Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2021

 ĐỀ:

“Một vầng trăng in trong gương
Vẫn là một vầng trăng.
Vầng trăng qua lòng mắt người nghệ sĩ
Có thể thành vô vàn nét đẹp.”
(Theo Phạm Thiên Thư, “Huyền ngôn xanh”)
Những câu thơ trên gợi cho em suy nghĩ gì về cách nhìn của người nghệ sĩ đối với hiện thực cuộc sống? Hãy làm sáng tỏ điều đó qua một số tác phẩm văn chương có hình ảnh vầng trăng.


BÀI LÀM
“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật
Một giọt mật thành, đòi vạn chuyến ong bay” (Chế Lan Viên)

Người nghệ sĩ trong cuộc hành trình dấn thân vào “vạn chuyến ong bay”, trải nghiệm cuộc sống để phản ánh cuộc sống, để biến “một mật” thành “trăm hoa” qua từng lăng kính chủ quan của chính mình. Có người nhìn đời bằng đôi mắt u buồn thì sự buồn bã cũng nhuốm màu lên toàn bộ cảnh vật, nhưng lại có người ngắm nhìn cuộc sống bằng đôi mắt trong veo, trẻ thơ với đầy sự tò mò thì cảnh vật tự nhiên trở nên tươi sáng, tràn đầy sức sống. Cuộc đời phong phú đa dạng, và qua đôi mắt người nghệ sĩ, cuộc đời có thể trở thành vô vàn nét đẹp, muôn vàn sắc thái, như Phạm Thiên Thư đã từng viết trong “Huyền ngôn xanh”:

“Một vầng trăng in trong gương
Vẫn là một vầng trăng.
Một vầng trăng qua lòng mắt nghệ sĩ
Có thể thành vô vàn nét đẹp”.

Chỉ bằng bốn câu thơ ngắn ngủi, Phạm Thiên Thư đã gợi cho người đọc về cách nhìn của người nghệ sĩ đối với hiện thực cuộc sống. “Vầng trăng” là một hình ảnh lung linh, đầy huyền ảo, là vẻ đẹp của thiên nhiên, của vũ trụ. “Vầng trăng” tự soi mình trong tấm gương, “in trong gương” cái bóng hình của chính mình, và dù có đẹp, có lấp lánh thế nào, nó vẫn là một vầng trăng bình thường, đơn điệu, chẳng có gì độc đáo hơn. Nhưng nếu vầng trăng ấy là “Một vầng trăng qua lòng mắt nghệ sĩ” thì “Có thể thành vô vàn nét đẹp”. Hình ảnh hiện thực trần trụi, xơ cứng được nhìn qua “lòng mắt” – lăng kính chủ quan bao quát và mơ mộng của người nghệ sĩ thì sẽ càng trở nên đẹp, huyền ảo, lung linh hơn nữa. Người nghệ sĩ bằng khả năng quan sát tinh tế, rộng rãi cùng khả năng tưởng tượng, liên tưởng độc đáo và bản chất dào dạt cảm xúc của mình đã dùng từng đường nét, màu sắc, hình khối, nhào nặn nên một “vầng trăng” trong trang văn, trang thơ với vẻ đẹp phong phú hơn, độc đáo hơn, khác hẳn so với hình ảnh đơn điệu, thô cứng mà nó vốn có. Bởi thế, qua lăng kính và cá tính sáng tạo riêng mình, nhà văn khiến cuộc đời như rộng thêm, hiện thực trở nên phong phú hơn, biến đổi những cái đơn điệu thành vô vàn nét đẹp, và từ những nét đẹp ấy tạo nên “bụi vàng” cho tác phẩm văn học, để rồi trở thành “Thứ vũ khí thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi một thế giới xấu xa, giả dối, vừa làm tâm hồn người đọc trở nên trong sạch và phong phú hơn” (Thạch Lam).

Quan niệm của Phạm Thiên Thư là chí lý, chí tình, đã khái quát được đặc trưng cơ bản của ăn học. Như vậy, tại sao qua ánh nhìn của người nghệ sĩ, “vầng trăng in trong gương” phải có nét riêng? Văn học nghệ thuật khởi nguồn từ cuộc đời và tiếng nói tình cảm mãnh liệt, với sứ mệnh cao cả là trở thành “Thứ vũ khí thanh cao và đắc lực” để thay đổi hiện thực phải tìm được những cách thức tác động vào tình cảm, tâm tư bạn đọc, rồi từ đó tạo thành sức mạnh tác động trở lại vào cuộc sống. Bạn đọc với tâm hồn và các cung bậc cảm xúc đa dạng sẽ không thể có được sự đồng cảm, không thể bị văn học tác động nếu những điều mà văn học đem lại chỉ toàn là rập khuôn, đơn điệu, “như cây quá thẳng, chim không về” (Chế Lan Viên). Cũng vì lẽ đó, người nghệ sĩ mang những trăn trở, suy ngẫm về thời cuộc nếu muốn ghi lại dấu ấn trên đời, muốn đứa con tinh thần của mình “lắng ở ô nề” và “đọng ở bề sâu” trong tâm hồn bạn đọc thì phải có được thứ “vân tay nghệ thuật riêng”, thể hiện qua cái nhìn độc đáo, mới mẻ, những phát hiện trong quá trình khám phá hiện thực cuộc sống. Vì thế, đến ngay cả những gì đơn giản và đời thường nhất như vầng trăng của thiên nhiên vũ trụ qua đôi mắt đầy sự tò mò, ngỡ ngàng, mê say của các nhà văn, nhà thơ cũng sẽ có những nét riêng, nét sáng tạo mang tính cá thể, không lặp lại người khác và không lặp lại chính mình.

“Một vầng trăng in trong gương” qua lăng kính đầy sáng tạo của nhà văn đều có những nét riêng, vậy tại sao “vầng trăng qua lòng mắt nghệ sĩ” vào trang giấy lại mang “vô vàn nét đẹp”? Văn chương bắt nguồn từ hiện thực, “Cuộc đời là điểm khởi đầu và là điểm đi tới của văn chương” (Tố Hữu), mà hiện thực cuộc sống thì muôn màu muôn vẻ, đầy góc khuất sâu kín, nhà văn hay nhà thơ cũng không thể chỉ bằng một nét bút mà đưa tất cả vào tác phẩm được, đó cũng là “sự bất lực của nghệ thuật” (Nguyễn Thành Long). Chính vì thế, qua hoạt động sáng tạo nghệ thuật mang tính cá thể, lăng kính của từng người nghệ sĩ nhìn cuộc đời với các góc độ khác nhau, phản ánh những điều mang ý nghĩa khác nhau về cuộc sống, không lặp lại cái đã có cũng không lặp lại chính mình, tạo nên một kho tàng văn học vô cùng phong phú và đa dạng cái đẹp. Những điều bình dị như vầng trăng khi vào trang giấy cũng thế, các nhà nghệ sĩ sẽ soi chiếu, nhìn nhận từng góc độ khác nhau của một vầng trăng đơn điệu, rồi từ lăng kính đầy sáng tạo của mình cho ra đời một “vầng trăng qua lòng mắt nghệ sĩ” – vầng trăng trong trang văn chất chứa bao vẻ đẹp và giá trị sâu sắc hơn, bộc lộ những tình cảm, những tư tưởng mà văn nhân, thi nhân hằng trăn trở, từ đó tác động vào khối óc cũng như trái tim bạn đọc, cho họ cảm động trước cái đẹp của tâm hồn và hướng họ đến những Chân – Thiện – Mỹ của cuộc đời.

Nếu trong “lòng mắt” của các nghệ sĩ, “một vầng trăng” đơn điệu có thể trở thành “vô vàn nét đẹp” thì chắc chắn rằng khi đưa hình ảnh ấy vào thơ văn, nét đẹp của “một vầng trăng” sẽ càng tỏa sáng và rực rỡ hơn bao giờ hết. Bởi từ xưa đến nay, trăng luôn là người bạn tri âm tri kỉ đối với người nghệ sĩ, luôn là đề tài thường gặp trong văn học. Có ai mà không nao lòng, xúc động khi được ngắm nhìn ánh trăng yên bình trong cái hiện thực đầy giông bão? Có ai mà không mê đắm trước vẻ đẹp thanh khiết, làm dịu đi vẻ bức bối trong lòng con người mà trăng đem đến? Nói về ánh trăng, không ai say mê trăng bằng Hồ Chí Minh. Dù trong chốn lao tù, Hồ Chí Minh vẫn hướng lòng mình thoát ra khỏi song sắt lạnh lẽo mà đến với vầng trăng yên bình. Và một trong những bài thơ thất ngôn tứ tuyệt tiêu biểu nhất của tập thơ “Nhật ký trong tù” – “Vọng nguyệt” đã cho ta thấy được cách nhìn độc đáo của Hồ Chí Minh đối với vầng trăng:

“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia”.

Dù trong cái hoàn cảnh “ngục trung” và “vô tửu diệc vô hoa” – hoàn cảnh chốn lao tù tăm tối, không hề có rượu cũng chẳng hề có hoa như các thi sĩ ngày xưa vẫn thường có để ngắm trăng và làm thơ thì “Đối thử lương tiêu nại nhược hà?” – cảnh đẹp đêm trăng vẫn lung linh, vẫn huyền ảo, vẫn làm mê đắm lòng người. Trước cảnh sắc tuyệt mỹ của đêm trăng, nhà thơ “hướng song tiền khán minh nguyệt”, hướng ra ngoài song sắt, đưa tâm hồn mình thoát khỏi cái chốn tối tăm, bẩn thỉu và chật hẹp để hướng về vầng trăng. Và vầng trăng thiên nhiên cũng không hề phụ tình cảm của nhà thơ, đã “tòng song khích khán thi gia”, nhòm vào khe cửa nhỏ ngắm nhìn người trong ngục. Ở đây, khi đắm chìm vào khung cảnh ấy, ta thấy bật lên sự giao hòa đến tuyệt đối, tuyệt mỹ của người và trăng. Và qua biện pháp nghệ thuật nhân hóa “Nguyệt tòng”, “khán” cùng với phép đối “Nhân – minh nguyệt”, “Nguyệt – thi gia” cho ta thấy được một vầng trăng thật đặc biệt qua lăng kính của Hồ Chí Minh. Trăng như hóa thân thành người bạn tri âm, tri kỉ, chia sẻ cùng nhà thơ. Trăng tỏa ánh sáng dịu hiền tượng trưng cho quê hương, nguồn cội, soi sáng cho người trong ngục mang chí lớn, người hướng về trăng như đất nước hướng về hòa bình, ngời sáng một niềm tin về tương lai hòa bình độc lập đang đến rất gần. Từ một ánh trăng bình thường, đơn điệu bên song sắt chốn lao tù, qua lăng kính nhà thơ, trăng hiện lên như người bạn đồng hành tri âm tri kỉ, như quê hương, như tương lai hòa bình độc lập. Rõ ràng, vẻ đẹp của hiện thực đã thoát ra khỏi cái nó vốn là, trở nên phong phú hơn, lung linh và ý nghĩa hơn qua đôi mắt của người nghệ sĩ, từ đó lan tỏa đến bạn đọc một niềm cảm phục về sự chiến thắng của tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước cùng sự lạc quan trong Hồ Chí Minh trước cái bóng tối của hiện thực tù túng lạnh lẽo.

Hình ảnh vầng trăng trong trang thơ Hồ Chí Minh mang vẻ đẹp huyền ảo và những cảm xúc đáng trọng của người nghệ sĩ trong cảnh lao tù, khi đất nước còn đang ngập trong khói lửa chiến tranh. Và khi đã thống nhất, nước ta bước vào thời kì hòa bình, nhà thơ Nguyễn Duy với bài thơ “Ánh trăng” còn khiến người đọc nhìn thấy ở vầng trăng không chỉ là vẻ đẹp của một người tri kỉ tình nghĩa mà còn là vẻ đẹp của những bài học nhân sinh sâu sắc, triết lý và truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, chung sống thủy chung cùng quá khứ của dân tộc:

“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”.

Trăng thì “tròn vành vạnh”, người thì “vô tình”; trăng thì “im phăng phắc”, người thì “giật mình”. Một loạt các tương phản xuất hiện, ánh trăng hiện lên qua đôi mắt nhân vật trữ tình như một tấm gương sáng soi chiếu lương tâm, để con người tìm lại chính mình, tìm về với những vẻ tinh khôi, thuần khiết đã mất. Từ một vầng trăng bình thường, đơn điệu của thiên nhiên bên khung cửa sổ của “phòng buyn – đinh”, qua đôi mắt nhân vật trữ tình, vầng trăng hiện ra với một vẻ đẹp độc đáo, ý nghĩa qua từ “kể chi” và biện pháp nghệ thuật nhân hóa “im phăng phắc”. Từ “kể chi” là một từ đa nghĩa, rằng không kể vì không thể tha thứ, không đáng nhắc đến hay là không kể vì đã tha thứ và không cần phải nhắc lại nữa? Nhân hóa vầng trăng “im phăng phắc”, một cái im lặng gợi vẻ nghiêm khắc nhưng cũng thật bao dung. Qua lăng kính người nghệ sĩ, ta thấy được rằng vầng trăng đã tha thứ tất cả nhưng con người thì lại không thể tha thứ cho chính bản thân mình. Cái “giật mình” kết thúc bài thơ như một sự thức tỉnh của tiếng nói ăn năn bên trong, là sự trỗi dậy của lương tri, nhận ra mình đã sống quá bội bạc. Đó cũng là kết quả của cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa thủy chung và phụ bạc, giữa quan tâm và vô tình trong mỗi con người, là sự hồi sinh của con người sống ân nghĩa cùng quá khứ mà đã bị quên lãng giữa những tiện nghi vật chất tầm thường. Rõ ràng, qua lăng kính nghệ thuật đầy sáng tạo của Nguyễn Duy, ánh trăng đã trở thành một nét đẹp của những triết lý sâu sắc về lối sống và truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đáng tự hào. Như vậy, chỉ qua vài dòng thơ ngắn ngủi, ta đã tìm thấy trong hình ảnh của thiên nhiên, của hiện thực những nét đẹp phong phú, sâu sắc qua lăng kính sáng tạo đầy ấn tượng của người thi sĩ họ Nguyễn.

Qua bài thơ “Vọng nguyệt” của Hồ Chí Minh và “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, bạn đọc thấy được một hình ảnh đơn điệu của hiện thực, của vũ trụ khi nhìn qua lăng kính người nghệ sĩ, vầng trăng trong trang giấy đã thoát ra khỏi cái bóng “Vầng trăng in trong gương” để ngời sáng lên những nét đẹp phong phú, tuyệt mỹ, trở thành “vô vàn nét đẹp” như Phạm Thiên Thư đã viết. Và để có thể nhìn cuộc đời, nhìn “vầng trăng” với các góc độc và liên tưởng độc đáo để từ “Một vầng trăng in trong gương” hóa thành “vô vàn nét đẹp” như thế, người nghệ sĩ cần mở rộng tầm mắt và tâm hồn mình để đón lấy những vang vọng, những gì tinh túy của cuộc đời, có khả năng quan sát tinh tế và ngắm nhìn cuộc sống bằng đôi mắt trẻ thơ, bằng cái nhìn thanh tân, mới mẻ đầy sự tò mò, say mê và đưa vào tác phẩm của mình những hình thức nghệ thuật độc đáo, phù hợp, làm cho nội dung của tác phẩm càng có chiều sâu và gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng đọc giả. Bên cạnh đó, người đọc mỗi khi chuẩn bị lật một trang sách cũng nên rèn cho mình một “lòng mắt” của người nghệ sĩ, cảm nhận tác phẩm bằng cả khối óc lẫn trái tim để thấu hiểu những tầng ý nghĩa và bài học sâu sắc mà nhà văn, nhà thơ đã nỗ lực gửi gắm. Bởi nếu thơ hay, văn đẹp mà lòng người nguội lạnh chẳng thể hiểu thì cũng không đem lại lợi ích gì cả.

“Ngày tử thần gõ cửa nhà anh
Anh sẽ có món chi làm tặng vật
Trước vị khách đến thăm tôi sẽ đặt
Cái ly tràn đầy cuộc sống của tôi dâng” 
(Tagore).

Cuộc đời chỉ thực sự đẹp, thực sự trọn vẹn khi ta biết ngắm nhìn mọi vật qua nhiều lăng kính, như nhà nghệ sĩ biến “Một vầng trăng in trong gương” thành “vô vàn nét đẹp” bằng “lòng mắt” của chính mình, giống như Phạm Thiên Thư đã viết trong “Huyền ngôn xanh”. Cũng chính nhờ những lăng kính đầy sáng tạo ấy mà tác phẩm văn học có được những “bụi vàng”, như bộ rễ chắc chắn đâm sâu và vững vàng mãi trong trái tim của từng đọc giả và trong lòng nhân loại. Còn bạn, bạn sẽ chọn tác phẩm văn học với lăng kính như thế nào?

Cao Nhựt Thanh Hiền
Trường THCS Lương Thế Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ĐỀ: “Một vầng trăng in trong gương Vẫn là một vầng trăng. Vầng trăng qua lòng mắt người nghệ sĩ Có thể thành vô vàn nét đẹp.” (Theo Phạm T...