Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2021

 ĐỀ:

“Một vầng trăng in trong gương
Vẫn là một vầng trăng.
Vầng trăng qua lòng mắt người nghệ sĩ
Có thể thành vô vàn nét đẹp.”
(Theo Phạm Thiên Thư, “Huyền ngôn xanh”)
Những câu thơ trên gợi cho em suy nghĩ gì về cách nhìn của người nghệ sĩ đối với hiện thực cuộc sống? Hãy làm sáng tỏ điều đó qua một số tác phẩm văn chương có hình ảnh vầng trăng.


BÀI LÀM
“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật
Một giọt mật thành, đòi vạn chuyến ong bay” (Chế Lan Viên)

Người nghệ sĩ trong cuộc hành trình dấn thân vào “vạn chuyến ong bay”, trải nghiệm cuộc sống để phản ánh cuộc sống, để biến “một mật” thành “trăm hoa” qua từng lăng kính chủ quan của chính mình. Có người nhìn đời bằng đôi mắt u buồn thì sự buồn bã cũng nhuốm màu lên toàn bộ cảnh vật, nhưng lại có người ngắm nhìn cuộc sống bằng đôi mắt trong veo, trẻ thơ với đầy sự tò mò thì cảnh vật tự nhiên trở nên tươi sáng, tràn đầy sức sống. Cuộc đời phong phú đa dạng, và qua đôi mắt người nghệ sĩ, cuộc đời có thể trở thành vô vàn nét đẹp, muôn vàn sắc thái, như Phạm Thiên Thư đã từng viết trong “Huyền ngôn xanh”:

“Một vầng trăng in trong gương
Vẫn là một vầng trăng.
Một vầng trăng qua lòng mắt nghệ sĩ
Có thể thành vô vàn nét đẹp”.

Chỉ bằng bốn câu thơ ngắn ngủi, Phạm Thiên Thư đã gợi cho người đọc về cách nhìn của người nghệ sĩ đối với hiện thực cuộc sống. “Vầng trăng” là một hình ảnh lung linh, đầy huyền ảo, là vẻ đẹp của thiên nhiên, của vũ trụ. “Vầng trăng” tự soi mình trong tấm gương, “in trong gương” cái bóng hình của chính mình, và dù có đẹp, có lấp lánh thế nào, nó vẫn là một vầng trăng bình thường, đơn điệu, chẳng có gì độc đáo hơn. Nhưng nếu vầng trăng ấy là “Một vầng trăng qua lòng mắt nghệ sĩ” thì “Có thể thành vô vàn nét đẹp”. Hình ảnh hiện thực trần trụi, xơ cứng được nhìn qua “lòng mắt” – lăng kính chủ quan bao quát và mơ mộng của người nghệ sĩ thì sẽ càng trở nên đẹp, huyền ảo, lung linh hơn nữa. Người nghệ sĩ bằng khả năng quan sát tinh tế, rộng rãi cùng khả năng tưởng tượng, liên tưởng độc đáo và bản chất dào dạt cảm xúc của mình đã dùng từng đường nét, màu sắc, hình khối, nhào nặn nên một “vầng trăng” trong trang văn, trang thơ với vẻ đẹp phong phú hơn, độc đáo hơn, khác hẳn so với hình ảnh đơn điệu, thô cứng mà nó vốn có. Bởi thế, qua lăng kính và cá tính sáng tạo riêng mình, nhà văn khiến cuộc đời như rộng thêm, hiện thực trở nên phong phú hơn, biến đổi những cái đơn điệu thành vô vàn nét đẹp, và từ những nét đẹp ấy tạo nên “bụi vàng” cho tác phẩm văn học, để rồi trở thành “Thứ vũ khí thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi một thế giới xấu xa, giả dối, vừa làm tâm hồn người đọc trở nên trong sạch và phong phú hơn” (Thạch Lam).

Quan niệm của Phạm Thiên Thư là chí lý, chí tình, đã khái quát được đặc trưng cơ bản của ăn học. Như vậy, tại sao qua ánh nhìn của người nghệ sĩ, “vầng trăng in trong gương” phải có nét riêng? Văn học nghệ thuật khởi nguồn từ cuộc đời và tiếng nói tình cảm mãnh liệt, với sứ mệnh cao cả là trở thành “Thứ vũ khí thanh cao và đắc lực” để thay đổi hiện thực phải tìm được những cách thức tác động vào tình cảm, tâm tư bạn đọc, rồi từ đó tạo thành sức mạnh tác động trở lại vào cuộc sống. Bạn đọc với tâm hồn và các cung bậc cảm xúc đa dạng sẽ không thể có được sự đồng cảm, không thể bị văn học tác động nếu những điều mà văn học đem lại chỉ toàn là rập khuôn, đơn điệu, “như cây quá thẳng, chim không về” (Chế Lan Viên). Cũng vì lẽ đó, người nghệ sĩ mang những trăn trở, suy ngẫm về thời cuộc nếu muốn ghi lại dấu ấn trên đời, muốn đứa con tinh thần của mình “lắng ở ô nề” và “đọng ở bề sâu” trong tâm hồn bạn đọc thì phải có được thứ “vân tay nghệ thuật riêng”, thể hiện qua cái nhìn độc đáo, mới mẻ, những phát hiện trong quá trình khám phá hiện thực cuộc sống. Vì thế, đến ngay cả những gì đơn giản và đời thường nhất như vầng trăng của thiên nhiên vũ trụ qua đôi mắt đầy sự tò mò, ngỡ ngàng, mê say của các nhà văn, nhà thơ cũng sẽ có những nét riêng, nét sáng tạo mang tính cá thể, không lặp lại người khác và không lặp lại chính mình.

“Một vầng trăng in trong gương” qua lăng kính đầy sáng tạo của nhà văn đều có những nét riêng, vậy tại sao “vầng trăng qua lòng mắt nghệ sĩ” vào trang giấy lại mang “vô vàn nét đẹp”? Văn chương bắt nguồn từ hiện thực, “Cuộc đời là điểm khởi đầu và là điểm đi tới của văn chương” (Tố Hữu), mà hiện thực cuộc sống thì muôn màu muôn vẻ, đầy góc khuất sâu kín, nhà văn hay nhà thơ cũng không thể chỉ bằng một nét bút mà đưa tất cả vào tác phẩm được, đó cũng là “sự bất lực của nghệ thuật” (Nguyễn Thành Long). Chính vì thế, qua hoạt động sáng tạo nghệ thuật mang tính cá thể, lăng kính của từng người nghệ sĩ nhìn cuộc đời với các góc độ khác nhau, phản ánh những điều mang ý nghĩa khác nhau về cuộc sống, không lặp lại cái đã có cũng không lặp lại chính mình, tạo nên một kho tàng văn học vô cùng phong phú và đa dạng cái đẹp. Những điều bình dị như vầng trăng khi vào trang giấy cũng thế, các nhà nghệ sĩ sẽ soi chiếu, nhìn nhận từng góc độ khác nhau của một vầng trăng đơn điệu, rồi từ lăng kính đầy sáng tạo của mình cho ra đời một “vầng trăng qua lòng mắt nghệ sĩ” – vầng trăng trong trang văn chất chứa bao vẻ đẹp và giá trị sâu sắc hơn, bộc lộ những tình cảm, những tư tưởng mà văn nhân, thi nhân hằng trăn trở, từ đó tác động vào khối óc cũng như trái tim bạn đọc, cho họ cảm động trước cái đẹp của tâm hồn và hướng họ đến những Chân – Thiện – Mỹ của cuộc đời.

Nếu trong “lòng mắt” của các nghệ sĩ, “một vầng trăng” đơn điệu có thể trở thành “vô vàn nét đẹp” thì chắc chắn rằng khi đưa hình ảnh ấy vào thơ văn, nét đẹp của “một vầng trăng” sẽ càng tỏa sáng và rực rỡ hơn bao giờ hết. Bởi từ xưa đến nay, trăng luôn là người bạn tri âm tri kỉ đối với người nghệ sĩ, luôn là đề tài thường gặp trong văn học. Có ai mà không nao lòng, xúc động khi được ngắm nhìn ánh trăng yên bình trong cái hiện thực đầy giông bão? Có ai mà không mê đắm trước vẻ đẹp thanh khiết, làm dịu đi vẻ bức bối trong lòng con người mà trăng đem đến? Nói về ánh trăng, không ai say mê trăng bằng Hồ Chí Minh. Dù trong chốn lao tù, Hồ Chí Minh vẫn hướng lòng mình thoát ra khỏi song sắt lạnh lẽo mà đến với vầng trăng yên bình. Và một trong những bài thơ thất ngôn tứ tuyệt tiêu biểu nhất của tập thơ “Nhật ký trong tù” – “Vọng nguyệt” đã cho ta thấy được cách nhìn độc đáo của Hồ Chí Minh đối với vầng trăng:

“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia”.

Dù trong cái hoàn cảnh “ngục trung” và “vô tửu diệc vô hoa” – hoàn cảnh chốn lao tù tăm tối, không hề có rượu cũng chẳng hề có hoa như các thi sĩ ngày xưa vẫn thường có để ngắm trăng và làm thơ thì “Đối thử lương tiêu nại nhược hà?” – cảnh đẹp đêm trăng vẫn lung linh, vẫn huyền ảo, vẫn làm mê đắm lòng người. Trước cảnh sắc tuyệt mỹ của đêm trăng, nhà thơ “hướng song tiền khán minh nguyệt”, hướng ra ngoài song sắt, đưa tâm hồn mình thoát khỏi cái chốn tối tăm, bẩn thỉu và chật hẹp để hướng về vầng trăng. Và vầng trăng thiên nhiên cũng không hề phụ tình cảm của nhà thơ, đã “tòng song khích khán thi gia”, nhòm vào khe cửa nhỏ ngắm nhìn người trong ngục. Ở đây, khi đắm chìm vào khung cảnh ấy, ta thấy bật lên sự giao hòa đến tuyệt đối, tuyệt mỹ của người và trăng. Và qua biện pháp nghệ thuật nhân hóa “Nguyệt tòng”, “khán” cùng với phép đối “Nhân – minh nguyệt”, “Nguyệt – thi gia” cho ta thấy được một vầng trăng thật đặc biệt qua lăng kính của Hồ Chí Minh. Trăng như hóa thân thành người bạn tri âm, tri kỉ, chia sẻ cùng nhà thơ. Trăng tỏa ánh sáng dịu hiền tượng trưng cho quê hương, nguồn cội, soi sáng cho người trong ngục mang chí lớn, người hướng về trăng như đất nước hướng về hòa bình, ngời sáng một niềm tin về tương lai hòa bình độc lập đang đến rất gần. Từ một ánh trăng bình thường, đơn điệu bên song sắt chốn lao tù, qua lăng kính nhà thơ, trăng hiện lên như người bạn đồng hành tri âm tri kỉ, như quê hương, như tương lai hòa bình độc lập. Rõ ràng, vẻ đẹp của hiện thực đã thoát ra khỏi cái nó vốn là, trở nên phong phú hơn, lung linh và ý nghĩa hơn qua đôi mắt của người nghệ sĩ, từ đó lan tỏa đến bạn đọc một niềm cảm phục về sự chiến thắng của tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước cùng sự lạc quan trong Hồ Chí Minh trước cái bóng tối của hiện thực tù túng lạnh lẽo.

Hình ảnh vầng trăng trong trang thơ Hồ Chí Minh mang vẻ đẹp huyền ảo và những cảm xúc đáng trọng của người nghệ sĩ trong cảnh lao tù, khi đất nước còn đang ngập trong khói lửa chiến tranh. Và khi đã thống nhất, nước ta bước vào thời kì hòa bình, nhà thơ Nguyễn Duy với bài thơ “Ánh trăng” còn khiến người đọc nhìn thấy ở vầng trăng không chỉ là vẻ đẹp của một người tri kỉ tình nghĩa mà còn là vẻ đẹp của những bài học nhân sinh sâu sắc, triết lý và truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, chung sống thủy chung cùng quá khứ của dân tộc:

“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”.

Trăng thì “tròn vành vạnh”, người thì “vô tình”; trăng thì “im phăng phắc”, người thì “giật mình”. Một loạt các tương phản xuất hiện, ánh trăng hiện lên qua đôi mắt nhân vật trữ tình như một tấm gương sáng soi chiếu lương tâm, để con người tìm lại chính mình, tìm về với những vẻ tinh khôi, thuần khiết đã mất. Từ một vầng trăng bình thường, đơn điệu của thiên nhiên bên khung cửa sổ của “phòng buyn – đinh”, qua đôi mắt nhân vật trữ tình, vầng trăng hiện ra với một vẻ đẹp độc đáo, ý nghĩa qua từ “kể chi” và biện pháp nghệ thuật nhân hóa “im phăng phắc”. Từ “kể chi” là một từ đa nghĩa, rằng không kể vì không thể tha thứ, không đáng nhắc đến hay là không kể vì đã tha thứ và không cần phải nhắc lại nữa? Nhân hóa vầng trăng “im phăng phắc”, một cái im lặng gợi vẻ nghiêm khắc nhưng cũng thật bao dung. Qua lăng kính người nghệ sĩ, ta thấy được rằng vầng trăng đã tha thứ tất cả nhưng con người thì lại không thể tha thứ cho chính bản thân mình. Cái “giật mình” kết thúc bài thơ như một sự thức tỉnh của tiếng nói ăn năn bên trong, là sự trỗi dậy của lương tri, nhận ra mình đã sống quá bội bạc. Đó cũng là kết quả của cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa thủy chung và phụ bạc, giữa quan tâm và vô tình trong mỗi con người, là sự hồi sinh của con người sống ân nghĩa cùng quá khứ mà đã bị quên lãng giữa những tiện nghi vật chất tầm thường. Rõ ràng, qua lăng kính nghệ thuật đầy sáng tạo của Nguyễn Duy, ánh trăng đã trở thành một nét đẹp của những triết lý sâu sắc về lối sống và truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đáng tự hào. Như vậy, chỉ qua vài dòng thơ ngắn ngủi, ta đã tìm thấy trong hình ảnh của thiên nhiên, của hiện thực những nét đẹp phong phú, sâu sắc qua lăng kính sáng tạo đầy ấn tượng của người thi sĩ họ Nguyễn.

Qua bài thơ “Vọng nguyệt” của Hồ Chí Minh và “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, bạn đọc thấy được một hình ảnh đơn điệu của hiện thực, của vũ trụ khi nhìn qua lăng kính người nghệ sĩ, vầng trăng trong trang giấy đã thoát ra khỏi cái bóng “Vầng trăng in trong gương” để ngời sáng lên những nét đẹp phong phú, tuyệt mỹ, trở thành “vô vàn nét đẹp” như Phạm Thiên Thư đã viết. Và để có thể nhìn cuộc đời, nhìn “vầng trăng” với các góc độc và liên tưởng độc đáo để từ “Một vầng trăng in trong gương” hóa thành “vô vàn nét đẹp” như thế, người nghệ sĩ cần mở rộng tầm mắt và tâm hồn mình để đón lấy những vang vọng, những gì tinh túy của cuộc đời, có khả năng quan sát tinh tế và ngắm nhìn cuộc sống bằng đôi mắt trẻ thơ, bằng cái nhìn thanh tân, mới mẻ đầy sự tò mò, say mê và đưa vào tác phẩm của mình những hình thức nghệ thuật độc đáo, phù hợp, làm cho nội dung của tác phẩm càng có chiều sâu và gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng đọc giả. Bên cạnh đó, người đọc mỗi khi chuẩn bị lật một trang sách cũng nên rèn cho mình một “lòng mắt” của người nghệ sĩ, cảm nhận tác phẩm bằng cả khối óc lẫn trái tim để thấu hiểu những tầng ý nghĩa và bài học sâu sắc mà nhà văn, nhà thơ đã nỗ lực gửi gắm. Bởi nếu thơ hay, văn đẹp mà lòng người nguội lạnh chẳng thể hiểu thì cũng không đem lại lợi ích gì cả.

“Ngày tử thần gõ cửa nhà anh
Anh sẽ có món chi làm tặng vật
Trước vị khách đến thăm tôi sẽ đặt
Cái ly tràn đầy cuộc sống của tôi dâng” 
(Tagore).

Cuộc đời chỉ thực sự đẹp, thực sự trọn vẹn khi ta biết ngắm nhìn mọi vật qua nhiều lăng kính, như nhà nghệ sĩ biến “Một vầng trăng in trong gương” thành “vô vàn nét đẹp” bằng “lòng mắt” của chính mình, giống như Phạm Thiên Thư đã viết trong “Huyền ngôn xanh”. Cũng chính nhờ những lăng kính đầy sáng tạo ấy mà tác phẩm văn học có được những “bụi vàng”, như bộ rễ chắc chắn đâm sâu và vững vàng mãi trong trái tim của từng đọc giả và trong lòng nhân loại. Còn bạn, bạn sẽ chọn tác phẩm văn học với lăng kính như thế nào?

Cao Nhựt Thanh Hiền
Trường THCS Lương Thế Vinh

 🌿Đề:


Chế Lan Viên trong bài thơ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? : “Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn!”

Trong bài Làm thế nào để có tác phẩm tốt?, Lưu Trọng Lư cho rằng: “Sự sống phải được chắt lọc, phải được trau chuốt, phải được nâng lên, phải được “tập trung” cao độ, nó mới biến thành nghệ thuật, cũng như dâu xanh phải biến thành kén vàng, gạo trắng phải bốc thành men rượu. Sự thực phải được sáng tạo, phải nâng cao lên đôi cánh của tư tưởng để lại tác động vào lòng người còn sâu mạnh hơn cả sự sống.”

Bằng những hiểu biết về văn học, anh/ chị hãy bình luận những quan niệm trên.

🌿Bài làm

Trong làn gió ru tình, loài hồng kia vẫn đung đưa mình, xao động, khoe sắc hương. Và giữa những câu văn bay bổng, đầy chất thơ của tâm hồn lãng mạn, phóng khoáng Paustopsky, ta nhận ra trong mình có mỹ cảm cao thượng về “bông hồng vàng” mà lão hót rác già Chamette đã dành tặng cho tình yêu bé nhỏ Suzanne. Vậy, thế gian mê đắm cái sinh động, chân thực của cành hồng trước hiên nhà hay cuồng say với những xúc động thẩm mỹ từ vẻ đẹp bất tử của hình tượng nghệ thuật được chưng cất nên từ hiện thực đời sống? Đó xác thực cũng là những trăn trở của thi sĩ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? và tác giả của bài luận Làm thế nào để có tác phẩm tốt? Khi Chế Lan Viên phát biểu: “Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn!” thì Lưu Trọng Lư cho rằng: “Sự sống phải được chắt lọc, phải được trau chuốt, phải được nâng lên, phải được “tập trung” cao độ, nó mới biến thành nghệ thuật, cũng như dâu xanh phải biến thành kén vàng, gạo trắng phải bốc thành men rượu. Sự thực phải được sáng tạo, phải nâng cao lên đôi cánh của tư tưởng để lại tác động vào lòng người còn sâu mạnh hơn cả sự sống.”

Cuộc đời đa sự luôn tồn tại những nghịch lí, những phạm trù mâu thuẫn đối lập nhau. Như mặt biển phẳng lặng luôn ẩn giấu những đợt sóng ngầm, trong gặp gỡ đã có mầm biệt li, cuộc sống là những phức hợp của khổ đau, hạnh phúc, là những phút giây hân hoan, vui sướng và cũng là những giọt nước mắt thương đau. Tất cả những cung bậc xúc cảm, trạng thái ấy kết tinh nên “vị muối của đời”. Cuộc sống muôn màu với những vấn đề đa đoan của nhân thế, đó là mảnh đất tốt để văn học bén rễ sinh sôi. Công việc của nhà văn là phản ánh và tái hiện đời sống để làm nên “chất mặn” cho trang thơ. Để từ “vị muối” của đời thường ghi tạc trong văn chương, nó làm “mặn lòng” những kẻ đã từng đắm chìm trong trang sách.
Trước khi làm một nghệ sĩ hành hiệp trên văn đàn, tất nhiên nhà thơ nào cũng đã từng là một con người đứng giữa đời sống. Khi mật đời là nguồn dưỡng chất dồi dào để nuôi sống thơ ca, anh phải làm một con ong thợ chăm chỉ cần lao thâm nhập vào thực tế, trải nghiệm đời sống để thấu triệt mọi lẽ nhân sinh. Chính cái bộn bề, phức tạp của đời sống con người khơi dậy trong anh niềm cảm hứng sáng tạo, cung cấp chất liệu thực tế để làm sống động hình tượng nghệ thuật của riêng mình. Từ trường đời lăn lộn đến trang văn, những sóng gió bão táp của số phận như phù sa bồi đắp thêm kinh nghiệm sống lịch lãm, thăng trầm, làm nên “chất mặn” cho những trang thơ, sự sâu nặng trong cái nhìn nghệ thuật độc đáo của người nghệ sĩ về con người và cuộc đời.

Nếu tha nhân có những phút giây yếu lòng, khuất phục trước thương đau, tự tôn cái tôi vị kỷ thì bi kịch thay cho người nghệ sĩ, dù vết thương lòng vẫn còn rỉ máu, trái tim anh vẫn cứ vị tha, đập mãi vì nỗi đau đời, vì những khổ sở vẫn còn tồn tại trên nhân thế. Là người tỉnh táo và bản lĩnh khước từ chén canh Mạnh Bà quên lãng, ngòi bút của thi nhân phải luôn là “thứ khí giới thanh cao đắc lực” phản tỉnh con người, để họ nhận ra “vị muối của đời”, để mà thấm thía, chiêm nghiệm, vượt qua.

Thơ, tự trong bản chất là những xúc cảm đột khởi, thăng hoa mãnh liệt, đồng thời cũng là những triết nghiệm ý vị sâu lắng về đời sống và con người. Phải sống sâu, phải lặn ngụp kĩ vào bể đời, người nghệ sĩ mới kết tinh được “chất muối” tinh quý của cuộc đời để làm nên “chất mặn” cho trang thơ.

Bất kì một người nghệ sĩ nào cũng thoát thai từ một môi trường nhất định. Bất kì một tác phẩm nghệ thuật nào cũng khúc xạ từ những vấn đề trong cuộc sống. Thời đại nào, giọng điệu ấy. Mỗi nhà văn cất bút đều là đứa con cất tiếng của một thời đại xác định. Trên trang văn, người của một thế kỉ đều in đậm những vấn đề mang dấu ấn của thời gian. Từ “bi kịch Eudipe” làm vua của kịch gia vĩ đại Sophocle đã truy vấn sự thật bản nguyên, thuyết thiên mệnh áp đặt lên số phận con người trong buổi bình minh của văn minh nhân loại. Đến “tấn trò đời” bi hài của Balzac đã phản ánh sự lên ngôi của đồng tiền trong xã hội tư sản Pháp. Hay như Lev Tolstoy là tấm gương vĩ đại phản chiếu nước Nga tự cường trong chiến tranh Vệ quốc trước đoàn quân Napoleon trong thiên tiểu thuyết lừng danh “chiến tranh và hòa bình”. Hay Nguyễn Du với mối thương tâm về khúc Bạc mệnh của một kiếp đoạn trường trong lồng sắt xã hội phong kiến Việt Nam tù túng, chật hẹp. Và đến Lỗ Tấn, với con dao nhọn sắc bén ông đã khoan sâu vào những ung nhọt của căn bệnh quốc tính “phép thắng lợi tinh thần” của dân tộc Trung Hoa. Mỗi trang văn đó đều soi bóng thời đại mà nó ra đời, đều thu nhặt những “vị muối của đời” để kết tinh nên “chất mặn của trang thơ”.

Với tiếng bi ca của một trái tim trần, thi sĩ Kobayashi Issa hiểu hơn ai hết về bản chất của cõi tạm phù sinh hư ảo:

“Ta bà một cõi đau
cho dù mùa xuân đó
đang nở những hoa đào.”

Dù sắc xuân đang trong kì nở rộ, dẫu cái đẹp đang trong thời lên ngôi nhưng với tâm hồn tràn đầy xúc cảm, nặng nợ nỗi đau đời và cái nhìn thấu suốt của một thi nhân lịch lãm, Issa thấy trong cái đẹp vẫn có sự xâm lấn của nỗi đau hay là nỗi đau đang dần chuyển hóa, khơi gợi lên trong lòng người những mỹ cảm đầy triết vị. Chính “vị muối” đắng cay của bi kịch đời thường đã kiến tạo nên “chất mặn” của nhận thức về tính biện chứng của quy luật cuộc sống, của tư thế hiên ngang giữa đất trời, chấp nhận và thấu suốt khổ đau. Biển đời không phải là nơi gió dập sóng dồi đọa đày cuộc đời người thi sĩ, mà đấy chính là cái nôi để người cầm bút được sinh thành, làm nên một thi nhân. Ở nơi đấy, có một Issa “bước đi trên mái điện ngục” để ngắm nhìn hoa bay.

Triết gia Aristole vĩ đại đã từng khẳng định: “Nghệ thuật là sự mô phỏng cuộc sống”. Đấy không phải là sự quy chụp nhân sinh trong giới hạn của bốn góc cạnh hay sự sao chép nguyên si bản nguyên đời sống. Hiện thực trong văn chương là khoảng không mở ra thế giới vô cùng, là sự thật đậm đặc, là tinh chất của muối đời đã được “chắt lọc”, “nâng lên”, “tập trung cao độ” mang giá trị tư tưởng cao. Lấy thực tế làm gốc, người nghệ sĩ sáng tạo lại hiện thực, biểu hiện khát vọng và giấc mơ của con người. Dụng công của người phu chữ đèo bòng nợ văn chương là cái nghiệp lao động nghệ thuật, xử lí chất liệu đời sống, chắp cánh tư tưởng cho nguyên liệu thô “dâu xanh”, “gạo trắng”, có thể hóa sinh thành “kén vàng”, bốc lên thành “men rượu”. Để từ đó, hiện thực đời sống được bất tử hóa, không còn chịu lẽ vô thường biến cải nương dâu. Hiện thực mang tính quan niệm, tư tưởng trong văn chương tác động vào lòng người bằng con đường tình cảm, từ thay đổi nhận thức đến biến chuyển hành động, bạn đọc sẽ thay mặc “dâu xanh”, “gạo trắng” để kết tinh nên “kén vàng”, làm nên “men rượu” cho cuộc đời thực.

Trước những cảnh ngộ, bi kịch thoáng qua của cuộc sống, khi quyết định đòi hỏi sự bản lĩnh thì bản năng ích kỉ, vô cảm dễ xâm lấn, trỗi dậy, khiến người ta thờ ơ trước nỗi đau, vết thương của người khác. Nhưng trong không gian thinh lặng của văn học, chỉ còn cuộc đối thoại của bạn đọc với trang sách, tòa án lương tâm sẽ phán quyết, quỷ thần hai vai sẽ chứng ngộ, mọi suy nghĩ, tư tưởng của người đọc đều được suy xét kĩ lưỡng. Khi ấy, tiếng nói của lương tri sẽ lên ngôi. Cộng hưởng với đó là ánh sáng của tầm cao tư tưởng văn nhân soi đường, chỉ lối nên “bông hồng vàng” lấm láp bụi quý của Paustovsky sẽ có sức ám ảnh dài lâu, bền bỉ hơn vẻ đẹp chân thực, sống động của cành hồng trước hiên nhà.

Theo lẽ thường của quy luật sáng tạo, văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Sự thật chỉ có một, như “dâu xanh”, “gạo trắng” của đời thực, loại nào cũng giống nhau. Bằng tài nghệ và sự dụng công của người chưng cất, sẽ đưa ra thành phẩm “kén vàng” và “men rượu” khác nhau. Cũng như bản chất của nghệ thuật là hoạt động sáng tạo mang tính cá thể, là địa hạt của sự độc đáo nên dị bản đời sống sẽ thành hình khác nhau theo cá tính sáng tạo riêng và quan điểm lập trường thời đại mà người nghệ sĩ chịu ảnh hưởng.

Cùng sống trong thời đại nhiễu nhương của xã hội thực dân nửa phong kiến những năm 1930-1945, mỗi người nghệ sĩ bước lên văn đàn với lăng kính nghệ thuật độc đáo đều cho ra những phản chiếu khác biệt về hiện thực đời sống. Như trang văn của Vũ Trọng Phụng đã vạch trần hiện thực xã hội “chó đểu” của lũ người bịp bợm, giả dối với những ảo tưởng về xã hội thượng lưu. Đứng trước “ao đời bằng phẳng” của những phố huyện nghèo tàn tạ, xơ xác, “bóng hoàng lan” Thạch Lam vẫn ngào ngạt hương hy vọng, nâng niu trân trọng những giấc mơ đổi đời, những tâm hồn trong sáng, thơ ngây. Như “củi một cành khô” lạc lõng giữa dòng tràng giang, sống trong hiện thực ấy, Huy Cận thấm thía cảm giác đứng giữa quê hương mà nhớ quê hương. Rạo rực, say mê, cuồng nhiệt hơn cả, Xuân Diệu với cặp mắt xanh non biếc rờn, với niềm giao cảm sâu sắc với đời đã vượt qua được cái bề mặt nổi của hiện thực ngột ngạt tù túng để nhận ra trần thế là một thiên đường ngọt mật và sống đã là một đặc ân.
Với khát khao được khẳng định ý nghĩa của sự tồn tại, giá trị riêng của vân tay nghệ thuật, những gì anh viết ra đều trọn vẹn là những điều anh trăn trở, băn khoăn, trân quý nhất. Đó là mãnh lực đặc biệt để thu hút bạn đọc đến với văn chương. Bởi lẽ, với từng góc độ quan sát, cách cảm, cách nghĩ khác nhau của nhà văn sẽ làm phong phú thêm vốn sống, bồi sâu con mắt tinh đời để bạn đọc phát hiện những chân lí bình dị, những vẻ đẹp khuất lấp trong đời sống hằng ngày. Với lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút, thiên chức của người nghệ sĩ sẽ không dễ dàng cho anh buông lơi hiện thực, xa lìa đời sống, ru mộng con người bằng những giấc mơ đời xa xôi.

Văn chương không nên là tấm gương phản chiếu, sao chép đời sống. Văn chương phải là những lời phản tỉnh, tranh biện về cuộc đời, chất vấn về sự tồn tại của con người, phải đặt ra những câu hỏi trăn trở cho thời đại và nhân loại. Với góc nhìn mới mẻ, độc đáo và những phát hiện riêng của người nghệ sĩ trong quá trình sống giữa cuộc đời, cùng trí tưởng tượng phong phú, người nghệ sĩ kiến tạo nên thế giới của ước mơ, lí tưởng, vươn lên trên hiện thực khách quan, để phá vỡ các giới hạn của sự tồn tại. Bởi thế, chân lý nghệ thuật thống nhất nhưng không đồng nhất với chân lý của đời sống.

Có lẽ, tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh là lời phản biện sâu sắc, gây chấn thương nhất về cái nhìn cũ đầy lòng tự hào về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Với sự đặc tả, “chắt lọc”, “trau chuốt”, “tập trung cao độ” về những mảnh vỡ kí ức của bi kịch người lính Kiên, ta đã nhận ra sự thật tàn khốc, mặt trái của chiến tranh, cái chết đau khổ của những người lính, sự hủy diệt tàn bạo tình yêu và cái đẹp. Bước qua cuộc chiến, tâm hồn của những người lính trở nên dị dạng, méo mó, mãi mãi không thể bình yên, thanh thản, vượt thoát khỏi bàn tay siết chặt của ám ảnh kinh hoàng về chiến tranh. Lịch sử đã sang trang, hòa bình đã ôm trọn bầu trời yên ả nhưng nỗi buồn về một thời khốc liệt vẫn còn mãi vì từ ấy đã có những con người tuyệt tự với cuộc đời. Với góc nhìn cá nhân về thân phận con người đầy tính nhân bản, nhân loại, qua “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, người đọc được dịp đối mặt với chính mình, biết biến cải tư tưởng, biết quý trọng con người, biết sống sao cho xứng đáng để không phụ lòng “những người đáng sống nhất lại mãi nằm yên trong sâu thẳm rừng thiêng”.

Nếu trang văn của anh chỉ mãi chăm chú kí thác những “vị muối của đời”, sao chép nguyên si cái bộn bề, phức tạp của đời sống, thì khác chi tác phẩm anh là một bản ghi chép chân thực của đời sống chẳng tác động, lay chuyển gì trong tâm thức người đọc. Nhưng cũng sẽ là hoài công vô ích như kiếp dã tràng, nếu sự sáng tạo, phóng bút của anh không gắn liền với hiện thực đời sống, xa lạ với những vấn đề thuộc về thân phận con người thì văn chương kia khác gì con tem gửi vào vũ trụ, để rồi im lặng biến mất giữa thinh không. Đời sống muôn màu là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng nghệ thuật, là chìa khóa hữu ích để bạn đọc giải mã mọi hình tượng nghệ thuật phức tạp. Văn chương chân chính luôn đi từ giải thích đúng đắn thế giới đến cải tạo đời sống bằng những sáng tạo nghệ thuật riêng của người nghệ sĩ.

Với bi kịch kiếp sống mòn của người tri thức tiểu tư sản, kết hợp với nguyên tắc điển hình hóa – đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực, Nam Cao đã kết tinh nên “vị muối của đời” để sáng tạo nên hình tượng nhân vật Hộ, điển hình với bi kịch vỡ mộng của một nhà văn và bi kịch vi phạm triết lí tình thương của một con người. Đó không phải là vấn đề của một thời, là trăn trở riêng của một người. Chừng nào hiện thực ngột ngạt, tù túng còn va đập, phá vỡ lý tưởng, còn bóp nghẹt ước mơ cao cả của con người thì chừng ấy vẫn còn tiếp diễn những bi kịch tinh thần như nhà văn Hộ của Nam Cao.

Từ hai nhận định của Chế Lan Viên và Lưu Trọng Lư, ta nhận chân phương thức phản ánh và sáng tạo hiện thực của nhà văn. Nhà văn tài năng không chỉ là người thợ đúc chữ điệu nghệ mà còn ở khả năng quan sát tinh tế, rộng rãi về đời sống, phát hiện và phản ánh những bí ẩn hiện thực khuất lấp, ẩn chìm trong nhân sinh. Từ “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, người nghệ sĩ phải chiêm nghiệm sâu sắc, gia cố thêm tầng sâu tư tưởng để tác động sâu vào lòng người đọc. Đến phiên mình, bạn đọc không chỉ thờ ơ, dựa dẫm vào những bài học ý nghĩa trên trang văn. Bằng những trải nghiệm từ trường đời, phút giây trầm mặc trên trang sách, người đọc phải đọc sâu mạch ngầm văn bản, mở rộng chân trời đón nhận để phát hiện được những bến bờ hiện thực mới mẻ trong nghệ thuật và đời sống.

Cành hồng trước hiên nhà sẽ tàn phai theo năm tháng. Duy chỉ “bông hồng vàng” là được bất tử hóa nhờ vào sự dụng công tài nghệ của người nghệ sĩ. Dù phản ánh hiện thực bằng chuyện đời như con ong chăm chỉ hút mật hay như con tằm rút ruột nhả tơ, giãi bày nỗi niềm riêng thì mối quan hoài thường trực của người nghệ sĩ vẫn luôn là số phận con người và hiện thực đời sống. Bởi lẽ, tất cả nghệ thuật trên Trái Đất đều phục vụ cho nghệ thuật sống của con người.

HUỲNH THANH THẮNG
HỌC SINH 12CV TRƯỜNG THPT NGUYỄN THƯỢNG HIỀN
NIÊN KHÓA 2016 - 2019

 

NOV

 

🌿Nhà văn có thể làm gì trong đại dịch?



“Đỗ Phủ viết làm gì

Thế gian không ai biết

Hỏi làm sao Chim hót

Chim hót để làm gì…”



Đó chính là những dòng thơ đầy trăn trở của Nguyễn Phan Hách trong “Đỗ Phủ viết làm gì”. Rốt cuộc thì, Đỗ Phủ viết để làm gì? Đỗ Phủ và cả những nhà văn, nhà thơ khác vì đâu mà cứ miệt mài sáng tác, mặc cho những “Lệ và huyết mài mực”? Còn những áng văn chương liệu có thể làm được gì cho cuộc đời này, cho những kiếp nhân sinh luôn phải xoay sở từng ngày để có thể sinh tồn? Hay nhà văn, nhà thơ cứ như những con chim cất tiếng hót vô định, không đích đến, cứ hót và sống trong thanh âm của riêng mình mà bỏ quên cuộc đời? Thi nhân, có thể hay không, trước đại dịch của toàn nhân loại, cùng với các bác sĩ, nhà khoa học, cứu chữa và bảo vệ con người thoát khỏi sự lưu đày đến cõi vong thân?



Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ hai mươi, hàng tỉ người trên toàn thế giới đã cùng nhau háo hức chờ mong những bước chuyển mình tiếp theo của một thời đại mới. Năm 2020 đến cùng với những đợi chờ, ước mơ và hy vọng để rồi hơn một nửa chặng đường đã qua, tất cả những gì mà nhân loại đối mặt chính là nỗi sợ hãi, sự hoang mang - tất cả đều đến từ một nguyên nhân duy nhất: Đại dịch Covid-19. Còn nhớ đêm giao thừa hôm nào, dưới pháo bông rực rỡ, trong tiếng nhạc rộn ràng, người ta đã nghĩ 2020 là một năm mới đầy hứa hẹn để rồi chỉ một tháng sau thôi, cả thế giới như “vỡ trận” trong sự bùng phát của đại dịch. Hàng trăm rồi hàng ngàn, hàng trăm ngàn,...những con người đã chết, vì đại dịch. Mặc kệ những nỗ lực kiểm soát và cứu chữa từ đội ngũ y bác sĩ trên toàn thế giới, số lượng bệnh nhân mắc phải Covid-19 không ngừng tăng lên, kéo theo đó không chỉ là nỗi ám ảnh về bệnh tật và cái chết mà còn là vô vàn những vấn đề khác. Đó là sự tuột dốc không phanh của nền kinh tế trên toàn thế giới. Có lẽ đã rất nhiều năm qua đi, người ta mới lại nhìn thấy phố Wall điêu tàn, hỗn loạn đến vậy. Suốt năm 2020, hàng ngàn doanh nghiệp liên tục đóng cửa, dù là ở Việt Nam hay Đông Nam Á, châu Á hay châu Âu, người ta dần trở nên quen với việc những ánh đèn sáng trưng trong các cửa hiệu giờ chìm vào bóng đêm ảm đạm. Từ sự sụp đổ của nền kinh tế, con người ta rơi vào khủng hoảng tinh thần với những áp lực mưu sinh, để rồi khi Covid-19 chưa kịp tìm đến, con người ta đã vội vã chạy trốn thế giới đầy hiểm nguy vây quanh mình. Đại dịch bùng phát, kinh tế khó khăn là cơ hội cho những âm mưu lừa đảo, làm nhiễu loạn thông tin thừa cơ hoành hành. Giờ đây, điều khó khăn nhất không phải là con người làm sao để vượt qua đại dịch mà là bằng cách nào để niềm tin vào sự sống có thể duy trì. Bởi thực tế, sự đổ vỡ niềm tin vào sự sống mới là điều đưa người ta đến với cái chết nhanh nhất, nhanh hơn bất kỳ sự tàn phá của một loại bệnh tật nào trên đời!



Ở trong đại dịch, có nhiều lý do để con người ta chết đi - bệnh tật, ốm đau chính là những cái chết mà các bác sĩ đã và đang nỗ lực hết mình để ngăn chặn. Thế nhưng, những chấn thương tinh thần, những áp lực và khủng hoảng về tâm lý của con người thì sẽ do ai hàn gắn, chữa lành? Điều đáng sợ nhất khi một cơn đại dịch qua đi liệu sẽ là tổng số thương vong về người và của hay sự sống mơ hồ của hàng tỉ những người còn lại trên đời? Đại dịch chính là một hình thức của chọn lọc tự nhiên, vậy thì những kẻ còn sống ấy, là những người may mắn được chọn hay là những kẻ xui rủi tận cùng, phải sống để cảm nhận rõ ràng những dày vò từ nỗi đau mất mát? Thuốc than, trị liệu sẽ thật sự cứu chữa được họ hay chăng?



Trở lại với quá khứ, chúng ta hẳn còn nhớ đến Lỗ Tấn. Có là ngẫu nhiên hay chăng, khi một thầy thuốc như ông lại chọn trở thành một nhà văn và xem như đây là cách tốt nhất để cứu lấy người dân Trung Hoa lúc bấy giờ? Giả sử, Lỗ Tấn vẫn là một thầy thuốc, ông sẽ dùng phương thuốc nào để chữa dứt căn bệnh vô cảm, lạc hậu của đồng bào mình? Hay chính sự ra đời của hàng loạt những sáng tác từ truyện ngắn đến truyện dài, tiểu thuyết của mình, Lỗ Tấn đã không chỉ tạo tiền đề để Trung Quốc có rất nhiều những Lỗ Tấn sau ông mà quan trọng hơn hết, là chữa khỏi dần những căn bệnh quốc dân. Và không chỉ Lỗ Tấn, mà nhìn vào chính nền văn học nước ta thôi cũng thấy một đại diện vô cùng tiêu biểu đó là Cụ đồ Chiểu. Từ một thầy lang, Nguyễn Đình Chiểu tìm đến bút mực, không chỉ xem đây như một thứ vũ khí “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” mà còn là phương thuốc dành cho tâm hồn người Việt trong suốt một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Lỗ Tấn và Nguyễn Đình Chiểu, họ đã là những người thầy thuốc chữa bệnh về thể chất cho con người. Nhưng cũng là họ, cùng với những nhà văn, nhà thơ khác, đem đến những bài thuốc hữu hiệu, thiết thực hơn, dành cho tâm hồn của con người !



Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung từng viết: “Trước một thế giới tan vỡ hay có nguy cơ tan vỡ, nhà văn phải nhặt nhạnh từng mảnh vỡ, tái tạo lại chính nó, đồng thời kích hoạt những dây đàn cảm xúc của con người”. Nhà văn - những con người bằng xương bằng thịt như bao người khác trên thế gian liệu có một phép thần thông hay chăng, mà hàn gắn lại được những đổ vỡ của cuộc đời? Đối diện với những thương tổn từ sâu trong tâm hồn người, nhà văn sẽ làm gì để từng cơn đau đớn, tuyệt vọng kia nguôi ngoai? Đối diện với ốm đau, cái chết và cả sự chia lìa, nhà văn sẽ có thể hồi sinh tất cả hay sao?



Không, nhà văn không thể xoá nhoà đi những buồn đau hay lấp đầy những mất mát của con người. Nhưng nhà văn sẽ lại là người đem cái chết ra xa khỏi họ, để người ta có thể đi qua những lần vụn vỡ, những lần thương đau. Nhà văn cho con người dũng khí để chọn lựa sự sống!



Nhà văn cứu chữa con người, trước hết bằng những sự thật. Đó là sự thật về cuộc đời và về chính bản thân của mỗi người. Như Virginia Woolf đã nói: “Văn chương không phải là liều thuốc an thần ru con người ta vào giấc ngủ uể oải mà là sắt nung bỏng rát thức tỉnh con người”. Văn chương không đẩy con người ta vào cơn mộng mị bằng những ảo ảnh về cuộc đời mà là sự soi chiếu trực diện, chân thật bản chất của thế giới. Có thể, thế giới văn chương chứa đầy những ước mơ nhưng có khi, ngập tràn nghịch cảnh, bi kịch nhưng nhất định, đó không phải là một thế giới đơn điệu, một chiều. Thế giới của văn chương là thế giới đầy giằng xé trong nội tâm của một con quỷ đội lớp người như Chí Phèo, một con quỷ luôn vẫy vùng trên lằn ranh của thiện lương và tàn độc, của một thằng rạch mặt ăn vạ “phá nát bao cảnh yên vui” và một kẻ cô đơn cùng đường luôn khắc khoải hoài nghi “Ai cho tao lương thiện?”. Đó là thế giới mà một thiên tài nghệ thuật như Vũ Như Tô phải gánh chịu bi kịch của một người nghệ sĩ đơn độc sống với lý tưởng nghệ thuật rời xa thực tại để rồi trơ mắt ra nhìn giấc mộng lớn đời mình trở thành tàn tro rồi vẫn bất tin mà gào thét “Vô lý! Vô lý!” Văn chương tạo dựng một thế giới muôn hình vạn trạng trên từng trang sách, thế giới của nó vận hành với đầy những mâu thuẫn và nghịch lý thay vì minh bạch phải - trái, đúng - sai. Cuộc sống hiện lên từng trang giấy mang dáng dấp của đời thực, với vô vàn chân dung của con người, những con người bằng xương bằng thịt với mọi hỷ-nộ-ái-ố, với những khát khao lẫn tuyệt vọng, với sự thanh cao và cả những suy đồi. Thực tại và con người trong văn chương là như thế, là một sản phẩm của ngôn từ và sự sáng tạo nhưng chắc chắn không phải là những hình tượng trống rỗng, vô hồn.



Chính nhờ điều này, thay vì là những con chữ rỗng tuếch, văn chương nói như Phillipe Jacollete, đã cho người ta già đi từ đầu đến cuối bài thơ. Qua một bài thơ, một câu chuyện, con người ta như sống một cuộc đời. Mỗi lần hoà vào thế giới của văn chương là lại một lần được sống, sống những cuộc đời khác nhau. Mỗi lần bước vào trang sách là như được tái sinh, với một diện mạo, một tâm hồn mới, để trải nghiệm, để dấn thân mà ngắm nhìn cuộc đời. Sống trong trang sách, người ta có thể vỡ oà trong niềm sung sướng vì nhìn thấy những giấc mơ hoá thành hiện thực. Và cũng trong trang sách, bao giọt nước mắt đã rơi, vì hiện thực tàn khốc, vì những mộng mơ tan vỡ, vì tình yêu nhạt nhoà, vì đời người chóng vánh như một giấc chiêm bao. Để rồi, từ trong vô vàn những cảm xúc ấy, dẫu là đớn đau hay hạnh phúc, là thăng hoa hay trầm buồn, con người ta nhìn thấy thế giới này và nhìn thấy chính con người mình. Già đi mà Jacollete nói ấy, chính là sự già đi của nhận thức, không chỉ nhận thức về cuộc đời mà còn là nhận thức về bản thân của mỗi con người.



Có thể, không phải mọi độc giả cầm trên tay “Nỗi buồn chiến tranh” đều từng là những người lính, đều đã rửa máu của mình trong gió bụi nơi chiến trường như Kiên. Thế nhưng, Bảo Ninh đã dùng chính ngòi bút của mình để người đọc không chỉ nhìn thấy được bản chất chiến tranh mà hơn hết là nhìn thấy những gì chiến tranh đã để lại, không phải những miền đất chết mà là những linh hồn chết. Đi vào thế giới nội tâm của Kiên, trôi theo dòng hồi ức để soi vào những đứt gãy, những nỗi ám ảnh, những ký ức không cách nào trốn chạy và người ta hiểu được rằng, thứ chiến tranh cướp đi không phải là mạng sống mà là ý chí để sống, chiến tranh có thể buông tha cho sinh mạng con người nhưng không chối từ việc tước đoạt đi ý thức tồn tại. Những con người trở về từ chiến tranh, cũng giống như chúng ta, đi qua một cơn dư chấn ầm ĩ trong nội tâm và vĩnh viễn, không thể trở lại như ban đầu, vĩnh viễn phải sống, phải chịu đoạ đày bởi vết thương không bao giờ khép miệng kia. Người ta đọc văn chương có thể biết được sự đổ nát của thế giới sau một cuộc chiến tranh, cũng như một cơn đại dịch, nhưng quan trọng hơn hết chính là nhìn thấy được sự suy sụp của lòng người và sự lạc lối, vô định đến hoang mang trong chính tâm hồn mình.



Văn chương đem đến cho con người ta sự nhận thức, không phải để chấp nhận những gì đã có và đang có, không phải để thừa nhận một lần nữa những điều đang diễn ra. Giá trị thực sự của văn chương chính là dùng sự thật để con người ta vượt qua chính sự thật đó. Phơi bày ra trước mắt con người ta một thế giới tàn khốc với đầy những rạn nứt, nhà văn không dồn con người đến bước đường bi quan, trốn chạy hay chối bỏ nó mà muốn con người ta dũng cảm đối diện, đi qua và khắc phục nó. Nói như Aristote, bi kịch là một sự thanh lọc. Văn chương dùng hiện thực và bi kịch bên trong nó, dùng những gì con người muốn khước từ, né tránh để thanh lọc thế giới. Sự thanh lọc đó xuất phát từ cách văn chương phản tính con người bằng sự thật để rồi trở thành ngọn đèn định hướng cho con người nhìn ra những ngã rẽ mà mình có thể bước đi. Ở đó, người ta nhìn thấy vô vàn những chọn lựa, chọn lựa để sống và chết, chọn lựa để hy vọng rồi đổi thay và cả những chọn lựa để tiếp tục lụi tàn cùng thực tại tăm tối. Văn chương không giáo điều, dạy dỗ hay cưỡng cầu, ép buộc, nó cho con người ta nhìn thấy thật nhiều những khả năng còn con người thì liệu có một ai đâu, chọn lựa những điều tồi tệ?



Viết về “thế hệ mất mát” với những tiệc tùng xa hoa hoà trong điệu jazz man mác, trầm tư, Francis Scott Key Fitzgerald đã đưa người đọc bao thế hệ trở về với thập niên 20 của thế kỉ trước qua kiệt tác “Đại gia Gatsby”. Câu chuyện là cuộc chạy đua của con người với sự leo thang của bạc tiền; là những “đổi chác, bán buôn” mà cái giá để có được địa vị, quyền quý là chính hạnh phúc của cả một đời người. Con người thuộc về thời hậu chiến đã phải đánh mất mình vì những “đốm xanh” phù phiếm mà ngay cả khi “nó đã tuột khỏi tay chúng ta” thì “chúng ta cứ thế dấn bước, những con thuyền rẽ sóng ngược dòng, không ngừng trôi về quá khứ”. Mỗi người đều như Gatsby, mang trong mình những khao khát, đam mê và thậm chí là cuồng vọng để rồi rong ruổi chạy theo giấc mơ của mình trong cơn mộng du. Vậy thì, ta sẽ chọn chứ, một cuộc đời như Gatsby, một cuộc đời cứ mải miết chạy theo cái đốm xanh xa xôi, hão huyền? Ta sẽ chọn chứ, những ảo mộng đã nát tan từ dĩ vãng xa xưa? Gatsby chết đi giữa những dở dang, vỡ mộng, vậy còn ta, liệu có tiếp bước để trở thành nạn nhân từ chính những ước mơ của mình. Đó là chọn lựa của ta, ta có thể chọn như Gatsby nhưng ta cũng có quyền nhìn vào Gatsby để làm khác đi, để sống hạnh phúc hơn, trọn vẹn và ý nghĩa hơn. Bằng cách ấy, văn học đã thanh lọc ta, thanh lọc và cảm hoá từ chính những điều bi thảm nhất.



Như đã nói, văn chương muốn cứu rỗi con người, không nằm ở việc thay đổi quy luật sanh-lão-bệnh-tử, nhà văn chữa trị cho nhân gian không thể hiện ở việc cải tử hồi sinh cho con người. Sự cứu chữa của văn chương là sự cứu chữa đối với tâm hồn, với thế giới nội cảm của con người. Bởi lẽ, văn chương dù là thể loại nào, từ những bài ca dao than thân của những người lao động lam lũ đến những khúc sử thi bất hủ của Homer, từ những câu chuyện cổ tích quen thuộc với những đứa trẻ con cho đến những tác phẩm đồ sộ của Lev Tolstoi, tất cả không chỉ làm nên bởi tư tưởng của nhà văn mà cần hơn hết là tình cảm, cảm xúc của người nghệ sĩ. Đó mới chính là linh hồn, là sợi dây kết nối văn chương với thế giới. Chính những tâm tư tình cảm này mà văn học mới chạm đến được đời sống nội tâm của người đọc, để cho con người ta có thể tin tưởng mà mở lòng mình ra đón nhận những sáng tác này. Văn chương đi từ tâm hồn người viết đến trái tim người đọc, xoa dịu và chữa lành những ưu tư, muộn phiền lẫn niềm đau, thương tổn. Văn chương tạo dựng được niềm tin trong lòng người, niềm tin giữa con người với thông điệp mà tác phẩm gửi gắm, từ đó phát triển thành niềm tin giữa con người đó với thế giới mà họ đang sống. Cuối cùng, văn chương tạo dựng niềm tin giữa con người với con người, nhờ sự thanh lọc, nhờ những điều tốt đẹp, nhờ hy vọng, ước mơ. Niềm tin đó trở thành động lực, giống như cách Scarlett O’hara đã luôn nói “Sau tất cả, ngày mai sẽ là một ngày mới”, một ngày mới và tất cả sẽ tốt hơn, một ngày mới và đống hoang tàn trước mắt sẽ thành quá khứ, một ngày mới - chỉ cần tin như vậy thì sẽ lại nhìn thấy khởi đầu, nhìn thấy những điều tốt đẹp. Có như vậy, con người ta can đảm chọn lựa cuộc sống dẫu có đi qua bao nhiêu biến cố, thăng trầm. Niềm tin gắn kết con người với sự sống. Bệnh tật có thể tước đoạt đi một thể chất khoẻ mạnh, có thể dày vò người ta bằng những cơn đau thể xác. Thế nhưng, chỉ cần tinh thần của con người còn có niềm tin vào những điều tốt đẹp, vào sự sống, tương lai, có niềm tin vào chính nội lực sinh tồn của mình thì sự sống vẫn ở đó. Con người có thể chết đi nhưng niềm tin và khao khát sống sẽ ở lại, để lan toả, tạo thành động lực và cũng là niềm tin cho những người còn sống mai sau.



Không phải là cơn đại dịch đầu tiên mà nhân loại phải trải qua, nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng bảy tỉ người trong chúng ta có thể bình thản mà đối diện với nó. Đại dịch xuất hiện, con người phải gánh chịu rất nhiều hậu quả và dư chấn mà nó để lại, tất cả có thể trở thành những mất mát, những vết thương không bao giờ liền miệng trong nhận thức của chúng ta. Những đau thương đó, rồi sẽ hoá thành ký ức nhưng chúng ta cũng không cách nào xoá nhoà nó đi, chúng ta chỉ có thể tiếp tục sống cùng nó, xem nó là một phần bên trong mình nhưng ngừng cảm thấy đau đớn, buồn rầu. Và để đối mặt, chấp nhận rồi sống cùng những vết thương bên trong mình, chúng ta có văn chương, có nghệ thuật, như một chỗ dựa luôn luôn đồng điệu, luôn luôn thấu hiểu. Đó cũng chính là lý do, chúng ta cần đến những người nghệ sĩ, những người mang lĩnh nỗi buồn cùng nhân gian và nâng đỡ con người, đi qua những cuộc bể dâu.



🌿NGUYỄN ĐỨC LAM THẢO

  ĐỀ: “Một vầng trăng in trong gương Vẫn là một vầng trăng. Vầng trăng qua lòng mắt người nghệ sĩ Có thể thành vô vàn nét đẹp.” (Theo Phạm T...