Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

Cảm nhận bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh (bài hay)


Cảm nhận bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh (bài hay)
Sang thu” của Hữu Thỉnh.
Thu là thơ của đất trời, là “bình minh mát” của lòng người (Xuân Diệu). Viết về thu, đã có bao áng thơ hay tuyệt tác nhưng có lẽ chỉ khi đến với Hữu Thỉnh, ta mới có thể cảm nhận được phần nào cái “cốt tủy chung tình bên trong” của nó. Tất cả mọi vẻ đẹp ở “bề sau, bề sâu, bề xa” của mùa thu đều được gửi gắm qua bài thơ “Sang thu”- tác phẩm mà có lẽ đến mãi sau này, ta vẫn không thể ngừng thương nhớ.
Hữu Thỉnh là một trong những nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sớm gần gũi với thiên nhiên cây cỏ, thơ ông được thừa hưởng cái dạt dào trong cảm xúc về quê hương, đất nước và con người. Ngòi bút của ông rất bắt nhạy với những gì mong manh nhẹ nhàng tưởng như khó nắm bắt nhất. Đó là lí do vì sao khi cảm xúc chợt tìm đến thi nhân, trong cái tiết hanh hanh của thu mới, của hạ cũ, nhà thơ không thể kìm lòng được mà phải cầm bút viết bài thơ “Sang thu” (1977). Đó được coi như những dòng chia sẻ chân thành của một tâm hồn tinh tế trước thiên nhiên giao mùa, cũng là nơi gửi gắm biết bao chiêm nghiệm kín đáo về mùa thu mới của cuộc đời, của con người và dân tộc.
“Từ Homero đến Kinh Thi, đến ca dao Việt Nam”, thu vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các thi nhân. Riêng trong làng thơ Việt, ta đã không ít lần bắt gặp một mùa “Thu điếu” trong thơ Nguyễn Bính, một “Tiếng thu” trong thơ Lưu Trọng Lư, một “Thơ duyên” trong thơ Xuân Diệu…. Và mùa thu trong Hữu Thỉnh là mùa đáng nhớ nhất, ấn tượng nhất với những chuyển biến tế vi từ cuối hạ sang đầu thu. Chính việc lựa chọn thời điểm độc đáo ấy đã khiến cho người đọc cảm nhận rõ ràng sự vận động, luân chuyển của thời gian, không gian tạo vật. Càng đọc, ta càng cảm phục hơn trước cái tài thâu tóm của nhà thơ.
Đến với khổ thơ đầu, ta như được hòa mình trong bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của làng quê Việt Nam thật sống động:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
Câu thơ mở đầu với cụm từ “bỗng nhận ra” diễn tả thật chính xác cảm xúc ngỡ ngàng, thú vị trước sự đổi thay đột ngột của thiên nhiên cảnh vật. Điều đầu tiên cuốn hút tôi là chi tiết “hương ổi”, một chi tiết khá mới mẻ và độc đáo đối với thơ ca thời bấy giờ. Nếu như người xưa thấy thu qua “ngô đồng nhất diệp lạc”, thi sĩ Xuân Diệu đón chào thu bằng hình ảnh “rặng liễu đìa hiu đứng chịu tang” (Đây mùa thu tới), vị Tam Nguyên Yên Đổ yêu thu từ chiếc “lá vàng trước gió khẽ đưa vèo” (Thu điếu), Lưu Trọng Lư gửi gắm thu trong “con nai vàng ngơ ngác” (Tiếng thu), thì Hữu Thỉnh lại lựa chọn “hương ổi”. Ông tâm sự: “giữa trời đất mênh mang, giữa cái khoảng khắc giao mùa kỳ lạ thì điều khiến cho tâm hồn tôi phải lay động, phải giật mình để nhận ra đó chính là hương ổi. Với tôi, thậm chí là với nhiều người khác không làm thơ thì mùi hương đó gợi nhớ đến tuổi ấu thơ, gợi nhớ đến buổi chiều vàng với một dòng sông thanh bình, một con đò lững lờ trôi, những đàn trâu bò no cỏ giỡn đùa nhau và những đứa trẻ ẩn hiện trong triền ổi chín ven sông… Nó giống như mùi bờ bãi, mùi con trẻ… “. Hóa ra đó là mùi hương quen thuộc, dân dã, mộc mạc luôn vấn vương mãi trong tâm hồn người con yêu xứ, mùi hương của tuổi thơ, của tiếng cười, của bình yên và hạnh phúc. Điều đặc biệt ở chỗ hương thơm ấy không những nồng nàn, đậm đặc mà cũng như thấm thoát, dìu dịu, thoang thoảng, lan tỏa khắp không gian đất trời. Điều đó thể hiện rõ nhất ở động từ “phả”. đây cũng được coi như một thành công nghệ thuật của bài.
Trong cái không gian đậm mùi thu ấy, thấp thoáng hình ảnh “Sương chùng chình” nhẹ lướt qua đường, qua thôn xóm, tựa như bóng dáng một thiếu nữ yểu điệu, thướt tha, nhẹ nhàng lướt qua đánh thức tâm hồn thi nhân. Chỉ với hai hình ảnh “hương ổi” và “sương” giàu giá trị gợi hình gợi cảm, tác giả như vẽ ra trước mắt ta một mùa thu đặc trưng của mỗi làng quê Việt Nam trong cái tiết trời se se, mát mẻ, dễ chịu, gợi trong lòng người đọc cảm giác bâng khuâng, xao xuyến lạ lùng.
Câu thơ thứ tư không còn là bức tranh thiên nhiên nữa mà đó đã trở thành bức tranh tâm cảnh, bức tranh của lòng người: “Hình như thu đã về”. Tôi nhớ người chàng thi sĩ “sẵn sàng ân ái” Xuân Diệu khi nói về thu có lần từng thốt lên rằng: “Đây mùa thu tới, mùa thu tới”. Câu thơ reo lên như có gì vừa vui mừng, háo hức, vừa như chồng chất thêm cả niềm lo sợ, tiếc nuối thời gian. Ở Hữu Thỉnh, ta lại bắt gặp một sự hoài nghi, lưỡng lự, một điều gì đó chưa rõ ràng trong cảm xúc. Phải chăng thiên nhiên chưa đủ làm nên một mùa thu trọn vẹn hay chính tâm hồn thi sĩ chưa kịp sẵn sàng để đón chào sự đổi thay của tạo vật? Tác giả đã cảm nhận mùa thu bằng rất nhiều giác quan khác nhau. Từng câu từng tiếng thoát ra đều thể hiện rõ sự tinh tế, sâu sắc trong cách nhìn, cách cảm cuộc sống.
Thế giới quan, nhân sinh quan của nhà thơ tiếp tục được mở rộng với bức tranh thu tuyệt tác:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Hình ảnh đầu tiên hé lộ với dòng sông “dềnh dàng” thong thả, lững lờ trôi. Gợi ra trong ta cảm giác về một mùa thu êm đềm, chảy trôi như tam thế của một “người khách bộ hành phiêu lãng” (Thế Lữ), đang thư thái vừa đi vừa ngắm cảnh đôi bờ. Trên trời, mấy cánh chim đã “vội vã” bay về Nam tránh rét. Hữu Thỉnh thật tinh tế khi sử dụng cụm từ “được lúc” và “dềnh dàng”, có nghĩa chỉ đến mùa thu, mọi vật mới biến đổi như thế. Đó là những thay đổi, biến chuyển của thiên nhiên trong giây phút giao mùa.
Đặc biệt gây sự chú ý cho độc giả là “đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu”. Cố nhiên, đây không phải hình ảnh tả thực. Câu thơ đọc lên tưởng chừng như vô lý nhưng lại ẩn chứa cái có lý của cảm xúc. Hình ảnh đám mây độc đáo bắc ngang qua mùa hạ và mùa thu chính là phản chiếu của tâm hồn thi nhân: Thu đã đến thật rồi, nhanh và vội vã quá. Chỉ còn đây tâm hồn nhà thơ đang ngập ngừng, bâng khuâng, tiếc nuối như muốn níu kéo thời gian, níu kéo chút chói chang, nồng nàn của mùa hạ. Bước chân thi sĩ đã gần chạm đến mùa thu mà trong lòng vẫn vấn vương chút nắng hạ. Là gì đây nếu không phải trái tim chan chứa yêu thương, gắn bó với cuộc sống này?
Không chỉ tinh tế trong cách sử dụng từ ngữ, cách lựa chọn hình ảnh mà t còn thấy ở Hữu Thỉnh một tâm hồn nhạy cảm, một tình yêu và sự gắn bó thiết tha với quê hương đất nước. Chính bởi lẽ đó, bức tranh “sang thu” mới hiện lên thật sống động và có hồn đến vậy.
Nếu như hai khổ thơ đầu nghiêng về mù thu của đất trời thì đến khổ thơ kết, tác giả lại hướng chúng ta về một mùa thu của lòng người với những trải nghiệm của chính bản thân mình.
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”
Vẫn là những hình ảnh thiên nhiên của mùa hạ với nắng, mưa, sấm. Nhưng cách diễn tả của nhà thơ thật tinh tế: Nắng vẫn còn nhưng không rực rỡ, chói chang. Mưa vẫn còn nhưng không ào ạt. Sấm vẫn còn nhưng không dữ dội. Tất cả những gì đặc sắc nhất của mùa hạ dường như vẫn còn chì có điều tất cả đã vơi dần, vơi bất ngờ, vơi vội vã. Hình ảnh ấy rất phù hợp với không khí thời điểm giao mùa. Hạ chưa hết mà thu đang qua. Mùa nọ nối tiếp mùa kia, góp vào cuộc đời chung khúc giao hưởng ý nghĩa. Bên cạnh đó, ta còn ấn tượng hơn với tầng lớp ẩn dụ đằng sau câu chữ, gợi liên tưởng về những tác động của ngọai cảnh đến con người. “Hàng cây đứng tuổi” hay cũng chính là những con người đang bước vào tuổi trung niên, những con người đã bước qua tuổi trẻ- cái thời vàng son sôi nổi, cái thời mà con người ta có quyền phung phí những ước mơ, hoài bão. Giờ đây, đối với những người dày dặn kinh nghiệm trong phong ba bão táp của cuộc sống, mọi thứ đã trở nên điềm tĩnh và vững vàng hơn, trước thời cuộc, trước sự thách thức của khó khăn và sự đổi thay của xã hội.
Ý thơ nhẹ nhàng mà thấm thía, chất chứa bao suy ngẫm của thi nhân về cuộc sống đã chạm vào sợi dây đồng cảm của mỗi chúng ta. “Thơ đi từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả”, và Hữu Thỉnh đã làm được điều đó. Bài thơ cho ta hiểu thêm và trân trọng hơn dòng tâm sự của những thế hệ đã qua, đặc biệt là tâm sự thầm kín mag chân thành nhất từ trái tim người nghệ sĩ.
Hengmingway từng nói, đại ý: Một tác phẩm hay là một tác phẩm tuân theo nguyên lý “tảng băng trôi” một phần chìm, bảy phần nổi. Tôi cho rằng “Sang thu” chính là một thi phẩm như thế. Chỉ với ba khổ thơ ngắn ngủi, khiêm nhường, nhà thơ đã thực sự mang đến cho người đọc những cảm xúc rất riêng. Bài thơ kết cấu rõ ràng, mạch lạc, ngôn ngữ giàu sắc thái biểu cảm, hình ảnh thơ chân thực, đa nghĩa, giọng điệu với những trạng thái biến chuyển tinh vi, sâu sắc, không chỉ khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên mùa thu tiêu biểu của làng quê Việt Nam mà còn lắng lại trong tâm trí chúng ta một mùa thu của cuộc đời cùng những tâm tư thật xúc động.
Xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa luân chuyển. Cùng với sự phát triển không ngừng, văn học bao giờ cũng đặt ra một chuẩn mực mới. Nhưng có lẽ “Sang thu” của Hữu Thỉnh vẫn sẽ còn đủ sức vượt qua “mọi sự băng hoại của thời gian”, sẽ còn sống mãi với muôn đời, góp vào cuộc sống chung những cảm xúc vấn vương về thiên nhiên, quê hương, đất nước, cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn.

Thứ Hai, 6 tháng 1, 2020

Thế giới như nó "đang là", "có thể" và "phải là"

Thế giới như nó "đang là", "có thể" và "phải là"
Tôi tự hỏi văn chương đã đem đến cho ta những gì, đã phản ánh những gì mà chưa một phút giây nào nhân loại ngừng say đắm và thao thức vì nó? Có ý kiến cho rằng “Văn học không chỉ quan tâm đến thế giới như nó đang là mà quan tâm đến thế giới như nó có thể và phải là”. Phải chăng, chính cái “thế giới như nó có thể và phải là” được trưng bày trong tác phẩm là mục đích, lý do tồn tại đích thực của văn học và cũng là sức hấp dẫn kỳ diệu của văn chương nghệ thuật trong mỗi con người.
Quan niệm trên giúp ta nhận ra những đối tượng mà văn học đặc biệt quan tâm. Đối tượng đầu tiên mà văn học luôn chú trọng phản ánh đó là “thế giới như nó đang là”, là hiện thực cuộc sống, thế giới khách quan tồn tại xung quanh chúng ta. Nhưng văn học không dừng lại ở việc thể hiện bản chất của cuộc sống, cái mà văn học quan tâm hàng đầu là một “thế giới như nó có thể và phải là”. “Thế giới như nó có thể” là một thế giới mang những hạt mầm tiềm năng của tương lai, là con đường phát triển của hiện thực cuộc sống. Còn “thế giới như nó phải là” hay cũng chính là thế giới của những lý tưởng, khát vọng, ước mơ nơi tâm hồn con người. Ấy là một thế giới chứa đựng những giá trị tốt đẹp, ca tụng lẽ phải, chính nghĩa. Tóm lại, nhân định trên đã đề cập đến các đối tượng mà văn học quan tâm bao gồm hiện thực đời sống - “thế giới như nó đang là”, thế giới của tương lai - “thế giới như nó có thể” và thế giới của những ước mơ, khát vọng trong con người - “thế giới như nó phải là”.Từ những đối tượng ấy, nhận định làm bật lên nhiệm vụ, chức năng của văn học: văn chương nghệ thuật cần phản ánh thế giới thực tại của cuộc sống nhưng đồng thời cũng cần quan tâm, đi sâu khám phá vào thế giới nội tâm của con người để hiểu hơn về những tâm tư, khát vọng, giúp xây dựng trên trang giấy một “thế giới như nó có thể và phải là”.
Nhận định trên là một nhận định hoàn toàn đúng đắn đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đối tượng phản ánh và sứ mệnh cao cả của văn học đối với con người. Vậy, vì sao văn học lại quan tâm đến “thế giới như nó đáng là” ? Bởi “cuộc đời là điểm khởi đầu và là điểm đi tới của văn chương”. Hiện thực là nguồn gốc của ý thức, của nhận thức, là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng nghệ thuật đồng thời là chìa khóa giải thích các hiện tượng phức tạp trong nghệ thuật. Văn học phải phản ánh những vấn đề của cuộc sống vì chỉ khi hướng về với đời sống nhân dân, văn học mới tìm được cho mình nguồn cảm hứng dồi dào cũng như chất liệu sáng tạo đặc sắc. Hơn nữa, bởi đối tượng tiếp nhận văn học là con người, nếu văn học không miêu tả thế giới của con người – “thế giới như nó đang là” thì làm sao người đọc có thể tìm thấy sự tri âm đồng điệu, soi bóng chính mình trong quá trình cảm thụ tác phẩm? Cội nguồn của văn chương là cuộc sống mà nói đến cuộc sống thì không thể không nhắc đến cái thế giới đang vận hành, đang diễn ra của nó. Do đó, bất ký một tác phẩm nghệ thuật chân chính nào cũng là tấm gương phản ánh “thế giới như nó đang là” lấy hiện thực cuộc sống làm cái lõi để ngày một phát triển đặc sắc hơn.
Nhưng tác giả của nhận định như muốn tô đậm, thu hút người đọc vào vế sau “mà quan tâm đến thế giới như nó có thể và phải là”.Vậy vì sao văn học cần khám phá cái thế giới “như nó có thể”? Bởi trong quá trình phản ánh hiện thực xã hội văn học khai thác, tìm hiểu những vấn đề mang tính bản chất, những khía căn bản của cuộc sống. Quá trình nhận thức hiện thực giúp văn học có khả năng vươn lên tầm cao của sự khái quát, nắm bắt được sự vận động bên trong của đời sống xã hội. Chính từ độ chín của sự khát quát, khám phá ấy, văn học có tiền đề vững chắc để đưa ra những dự báo tương lai. Quan trọng hơn, hiện thực cuộc sống vốn là một thế giới không ngừng vận động và phát triển theo chiều xoắn ốc, mỗi chặng đường là sự kế thừa, gìn giữ những giá trị tốt đẹp của thời kỳ trước, phá bỏ những yếu tố không cón phù hợp, đồng thời luôn hàm chứa những mầm mống làm nên giai đoạn sau. Căn cứ vào sự vận động mạnh mẽ bên trong của hiện thực, các nhà văn với đôi mắt tinh tường có khả năng nhìn thấu được sự phát triển tất yếu của cuộc sống, từ đó giúp họ tiên đoán, dự báo trước tương lai. Nắm bắt những quy luật vận động của xã hội, nhà văn đề xuất các giải pháp, lối đi đúng đắn cho sự phát triển của hiện thực khách quan trong sáng tác của mình. Thông qua tác phẩm, nhà văn tác động vào bạn đọc bằng con đường tư tưởng, giúp người đọc hình dung về cuộc sống tương lai. Để rồi, người nghệ sĩ gián tiếp cải tạo xã hội, góp phần kiến tạo nên một thế giới “như nó có thể” cho nhân loại, một thế giới ngày mai tươi sáng hơn. Cho nên văn học bao giờ cũng quan tâm đến việc xây dựng cái thế giới “ như nó có thể”, vì chính thế giới ấy sẽ giúp cho con người thoát khỏi bóng tối của cuộc sống thực tại và hướng họ về một tương lai tốt đẹp.
Và thế giới “như nó phải là” là gì, nó nhằm phục vụ điều gì mà văn học lại phải đặc biệt quan tâm và đề cao? Bởi hiện thực trong tác phẩm văn học không phải là sự sao chép nguyên xi cuộc sống mà bao giờ củng biểu hiện, những khát vọng, tâm tư tình cảm của con người. Do đối tượng phản ánh trung tâm của văn học là con người, mà điều làm nên vẻ đẹp của con người là gì ngoài những ước mơ lý tưởng? Để chạm đến những hoài bão, ước vọng – nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn con người văn học phải len lỏi vào những suy tư, lắng nghe những tâm sự, những tình cảm buồn vui của loài người. Nếu tác phẩm văn học không trưng bày một thế giới “như nó phải là” mà miêu tả “cuộc sống chỉ để miêu tả” thì làm sao nó có thể “nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường”? Thế giới trong tác phẩm phải là thế giới được vun đắp nên từ những ước mơ, lý tưởng con người, là thế giới ca tụng sự công bằng, tình yêu thương, cái thiện. Trong sự cảm thụ tác phẩm, thế giới “như nó phải là” hiện ra giúp xoa dịu những nỗi đau tinh thần nơi người đọc, củng cố và tiếp thêm cho họ niềm tin, niềm hy vọng vào cái tốt, cái đẹp. Chính thế giới ấy đã khiến cho văn học có những nét đặc trưng riêng biệt, tuy thống nhất nhưng không đồng nhất với hiện thực cuộc sống. Tóm lại, văn học cần quan tâm và kiến tạo nên thế giới “như nó phải là”, bởi đó là cách duy nhất giúp văn học trở thành “thứ vũ khí thanh cao và đắc lực” nhằm thay đổi, cải tạo xã hội đúng với lý tưởng mong muốn của con người.
Bên cạnh đó do bản thân nghệ thuật là hoạt động sáng tạo thẩm mỹ mang tính chất cá thể vì vậy văn học phải phản ánh vẻ đẹp của con người, vẻ đẹp của những tâm tư, khát vọng thể hiện trong thế giới “như nó phải là”. Xây dựng và tôn vinh cái đẹp trong thế giới của mình, văn học mới có thể mang đến sự đền bù về mặt thẩm mỹ cho người đọc khi họ được sống trong thế giới của nghệ thuật, nơi cái tốt, cái thiện sẽ được tưởng thưởng, hạnh phúc, cái ác, cái gian dối sẽ bị tố cáo, tiêu diệt. Với đặc trưng thẩm mỹ, nói đến văn học là nói đến cái đẹp, văn học không thể dửng dưng, ngoảnh mặt làm ngơ trước những khát vọng cao đẹp của con người. Bởi thiếu khát khao vươi tới cái đẹp, văn học sẽ mất đi sức mạnh cơ bản của nó, sẽ không thể thanh lọc tâm hồn con người và cải tạo xã hội. Tóm lại “Văn học không chỉ quan tâm đến thế giới như nó đang là mà quan tâm đến thế giới như nó có thể và phải là”. Nhà văn, qua tác phẩm của mình, phải tìm mọi cách để biến cái thế giới “như nó phải là” kia trở thành một thế giới có thật, một thế giới “như nó có thể” và thậm chí là trở thành “thế giới như nó đang là”.
“Trong sáng tác của Thạch Lam luôn thấp thoáng cái tôi trữ tình của nhà văn, ngòi bút của Thạch Lam có xu hướng hướng nội, đi vào thế giới bên trong với những cảm xúc, cảm giác...” (Nguyễn Hoàng Khung). Thạch Lam – người nghệ sĩ đã chọn văn học lãng mạn làm mảnh đất cho sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của mình. Với đặc trưng của văn học lãng mạn là thoát li khỏi thực tại và đi sâu vào thế giới nội tâm, thế giới ước mơ của con người, Thạch Lam đã phác họa nên cái thế giới “như nó có thể và phải là” trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” mà cụ thể là ở khung cảnh chờ tàu.
Trước hết, nhà văn đã phản ánh “thế giới như nó đang là” trong tác phẩm chính là hiện thực cuộc sống nơi phố huyện tối tăm, tù đọng. Thế giới ấy được Thạch Lam miêu tả: “Tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”. Bóng tối dày đặc bao phủ lên cuộc sống và số phận con người, mở ra bi kịch những kiếp người tàn nơi phố huyện. Ở nơi đây, những đứa trẻ con nhà nghèo “tìm tòi, nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì đó có thể dùng được của người bán hàng để lại”, hai mẹ con chị Tý dọn hàng từ chập tối “nhưng chả kiếm được bao nhiêu” hay An và Liên, hai đứa trẻ trông nom cửa hàng cả ngày trời mà “bán cũng chẳng ăn thua gì”. Trong tác phẩm, mỗi nhân vật hiện ra đều mang theo một bi kịch riêng nhưng nhìn chung cái thế giới “như nó đang là” được thể hiện là một cuộc sống khó khăn, nghèo túng, khổ cực đến mức “chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”.
Nhưng với Thạch Lam, một nhà văn luôn nặng lòng trước những mảnh đời nghèo khổ, bất hạnh đã không để yên cho thế giới “như nó đang là” tiếp diễn trên trang giấy của mình. Qua việc thể hiện những khát vọng của An và Liên trong cảnh chờ tàu, Thạch Lam đã gián tiếp kiến tạo nên một thế giới “như nó có thể và phải là”. Trong mắt An và Liên, đoàn tàu là hoạt động sống cuối cùng nhưng cũng là hoạt động sôi nổi, náo nhiệt nhất trong ngày ở nơi phố huyện tĩnh lặng. Chính vì vậy, đoàn tàu đến với “tiếng dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi” đã mang lại niềm vui cho tâm hồn thơ trẻ, khiến Liên phải dắt em đứng dậy để nhìn đoàn tàu vụt qua. Nhà văn Thạch Lam đã rất tinh tế khi đào sâu vào thế giới nội tâm của cả hai nhân vật. Với chị em Liên, đoàn tàu không chỉ mang đến sự khuấy động mới mẻ cho cuộc sống của họ mà còn là ánh hồi quang gợi nhớ trong hai đứa trẻ miền ký ức về một Hà Nội thân thương – nơi gia đình An và Liên đã sinh sống trước đây. An và Liên càng tha thiết mong đợi đoàn tàu đến bao nhiêu thì khi đoàn tàu đi, chúng lại càng hụt hẫng, nuối tiếc bấy nhiêu. Sự xuất hiện của đoàn tàu tựa vì sao băng thoáng ngang qua bầu trời nơi phố huyện, nhưng để lại trong tâm trí hai đứa trẻ bao xúc cảm bâng khuâng, xao xuyến. Nó cứ chao qua chao lại nơi trái tim chúng bởi đoàn tàu chính là ước mơ, là niềm hy vọng đổi đời, niềm tin của An và Liên vào một tương lai tốt đẹp hơn, về một thế giới “như nó có thể” nơi cuộc sống của những đứa trẻ không còn bị khuôn hẹp trong sự nghèo khổ. Ước mơ, khát vọng mãnh liệt của An và Liên hay cũng chính là thế giới lý tưởng, một thế giới “như nó phải là” mà nhà văn Thạch Lam mong muốn xây dựng trong tâm thức bạn đọc. Qua chi tiếc cảnh chờ tàu, nhà văn đã tác động vào suy nghĩ của người đọc, gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh rằng cần phải thay đổi, phải cải tạo hiện thực trở nên tốt đẹp, lý tưởng hơn, trở thành một thế giới “như nó có thể và phải là” để An và Liên nói riêng và người dân nơi phố huyện nói chung được sống hạnh phúc hơn, một cuộc sống mà họ hằng mơ ước. Chỉ khi cái thế giới “như nó có thể và phải là” bước ra khỏi trang giấy và trở thành một thế giới thật, văn học mới hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình đó là cứu rỗi, nâng đỡ những kiếp phận bất hạnh, đáng thương.
Quan niệm về thiên chức của người nghệ sĩ, Marcell Proust cho rằng “ Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”. Trong văn học, thế giới mà người nghệ sĩ tạo lập trên trang giấy phải là thế giới của cái đẹp, tôn vinh cái đẹp của con người và cuộc sống. Văn chương của Nguyễn Tuân sinh ra như để phục vụ cho sứ mệnh cao cả ấy của nghệ thuật, bởi với Nguyễn Tuân “Nghệ thuật trước hết là cái đẹp”, ông dành trọn cả cuộc đời mình để đi tìm cái đẹp và tôn thờ nó. Chính vì vậy trong sáng tác “Chữ người tử tù” của mình, Nguyễn Tuân đã lấy cái đẹp làm trung tâm để tạo lập nên thế giới “như nó có thể và phải là”.
Trong tác phẩm “Chữ người tử tù” “Thế giới như nó đang là” không được nhà văn miêu tả rõ mà hiện thực được thể hiện gián tiếp qua hình ảnh nhà tù tăm tối, từ đó phản ánh toàn bộ bức tranh xã hội Tây Tàu nhố nhăng “Ối a ba phèng”. Nhà tù, một nơi “chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”, nơi bị bóng tối chiếm lĩnh, cai trị. Nhà tù còn là nơi trưng bày rõ nhất bộ mặt xấu xa, sự bất công tàn bạo của xã hội đương thời. Chính vì vậy sống trong cái xã hội thiện – ác đảo lộn ấy đã đẩy những kẻ như Huấn Cao – những con người có tài, dám đứng lên chống lại cái ác, những con người đáng lý phải được xã hội tôn vinh và trọng dụng lại trở thành những tên tử tù bị bắt giam trong nhà ngục chờ ngày tử hình. Qua đó Nguyễn Tuân không chỉ phản ánh cái thế giới “như nó đang là” mà còn ngầm lên án, tố cáo những điều xấu xa trong xã hội Tây Tàu nhố nhăng.
Nhưng cũng chính từ xã hội “Ôi a ba phèng” ấy, Nguyễn Tuân đã tạo lập nên thế giới “như nó có thể và phải là”. Đó là một thế giới được làm chủ bởi chủ bởi cái đẹp, nơi vẻ đẹp của con người được soi chiếu qua lăng kính tài hoa nghệ sĩ, thể hiện đặc sắc trong chi tiết sáng giá nhất của tác phẩm – cảnh cho chữ. Ở buồng tối của nhà tù, nơi tưởng chừng chỉ chứa đựng cái chết lại xảy ra “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”, cảnh cho chữ hiện ra dưới “ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu”. Trước khoảnh khắc cái đẹp được sinh ra, mọi rào cản dường như đều bị phá vỡ khiến con người trở nên bình đẳng và gần nhau hơn. Ta chợt thấy hình ảnh “Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh”, một viên quản ngục “vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng”. Trong khoảnh khắc ấy, cái đẹp của con chữ, của tài hoa, nhân phẩm đã giải thoát, cứu rỗi cho hai loại người tù: một loại người bị giam giữ về thể xác nhưng tự do về tinh thần, một loại người bị giam cầm về tinh thần nhưng lại tự do về thể xác. Cái đẹp sáng ngời nơi nhà tù tăm tối ấy không chỉ là cái đẹp của tài năng con người mà còn là cái đẹp của tình cảm tri âm đồng điệu giữa Huấn Cao và viên quản ngục, giữa một người cho đi và một người người nhận lấy cái đẹp. “Thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ”, đó là lời khuyên chân thành, là sự hướng về cái thiện của Huấn Cao dành cho viên quản ngục. Con chữ mà Huấn Cao trao đi chính là lời tuyên thệ của cái đẹp, là ánh sáng thiên lương cảm hóa viên quản ngục và giúp ông tìm lại chính mình. Đứng trước cái đẹp và được nó soi rọi, dẫn lối, con người ta dù có mê muội đến đâu cũng đều phải thức tỉnh. “Ngục quan cảm động vái người tù một vái” nghẹn ngào thốt lên: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Phải chăng con người chỉ vái lạy trước cái đẹp khi cái đẹp đã tràn đầy tâm hồn ta? Có những cái cúi đầu làm cho người ta thấp hèn, có những cái vái lạy làm cho người ta đê tiện. Nhưng cũng có những cái cúi đầu làm cho người ta sang trọng và cao cả đó là cái cúi đầu thành kính trước cái tài, cái thiện lương. Con chữ ấy, cái đẹp và ánh sáng thiên lương ấy sẽ mãi mãi trường tồn nơi lòng người, nó khiến cái chết trở nên nhỏ bé và đưa người nghệ sĩ sáng tạo cái đẹp – Huấn Cao trở thành bất tử. Như vậy, qua cảnh cho chữ, nhà văn đã bày tỏ quan niệm của bản thân về cái đẹp, Cái đẹp phải đi với cái thiện, nó có thể sản sinh từ cái chết, nơi cái ác ngự trị nhưng không thể cùng tồn tại với cái ác. Và để sở hữu, chiếm lĩnh cái đẹp, con người cần phải bảo vệ và giữ gìn thiện lương, kể cả phải hy sinh tính mạng của mình. Trên trang giấy, Nguyễn Tuân đã mở ra một thế giới nơi tôn vinh vẻ đẹp của con người, của tài hoa nhân phẩm và của cái thiện. Nhưng quan trọng hơn, nhà văn đã tạo lập nên một thế giới “như nó có thể và phải là” để cái đẹp được sống mãi, được tiếp tục sinh ra để chiến thắng cái ác. Quả là không sai khi nói rằng “Nếu có một ngôi đền để thờ phụng CÁI ĐẸP thì Nguyễn Tuân chính là viên tử tế chuyên lo công việc đèn nhang cho người đến lễ”.
Qua hai tác phẩm “ Chữ người tử tù” và “Hai đứa trẻ”, dù là hai câu chuyện, hai phong cách văn chương khác nhau, nhưng ở Thạch Lam và Nguyễn Tuân ta nhận thấy điểm giao nhau của họ là tấm lòng tha thiết trước những khát vọng, lý tưởng, vẻ đẹp trong tâm hồn của con người. Nếu Thạch Lam rung động trước những ước mơ đẹp của kiếp người nghèo khổ, bất hạnh – những kiếp người tàn thì Nguyễn Tuân lại nghiêng mình trước vẻ đẹp của tài hoa, của ánh sáng thiên lương cao cả. Cả hai nhà văn, bằng những cách thức khác nhau, đều đã kiến tạo nên thế giới “như nó có thể và phải là”, thúc đẩy con người nhanh chóng cải tạo xã hội để biến cái thế giới nơi trang giấy trở thành một thế giới có thật.
Bên cạnh đó, quan niệm cũng đã đưa ra những bài học sâu sắc cho quá trình sáng tác của nhà văn và quá trình tiếp nhận của bạn đọc. Nhà văn cần phản ánh hiện thực cuộc sống “thế giới như nó đang là” trong tác phẩm để không đi trái lại với các đặc trưng cơ bản của văn chương nghệ thuật. Nhưng nhà văn cũng không được quên sứ mệnh “nâng giấc cho những kẻ cùng đường, tuyệt lộ”. Anh cần phải xây dựng nên một thế giới khác với thế giới của thực tại, đó là thế giới “như nó có thể và phải là” để nâng đỡ các giá trị tinh thần cho người đọc. Đồng thời, nhà văn cũng cần sáng tạo nên những hình thức nghệ thuật phù hợp để nội dung tác phẩm được đầy đủ, trọn vẹn hơn. Về phía bạn đọc khi lĩnh hội thông điệp mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm cũng nên tìm cách hiện thực hóa những thông điệp ấy, có những phương án tác động vào đời sống xã hội để hiện thực phát triển theo hiều hướng đúng đắn, trở thành thế giới “như nó có thể và phải là” trong tương lai.
“Cái đẹp cứu chuộc thế giới“ (Doxtoepxki). Để thực hiện được sứ mệnh thiêng liêng ấy, “Văn học không chỉ quan tâm đến thế giới như nó đang là mà quan tâm đến thế giới như nó có thể và phài là”. Chỉ khi văn chương hòa vào cuộc sống, đào sâu vào những ước muốn nội tâm, những tâm tư tình cảm và phát hiện hiện, trân trọng vẻ đẹp của con người, văn học mới có sức mạnh thay đổi, cải tạo xã hội và hướng nhân loại về các giá trị tốt đẹp hơn.
NGUYỄN NGUYÊN THU HÀ
LỚP 11 CHUYÊN VĂN TRƯỜNG THTH ĐHSP
2019 - 2020

Nghệ thuật là chỗ tìm ra cái phi thường trong cái bình thường và cái bình thường trong cái phi thường

Didorot – nhà văn , nhà triết học Pháp thế kỉ thứ 18 từng cho rằng : “Nghệ thuật là chỗ tìm ra cái phi thường trong cái bình thường và cái bình thường trong cái phi thường”.
Anh chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sang tỏ qua đoạn trích: “Đọc Tiểu Thanh kí”
📝 BÀI LÀM
“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu”
Ấy trăm năm đã trôi qua nhưng có lẽ những vần thơ Nguyễn Du vẫn mãi trường tồn trong lòng người đọc. Bởi lẽ nhà đại thi hào viết thơ “ như có máu nhỏ trên đầu ngọn bút , nước mắt thấm qua trang giấy”. Thơ ông đề cập sâu sắc đến nỗi đau từ cổ chí kim của con người nhất là người phụ nữ - những “kiếp hồng nhan” hay những kẻ tài hoa mà bạc mệnh. Và “Đọc Tiểu Thanh kí” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất cho tấm lòng thương người tiếc tài của đại thi hào Nguyễn Du. Chính cái tâm sang ngời ấy đã khiến tác phẩm của ông sống mãi trong suốt trường kì lịch sử hay còn bởi con mắt tinh tường trông 6 cõi như nhà văn, nhà triết học Pháp Didorot nói: “Nghệ thuật là chỗ tìm ra cái phi thường trong cái bình thường và cái bình thường trong cái phi thường”.
Giữa cuộc sống thường nhật đầy rẫy những bộn bề, lo toan, hiếm có ai thử sống chậm lại để một lầncảm nhận về những điều phi thường trong vô vàn điều hết sức bình thường ấy. “ Tìm ra điều phi thường trong cái bình thường” là một cách khám phá, một cách nhìn sâu sắc mọi vấn đề. Nếu chỉ tìm hiểu về những thứ hào nhoáng, hời hợt ở vẻ bề ngoài thì sẽ chẳng bao giờ ta có thể nhận ra được vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong thứ vật chất phù du ấy. Nhưng “ từ trong cái phi thường ta phải nhận ra được những thứ bình thường”. Đây lại là một cách đánh giá bao quát , đơn giản hóa vấn đề, phải có con mắt tinh tế lắm thì ta mới dễ dàng nhận ra vẻ đẹp bình dị, rất đỗi thân quen của đối tượng cần nhắc đến. Nhận định của Dodirot đã đưa ra một quan điểm hoàn toàn xác đáng : “ Người nghệ sĩ phải có cái nhìn linh hoạt, thấu đáo, đa phương diện về một vấn đề hay đối tượng văn học”.
Mộng Liên Đường chủ nhân có nói: “Nguyễn Du có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” Thật vậy , tấm lòng Nguyễn Du luôn canh cánh lo cho con người,ông vui với niềm vui của con người, đau cùng nỗi đau con người, phải khóc, phải cười, phải trăn trở với con người. Thơ ông trở nặng suy tư , đau đáu một nỗi niềm : “ Nhân tình thế thái”. Lời thơ như tiếng tri âm, đồng cảm của những kẻ cùng chung số phận đặc biệt là Tiểu Thanh trong tác phẩm “Đọc Tiểu Thanh kí” .Hai con người như hòa vào làm một để cất lên tiếng than đau đến đứt ruột.
Trong xã hội phong kiến đương thời, có biết bao nhiêu người phụ nữ phải sống trong những nỗi đày đọa triền miên cả về thể xác lẫn tinh thần nhưng Nguyễn Du lại không viết về những người phụ nữ ấy mà chính cái tài “tìm ra điều phi thường trong cái tầm thường” đã giúp ông vượt qua cả rào cản về mặt thời gian( cách xa hơn 300 năm) và không gian địa lí trắc trở( Trung Quốc) để tới tri âm với nàng Tiểu Thanh- người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng vì làm lẽ nên bị vợ cả ghen, đày ra sống ở Cô Sơn cạnh Tây Hồ.
Buồn rầu, nàng sinh bệnh chết và để lại tập thơ. Nhưng vợ cả vẫn ghen nên đốt tập thơ,giờ chỉ còn lại một số bài thơ gọi là "phần dư".
Câu thơ đầu tiên cất lên là lời than cho cái đẹp bị dập vùi, tàn phá phũ phàng:
“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư”
Cảm xúc trước sự đổi thay của cuộc đời là cảm xúc mang tính nhân văn khá phổ biến trong thơ trung đại. Nguyễn Trãi thăm núi Dục Thúy mà cảm khái trước cảnh “rêu phủ nét chữ người xưa”.Bà Huyện Thanh Quan ngậm ngùi trước cảnh “dấu xưa xe ngựa” giờ chỉ còn là “ hồn thu thảo”, “ nền cũ lâu đài” gợi nhớ một triều đại rực rỡ đã đi qua. Câu thơ của Nguyễn Du có gợi lên lẽ đời dâu bể nhưng mối thương tâm của thi nhân lại đặt nơi cái đẹp bị tàn phá phũ phàng.Hình ảnh thơ đối lập: cảnh đẹp >< gò hoang gợi nghịch cảnh éo le. Từ “tẫn” trong nguyên bản chữ Hán “tẫn thành khư” gợi sự đổi thay mãnh liệt không còn dấu vết nào.Dường như phải có một con mắt tinh tế lắm mới có thể nhận ra đống đổ nát nơi gò hoang xưa đã từng là một địa danh rất đẹp. Thời gian tàn phá lên mọi cảnh vật , phủ mờ đi tất cả. Đang trong dòng hoài niệm bỗng tác giả sực tỉnh và trở về thực tại, với nghịch cảnh trớ trêu, nghịch cảnh giữa qúa khứ và hiện tại, giữa vẻ đẹp huy hoàng/sự hoang vu cô quạnh.
Nhớ đến Tây Hồ là nhớ đến nàng Tiểu Thanh- người con gái tài hoa bạc mệnh. Nguyễn Du xót xa tiếc nuối, ai oán trước số phận nghiệt ngã của Tiểu Thanh .Cái chết của nàng là bằng chứng xót xa cho một kiếp hồng nhan, từ đó càng nuối tiếc trước cảnh và người đẹp đều chịu chung số phận. Nếu như trong Truyện Kiều, Thúy Kiều tri ngộ với số phận Đạm Tiên qua lời kể củaVương Quan thì ở Đọc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du thấu hiểu nỗi oan khiên của Tiểu Thanh qua “ mảnh giấy tàn” trước song cửa sổ:
“Độc điếu song tiền nhất chỉ thư”
Cuộc tri ngộ giữa Thúy Kiều và Đạm Tiên còn có sự chứng kiến của chị em Kiều , còn viếng thăm của Nguyễn Du với nàng Tiểu Thanh chỉ qua một tập sách bị đốt dở. Chữ “ độc” và chữ “nhất”trong câu thơ chữ Hán cũng là để nói một lòng đau tìm gặp một hồn đau.Ông đã một mình đối diện với số đời của Tiểu Thanh. Đây phải chăng là sự đồng cảm giữa “tài tử và giai nhân”,giữa “xưa và nay”.
Người con gái với số phận nghiệt ngã là thế nhưng với ngòi bút nhân đạo của mình, ông đã khai phá được những vẻ đẹp tài năng và tâm hồn ẩn sâu bên trong con người nàng. Đời Tiểu Thanh là điển hình của hai nỗi oan lớn: hồng nhan bạc phận, tài mệnh tương đố.Người đẹp như nàng mà bất hạnh, chết yểu. Có tài thơ văn như nàng mà bị dập vùi. Di cảo của Tiểu Thanh chính là di hận:
“Chi phấn hữu thần liên tử hậu Văn chương vộ mệnh lụy phần dư”
Nguyễn Du nhắc đến cuộc đời Tiểu Thanh bằng những ẩn dụ tượng trưng quen thuộc , son phấn là biểu tượng cho sắc đẹp, văn chương là ẩn dụ cho tài năng của Tiểu Thanh .Hai vật thể vô tri vô giác được nhân cách hóa như có “thần”,có “ hồn”. Chính nước mắt và máu của Tiểu Thanh đã tạo nên “cái thần”,”cái mệnh”của son phấn, văn chương, hay “niềm cảm thông lạ lung của nhà đại thi hào dân tộc”(hoài Thanh) đã tạo “thần”,cái “hồn” để nó để cho nó để nỗi hận còn vương đến muôn đời ?Cảm xúc của Tố Như càng dồn nén thì câu thơ càng dẫn đến tính đa nghĩa.Nếu hiểu văn chương là chủ thể tự hận thì dẫn đến cách cảm: son phấncó thần, cũng phải xót xa về những việc làm sau khi chết, văn chương không có số mệnh gì cũng bị đốt dở. Nếu hiểu “son phấn”, “văn chương” là đối tượng thương cảm của người đời thì có cách hiểu: son phấn như có thần, sau khi chết người ta còn thương tiếc, văn chương có số mệnh gì mà người ta phải bận lòng đến những bài thơ còn sót lại. Tiểu Thanh đẹp , tài năng là thế,ai mới trông qua tưởng đó là một người phụ nữ “phi thường”,hội tụ tất cả tài năng của quan niệm phong kiến, nhưng họ cũng giống như những người phụ nữ khác đương thời,cũng phải chịu một nỗi đau chung, rất “bình thường” cả về thể xác lẫn tinh thần.
Nhưng xét đến cùng nó cũng quy vào cảm hứng vĩnh hằng của Nguyễn Du trước cái đẹp và tài năng. Ta đã từng bắt gặp nỗi niềm thương cảm của Nguyễn Du thương cho “nghiệp chướng phấn son”, nhưng đồng thời ca ngợi một trang giai nhân tuyệt sắc: “Non bồng xa xuống một cành xinh/ Sắc đẹp màu xuân nức sáu thành” khi viếng ca nữ đất La Thành. Trong “Đọc Tiểu Thanh kí”,cái đẹp có thể tàn về than xác nhưng “chôn vẫn hận”.Cái mệnh của Tiểu Thanh thật ngắn ngủi còn cái mệnh của văn chương thì “đốt còn vương”. Giọt nước mắt xót thương cho số phận Tiểu Thanh đã kết tinh lại thành hạt châu trân trọng và ngợi ca cái đẹp.Nếu đặt trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, xã hội phủ nhận tài năng,trí tuệ của người phụ nữ thì tác phẩm của Nguyễn Du lại càng được đánh giá cao bởi chiều sâu nhân đạo.
“Trăm năm trong cõi người ta - Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”
Nguyễn Du đã từ cái hận của Tiểu Thanh mà nghĩ đến cái hận muôn đời, cái hận nay cứ triền miên không bao giờ chấm dứt.Từ nỗi đau riêng của Tiểu Thành mà quy thành nỗi đau từ cổ chí kim của bao kiếp người tài hoa. Nỗi oan của Tiểu Thanh Trong suy nghĩ ấy, có lẽ Nguyễn Du còn liên tưởng đến bao cuộc đời như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ – những người có tài mà ông hằng ngưỡng mộ – và bao người tài hoa bạc mệnh khác nữa. Những oan khuất bế tắc của nghìn đời "khó hỏi trời" (thiên nan vấn). Câu thơ đã giúp ta hình dung rõ cuộc sống của những nạn nhân chế độ phong kiến, dồn nén thái độ bất bình uất ức ủa nhà thơ với thời cuộc, đồng thời cũng thể hiện một sự bế tắc của Nguyễn Du. Do vậy nỗi hận trở nên quá lớn khó mà hỏi trời được: “Thiên nan vấn”. Lời thơ như lời than,oán trách ông trời vì lẽ đời nghiệt ngã, trái ngang đã đẩy bao kẻ phong lưu vào kiếp đời buôn ba, đau khổ.Nhưng có hỏi trời thì cũng chẳngmong một lời giải đáp, vì thế càng hận, càng nhức nhối.Nỗi đau của Tiểu thanh vốn dĩ rất riêng nhưng Nguyễn Du đã tinh tế nhận ra nỗi đau rất bình thường, rất rộng lớn- đó là nỗi đau cua rcarlowsp người , một thế hệ.
“ Cổ kim hận sự thiên nan vấn”
Bên cạnh nỗi hận là cái “ án phong lưu”. Và đây lại là một nghịch cảnh chua xót;: khách phong lưu mà phải khổ, phải mang cái án oan lạ lung vì nết phong nhã. Đến câu thơ thứ sáu thì khách thể và chủ thể đã hòa vào làm một:
“Phong vận kì oan ngã tự cư”
Câu thơ dịch chữ “ngã” thành chữ “khách” đã không tô đậm được yếu tố chủ thể nhập thân vào khách thể.Nguyễn Du tự cho mình là người cùng hội với Tiểu Thanh.Đó là tình cảm chân thành đồng điệu của Nguyễn Du, cũng thể hiện tầm vóc lớn lao của chủ nghĩa nhân đạo rất đẹp và rất sâu của ông. Không phải chỉ một lần nhà thơ nói lên điều này. Ông đã từng hóa thân vào nàng Kiều để khóc thay nhân vật, ông đã từng khẳng định một cách đầy ý thức "thuở nhỏ, ta tự cho là mình có tài". Cách trông người mà ngẫm đến ta ấy, trong thi văn cổ điển Việt Nam trước ông có lẽ hiếm ai thể hiện sâu sắc như vậy. Tự đặt mình "đồng hội đồng thuyền" với Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã tự phơi bày lòng mình cùng nhân thế. Tâm sự chung của những ngưòi mắc "kỳ oan" đã đưọc bộc bạch trực tiếp mạnh mẽ trong tiếng nói riêng tư khiến người đọc cũng không khỏi ngậm ngùi. Tâm sự ấy không chỉ của riêng Nguyễn Du mà còn là nỗi niềm của các nhà thơ thời bấy giờ. Vậy là từ giọt lệ thương người, khóc người, Nguyễn Du đã chuyển sang tự thương mình.
Hai câu thơ cuối khép lại bài thơ là niềm mong ước được tri âm của Nguyễn Du ở hậu thế:
“Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du không hỏi quá khứ, hiện tại mà hỏi tương lai, không hỏi trời, đất mà lại hỏi người đời.Hỏi ba trăm năm sau,thiên hạ có ai khác Tố Như?Với Tiểu Thanh, ba trăm năm sau đãcó một Nguyễn Du “thổn thức bên song” với “mảnh gả giấy tàn”. Còn Nguyễn Du liệu có ai khóc, ai đau cho phận đời trôi nổi. “Bất tri”-không biết được. Niềm tự thương kết tụ thành một lời thắc mắc lơ lửnggiữa không trung mà chẳng ai có thể giải đáp được vì thế tự đau đến cực độ.Ông muốn tìm thấy sự tri âm ở mai hậu bởi lẽ khi con người taco đơn, lạc lõng mới dễ trở nên yếu đuối,vô vọng.Nhà thơ khác khoải hoài vọng ở tương lai: đời sau trong muôn một còn có kẻ “khóc người đời xưa”bởi thời đại Nguyễn Du khổ đau,khát khao được giải tỏa nhưng vẫn bết tắc.Bế tắc nhưng vẫn không thôi hi vọng.Vì vậy, nỗi niềm Tố Như gửi tới mai hậu không phải là sự tuyệt vọng mà là niềm hi vọng được giải tỏa.
Tự thương mình là một nét mới mang tinh thần nhân bản cuả thời đại cuối thế kỉ thứ XVIII-đầu thế kỉ XIX-thời đại con người chưa ý thức được vè bản than, về tài năng, nỗi đau của chính mình.Sự tự thương mình là sự tự ý thức,là bằng nước mắt mà thấm in bản ngã của mình để chống lại sự chi phối của quan niệm “phi ngã”, “vô ngã”.
Bài thơ mở đầu bằng khóc người , thương người nay kết thúc bằng khóc mình, thương mình. Khóc người,thương người là sự mênh mang cao cả của trái tim nhân đạo. Khóc mình, thương mình là sự sâu sắc của tư tưởng nhân văn. Độc Tiểu Thanh kí đã hội nhập được cả hai điều đó .
Chỉ với tám câu thơ nhưng người đọc đã đủ cảm nhận được một tâm hồn tha thiết yêu cuộc sống, yêu con người của đại thi hào Nguyễn Du. Không cần đến 300 năm sau , hậu thế vẫn luôn nhớ đến ông, nhớ đến những vần thơ tràn đầy xúc cảm như thứ ánh sáng lấp lánh nổi bật lên kho tằng văn thơ trung đại nói riêng và văn học Việt Nam nói chung:
Hỡi Người xưa của ta nay Khúc vui xin lại so dây cùng Người (Kính gửi cụ Nguyễn Du – Tố Hữu)
Nghệ thuật chân chính không nhất thiết là phải dùng những ngôn từ mĩ lệ , những đề tài mới chưa ai khám phá mà“Nghệ thuật là chỗ tìm ra cái phi thường trong cái bình thường và cái bình thường trong cái phi thường” . Muốn vậy kẻ làm thơ phải có năng khiếu, có vốn văn hóa rộng rãi, lí tưởng thẩm mĩ cao đẹp, hơn hết là một cái tâm sáng ngời bởi lẽ “ thơ là tiếng lòng” ( Diệp Tiếp)
Qua tác phẩm văn chương, nhà thơ nhìn đời một cách cao đẹp, đầy giá trị nhân văn.Nhờ việc hiểu rõ về những thứ “tầm thường” , “phi thường” thi sĩ có cách đánh giá sâu sắc về cuộc đời. Từ cuộc đời Tiểu
Thanh đầy rẫy nhưng đau khổ bất công, nhà thơ bày tỏ thái độ cảm thông, tiếc nuối , tiếc cho lẽ đời dâu bể “ Trải qua một cuộc bể dâu
Những gì trông thấy mà đau đớn lòng”
Chính cái tài thấu muôn đời muôn kiếp ấy đã đưa tên tuổi Nguyễn Du trở thành một nhà thơ hang đầu của nền văn học viết. Ấy thế mới thấy rõ được quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật của thi sĩ gian nan biết chừng nào. Phải cảm ơn những nhà văn, nhà thơ như thế , người đời mới có thể hiểu rõ về mọi vật trong cuộc sống từ cơ bản, bao quát nhất đến chi tiết, nâng cao.
L.Tônx tôi khẳng định:"Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu.Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì 1 xã hội công bằng,bình đẳng bác ái luôn luôn thôi thúc các nhà văn và viết,vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ,hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại". Nguyễn Du đã đem lòng thương cảm của mình để khóc cho người con gái xa lạ Tiểu Thanh, khóc cho một lớp người “phong vận kì oan”. Chính vì lẽ đó mà Nguyễn Du đã lưu dấu ấn của mình trong lòng bạn đọc để rồi nở hoa thành những lẽ sống đẹp, nhân nghĩa.
--------------------------------------
Nguồn: #Thủy_tiên - Fanpage Thích văn học

  ĐỀ: “Một vầng trăng in trong gương Vẫn là một vầng trăng. Vầng trăng qua lòng mắt người nghệ sĩ Có thể thành vô vàn nét đẹp.” (Theo Phạm T...