Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

 ĐỀ BÀI

Con ngựa tốt nhất vẫn cần đến roi da; con người tốt nhất vẫn cần đến những lời khuyên. ( Ngạn ngữ Mông Cổ)

          Ý kiến của anh (chị) về câu ngạn ngữ trên?

          ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM CHẤM MÔN VĂN 

           I) Yêu cầu về kĩ năng:

Vận dụng thuần thục cách làm bài văn nghị luận xã hội (nghị luận về một tư tưởng, đạo lí). Có cách viết chặt chẽ, lưu loát.

II)Yêu cầu về kiến thức:

Học sinh có thể đề xuất những cách hiểu, cách bàn luận theo cảm nhận riêng, điều quan trọng là cách hiểu và cách bàn luận ấy phải xuất phát từ việc hiểu đúng câu ngạn ngữ. Nên tổ chức bài làm theo định hướng sau:

1. Giải thích ý nghĩa của câu ngạn ngữ:

- Con ngựa tốt nhất vẫn cần đến roi da là kinh nghiệm thuần dưỡng ngựa của người Mông Cổ

- Con người tốt nhất vẫn cần đến những lời khuyên nói đến tác dụng của lời khuyên với con người

- Từ kinh nghiệm thuần dưỡng vật nuôi, câu ngạn ngữ hướng đến khẳng định vai trò của những lời khuyên với con người (để sống tốt hơn, thông thái hơn, thành đạt hơn...)

2. Bình luận về ý nghĩa của câu ngạn ngữ:

Khẳng định tính chất đúng đắn và thông thái của câu ngạn ngữ:

- Lời khuyên cần thiết cho con người nói chung: lời khuyên vực ta dậy lúc khó khăn, lời khuyên làm dịu lòng khi ta nóng giận, lời khuyên làm tỉnh trí hồ đồ, lời khuyên ghì cương bản năng bất kham của con người bên bờ vực tội lỗi...

- Con người không ai toàn diện, biết hết, nên luôn cần đến những lời khuyên đúng lúc.

- Câu ngạn ngữ đặc biệt hướng đến loại người được cho là ưu việt: người tốt nhất. Người tốt nhất hay thông thái nhất cũng là con người có giới hạn nên cũng rất cần đến những lời khuyên.

- Cần chỉ ra biết tiếp nhận lời khuyên là đúng đắn nhưng nô lệ lời khuyên là tệ hại.

3. Bài học nhận thức và hành động:

- Biết giá trị của những lời góp ý khuyên nhủ của những người xung quanh. Biết cho lời khuyên một cách chân thành.

III) Cách cho điểm:

- Điểm 7-8: Bài chặt chẽ, mạch lạc, đúng hướng. Đáp ứng các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức. Có thể còn mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt.

- Điểm 5-6: Bài tương đối chặt chẽ, đúng hướng. Đáp ứng các yêu cầu cơ bản về kĩ năng và kiến thức. Có thể còn mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt.

- Điểm 3-4: Bài còn sơ sài nhưng nhìn chung vẫn đúng hướng. Còn mắc một số lỗi về diễn đạt hoặc bài còn chung chung nhưng vẫn đúng hướng. Còn mắc một số lỗi về diễn đạt.

- Điểm 1-2: Bài tản mạn, quá sơ sài hoặc bài tối nghĩa, chưa hoàn chỉnh. 

- Điểm     0: Chưa làm được gì hoặc hoàn toàn lạc đề.


Thứ Tư, 4 tháng 3, 2020

Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh...

Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh...


ĐỀ BÀI:
"Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác".
(Xu khôm linxki)
Em hãy trình bày suy nghĩ của mình về câu nói trên.

BÀI LÀM
[Bùi Ngọc Ly 12 văn (2012 – 2015) Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội]

Nếu ví cuộc sống như một đường đua thì con người chính là những vận động viên tham gia cuộc chạy. Trên đường đó, có những người gắng hết sức để đến đích, để được ghi tên lên bảng vàng thành tích. Lại có những người tuy không về đích với một thành tích ấn tượng, nhưng những nỗ lực người đó thể hiện trên đường đua cũng đủ sức ghi dấu ấn vào trái tim một cổ động viên. Xu - khôm - lin-xki từng nói:"Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác". Đúng vậy, con người sống trên đời phải khẳng định dấu ấn cá nhân của riêng mình.

          Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của đời sống, từ cổ chí kim chưa ai thoát khỏi. Một con người khi được sinh ra cũng là lúc đang tiến dần đến cái chết. Có những cái chết chỉ sau một thời gian ngắn ngủi đã bị lãng quên, nhưng có những người dù cuộc sống đã kết thúc nhưng tên tuổi là bất tử.

"Con người sinh ra không phải để tan biến như một hạt cát vô danh". Câu nói nhấn mạnh, nhắc nhở con người ta hãy sống chứ đừng chỉ tồn tại, để đến khi chia tay cuộc đời không phải hối tiếc vì mình chỉ là một hạt cát vô danh không ai nhớ tới. Sống trên đời, con người phải cống hiến. Đó có thể là sự trao gửi tình cảm, là những hi sinh bản thân vì người khác và vì xã hội. Ai khi sinh ra cũng đều được ban một cuộc sống. Thế nhưng cuộc sống ấy có ý nghĩa hay không lại phụ thuộc vào bản thân ta. Hãy sống để "lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác". Không nhất thiết phải vĩ nhân mới ghi dấu ấn trên cuộc đời. Chỉ cần ta sống hết mình, yêu chân thành, cống hiến hết sức, bản thân ta đã ghi lại được dấu ấn, những ấn tượng tốt đẹp. Câu nói của Xu – khôm- lin-xki quả thực đáng suy ngẫm, là một lời nhắc nhở về cách sống của con người trong cuộc đời.

          Con người kể từ khi sinh ra, điều quan trọng không phải chúng ta sống được bao nhiêu thời gian mà chúng ta sống thế nào trong thời gian đó mới là điều đáng lưu tâm. Đã bao lần bạn thức dậy và cảm thấy cuộc sống bản thân là một chuỗi những ngày lặp lại nhàm chán? Có khi nào bạn tự hỏi mình sống vì ai và vì mục đích gì? Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng có ít nhất một lần tự băn khoăn về cuộc sống của chính bản thân mình. Và bởi vậy, sống để khẳng định mình là yếu tố quan trọng. Tôi có đọc được một bài báo viết về con người và cái chết. Trong đó có một đoạn với đại ý rằng chúng ta nhiều lần đi đám tang, đeo lên mình một gương mặt thương tiếc, nhưng ngay sau đó một thời gian ngắn có thể lãng quên người đã ra đi. Tôi bỗng tự đặt câu hỏi, chăng may cái ngày mà mình nằm đó thì có bao nhiêu người sau đó sẽ lãng quên ta? Ý thức về điều đó, ta càng hiểu hơn tại sao sống phải ghi danh lên cuộc đời. Đó là bởi trong mỗi chúng ta luôn có một cái "tôi" trú ngụ, nó khao khát được thể hiện và khẳng định bản thân. Đừng để cuộc sống chảy trôi một cách vô nghĩa, hay ghi lại dấu ấn cá nhân để không bao giờ phải hối tiếc.

          Người Việt Nam hẳn ai cũng đều mang một tấm lòng tôn kính Hồ Chủ tịch. Người đã hi sinh cả cuộc đời để đánh đổi hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc. Để rồi sau gần nửa thế kỉ qua đi, tên tuổi Người vẫn rực sáng khắp non sông, bao thế hệ kính cẩn tôn trọng. Hay ta còn biết đến Steve Jobs, một người có công rất lớn cho việc sáng tạo và phát triển ngành công nghệ điện tử. Ông sinh ra và được nuôi nấng bởi một cặp cha mẹ nuôi làm luật sư, từng bỏ học Đại học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng ông đã khiến hàng ngàn người trên thế giới phải bỏ ra một số tiền không nhỏ vì các sản phẩm mang thương hiệu Apple. Dù đã qua đời bởi căn bệnh ung thư, Steve Jobs vẫn luôn được nhắc đến như một huyền thoại với những người yêu công nghệ.

Nhà thơ Thanh Hải trong "Mùa xuân nho nhỏ" viết:
                  "Một mùa xuân nho nhỏ
                  Lặng lẽ dâng cho đời
                  Dù là tuổi hai mươi
                  Dù là khi tóc bạc".
          Bạn có thể không trở thành một vĩ nhân, nhưng hãy trở thành "một hạt bụi vàng". Chỉ cần chúng ta sống và hết mình với cuộc sống, tên tuổi ta sẽ tự khắc vào con tim, khối óc mọi người. Bản thân mỗi chúng ta khi sinh ra đã đều khắc dấu ấn trong trái tim cha mẹ. Thế nhưng, hãy tiếp tục nỗ lực, dùng năng lực bản thân để cống hiến cho cuộc sống. Kẻ lãng phí cuộc sống là kẻ ngu ngốc nhất. Khi ta nhìn ra thế giới ngoài kia, có biết bao người khuyết tật vẫn cố gắng sống để ghi dấu ấn lên cuộc đời như Nick Vujicic, thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí... Nếu được sinh ra là một người lành lặn, hãy cố gắng để ghi dấu ấn bản thân và kể cả bạn có kém may mắn hơn những người khác cũng hãy vui vẻ tiếp tục sống.

          Thế nhưng, trong xã hội hiện nay, có không ít người tự tạo dấu ấn cho bản thân bằng những vụ việc tai tiếng. Báo chí không ít lần đưa tin một cô người mẫu với những phát ngôn gây sốc, hay chuyện một chàng trai ảo tưởng về bản thân và coi thường người khác. Có vô vàn cách để chúng ta ghi dấu ấn lên cuộc đời, nhưng quan trọng dấu ấn đó sẽ trở thành một ánh hào quang luôn rực sáng hay một vết nhơ đáng xem thường.

          Với tôi, ghi dấu ấn cuộc đời trước hết là sống chân thành với mọi người. Tôi biết trân trọng cuộc sống mình đang có, biết yêu thương những người xung quanh. Với hơn cả, tôi nỗ lực từng ngày để khẳng định bản thân, để từng bước một ghi lại dấu ấn cá nhân lên cuộc đời.

          Bạn thấy đó, xã hội phát triển, nhịp sống con người ngày một nhanh. Nếu không bắt nhịp, bạn sẽ nhanh chóng bị hất văng khỏi đường đua, để rồi tan biến đi như một hạt cát. Tạo hóa kì diệu sinh ra con người đều có đặc điểm riêng khác nhau, bởi vậy hãy cố gắng để ghi lại dấu ấn cá nhân của riêng mình trên mặt đất và trong trái tim người khác.

HÌNH TƯỢNG CON HỔ TRONG #NHỚ_RỪNG


HÌNH TƯỢNG CON HỔ TRONG #NHỚ_RỪNG
Cho đến nay, các tài liệu lịch sử văn học đều nhất trí ghi nhận Thế Lữ là người bằng sáng tác đã đưa đến thắng lợi quyết định cho Thơ mới buổi chào đời.Mà nói đến Thế Lữ, người ta trước hết nghĩ đến bài Nhớ rừng. Vậy thì, cũng có thể nói rằng, chính Nhớ rừng, là tác phẩm quan trọng nhất đã dẹp được những lời dè bỉu xuất phát từ phái “thơ cũ” về cái gọi là “dốt nát”, “ngẩn ngơ”, “vơ vẩn” của “bọn” làm Thơ mới.
Tại sao Nhớ rừng có thể làm được điều đó? Dĩ nhiên là vì nó hay, hoàn hảo về hình thức và điều đặc biệt quan trọng đối với nhiều người thuộc phái “thơ cũ” là nó có “nghĩa lí”. Nhớ rừng không viết về đề tài tình yêu. Bài thơ tràn ngập một không khí bi tráng, có thể gợi nhiều suy nghĩ về thời thế, về hiện thực cuộc sống lúc bấy giờ. Không phải không có lí khi một số người nghiên cứu đã nhấn mạnh tâm sự yêu nước ở bài thơ (Sự nhấn mạnh ấy hẳn chứa đựng nhiều ý nghĩa vào thời điểm Thơ mới lâm cơn “bĩ cực”). Ra đời trong một bối cảnh lịch sử - xã hội và văn hoá đặc biệt của đất nước, hệ từ vựng gồm những căm hờn, uất hận, cũi sắt, nhục nhằn, tù hãm, sa cơ, tình thương, nỗi nhớ, ngày xưa, ngàn thâu, ngàn xưa, giang san, nước non... không phải, không thể được sử dụng một cách vô ý. Nó dễ đụng đến chỗ nhạy cảm của tâm hồn Việt, làm thức dậy những kí ức, làm khuấy động những nỗi niềm. Từ bài thơ, ta nghe đồng vọng tiếng thở dài u uất của bao anh hùng thất thế “gậm một khối căm hờn”...
Tuy nhiên, quá cường điệu hay bác bỏ ý nghĩa này của Nhớ rừng đều là việc làm không thoả đáng. Nếu quá cường điệu, ta buộc phải xem Nhớ rừng như một hiện tượng đi lạc hệ thống (“hệ thống" những sáng tác của Thế Lữ và của đại đa số các nhà Thơ mới khác), mà điều này thì rất khó được chấp nhận. Nếu bác bỏ, cho rằng bài thơ chỉ thể hiện khát vọng đòi giải phóng cái tôi cá nhân thôi, thì phải lí giải làm sao về cái giọng thống thiết, bi phẫn, về tâm sự ngụt lửa trong bài, dẫu vẫn biết thơ lãng mạn rất ưa dùng thủ pháp khoa trương, phóng đại, thích tuyệt đối hóa vấn đề, thích dựng lên những tương quan đối lập? Vả chăng, nếu nỗi ám ảnh về thân phận một người dân mất nước vốn tồn tại thực trong tâm não của hầu hết người Việt Nam, thì vẫn có thể khẳng định: những quan hệ xã hội mang tính chất tư bản chủ nghĩa mới được du nhập vào Việt Nam (dù là quái dị do tương tác với các điều kiện thuộc địa), vẫn chưa thể bộc lộ hết tất cả mặt phi nhân của nó như sau này để khiến cái tôi mới chào đời phải thất vọng não nề, phải chán nản cùng cực, phải kêu lên phẫn uất như con hổ trong bài thơ của Thế Lữ. Ngay trong trường hợp nhà thơ Việt Nam có được trải nghiệm nỗi hoài nghi sâu sắc đối với xã hội tư sản, một cách gián tiếp, thông qua văn học lãng mạn Pháp (vốn không phát triển đồng pha với văn học lãng mạn Việt Nam) thì vấn đề vẫn không khác. Như vậy, sự lựa chọn chỉ một trong hai ý nghĩa nói trên vô tình đã làm mờ bản sắc của bài thơ, khiến ta không thấy hết đóng góp độc đáo của Thế Lữ. Nhớ rừng, như mọi bài thơ hay khác, vốn đa tầng, đa nghĩa, có thể gợi nhiều chiều hướng cảm thụ khác nhau. Bài thơ giống như sự kết tinh của hàng loạt mối quan hệ phong phú, phức tạp tồn tại trong xã hội Việt Nam một thuở. Và khi đạt tới giá trị kết tinh ấy, nó dành quyền tồn tại như một thông điệp gửi tới muôn đời, mời gọi một sự “thông diễn” không hạn chế.
Cái tứ của Nhớ rừng không phải là của riêng Thế Lữ. Ta đã thấy nó hiển hiện ở bài Sư tử trong chuồng của Jean Aicard, thấp thoáng ở bài Chim hải của Charles Baudelaire. Nói rộng ra nữa, tứ “nhớ rừng” nằm trong một cái tứ phổ quát của thơ lãng mạn: đối lập hiện thực với ước mơ, đối lập hiện tại với quá khứ, đối lập cái tầm thường với cái cao cả, đối lập cái nhân tạo với cái tự nhiên; thân sống trong hiện thực, hiện tại, trong cái tầm thường, cái nhân tạo thô kệch mà hồn thì bay tới cõi ước mơ, hướng về quá khứ vàng son, khao khát được sống cao thượng, trong sạch giữa thiên nhiên khoáng dã... Qua cái tứ phổ quát đó, ta thấy lộ diện một cái tôi bất hoà với xã hội, bất mãn với chính mình (đúng hơn là với tình trạng phải cam chịu trong cảnh tù hãm của mình), bất an triền miên với chính nội tâm quá ứ đầy, quá phong phú mà mình trót mang theo như một định mệnh. Xét từ góc độ này, có thể nói Nhớ rừng đúng là một bài thơ lãng mạn, đã cho ta thấy rõ những đặc điểm thi pháp riêng của loại hình thơ này. Tất nhiên, một tứ thơ của thời đại lãng mạn vẫn có thể hợp nhất vào nó những cái tứ đã từng xuất hiện trong lịch sử thi ca. Giữa Nhớ rừng của Thế Lữ và Chim trong lồng của Nguyễn Hữu Cầu không phải không có mối liên hệ nào đó.
Chỉ ra tính phổ quát của tứ thơ ở bài Nhớ rừng không hề làm giảm nét độc đáo trong cách hiện thực hoá tứ thơ của Thế Lữ. Nếu ở bài Sư tử trong chuồng, Jean Aicard luôn tạo sự gián cách giữa nhân vật trữ tình và con sư tử, tả con thú không may này như một đối tượng khách quan - đối tượng đưa lại cho anh ta nhiều suy ngẫm về số phận bi đát của kẻ mất tự do, thì ở bài Nhớ rừng, Thế Lữ (hay đúng hơn là nhân vật trữ tình) đã thực sự hoá thân vào con hổ. Đọc bài thơ, đến lượt độc giả cũng thấy mình bị đồng nhất với hổ, nhập cảm hoàn toàn tâm trạng hổ để có thể kêu lên những lời trầm thống, bi thiết. Hẳn nhiên, tiếng kêu đòi tự do, đòi thoát khỏi kiếp sống tầm thường, tù hãm của kẻ đang trải nghiệm thấm thía nỗi đau bị giam cầm hẳn phải lay động hơn, phải “bật máu” hơn tiếng kêu hộ của một kẻ đồng cảm đứng ngoài. Chính Thế Lữ tự ý thức được hoàn toàn về đặc điểm này của bài thơ, bởi vậy, với tư duy duy lí tiếp nhận được từ phương Tây, ông phải cẩn thận chú thích dưới nhan đề Nhớ rừng một dòng chữ: Lời con hổ ở vườn Bách thú, ý chừng muốn lưu ý độc giả đừng vì nhập hồn vào bài thơ mà cứ mãi tưởng mình là hổ! Nghịch lí thay, càng làm cái việc phân định rạch ròi, Thế Lữ càng cho thấy mức độ đồng nhất cao giữa đối tượng miêu tả và cái tôi trữ tình! Nếu nói cho chi li, ngoại trừ lời chú thích đã nêu vốn thuộc về phần nhan đề, trong phần “ruột” của bài thơ cũng có một câu - chỉ một câu thôi - là thể hiện cái nhìn gián cách. Đó là câu Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua. Thoạt đọc, ta vẫn thấy đó là câu “tự tình” của chính con hổ, nhưng đọc kĩ, ta lại nhận ra một ánh nhìn, một quan sát đến từ phía bên ngoai. Con các câu khác như Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng / Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng và Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan bề ngoài xem chừng giống như nét vẽ của nhân vật trữ tình đứng gián cách, kì thực lại là những câu biểu hiện sự tự say ngắm mình của chính con hổ! Nói tóm lại, sự hóa thân của nhân vật trữ tình vào con hổ là khá triệt để và điều đó đã đem lại những hiệu quả tác động lớn không ngờ. Đây hiển nhiên là một nét đặc sắc của bài thơ. Chính nó đã đưa vào bức họa tổng thể về chân dung cái tôi của Thơ mới một nét rắn rỏi, giúp người đọc hiểu rằng cái tôi của Thơ mới một nét rắn rỏi, giúp người đọc hiểu rằng cái tôi này không phải chỉ có dáng dấp ẻo lả, yếu đuối và không phải bao giờ cũng chỉ biết quay lưng lại các vấn đề xã hội. Phải mạnh mẽ, tự tin, và nữa, phải có “hồn thơ rộng mở’’ (chữ của Hoài Thanh) đến độ nào thì mới có thể đồng nhất mình với chúa sơn lâm được chứ!
Như vậy, màu sắc tự biểu hiện của cái tôi trữ tình ở bài thơ là rất đậm. Nhưng không vì thế mà chất tạo hình của Nhớ rừng lại không nổi bật. Hai đặc điểm này không phản trái mà tương hợp với nhau. Lại vẫn là một nét trội trong thi pháp của loại hình thơ lãng mạn mà ở đó cái tôi trữ tình ưa đối tượng hoá lòng mình để được tự ngắm, tự ve vuốt! Trong bốn đoạn của bài thơ Nhớ rừng, đoạn hai là đoạn thể hiện khả năng tạo hình của ngòi bút Thế Lữ rõ rệt hơn cả. Câu chữ nổi gồ lên, khiến hình tượng đập mạnh vào thị giác, thính giác. Những gào, những hét, những thét vừa trùng lặp vừa biến hoá, kích mãi lên một cảm giác mãnh liệt. Cũng thế, những sơn lâm, bóng cả, cây già, lá gai, cỏ sắc, những dõng dạc, đường hoàng, nhịp nhàng, những quắc, tan, chuyển, gội, lênh láng... trông giống như những vạch màu ngắn, liên tiếp, trùng trùng trong tranh Vincent Van Gogh, đưa đến ấn tượng về trạng thái mê man lên đồng của kẻ đang bị vây riết bởi những kí ức hào hùng và của sự sáng tạo. Từ kí ức của con hổ, tất cả vẻ đẹp man dại, phóng khoáng của chốn nước non hùng vĩ hiện ra mồn một, động cựa, biến đổi không ngừng. Rất ít hoặc hầu như không có những hòa sắc xám nhạt, tan loãng, mơ hồ mà chủ yếu là những màu nguyên đậm đà, tươi tắn, kích thích. Chi tiết ken dày trong đoạn thơ và nói chung là trong cả bài thơ, cho thấy một nhãn thức tạo hình rất khác với nhãn thức tạo hình của thơ cổ điển, của loại hình văn nhân họa vốn thích cái vô ngôn, thích chừa khoảng trống cho sự lắng mình chiêm nghiệm, sự thả hồn phiêu diêu theo những ý niệm huyễn hồ. Rõ ràng những điều đó là biểu hiện của một cái tôi muốn toàn quyền đặt và phân phối cảm xúc của mình lên thế giới chung quanh, gom thế giới vào tà và biến ta thành tất cả thế giới. Nhưng với Nhớ rừng, Thế Lữ không chỉ tiếp thú thuần thục kiểu tạo hình mới tràn đầy nhiệt hứng của loại hình thơ lãng mạn mà còn rút tỉa được cả những kinh nghiệm nghê thuật quý báu của phái Thi sơn (La Parnasse) vốn thích những đường nét mô tả đầy tính điêu khắc đối với thế giới hữu hình. Đọc bài thơ ta cảm nhận được rất rõ cái trương lực được Đọc bài thơ, ta cảm nhận 1 được rất rõ cái trương lực được tạo nên bởi cuộc tranh chấp giữa việc buông 1 thả mình theo những cảm xúc say sưa và việc tiết chế chính những cảm xúc đó, không để chúng làm tan loãng khối hình thực có của các đối tượng được nhắc đến. Xét từ góc độ này, có thể nói Thế Lữ không phải là một nhà thơ lãng mạn thuần thành theo kiểu của Alphonse de Lamartine, Alfred de Musset... Dấu vết ảnh hưởng Leconte de Lisle không thể nói là không đậm, từ niềm thích thú quan sát những tập tính của động vật đến cách làm nổi bật dáng vẻ uy nghi, bí ẩn của thiên nhiên trong các bài thơ. Nói cụ thể, có lẽ câu thơ Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng đã được Thế Lữ viết ra trong sự ám ảnh của các câu thơ của Leconte de Lisle: Đôi khi một con trăn ngủ, nóng quá, uốn lưng như sóng cuộn, vẩy da lấp lánh dưới ánh mặt trời /Con voi đầu đàn, đầu như một khối đá, xương sống hình cung, mỗi khi voi bước, lại uốn cong lên một cách mãnh liệt... (bài Đàn voi);... Báo đen, kẻ chuyên săn bò và ngựa / Hung hiểm muộn phiền, nó bước đều đặn quay yề / Theo chiều dài những thân cây già da rêu đã chết / Nó đến, cọ tấm lưng vạm vỡ oằn lên... (bài Giấc mơ của báo đen)...
Từng có ý kiến cho rằng để tô đậm cái phi thường của hình tượng trung tâm (con hổ), nhà thơ đã tạo nên sự tương phản gay gắt giữa tầm vóc oai dũng của hổ với cái tầm thường không chỉ của hoàn cảnh sống nơi vườn Bách thú mà còn của “cả bao tạo vật, cảnh trí lớn lao trong vũ trụ”. Các dữ kiện có trong bài thơ cho phép ta nhìn nhận vấn đề theo một cách khác. Có một sự phân biệt - đối lập rất rõ ai cũng thấy giữa cảnh hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng với cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già, nghĩa là giữa cảnh / cái nhân tạo với cảnh / cái tự nhiên. Con hổ chỉ ghét và khinh miệt hoàn cảnh sống tầm thường, giả dối, tù hãm mà nó không may lâm vào chứ không hề chối bỏ, coi rẻ môi trường tồn tại đích thực, nguyên thuỷ của mình. Nếu hổ thấy tất cả đều như nhau đều không ra gì, chả hoá ra sự phân biệt - đối lập ở trên là vô nghĩa? Con hổ nhớ rừng, gọi rừng là chốn ngàn năm cao cá, âm u, là cảnh nước non hùng vĩ, oai linh, ghê gớm... cơ mà! Bao nhiêu trìu mến tụ về trong câu Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới, và cũng có bao nhiêu nỗi khát khao được chia sẻ với rừng dồn chứa ở tiếng gọi cuối bài Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi! Hổ không có rừng thì còn gì là hổ! Rừng là cuộc sống của hổ, là nơi nuôi dưỡng, giữ gìn, khơi dậy và nhân lên sức mạnh huyền bí của hổ, cho hổ có được cái ý thức mình là chúa tể cả muôn loài, có thể ngự trị, vùng vẫy để làm nên cả một thời oanh liệt... (Lưu ý thêm: rừng trong sáng tác của các nhà thơ lãng mạn, đặc biệt trong thơ Thế Lữ, luôn là một biểu tượng của sức mạnh nguyên thủy, của cái tự nhiên mà con người đã đánh mất. Vì vậy, nó thường được đặt ra như một tấm gương giúp người ta thấy được chân diện mục của cảnh sống, tình trạng sống bất như ý hiện tại, và từ đó khơi dậy nỗi nhớ nhung hoặc niềm khắc khoải tìm về).
Dù được đặt trên cùng một “mặt phẳng” của trang thơ, câu Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ và câu Ta biết ta chúa tể cả muôn loài chính thuộc về hai cấp độ tứ khác nhau (tứ bao quát toàn bài và tứ bộ phận của đoạn), hướng tới những tiêu điểm nghệ thuật không giống nhau. Câu thơ sau và một số câu khác của đoạn hai như Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc / Là khiến cho mọi vật đều im hơi; Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt / Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật không toát lên giọng điệu khinh miệt đối với “cả thế giới”, mà toát lên ý thức khẳng định uy quyền của một kẻ hiểu sức mạnh của mình và đang có được sức mạnh đó, muốn thi thố sức mạnh đó (theo giấc mộng ngàn thoát ra từ vườn Bách thú). Nhận định “Hình ảnh “mảnh mặt trời” gợi ra được cái nhìn tàn bạo của con Hổ muốn dẫm nát cả vũ trụ” (Nam Chi) nếu được chấp nhận thì cũng chỉ nên xem nó như một cách diễn đạt đầy ấn tượng về sự tự tin vào bản thân và khát vọng chiếm hữu toàn bộ thế giới của con hổ (cũng là của cái tôi cá nhân) mà thôi. Không thể diễn dịch nó ra thành cái ý nói về sự đối chọi mang tính chất “khùng điên” của con hổ đối với tất cả. Ngay trong khát vọng muốn chiếm hữu thế giới đã bao hàm thái độ khẳng định cái “đáng kể” của thế giới rồi! Con hổ có ý thức được giới hạn sức mạnh của mình hay không? Chính tiếng kêu Than ôỉ! Thời oanh liệt nay còn đâu? đã nói lên tất cả! Đó là chỗ “đáng quý”, “đáng yêu” và “đáng thương” của hổ. Đó cũng là chỗ giá trị nhân bản, nhân loại của hình tượng con hổ được thể hiện rõ. Từ khát vọng và bi kịch của con hổ, ta đọc thấy khát vọng và bi kịch không chỉ của cái tôi cá nhân một thời mà còn của chung con người trong mọi thời. Khả năng tích hợp ý nghĩa của hình tượng con hổ trong Nhớ rừng quả thực là lớn lao. Ở trên cố nói rằng hình tượng này có thể mời gọi một sự “thông diễn” không hạn chế là vì vậy.
(Bài viết “Tiếp cận hình tượng con hổ trong Nhớ rừng của Thế Lữ”)
TS. PHAN HUY DŨNG


Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

“Lòng nhân ái là biểu hiện cao đẹp nhất của con người”

NLXH - “Lòng nhân ái là biểu hiện cao đẹp nhất của con người” (Steve Godier)
🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀🍀
Giải thích:
Lòng nhân ái cần được nuôi dưỡng và phát triển hàng ngày. Trong xã hội hiện đại càng cần có những tấm lòng nhân ái. Vậy nhân ái là gì? Đó chính là tình yêu thương giữa con người với con người. Lòng nhân ái là cách con người trao cho nhau những tình cảm tốt đẹp mà không có ý vụ lợi, là trao đi yêu thương vô điều kiện.
Phân tích, chứng minh:
Có thể ví lòng nhân ái giống như chiếc cầu nối những tâm hồn với nhau, giúp những người xa lạ có thể xích lại gần nhau. Từ ngàn xưa cha ông ta đã
đúc kết thành những kinh nghiệm sống quý báu: “lá lành đùm lá rách”, “ Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” hay “ Thương người như thể thương thân”.. từ đó mà lòng nhân ái trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong chiến tranh, chính tình yêu thương đã làm nên sức mạnh dân tộc để đánh thắng những kẻ thù sừng sỏ nhất. Ngày nay , đất nước hòa bình nhưng vẫn còn có bao nhiêu mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ cần chúng ta chung tay giúp sức. Mỗi năm bão lũ qua đi, biết bao nhiêu gia đình không nhà không cửa nếu không nhờ đến sự chung tay giúp đỡ của mọi người thì không biết đến khi nào họ mới trở lại cuộc sống bình thường. Lòng nhân ái không chỉ giúp họ khắc phục khó khăn mà cò khiến trái tim chúng ta rộng mở.
Bình luận:
Bên cạnh đó vẫn còn nhiều người sống với thái độ vô cảm, ích kỉ chỉ nghĩ cho bản thân, chỉ lo đến quyền lợi cá nhân. Họ không quan tâm đến những người xung quanh. Họ thờ ơ với nỗi đau của chính đồng loại của mình. Nhưng cũng có những người lợi dụng lòng tốt của mọi người để tư lợi cá nhân. Đó là thái độ sống cần phê phán và lên án gay gắt.
Liên hệ : Lòng nhân ái khiến con người xích lại gần nhau hơn. Sống yêu thương nhau là một cách chúng ta làm đẹp, làm giàu cho tâm hồn mình.

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2020

NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI – ĐOẠN PHÁ BOM


NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI – ĐOẠN PHÁ BOM
Đề bài:
Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ vào không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn chúng tôi không? Chắc có, các anh ấy có những cái ống nhòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt. Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các anh chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích kiểu đi khom khi có thể đàng hoàng mà bước tới.
Quả bom nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô, một đầu vùi xuống đất. Đầu này có vẽ hai vòng tròn màu vàng…
Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Đất rắn. Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên. Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. Hoặc là nóng từ bên trong quả bom. Hoặc là mặt trời nung nóng. […]

Hồi còi thứ hai của chị Thao. Tôi nép người vào bức tường đất, nhìn đồng hồ. Không có gió. Tim tôi cũng đập không rõ. Dường như vật duy nhất vẫn bình tĩnh, phớt lờ mọi biến động chung là chiếc kim đồng hồ. Nó chạy, sinh động và nhẹ nhàng, đè lên những con số vĩnh cửu. Còn đằng kia, lửa đang chui bên trong cái dây mìn, chui vào ruột quả bom…
Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần. Tôi có nghĩ tới cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể. Còn cái chính: liệu mìn có nổ không? Không thì làm cách nào để châm mìn lần hai?
(Lê Minh KhuêNhững ngôi sao xa xôi, SGK Ngữ văn 9, tập Hai, NXB Giáo dục, 2006)
Cảm nhận của em về nhân vật Phương Định trong đoạn trích trên.

Bài làm
“Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn.
Em vẫy cười đôi mắt trong.”
(Lá đỏ – Nguyễn Đình Thi)
Hình ảnh các cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn đã là một nguồn cảm hứng bất tận cho văn học cách mạng, đó là những cô gái kiên cường nhưng giàu tình cảm, mang những phẩm chất tốt đẹp. Phương Định trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” (Lê Minh Khuê) là một minh chứng tiêu biểu cho sức sống mãnh liệt của hình tượng cô thanh niên xung phong trong lòng bạn đọc. Nhà văn Lê Minh Khuê, bàng một bút pháp tinh tế và cảm nhận sâu sắc, đã mở ra một khoảng trời kí ức trong tâm hồn Phương Định, hé lộ những phẩm chất của nhân vật, đặc biệt qua đoạn trích: “Vắng lặng đến phát sợ… châm mình lần hai”.
Lê Minh Khuê là cây bút nữ chuyên về truyện ngắn. Đề tài của Lê Minh Khuê trong những năm chiến tranh chính là cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ trên tuyến đường Trường Sơn. Truyện ngắn “Nhũng ngôi sao xa xôi” là tác phẩm đầu tay của Lê Minh Khuê, viết năm 1971, lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra ác liệt.
Truyện ngắn “Nhũng ngôi sao xa xôi” kể về cuộc sống của những cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Ba nữ thanh niên xung phong (Thao, Phương Định, Nho) làm thành một tố trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp do bom địch gây ra, đánh dấu vị trí các trái bom chưa nổ và phá bom. Công việc của họ hết sức nguy hiếm, họ phải luôn bình tĩnh đối mặt với thần chết. Họ ở trong một cái hang, dưới chân cao điểm, cách xa đơn vị. Cuộc sống khắc nghiệt và nguy hiểm nhưng họ vẫn có những niềm vui của tuổi trẻ, những giây phút bình thản, mơ mộng, và rất gắn bó với đồng đội của mình. Một lần phá bom, Nho bị thương, cả Phương Định và chị Thao đều xót xa, lo lắng. Bỗng nhiên một cơn mưa đá ập đến khơi dậy trong Phương Đinh rất nhiều kí ức và hoài niêm.
Đoạn trích nằm ở giữa tác phấm. Sau khi giặc ném bom, chị Thao và Nho đi trinh sát, đo đạc, phát hiện ra có bốn quả bom chậm cần phải phá, nhằm đảm bảo tuyến đường Trường Sơn không bị đứt mạch. Phương Định có nhiệm vụ phá một quả bom trên đồi. Đoạn trích miêu tá công việc phá bom căng thẳng và nguy hiểm của Phương Định.
Qua đoạn trích trên, ta thấy Phương Định là một cô thanh niên xung phong can trường, gan dạ, giàu tinh thần trách nhiệm.Lê Minh Khuê đã miêu tả không gian tĩnh lặng, hoang tàn trên đường Phương Định đi đến chỗ quả bom để làm bật lên sự tàn khốc, căng thẳng của cuộc chiến. Phương Định nhận xét về bầu không khí ấy: “Vắng lặng đến phát sợ”. Đó là sự tĩnh lặng tuyệt đối và căng thắng như đè nặng lên tâm hồn nhân vật. Tất cả cảnh vật đều thiếu sức sống. Bom giặc hủy diệt thiên nhiên, những cái cây sót lại thì “xơ xác”. “Đất nóng” – câu văn ngắn khiến người đọc cảm nhận được mặt đất nóng rẫy bởi lửa đạn chiến tranh. Trong không khí là “khói đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì ở xa”. Hình ảnh đám khói vẩn tạo cảm giác hiu quạnh, hoang tàn. Tất cả các cảnh vật đều gợi đến sự hủy diệt, đều gợi nhắc đến lằn ranh sự sống – cái chết chỉ tích tắc, bởi đó là tàn tích sót lại sau một đợt càn quét dữ dội của quần giặc. Vậy mà giữa không gian hoang tàn chết chóc đó, Phương Định chỉ có một mình.
Trong tình huống nguy hiểm và cô độc ấy, tâm trí Phương Định bồng hiện ra câu hỏi: “Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không?”. Câu hỏi ấy cất lên thật tự nhiên, phù hợp với tâm lý nhân vật vì: Phương Định luôn dành tình cảm đặc biệt cho các anh lỉnh giải phóng. Tuy cô có nét kiêu kì của một người con gái Hà Thành, không săn sóc, vồn vã, nhưng thực tâm cô luôn nghĩ rằng “những người đẹp nhất, thông minh, can đảo và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ ”. Sự hiện diện của các anh như tiếp thêm cho cô sức mạnh và niềm tin để hoàn thành nhiệm vụ.Mặt khác, trong cái tĩnh lặng và cô độc đến đáng sợ của cuộc chiến, ánh mắt dõi theo của các anh cao xạ giống như một sự đồng tình, một sự úng hộ, một động lực lớn lao đồng hành cùng Phương Định. Nó xua tan cảm giác cô quạnh và xua tan sự sợ hãi. Nó giúp Phương Định nhận ra sợi dây gắn bó vô hình nhưng bền chặt giữa cô và đồng đội, giữa một cá nhân và một tập thế, đế có được thứ sức mạnh đoàn kết to lớn làm điểm tựa tinh thần. Cho nên, mặc dù lúc đầu sự không chắc chắn thể hiện qua hình thức câu hỏi, qua cụm từ “chắc có”, Phương Định vẫn tin tưởng mạnh mẽ vào các anh lính cao xạ. Biện pháp nói quá “Các anh ấy cổ những cái ổng nhòm cỏ thế thu cả trái đất vào tầm mắt ” vừa cho thấy sự nể phục vừa cho thấy niềm tin vững chắc của Phương Định vào các anh chiến sĩ.
Có một điểm tựa tinh thần như thế, nên Phương Định trở nên mạnh mẽ hơn. Cô nhận ra mình không còn sợ nữa. Và hơn hết, cô có can đảm để khẳng định: “Tôi sẽ không đi khom ”. Ta có thể hình dung một dáng đi hiên ngang, mạnh mẽ, ngấng cao đầu đầy kiêu hãnh của cô thanh niên xung phong đầy can trường giữa hoàn cảnh khắc nghiệt. Ớ Phương Định sáng lên vẻ đẹp của lòng tự trọng và một trái tim dũng cảm, bản lĩnh.
Thế rồi hình ảnh quả bom hiện ra: “Quả bom nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô, một đầu vùi xuống đất. Đầu này có vẽ hai vòng tròn màu vàng… ”. Phép nhân hóa qua từ “lạnh lùng” khiến quả bom như một kẻ thù hiếm ác, vừa như đe dọa, vừa như thách thức. Hình ảnh quả bom tách ra thành một đoạn văn riêng, chỉ có hai câu, tô đậm thêm sự nguy hiểm và bầu không khí căng thắng, nặng nề của công việc phá bom.
Phương Định nhanh chóng bẳt tay vào công việc. Những câu trần thuật ngan đặt kể nhau như nhũng nhịp hoạt động liên tục, thành thục của Phương Định. “Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom”, “Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên”. Công việc gian khổ, nguy hiếm này có lẽ Phương Định phải đối mặt mỗi ngày, cho nên cô hành động dút khoát, không do dự. Câu đặc biệt “Đất rắn ” ngắn và bình thản. Nó cho thấy sự cảm nhận trong tích tắc và sự pháp đoán mau lẹ của Phương Định. Công việc phá bom không chỉ căng thẳng, cần một thần kinh thép, mà còn đòi hỏi một sức khỏe bền bỉ và sự cấn thận, chính xác từng li, từng tí.

Đôi lúc lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Lê Minh Khuê miêu tả âm thanh ấy: “Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi ”. Phép chuyển đối cảm giác đầy sống động đã giúp người đọc hình dung ra cái âm thanh chát chúa của kim loại chạm vào nhau. Tiếng động ấy như một lưỡi dao, cứa vào da thịt Phương Định và như cứa vào trái tim người đọc. Bởi âm thanh ấy, trong những dao động gai người của nó, là thông điệp của cái chết. Biết đâu sau một trong những va chạm nhỏ nhất, quả bom sẽ phát nổ? Lười hái thần chết luôn rình rập trong công việc đầy hiểm nguy, gian khổ này.

Âm thanh chát chúa ấy dội vào tâm hồn Phương Định, cô nhận ra sao mình làm quá chậm. Câu cầu khiến: “Nhanh lên một tí!” vang ra như một sự thúc giục, cần phái nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ, trước khi có điều bất trắc gì xảy ra.
Chi tiết “Vỏ quả bom nóng” là một chi tiết đắt giá. Bởi đó là một “dấu hiệu chắng lành”: Có thế vỏ quả bom nóng do mặt trời nung, như vậy thì mọi việc vẫn bình an. Nhưng cũng có thế vỏ quả bom nóng do sức nóng từ bên trong, có nghĩa là nó sắp phát nổ. Câu văn “Vỏ quả bom nóng” như dồn nén tất cả sự căng thẳng. Trong một khoảnh khắc đó là sự giằng co giữa sự sống và cái chết, an toàn và hiểm nguy, là một thử thách lớn lao ngay cả với những tâm hồn can đảm nhất.
Trước thử thách tâm lý nặng nề ấy, người đọc nhận ra một sức mạnh phi thường trong tâm hồn Phương Định. Điệp cấu trúc “hoặc là…” lặp lại hai lần cho thấy một sự phán đoán bình thản đến bất ngờ. Dường như đứng giữa lằn ranh sống chết ấy, Phương Định quên đi sự an nguy của chính mình và vượt qua mọi nỗi sợ hãi, dồn toàn bộ tâm trí đế hoàn thành nhiệm vụ.
Đặt mìn phá bom xong, Phương Định hồi hộp chờ kết quả. Nếu ở phần trên, Lê Minh Khuê khắc họa sự nguy hiểm, căng thẳng của công việc phá bom trên bình diện không gian, thì đến đây nữ nhà văn giúp người đọc hình dung điều đó rõ hơn qua bình diện thời gian. Hai đấu hiệu của thời gian đó là: hồi còi của chị Thao và chiếc kim đồng hồ.
Không gian tĩnh lặng đến tận cùng. Và dường như thời gian ngưng đọng. “Không có gió ” – không có dù chỉ một âm thanh nhỏ, và không khí vẫn khô nóng đầy ngột ngạt. Không gian tĩnh lặng đủ đế Phương Định cảm nhận trái tim mình. “Tim tôi đập không rõ”. Đó là những nhịp tim loạn nhịp, cho thấy sự căng thắng, hồi hộp ngự trị trong tâm hồn cô thanh niên xung phong.
Đối lập với tâm hồn đầy biến động của Phương Định là hình ảnh những chiếc kim đồng hồ “bình tĩnh, phớt lờ mọi biến động chung” như một sinh vật sống dửng dưng, lạnh lùng. Những câu văn dài như dòng chảy vô thủy vô chung của thời gian: “Nó chạy, sinh động và nhẹ nhàng, đè lên nhũng con sổ vĩnh cửu ”. Ớ đây, bằng sự tương phản giữa thời gian vật lý và thời gian tâm lý, Lê Minh Khuê đã khắc họa được bức tranh tâm hồn của Phương Định: Nếu thời gian của đời người trong cuộc phá bom đầy nguy hiểm này chỉ là từng khoảnh khắc giằng co giữa sống – chết thì thời gian vật lý lạnh lùng vô tri bởi chúng chỉ là “những con số vĩnh cửu”. Nếu tâm lý căng thẳng của Phương Định cảm nhận thời gian trôi chậm chạp, nặng nề, thì nhũng chiếc kim đồng hồ chỉ đơn giản là “chạy, sinh động và nhẹ nhàng” theo nhịp vận động miên viễn từ ngàn xưa của nó. Trục quy chiếu của thời gian vật lý đã khiến ta nhận ra rõ hơn những biến động trong tâm hồn Phương Định, đó là một ánh mắt căng thẳng, hồi hộp dõi theo ánh lửa “chui bên trong cái dây mìn, chui vào ruột quả bom ”, chờ đợi kết quả của công việc.
Tại sao Phương Định lại có thế mạnh mẽ đến như vậy khi đối mặt với cái chết? Tại sao cô lại hồi hộp, căng tháng đến mức tim lạc nhịp khi dõi theo ngọn lửa chạy vào quả bom? Khi công việc phá bom thành công, Phương Định tâm tình cùng bạn đọc và lí giải nhũng điều đó: “Quen rồi ” – Câu đặc biệt vừa chân thành như một lời tâm tình, vừa bình thản gan dạ đến lạ lùng. Thì ra, sức mạnh tinh thần lớn lao ấy giống như một thứ kim loại quý giá và vững vàng đã được ngọn lửa chiến tranh tôi luyện để càng rắn rỏi. Chính cái hoàn cảnh “một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần ” đã tạo cho Phương Định và đồng đội của mình một tinh thần thép đế vượt qua nỗi sợ hãi và những khoảnh khắc căng thắng đối diện với cái chết.
Tất nhiên, họ không phải là những kẻ liều mạng. Họ đủ tỉnh táo để nhận ra: “Tôi có nghĩ tới cái chết”. “Nhưng cái chết ấy mờ nhạt, không cụ thể”. Thông thường, những người yêu cuộc sống tha thiết sẽ sợ cái chết, bởi như một danh nhân từng nói: “Bi kịch thật sự của cái chết không phải là ta chết, mà chính là ớ cho ta không còn được sống nữa”. Thế nhưng thật nghịch lý, trong hoàn cảnh chiến tranh, lúc con người ta dám can đảm đối mặt với cái chết là lúc con người ta yêu cuộc sống nhất. Bởi cái chết khi làm nhiệm vụ khiến cuộc đời của họ kết thúc một cách có ý nghĩa, họ ngã xuống trở thành một phần máu thịt của đất mẹ quê hương.
Lí do khác khiến cho Phương Định cảm thấy cái chết “mờ nhạt, không cụ thê ” chính là bởi tâm trí cô có một mục tiêu rõ ràng, quan trọng cần phải quan tâm hơn: nhiệm vụ. Các câu hỏi như những làn sóng xoáy sâu vào tâm trí: “Liệu mìn có nổ không? ”, “Không thì làm cách nào để châm mìn lần hai” đã lấn át ý niệm về cái chết và khiến nó trở nên thật mờ nhạt. Như vậy, chính tinh thần trách nhiệm cao độ, mà cơ sở của nó chính là tình yêu nước, là khát vọng hòa bình, đã tiếp thêm sức mạnh cho Phương Định để cô có thể vững vàng vượt qua tất cả.
Đoạn trích trên đã giúp người đọc hình dung ra bức chân dung tinh thần của Phương Định – một cô thanh niên dũng cảm, gan dạ, với một tinh thần thép và bản lĩnh phi thường. Chính nghịch cảnh chiến trường đã tôi luyện nơi cô thanh niên xung phong một trái tim quả cảm, một tinh thần trách nhiệm để có thể vượt qua được sự căng thẳng của công việc, vượt qua được nỗi sợ hãi cái chết để có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Sự gan dạ, dũng cảm phi thường ấy có nguồn cội sâu xa từ tinh thần yêu nước sâu sắc và khát vọng hòa bình mãnh liệt trong tâm hồn Phương Định. Khi mở rộng tâm hồn mình ra lắng nghe và đáp lại tiếng gọi thiêng liêng của Tố quốc, khi khao khát hòa bình cho bản thân mình và cho thế hệ tương lai như ngọn lửa rực sáng trong tim, Phương Định đã nhận được một nguồn sức mạnh lớn lao để vượt qua nghịch cảnh.
Qua đó ta thấy được ngòi bút của Lê Minh Khuê đậm chất nhân văn. Nhà vãn đã mở lòng mình ra đế đồng cảm với nhân vật, và khai phá được nhừng nét đep rất riêng của nhân vât cũng như khái quát lẽn đươc những phẩm chất của cả mỏt thế hê. Đó là thế hệ trẻ trên tuyết đường Trường Sơn, quyết dâng hiến sức trẻ của mình để giải phóng dân tộc. Ở họ, dòng suối cuộc đời đã hòa vào trường giang của quê hương, để rồi tất cả chan hòa trong đại dương của Tổ quốc, làm nên những sức mạnh thật diệu kì.
Nhân vật Phương Định được Lê Minh Khuê xây dựng bằng những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc, hiệu quả. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật sắc sảo, tinh tế. Ở đoạn văn trên, Lê Minh Khuê đã chú ý đến các yếu tố không gian thời gian và chọn lọc các chi tiết ngoại cảnh (tiếng xẻng chạm vào vỏ bom, chi tiết vỏ bom nóng…) để khắc họa tâm lý nhân vật. Việc chọn ngôi kể là ngôi thứ nhất, lời kể của Phương Định cũng giúp người đọc dễ dàng đồng cảm với nhân vật. Ngôn ngữ tự sự hấp dẫn, sống động, giàu sức tạo hình. Đặc biệt là sự kết hợp giữa câu văn dài, ngắn khác nhau, kết hợp linh hoạt các kiểu câu trần thuật, cầu khiến, biểu cảm vừa đặc tả được sự tĩnh lặng của không gian, sự trôi chảy của thời gian, vừa giúp người đọc hình dung được hoạt động và tâm lý nhân vật.
Tóm lại, qua đoạn trích trên, Phương Định hiện lên là một cô gái dũng cảm, gan dạ, giàu tinh thần trách nhiệm. Bằng một ngòi bút bàng bạc chất thơ và thấm đẫm cảm xúc, Lê Minh Khuê đã vẽ nên bức chân dung gần gũi, đáng yêu của cồ thanh niên, để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc. Chính vì lẽ đó, đứa con tinh thần đầu tay của nhà văn Lê Minh Khuê, truyện ngắn “Những ngồi sao xa xôi” đến nay vẫn có sức sống mãnh liệt, nó khơi gợi trong lòng người đọc sự trân trọng và nế phục trước một thế hệ trẻ hào hùng của những trang sử vàng dân tộc.
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”
(Tố Hữu)




VỀ KẾT THÚC MỞ TRONG TRUYỆN NGẮN NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI



NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI


ĐỀ BÀI:

Bàn về kết thúc mở trong truyện ngắn, có ý kiến cho rằng:

“Kết thúc mở mang một ý nghĩa tượng trưng nghệ thuật lớn lao. Nhà văn muốn chỉ ra rằng các sự kiện miêu tả trong truyện ngắn không thể bao quát, nói hết được vấn đề đặt ra trong cuộc sống, rằng dòng đời mô tả trong truyện vẫn còn đang tiếp tục và trong nó hạnh phúc cùng khổ đau, khát vọng và bất lực, niềm vui và buồn đau đan cài, không thể phân tách”.
(Đào Tuấn Ảnh, “Kết cấu thời gian trong truyện ngắn Chekhov và Nam Cao”, Thông tin khoa học sư phạm, ĐHSP Hà Nội số đặc biệt kỉ niệm 100 năm ngày mất của A.P Chekhov)

Bằng trải nghiệm đọc tác phẩm truyện ngắn Việt Nam hiện đại, em hãy bình luận ý kiến trên.

ĐÁP ÁN
Đây là dạng bài nghị luận văn học có vận dụng kiến thức lí luận văn học. Học sinh cần nắm vững kĩ năng đọc – hiểu văn bản, biết chia bố cục, xây dựng hệ thống luận điểm phù hợp, rõ ràng. Học sinh cần biết vận dụng các kiến thức lí luận văn học, soi chiếu để làm rõ vấn đề dư âm trong tác phẩm văn học. Học sinh cần nắm vững kĩ năng chọn lọc dẫn chứng, biết cách phân tích để làm bật lên luận điểm.

2.    Yêu cầu về kiến thức

Học sinh cần đảm bảo một số nội dung như sau:

2.1.                    Giải thích:

-         Truyện ngắn: Thể loại tự sự cỡ nhỏ, phản ánh hiện thực cuộc sống thông qua những lát cắt, truyện ngắn chú trọng vào chi tiết giàu sức gợi, những cách diễn đạt đầy ẩn ý.

-         Kết thúc mở: Một dạng kết thúc của tác phẩm tự sự, trong đó các sự kiện không được giải quyết trọn vẹn, số phận nhân vật vẫn chưa được sắp đặt hoàn tất, ở đó vẫn có những khoảng trống, khoảng lặng để người đọc tự tưởng tượng, suy nghĩ.

-         Quan niệm của Đào Tuấn Ảnh đề cập đến vai trò của kết thúc mở trong việc tạo ra sức gợi, sức hấp dẫn về nội dung trong truyện ngắn.

2.2.                    Bàn luận:

Nhận định của Đào Tuấn Ảnh là đúng đắn.

a.    Kết thúc mở của truyện ngắn cho thấy hiện thực vẫn diễn tiến, từ đó kích thích trí tưởng tượng, tò mò của người đọc

-         Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống. Nhưng cách thức phản ánh hiện thực của truyện ngắn khá đặc biệt: thông qua những lát cắt. Truyện ngắn chỉ chọn lấy một khoảnh khắc, một vài chi tiết để từ đó khái quát lên hiện thực cuộc sống rộng lớn, bộn bè, nhằm nắm bắt được bản chất, quy luật của hiện thực. Do đó, nhiều khi ở kết thúc truyện, hiện thực phản ánh trong truyện ngắn không bao giờ trọn vẹn, đầy đủ mà luôn còn ẩn chứa biết bao điều chưa nói, là những “khoảng trống” để người đọc tưởng tượng, suy ngẫm. Đó có thể là những sự kiện diễn tiến tiếp theo, đó có thể là số phận của nhân vật…

-         Từ những khoảng trống chưa nói ở kết thúc mở, truyện ngắn mở ra trong người đọc những phức tạp của đời sống, “hạnh phúc cùng khổ đau, khát vọng và bất lực, niềm vui và buồn đau đan cài, không thể phân tách”, thông qua những tưởng tượng, hình dung riêng của mình, người đọc hiểu hơn về bản chất cuộc sống và hiểu hơn về chính mình.

-         Chính kết thúc mở tạo nên sức hấp dẫn của truyện ngắn, kích thích người đọc không ngừng khám phá, đồng sáng tạo, tạo nên tác phẩm “không bao giờ chạm đáy”.

b.    Kết thúc mở của truyện ngắn gợi đến những chiều sâu tư tưởng, tình cảm “không bao giờ chạm đáy”

Từ đó, kết thúc mở gợi ra trong người đọc những dư âm: những tư tưởng, tình cảm, những ấn tượng khó phai…, để khi trang sách khép lại tác phẩm vẫn sống và neo đậu trong trái tim người đọc. Riêng với truyện ngắn, kết thúc mở là một thủ pháp quan trọng để thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm, để người đọc tri âm, đồng cảm, thấu hiểu những suy tư, trăn trở mà nhà văn gửi gắm.

2.3.                    Chứng minh:

Học sinh chọn phân tích kết thúc mở một hoặc một vài truyện ngắn Việt Nam hiện đại, qua đó cần chỉ rõ hai ý: Trong kết thúc mở ấy, hiện thực cuộc sống vẫn tiếp diễn để người đọc tưởng tượng, lý giải theo cách riêng. Từ đó, người đọc rút ra được những tư tưởng, tình cảm, ấn tượng cho riêng mình.

Dẫn chứng minh họa: Kết thúc truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” (Lê Minh Khuê)

-         Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” kết thúc bằng hình ảnh một cơn mưa đá. Cơn mưa đá là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc, đã tráng lên hiện thực chiến trường khốc liệt một màn sương lãng mạn, cơn mưa đá chính là chiếc cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, là cánh cửa mở ra hai thế giới, thực tại chiến trường gian khổ và thực tại yên bình của kí ức tuổi thơ. Cơn mưa đá gọi thức hồi ức và hoài niệm trong tâm hồn Phương Định, thể hiện tính cách mộng mơ, giàu tình cảm ẩn sâu trong cô thanh niên xung phong dũng cảm, gan dạ.

-         Chi tiết cơn mưa đá tạo ra một kết thúc mở trong tác phẩm. “Chao ôi, có thể là tất cả những cái đó. Những cái đó ở thiệt xa… Rồi bỗng chốc, sau một cơn mưa đá, chúng xoáy mạnh như sóng trong tâm trí tôi…”. Tác phẩm kết lại trong cái thinh lặng ngẩn ngơ của Phương Định, nhưng từ cái thinh lặng ấy gợi ra vô vàn dư ba của cảm xúc, của ấn tượng. Cơn mưa đá “xoáy mạnh như sóng trong tâm trí” Phương Định điều gì? Phải chăng là tình yêu nước, là nỗi nhớ quê hương, là nghị lực vượt qua nghịch cảnh, là khát vọng hòa bình vào tương lai?

-         Tác phẩm kết thúc nhưng sự kiện trong tác phẩm và số phận nhân vật vẫn chưa được sắp đặt hoàn tất. Người đọc vẫn sẽ trăn trở thao thức cho số phận của ba cô thanh niên xung phong nơi hoàn cảnh chiến trường gian khổ, khốc liệt, lo cho Nho đang bị thương, cũng có thể người đọc sẽ đầy hy vọng, đầy tin tưởng vào những điều tốt lành sẽ đến, vào chiến thắng phía trước…

-         Từ đó, tác phẩm gợi ra trong tâm trí người đọc vô vàn những bài học sâu sắc: Bài học về tình yêu nước, về đức hy sinh, về mối quan hệ giữa công dân và Tổ quốc, về vai trò của kí ức trong tâm hồn mỗi người…

2.4.                    Tổng kết:

-         Sức sống đích thực của văn học nằm ở những chiều sâu chưa nói hết, nằm ở sức gợi của tác phẩm trong tâm trí người đọc. Chính điều đó làm nên tác phẩm không bao giờ chạm đáy, để người đọc mọi thời luôn tìm thấy mình trong tác phẩm, để tác phẩm sống mãi. Truyện ngắn, và đặc biệt hơn là truyện ngắn với những kết thúc mở, chính là tiêu biểu cho sức sống lâu bền ấy của văn học.

-         Để những chiều sâu tư tưởng đến được với người đọc, truyện ngắn cần có những hình thức nghệ thuật độc đáo, đặc sắc: nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôn ngữ trần thuật…

3.    Thang điểm
-         Điểm Giỏi: Bài viết đáp ứng tốt được các yêu cầu nêu trên. Kiến thức lí luận văn học vững. Kĩ năng phân tích dẫn chứng tốt. Bài viết thể hiện cảm nhận riêng, sâu sắc, sáng tạo. Văn phong trau chuốt, giàu cảm xúc.  Bài viết cho thấy những trải nghiệm văn học riêng của người viết, cho thấy niềm đam mê với văn chương.
-         Điểm Khá: Bài viết đáp ứng khá các yêu cầu nêu trên. Kiến thức lí luận văn học vững. Kĩ năng phân tích dẫn chứng tốt.Văn viết rành mạch, rõ ràng, không mắc lỗi diễn đạt.
-         Điểm Trung bình: Bài viết đáp ứng cơ bản các yêu cầu nêu trên. Kiến thức lí luận văn học sơ sài. Phân tích dẫn chứng lan man chưa làm bật được yêu cầu đề bài.
-         Điểm yếu Bài viết chưa đáp ứng được các yêu cầu nên trên. Không vận dụng kiến thức lí luận văn học. Phân tích dẫn chứng lan man, chưa làm bật yêu cầu đề bài. Diễn đạt hạn chế.
-         Điểm kém (0 điểm): Bài viết làm lạc đề hoặc bỏ giấy trắng.

THẦY TRẦN LÊ DUY

  ĐỀ: “Một vầng trăng in trong gương Vẫn là một vầng trăng. Vầng trăng qua lòng mắt người nghệ sĩ Có thể thành vô vàn nét đẹp.” (Theo Phạm T...