với người dân Việt, mỗi ngày Hoàng Sa còn chưa trở về với đất Mẹ là mỗi ngày còn cảm thấy nhức nhối trong trái tim mình!
Từ vết thương Hoàng Sa, chúng ta đã tự kết tinh trong chính tim ta một viên ngọc có tên là lòng yêu nước.
Từ vết thương Hoàng Sa, mỗi người dân nước Việt kết tinh được viên ngọc của tình yêu dân tộc, của sự đồng tâm nhất trí trước dã tâm của ngoại bang!
Ngọn đèn bão trên tay tượng đài người mẹ ngóng vọng Hoàng Sa sẽ sáng lên, như ánh lửa, như viên ngọc, nhắc nhở mỗi con dân đất Việt hãy nói cùng nhau:
“Hẹn ngày mai gặp lại Hoàng Sa!”
“Hẹn ngày mai gặp lại Hoàng Sa!”
“Hẹn ngày mai gặp lại Hoàng Sa!”.

(“Hẹn ngày mai gặp lại Hoàng Sa!”, Lê Đức Dục)

Đoạn trích trên truyền cho bạn cảm xúc gì? Điều gì khiến bạn chú ý nhất? Những hình ảnh nào còn đọng lại trong tâm trí bạn đến giờ phút này, ngay cả khi đã đọc xong bài viết?

Có phải đó là hai hình ảnh: Hình ảnh ngọc trai và hình ảnh tượng đài người mẹ ngóng vọng Hoàng Sa?

Hình ảnh ngọc trai tượng trưng cho những vết thương và những vẻ đẹp của người Việt Nam: vết thương mất một phần lãnh thổ và vẻ đẹp của tình yêu nước bất diệt.

Hình ảnh người mẹ ngóng vọng Hoàng Sa đau đáu như tiếng gọi của Tổ quốc và như một lời thề xương máu “Hẹn mai gặp lại Hoàng Sa!” – một ngày giành lại toàn vẹn lãnh thổ.

Hai hình ảnh trên chính là những biểu tượng. Và bằng cách sử dụng hai biểu tượng, tác giả đã kết thúc bài viết trong xúc cảm lắng đọng, để lại ấn tượng khó quên cho người đọc.

Biểu tượng là những đối tượng đại diện cho đối tượng khác, là những đối tượng có tính biểu trưng. Ngọn lửa Prometheus tượng trưng cho sự khai minh nhân loại, gót chân Achilles tượng trưng cho điểm yếu chết người, ngọc trai – giếng nước là cặp biểu tượng gợi đến bi kịch mất nước do Mị Châu nhẹ dạ cả tin, đồng thời cũng tượng trưng cho tấm lòng nhân đạo của nhân dân, muốn chiêu tuyết linh hồn kẻ vô tình lầm lỗi…

Có vô vàn biểu tượng quen thuộc đã tồn tại trong văn hóa nhân loại.

Việc vận dụng khéo léo biểu tượng vào bài viết sẽ tạo điểm nhấn và sự sâu lắng. Bởi đằng sau mỗi biểu tượng là một câu chuyện. Biểu tượng bao giờ cũng nói nhiều hơn chính bản thân nó.

Bây giờ, hãy thử tìm biểu tượng trong những ngữ liệu sau:

(1)            Pho tượng nhân sư Ai Cập có ý nghĩa rất đặc biệt: ở dưới là mình sư tử, ở trên là đầu người vươn cao đón ánh mặt trời. Phải chăng đó là thông điệp ngàn năm của người xưa về cuộc đấu tranh nội tại giữa phần người và phần con, giữa bóng tối và ánh sáng, giữa thiện và ác trong mỗi con người?

(2)            Người Ai Cập vẫn lưu truyền huyền thoại về phượng hoàng lửa. Chim phượng hoàng lửa làm tổ ở đỉnh núi cao nhất bằng những cành quế thơm. Cứ 300 năm phượng hoàng lửa lại trầm mình đau đớn trong lửa đỏ để tự đốt mình thành tro, và rồi từ trong đống tro tàn, phượng hoài lại hồi sinh trẻ trung rực rỡ hơn xưa.
(3)            Nghệ sĩ ba lê nổi tiếng Anna Pavlova đã nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật của mình đến những giây phút cuối đời. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, bà yêu cầu người ta mặc cho bà bộ váy bà vẫn mặc khi biểu diễn vở Cái chết của con thiên nga. Vào đêm diễn ra buổi biểu diễn tiếp theo của bà trên sân khấu ở Hague, người ta để duy nhất một chiếc đèn chiếu tỏa ánh sáng xuống một điểm dành cho diễn viên ba lê để tưởng nhớ Anna Pavlova. Vòng tròn ánh sáng trống không như muốn nói lên rằng: Sân khấu ba lê thế giới đã chịu một mất mát lớn lao như thế nào khi phải vĩnh biệt nữ hoàng của nó.
(4)            Paris sau ngày thứ sáu đen tối sẽ lại là Paris thành phố tình yêu, đúng như những ca từ mà huyền thoại âm nhạc Edith Piaf đã cất lên trong bài “Sous le ciel de Paris” (Dưới bầu trời Paris) rằng: “Nhưng bầu trời Paris sẽ không đen tối dài lâu, cầu vồng sẽ hiện ra như một lời tạ lỗi”.
Bởi vì, hôm nay, giữa sự hỗn loạn, tôi đã nghe bản La Marseillaise, quốc ca Pháp vang lên trên sân Stade de France. Cổ động viên trận Pháp - Đức đã hát vang trên đường rời sân vận động, để ngăn dòng nước mắt, để nâng đỡ những bước chân.
Không ai biết liệu có còn một quả bom nào nữa đang chờ họ. Nhưng tôi tin, cầu vồng sẽ hiện ra vì Paris biết xua tan nỗi sợ.
(Paris không sợ hãi – Hoàng Phương)
(5)            Trong truyện ngắn “Mưa mặt nạ”, nhà văn Nhật Chiêu đưa ra hình ảnh cả ngôi làng không còn biết mình là thật hay giả khi đeo những chiếc mặt nạ từ trên trời rơi xuống. Từ đó, họ đánh mất mình và sống cuộc đời của người mặt nạ. Mặt nạ vật chất, như chiếc iPhone, như xe SH, sẽ trở thành mặt người khi ta cho phép chúng làm vậy.
Bạn chọn mặt nào cho hôm nay?
(Nguyễn Khắc Giang)

Sau đây là đáp án:

Ngữ liệu
Biểu tượng
Ý nghĩa
(1)
Nhân sư
Cuộc đấu tranh nội tại giữa thiện – ác, ánh sáng – bóng tối, bản năng – nhân tính…
(2)
Phượng hoàng lửa
-Sự đau đớn để tái sinh
-Vượt qua khó khăn thử thách để trưởng thành
-Vượt qua chính mình để sáng tạo
(3)
Ánh đèn chiếu lên khoảng trống của sân khấu để tưởng niệm Anna Pavlova
-Sự mất mát không thể bù đắp được trong cái chết của người nghệ sĩ
(4)
Cầu vồng trên bầu trời Paris
-Niềm lạc quan và tinh thần bất khuất của người dân Paris nói riêng, nhân loại nói chung
(5)
Mặt nạ
-Vật chất là những gì ngoài thân, nhưng nếu ta quá phụ thuộc vào chúng ta sẽ đánh mất chính mình.


Hãy thử nghĩ tiếp xem: Những biểu tượng này sẽ được vận dụng thế nào trong bài viết?

Đó có thể là cách mở và kết thúc đầy sâu lắng, ấn tượng.

Đó có thể là những liên hệ sâu sắc để làm bật lên hệ thống luận điểm, lí lẽ, dẫn chứng.

Những điều cần lưu ý:

1)   Phần tái hiện biểu tượng luôn phải được viết ngắn gọn, súc tích nhưng phải đảm bảo truyền tải được đầy đủ nội dung biểu tượng. Không phải người đọc nào cũng biết ý nghĩa biểu tượng bạn đang nói tới.
2)   Biểu tượng phải liên quan và phải được kết nối tới vấn đề bạn đang trình bày.

NHỮNG VIỆC CẦN LÀM
-Sưu tầm biểu tượng. Một số nguồn hữu ích: thần thoại các nước, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn. Có thể tra cứu “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới” của Alain GheerbrantJean Chevalier.
-Tập viết những phần mở bài, kết bài có sử dụng biểu tượng.
-Sử dụng biểu tượng viết lại một số đoạn phân tích dẫn chứng.



 TÓM TẮT PHẦN 1

Tuyệt chiêu 1: Trích dẫn danh ngôn

-Nên trích dẫn đúng và chọn danh ngôn của người quen thuộc với công chúng.
-Danh ngôn cần phải liên kết với mục đích viết, phải liên kết với hệ thống luận điểm.

Tuyệt chiêu 2: Kết nối với người đọc bằng trải nghiệm cá nhân

-Bài viết chỉ thực sự thu hút khi là cuộc đối thoại giữa người viết và người đọc.  
-Trình bày trải nghiệm cá nhân thực chất là đưa các yếu tố tự sự và biểu cảm vào bài viết.
-Trải nghiệm phải đúng sự thực và phải chân thành.
-Từ khóa quan trọng “KẾT NỐI” (trải nghiệm với mục đích viết, trải nghiệm với hệ thống luận điểm, trải nghiệm với người đọc).

Tuyệt chiêu 3: Diễn đạt giàu hình ảnh

-Hình ảnh là cách các ý tưởng khắc sâu vào tâm trí người đọc.
-Có thể viết câu văn giàu hình ảnh bằng sử dụng so sánh, ẩn dụ, hoán dụ…
-Tránh dùng hình ảnh sáo rỗng, những so sánh khập khiễng, những hình ảnh phản cảm…
-Hình ảnh phải gắn kết với hệ thống luận điểm trong bài viết

Tuyệt chiêu 4: Sử dụng biểu tượng

-Biểu tượng là đối tượng đại diện cho đối tượng khác, là những đối tượng có tính chất biểu trưng.
-Biểu tượng luôn ẩn chứa một câu chuyện, luôn nói nhiều hơn chính nó.
-Biểu tượng tạo sự thu hút, gợi nhiều dư âm.
-Có thể sử dụng biểu tượng vào phần mở đầu và kết thúc, dùng để liên hệ làm sâu sắc hơn hệ thống lí lẽ.
-Cần chú ý tái hiện ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa biểu tượng, nối kết biểu tượng với nội dung bài viết và mục đích viết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ĐỀ: “Một vầng trăng in trong gương Vẫn là một vầng trăng. Vầng trăng qua lòng mắt người nghệ sĩ Có thể thành vô vàn nét đẹp.” (Theo Phạm T...